Qua 40 năm xây dựng và trưởng thành, Bảo tàng Sơn La đã thắp sáng ngọn lửa đam mê, yêu ngành, yêu nghề, luôn “gìn giữ cho muôn đời sau” của nhiều thế hệ cán bộ, viên chức, lao động của Bảo tàng trong hoạt động di sản, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình với vai trò là 1 thiết chế văn hóa độc lập, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh nhà.
I. QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA BẢO TÀNG TỈNH SƠN LA
1. Giai đoạn 1985 đến 1994
Ra đời từ những năm 60 của thế kỷ XX, tiền thân từ nhà Bảo tàng Khu Tự trị Tây Bắc với nhiệm vụ chủ yếu là sưu tầm, gìn giữ những tài liệu, hiện vật dân tộc học tiêu biểu, hiện vật thời kỳ kháng chiến và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của đồng bào các dân tộc Tây Bắc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong thời kỳ chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ (1965 - 1971), nhà Bảo tàng Khu tự trị sơ tán tại Khu Lũng Sương, xã Muổi Nọi, huyện Thuận Châu. Năm 1975 khi Khu Tự trị Tây Bắc giải thể, phòng Bảo tàng Khu được sáp nhập với Phòng Nghiệp vụ của Ty Văn hoá Sơn La thành phòng Bảo tàng trực thuộc Ty và tiếp quản khu di tích lịch sử Nhà tù Sơn La (di tích đầu tiên của tỉnh Sơn La được xếp hạng đợt I, năm 1962). cấu tổ chức của phòng Bảo tàng lúc đó có tổng số cán bộ, viên chức gồm 17 Cơ đồng chí. Trước yêu cầu của công tác Văn hóa - Thông tin, phòng Bảo tàng bước sang chặng đường phát triển mới của sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa địa phương
Thực hiện quyết định số 124/QĐ-TC ngày 02/3/1985 của UBND tỉnh Sơn La về việc thành lập Bảo tàng tỉnh. Bộ máy tổ chức khi mới thành lập gồm có Ban giám đốc, 01 phòng Tổ chức hành chính và 05 tổ nghiệp vụ (bao gồm: Tổ Nghiên cứu sưu tầm, Tổ Kiểm kê, bảo quản tài liệu hiện vật, Tổ Trưng bày, Tổ Công tác quần chúng, hướng dẫn tham quan tuyên truyền, Tổ di tích và phát huy tác dụng di tích). Tổng số cán bộ, viên chức và lao động là 17 người, trong đó có 03 người có trình độ đại học, số còn lại chủ yếu trình độ trung cấp và sơ cấp.
Do đặc thù của một tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế xã hội còn gặp nhiều khó khăn, chưa có kinh phí để xây dựng Bảo tàng tổng hợp tỉnh, nên Bảo tàng tỉnh sử dụng lại một phần cơ sở vật chất của khu Trại lính khố xanh nằm trong khuôn viên di tích lịch sử Nhà tù Sơn La để đặt trụ sở làm việc. Trên cơ sở đó, bằng nguồn ngân sách đầu tư của UBND tỉnh đã xây dựng 2 tòa nhà (mỗi tòa có 2 tầng) theo lối kiến trúc thời Pháp thuộc khá kiên cố trên nền cũ của Trại lính khố xanh và nhà giám binh để làm các phòng trưng bày, kho bảo quản hiện vật và phòng làm việc của cán bộ viên chức. Đồng thời đầu tư mua sắm một số trang thiết bị phục vụ chuyên môn như tủ, bục trưng bày, lắp đặt hệ thống chiếu sáng, bàn, ghế làm việc…
Dưới sự chỉ đạo của Ban giám đốc, tổ Nghiên cứu - sưu tầm phân công cán bộ thường xuyên bám cơ sở tổ chức sưu tầm hiện vật trên diện rộng. Với phương châm 3 cùng là “cùng ăn, cùng ở cùng làm”, mỗi cán bộ sưu tầm ngoài thực hiện nhiệm vụ được giao là sưu tầm hiện vật, còn phải thực hiện vai trò làm công tác dân vận, vận động nhân dân hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng. Giai đoạn này Bảo tàng tỉnh sưu tầm được trên 2.000 tư liệu hiện vật khảo cổ, cổ vật và thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Mỹ; gần 300 hiện vật dân tộc học và khoảng 200 hiện vật thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Song song với công tác nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản hiện vật, Bảo tàng tỉnh rất quan tâm chú trọng đến công tác trưng bày triển lãm chuyên đề và triển lãm lưu động phục vụ các nhiệm vụ chính trị, các ngày lễ kỷ niệm của đất nước, của tỉnh hàng năm. Để phục vụ nhu cầu tham quan của du khách, năm 1985 Bảo tàng tỉnh đã đầu tư xây dựng phòng trưng bày bổ sung di tích lịch sử Nhà tù Sơn La tại vị trí khu nhà giám binh cũ (trong khuôn viên Trại lính khố xanh).
