Nghệ nhân ưu tú với văn học dân gian Thái
Lượt xem: 695
Từ lâu cái tên Cầm Vui đã thân quen với đồng bào dân tộc Thái ở huyện Mường La nói riêng và trong tỉnh nói chung, bởi những bài hát, thơ bằng tiếng Thái do anh sáng tác đều có tính tuyên truyền cao, phản ánh hiện thực đời sống đồng bào dân tộc Thái, nên được nhiều người dân đón nhận và cổ vũ. Bên cạnh đó, anh còn tham gia nghiên cứu, sưu tầm, biên dịch, biên soạn nhiều tác phẩm văn học dân gian Thái, góp phần lưu giữ văn hóa dân tộc Thái.    

Anh Cầm Vui nghiên cứu, sưu tầm và biên dịch các tác phẩm dân gian đồng bào dân tộc Thái.

           

Anh Cầm Vui sinh năm 1957, quê xã Mường Trai (Mường La). Từ nhỏ, anh đã bộc lộ năng khiếu văn nghệ, nên tham gia đội văn nghệ của xã. Năm 1979, anh xin về Phòng Văn hóa huyện Mường La công tác và được cử đi học tại Trường Văn hóa nghệ thuật tỉnh Hưng Yên. Tốt nghiệp, anh trở về Phòng Văn hóa tiếp tục công tác và được phân công làm Đội trưởng đội tuyên truyền, xây dựng phong trào văn hóa văn nghệ ở cơ sở. Đến nay, anh đã sáng tác được 300 bài hát, thơ in thành 3 cuốn: “Sơn La hung hương lao dỏn” (Sơn La miền sao sáng) có nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương Sơn La đổi mới; “Nghịa sương căn” (tình cảm yêu thương), gồm những bài hát đối đáp, giao duyên, người già thăm nhau và cuốn “Sống khươi tỏn pạư”, phản ánh phong tục tập quán trong cưới xin của đồng bào dân tộc Thái. Những tác phẩm của anh đều phản ánh hiện thực đời sống của người dân, mang tính thời sự và giáo dục cao. Bên cạnh sáng tác và biểu diễn, anh còn sử dụng thành thạo nhiều loại nhạc cụ dân tộc Thái như: Tính tẩu, xi xó lo, khèn bè, pí pặp, pí thiu… để đệm cho người khác hát.

           

Ngoài công việc sáng tác, anh Cầm Vui còn tham gia nghiên cứu, sưu tầm, biên tập văn học dân gian Thái, như: “Sổ khắp một - xên phon” những bài hát, bài cúng; “Sổ tam phi - tam khuôn”, những bài cúng, gọi hồn và “Sổ quam măn - quam muôn”, đọc thần chú để chữa bệnh, đuổi tà ma... được anh sưu tầm và biên dịch từ chữ Thái cổ sang chữ phổ thông, với gần 1.000 trang. Để hoàn thành các cuốn sách này, anh đã mất gần 10 năm lặn lội đến nhiều vùng, miền có người Thái sinh sống để sưu tầm, như các tỉnh: Điện Biên, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái... Anh còn nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ, thực hành và phổ biến 28 truyện thơ, trường ca bằng tiếng Thái cổ, như: Sống chụ son sao; Tản chụ sống sương; Hiên Hom; Khun Lu - Nang Ủa; Ý Nọi - Nang Xưa; Ý Đón - Ý Đăm; Sông Ca - Si Cáy; khảo tả, phổ biến cách thức tổ chức 9 lễ hội của dân tộc Thái: Xên bản, Xên mường, Xên đông, Xên lẩu nó, lên nhà mới, cầu mưa, mừng cơm mới, hội bắt cá...

           

Mặc dù đã nghỉ chế độ hưu trí, anh Cầm Vui vẫn tích cực tham gia nghiên cứu, sưu tầm văn hóa, nghệ thuật và hiện là hội viên Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật tỉnh. Gần đây, anh đã sáng tác 20 bài hát cho xã Ngọc Chiến, với chủ đề “Về miền quê cổ tích”, nội dung ca ngợi quê hương, cảnh quan thiên nhiên, con người mến khách, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa, quảng bá du lịch..., được các đội văn nghệ lựa chọn, thường xuyên biểu diễn phục vụ bà con, khách du lịch đến tham quan.

           

Với những đóng góp, cống hiến, anh Cầm Vui đã được nhận Huy chương Vàng Hội diễn văn nghệ quần chúng tỉnh Sơn La năm 2004; Bảo tàng dân tộc học Việt Nam tặng Bằng khen về giữ gìn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể năm 2004. Năm 2010, anh cùng nhóm tác giả được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trao giải B về nghiên cứu tham gia dự án “Sự biến đổi văn hóa tộc người Thái ở Tây Bắc trong thời kỳ đổi mới”; cùng nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp các ngành. Năm 2015, anh Cầm Vui được Chủ tịch nước phong tặng Nghệ nhân ưu tú về loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, lễ hội truyền thống tỉnh Sơn La.