Công tác tuyên truyền, giáo dục là một trong những hoạt động cơ bản trong 6 khâu công tác của Bảo tàng. Ngay từ những năm đầu thành lập, Bảo tàng tỉnh Sơn La luôn quan tâm đến chất lượng đón tiếp, phục vụ khách tham quan. Cùng với sự hình thành và phát triển của Bảo tàng tỉnh, đội ngũ làm công tác tuyên truyền cũng không ngừng được lớn mạnh, tạo thành “thương hiệu” được nhiều người biết đến.
Trong giai đoạn này, Bảo tàng tỉnh Sơn La vừa phải khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất, vừa tập trung nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ, nâng cao chất lượng hoạt động, đón tiếp phục vụ khách tham quan.
Bên cạnh công tác bảo tàng, công tác bảo tồn thời kỳ này mặc dù đã thành lập tổ quản lý và phát huy giá trị di tích, tuy nhiên lĩnh vực này chưa được đầu tư, quan tâm đúng mức. Số lượng cán bộ Tổ di tích có 5 đồng chí, trình độ chuyên môn có 3 đồng chí qua lớp sơ cấp Bảo tàng, còn lại chưa qua đào tạo. Nhiệm vụ của tổ lúc này chủ yếu dẫn khách tham quan khu di tích Nhà tù Sơn La và đi cơ sở xây dựng sơ thảo lịch sử cho các xã vùng lòng hồ thuỷ điện Hoà Bình và xây dựng phòng truyền thống cho các xã và huyện.
Công tác lập hồ sơ xếp hạng di tích mới chưa được đẩy mạnh, toàn tỉnh duy nhất chỉ có một di tích được xếp hạng năm 1962, đó là di tích quốc gia Nhà tù Sơn La, còn lại các di tích khác mới chỉ dừng lại ở việc điều tra, phát hiện để đưa vào danh mục dự kiến lập hồ sơ xếp hạng ở giai đoạn sau.
Công tác khảo cổ học: Trong thời kỳ này, cán bộ Tổ di tích tập trung khảo sát một vài điểm nhỏ, hoặc thu thập những di vật khảo cổ do nhân dân phát hiện ngẫu nhiên đưa vào làm hiện vật Bảo tàng. Đến cuối năm 1989 Tổ di tích kết hợp với đoàn khảo sát của Viện khảo cổ học Việt Nam đã phát hiện ra các hoá thạch động vật Néogen trong mỏ than Hang Mon (Yên Châu). Mùa điền dã năm 1992 đã mở rộng địa bàn khảo sát khắp các huyện Mộc Châu, Yên Châu, Thuận Châu và thị xã Sơn La.
2. Giai đoạn từ năm 1994 đến năm 2008.
Cơ cấu tổ chức bộ máy của đơn vị giai đoạn này có sự thay đổi, đơn vị tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng và tuyển dụng mới những cán bộ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đa số cán bộ làm công tác nghiệp vụ thuộc các tổ đều có trình độ cao đẳng, đại học trở lên. Năm 1994, đơn vị đã kiện toàn bộ máy tổ chức cán bộ.
Đến năm 2001, từ các tổ chuyên môn trước đây được nâng cấp thành các phòng chức năng gồm: Phòng Hành chính quản trị, Phòng Nghiệp vụ Di tích, Phòng Nghiệp vụ Bảo tàng, với tổng số 22 cán bộ, viên chức, lao động hợp đồng 68. Trong số 2 phòng chuyên môn, phòng Nghiệp vụ Di tích được giao nhiệm vụ tham mưu, đề xuất giúp Ban giám đốc đơn vị về công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh và thực hiện công tác đón tiếp, phục vụ khách tham quan tại Bảo tàng và giáo dục truyền thống cơ sở. Phòng Nghiệp vụ Bảo tàng thực hiện chức năng tham mưu và tổ chức thực hiện 5 khâu công tác Bảo tàng gồm: Nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày - triển lãm.
Công tác nghiên cứu khoa học là một trong những khâu bản lề, mở đầu cho các hoạt động nghiệp vụ của Bảo tàng. Năm 1998, đơn vị thực hiện đề tài khoa học cấp tỉnh “Các di tích văn hóa tiền, sơ sử Sơn La và vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị”.
Được sự cho phép của Sở Văn hoá - Thông tin, năm 2001 Bảo tàng tỉnh đã Quyết định thành lập Hội đồng khoa học của đơn vị gồm có 9 đồng chí là những cán bộ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có năng lực thực tiễn trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học để tham mưu giúp Ban giám đốc đơn vị về việc thẩm định, đánh giá, nghiệm thu hiện vật sưu tầm trước khi nhập kho, các đề cương trưng bày triển lãm, hồ sơ khoa học di tích. Bên cạnh đó, giai đoạn này Bảo tàng tỉnh được giao nhiệm vụ thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia về nghiên cứu, bảo tồn các di sản văn hoá phi vật thể của các dân tộc trong tỉnh.
Năm 2003 đơn vị thực hiện đề tài khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu bổ sung và viết thuyết minh giới thiệu một số di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh dọc quốc lộ 6 trên địa bàn tỉnh Sơn La” giai đoạn 2003 - 2013. Đồng thời, xây dựng nội dung thuyết minh hướng dẫn du lịch, bản đồ du lịch tỉnh Sơn La, huyện Mộc Châu và thành phố Sơn La, phát hành VCD giới thiệu tiềm năng du lịch Sơn La.
Để quản lý, bảo quản tư liệu, hiện vật tại kho và các phòng trưng bày được tốt, từ năm 2000 - 2008 Bảo tàng tỉnh đã đầu tư trang bị phương tiện kỹ thuật như máy hút bụi, máy chống ẩm, lắp đặt điều hòa nhiệt độ, mua sắm thêm hệ thống tủ, bục trưng bày, giá đựng hiện vật. Định kỳ hàng tháng tổ chức lao động dọn dẹp vệ sinh, xông hóa chất chống mối mọt, các loại côn trùng xâm hại hiện vật.
Công tác trưng bày, triển lãm phục vụ các nhiệm vụ chính trị: năm 1994 Bảo tàng tỉnh thực hiện dự án trùng tu tôn tạo các hạng mục của di tích lịch sử Nhà tù Sơn La. Theo đó, toàn bộ tư liệu hiện vật về Nhà tù Sơn La tại phòng trưng bày bổ sung di tích trên nền Trại Giám binh được chuyển đến trưng bày tại Trại lớn mới của di tích lịch sử Nhà tù Sơn La (ngay trên xà lim ngầm) để tiện cho du khách trong tuyến tham quan.
Đơn vị đã tận dụng không gian của Trại Giám binh để trưng bày các phòng chuyên đề cố định: năm 1994, trưng bày chuyên đề “Đặc trưng văn hóa các dân tộc Sơn La”; năm 1997 trưng bày chuyên đề “Thời kỳ tiền sử và sơ sử Sơn La” và năm 2000, trưng bày chuyên đề “Bác Hồ với nhân dân các dân tộc Sơn La” với hàng trăm tư liệu, hiện vật quý hiếm phục vụ khách tham quan.
Công tác tuyên truyền giáo dục: Giai đoạn 1994 - 2008, số lượng khách tham quan đến với Bảo tàng và các điểm di tích do Bảo tàng quản lý đã tăng lên rõ rệt so với giai đoạn trước. Để đáp ứng nhu cầu của khách tham quan du lịch, đòi hỏi cần phải đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đón tiếp, phục vụ. Trên cơ sở đó Ban giám đốc đơn vị đã chỉ đạo phòng Nghiệp vụ di tích tích cực nghiên cứu tư liệu qua các cuốn hồi ký, gặp gỡ các nhân chứng lịch sử để bổ sung nội dung thuyết minh, viết các bài text giới thiệu kèm theo nội dung trưng bày. Đồng thời quan tâm tạo điều kiện cho cán bộ tham gia các lớp tập huấn, các chương trình bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ.
Công tác bảo tồn và phát huy tác dụng di tích:
Nếu như giai đoạn 1985-1994, toàn tỉnh chỉ có 1 di tích được xếp hạng, thì đến giai đoạn này đã có 36 di tích được xếp hạng, trong đó có 28 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, 8 di tích được xếp hạng cấp quốc gia. Cùng với công tác lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích mới, công tác khảo cổ học giai đoạn này cũng đặc biệt được quan tâm với việc tham gia dự án thành phần “Bảo tồn di sản văn hóa vùng lòng hồ thủy điện Sơn La” từ năm 1997 - 2009.
Với những thành tích đạt được trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc thời kỳ này, năm 2007 Đảng và nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng III cho tập thể cán bộ, viên chức Bảo tàng tỉnh Sơn La và quyết định nâng hạng từ Bảo tàng loại III lên Bảo tàng loại II.
3. Giai đoạn từ năm 2009 đến 2018.
Ngày 29/9/2009, UBND tỉnh Sơn La ban hành Quyết định số 2629/QĐ-UBND về việc kiện toàn bộ máy tổ chức Bảo tàng tỉnh. Theo đó, số phòng chức năng của đơn vị tăng từ 3 lên 4 đó là: Phòng Nghiệp vụ Bảo tàng, phòng Nghiệp vụ Di tích, phòng Tuyên truyền - Giáo dục và phòng Hành chính - Tổng hợp.
Tổng số cán bộ, viên chức và lao động của đơn vị thời điểm này là 29 đồng chí, trong đó trình độ thạc sỹ 01 đồng chí, đại học 24 đồng chí, còn lại trình độ cao đẳng và trung cấp.
Công tác nghiên cứu khoa học tiếp tục được xác định phải đi trước một bước, mở đầu cho các khâu còn lại của công tác Bảo tàng. Từ 2009, cán bộ chuyên môn nghiệp của đơn vị tích cực nghiên cứu về lịch sử xã hội, giá trị di sản văn hoá của địa phương, viết bài đăng trên các tạp chí khoa học của Trung ương và địa phương, các phương tiện thông tin đại chúng như Tạp chí Di sản văn hóa (Cục Di sản văn hoá), Tạp chí Khảo cổ (Viện Khảo cổ học Việt Nam), Báo Sơn La, bản tin Sơn La - Xưa và nay của Hội Khoa học lịch sử tỉnh Sơn La, Bản tin Trí thức với Khoa học và Công nghệ của Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Sơn La, bản tin Văn hóa, thể thao du lịch và gia đình của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Sơn La…
Từ năm 2008 đến nay, Bảo tàng Sơn La phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam, Ban quản lý dự án nhà máy Thủy điện Sơn La tổ chức sưu tầm trên 1.000 tư liệu, hiện vật dân tộc học của 4 dân tộc: Thái, Khơ Mú, Kháng, La Ha sinh sống trong vùng ngập của Thuỷ điện Sơn La, tổ chức khai quật, trục vớt hơn 6.000 hiện vật khảo cổ.
Công tác trưng bày, triển lãm của đơn vị đang từng bước được hiện đại hóa với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong khâu thiết kế mỹ thuật. Ngoài 4 phòng trưng bày cố định tại Bảo tàng, 01 phòng trưng bày bổ sung tại di tích Nhà tù Sơn La. Bảo tàng tỉnh còn quản lý, tổ chức đón tiếp phục vụ khách tham quan tại nhà trưng bày chuyên đề giới thiệu Di sản văn hoá vùng lòng hồ thuỷ điện Sơn La (tại thị trấn Ít Ong, huyện Mường La).
Công tác Tuyên truyền giáo dục ngày càng được đẩy mạnh. Từ năm 2009, Bảo tàng tỉnh Sơn La đã phối hợp với phòng Giáo dục - đào tạo các huyện trên địa bàn tỉnh Sơn La tổ chức trung bình mỗi năm trên 60 cuộc giáo dục truyền thống thu hút trên 10 ngàn học sinh và giáo viên, tân binh tham gia. Hình thức hoạt động không ngừng được đổi mới, nâng cao về chất lượng, đa dạng về hình thức tuyên truyền: Thi viết, thi rung chuông vàng… phối hợp linh hoạt các phương pháp tuyên truyền: diễn thuyết, đàm thoại, vấn đáp. Đồng thời, tạo điều kiện cho các cơ quan đơn vị có nhu cầu tham quan học tập và tổ chức các hoạt động giáo dục thiết thực như: kết nạp Đảng viên mới tại Di tích Nhà tù Sơn La; kết nạp Đoàn, Đội, trao giấy chứng nhận cháu ngoan Bác Hồ…
Công tác quản lý phát huy giá trị của các di tích lịch sử - văn hoá và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh ngày càng nhận được sự quan tâm của các cấp ngành và toàn xã hội, điều đó được thể hiện bằng việc UBND tỉnh ban hành các văn bản nhà nước có tính định hướng cho từng giai đoạn cụ thể: Kế hoạch số 64/KH-UBND ngày 21/9/2008 về việc quản lý bảo vệ và phát huy giá trị các di tích lịch sử, danh thắng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2008-2015 và định hướng đến 2020; Kế hoạch số 52/KH-UBND ngày 20/6/2012 về việc xếp hạng các di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh và hoàn thiện hồ sơ pháp lý cho các di tích đã xếp hạng giai đoạn 2012-2015…
Thông qua chương trình mục tiêu quốc gia chống xuống cấp hàng năm kết hợp với các nguồn lực xã hội hoá, nhiều di tích được tôn tạo, nâng cấp; điển hình như di tích lịch sử Nhà tù Sơn La, di tích Bia Quế Lâm ngự chế-Đền thờ Vua Lê Thái Tông (thành phố Sơn La), di tích lịch sử Đồn Mộc Lỵ, danh thắng Hang Dơi (huyện Mộc Châu), đền thờ Hai Bà Trưng (huyện Sông Mã), di tích bia Căm thù bản Mạt (huyện Mai Sơn)…
Năm 2014 đánh dấu một mốc son quan trọng trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể của tỉnh Sơn La. Ngày 31/12/2014 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2408 xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La. Đây là một niềm vinh dự lớn đối với Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Sơn La nói chung, đối với ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch nói riêng.
Đồng thời năm 2014 đánh dấu cột mốc quan trọng trong công tác đối ngoại của đơn vị: Được sự quan tâm của UBND tỉnh, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, trung tuần tháng 10/2014 Bảo tàng tỉnh đã thực hiện chuyến công tác đối ngoại tại Ban phụ trách di tích 2 tỉnh Hủa Phăn, Luông Pha băng và Bảo tàng Cay xỏn Phôm vi hản (thủ đô Viêng Chăn) nước CHDCND Lào. Đây là chuyến công tác đối ngoại đầu tiên của đơn vị sau chặng đường gần 30 năm thành lập. Chuyến công tác thành công tốt đẹp, để lại những ấn tượng đẹp trong lòng các đơn vị bạn.
4. Giai đoạn từ năm 2018 đến nay
Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và quyết định số 2045/QĐ-UBND 23/8/2018 của UBND tỉnh Sơn La về việc kiện toàn cơ cấu tổ chức của Bảo tàng tỉnh. Theo đó, Bảo tàng tỉnh rà soát sắp xếp từ 4 xuống 3 phòng chuyên môn đó là: Phòng Nghiệp vụ Bảo tồn - Bảo tàng, (trên cơ sở sáp nhập phòng Nghiệp vụ Di tích và phòng Nghiệp vụ Bảo tàng), đổi tên phòng Tuyên truyền - Giáo dục thành Giáo dục - Truyền thông và phòng Hành chính - Tổng hợp.
Đội ngũ viên chức không ngừng được củng cố, kiện toàn, tổng số viên chức: 30 đồng chí, trong đó Thạc sỹ: 03 đồng chí, trình độ CCLLCT 02 đồng chí, Trung cấp 06 đồng chí, cơ bản đội ngũ viên chức trẻ được đào tạo bài bản, phù hợp với vị trí việc làm.
Bên cạnh việc triển khai các hoạt động như giai đoạn trước, giai đoạn này đã có nhiều hoạt động đổi mới như: các hoạt động giáo dục trải nghiệm văn hóa, lịch sử, các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể sau ghi danh, hoạt động nghiên cứu, bảo tồn và phát triển văn hoá dân tộc thiểu số, hoạt động lập hồ sơ văn hoá phi vật thể tỉnh Sơn La đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, nghiên cứu, hoàn thiện đề tài khoa học cấp tỉnh với nội dung “nghiên cứu, phát huy di sản văn hóa vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình trên địa bàn tỉnh Sơn La”
Việc đổi mới và làm dày thêm các bộ sưu tập hiện vật không ngừng được quan tâm. Đến năm 2024, kho cơ sở của Bảo tàng tỉnh đã có gần 40 ngàn tư liệu hiện vật, lập hồ sơ hiện vật tương đối đầy đủ các tiêu chí theo qui định. Nhiệm vụ của kho cơ sở không những để bảo quản tốt hiện vật Bảo tàng mà còn sắp xếp có hệ thống, phục vụ hiệu quả quá trình tra cứu thông tin, khai thác tư liệu. Hiện nay hiện vật kho cơ sở của Bảo tàng Sơn La được phân thành các bộ sưu tập sau: cổ vật: trên 200 hiện vật, trống đồng: 34 cái, khảo cổ: 23.983 hiện vật; dân tộc: 3.118 hiện vật; kháng chiến: 564 hiện vật (chống Pháp: 268 hiện vật; chống Mỹ: 212 hiện vật; Phù Yên: 84 hiện vật); Sách Thái cổ: 1.103 quyển; Di dân khai hoang: trên 200 hiện vật, Xây dựng nông trường: trên 200 hiện vật, Thời kỳ Bao cấp: trên 500 hiện vật… Hàng năm, tiến hành sưu tầm bổ sung mới trên 300 hiệt vật.
Toàn tỉnh hiện có 96 di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt danh mục kiểm kê: trong đó: 2 di tích quốc gia đặc biệt, 16 di tích quốc gia, 47 di tích cấp tỉnh, 32 di tích trong danh mục chưa xếp hạng. Thông qua chương trình mục tiêu quốc gia chống xuống cấp, hàng năm Bảo tàng tỉnh đã kết hợp với các nguồn lực xã hội hoá, tu bổ, tôn tạo, nâng cấp nhiều di tích như: di tích Nhà tù Sơn La, di tích bia lưu niệm trung đoàn 83 - Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào (Mộc Châu), Di tích lịch sử cây đa Mường Lựm- nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của Yên Châu, Di tích quốc gia đặc biệt khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào tại bản Lao Khô 1, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, Di tích tháp Mường Bám, di tích đèo Pha Đin (Thuận Châu)...
Việc khai thác phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt nhà tù Sơn La ngày càng được quan tâm. Ngày 05/6/2019 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La; Tỉnh ủy Sơn La ban hành kết luận số 977-KL/TU ngày 18/10/2023 của Ban Thường vụ tỉnh ủy tại cuộc làm việc với Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh về phát triển ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch và tôn tạo, quản lý, khai thác khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La. Một niềm vui lớn đối với viên chức, người lao động trong đơn vị trước thềm năm mới Ất Tỵ đó là ngày 20/01/2025 UBND tỉnh ban hành quyết định số 160/QĐ-UBND về việc công nhận khu di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La là điểm du lịch cấp tỉnh, đồng thời di tích nhà tù Sơn La cũng được công nhận là điểm đến du lịch năm 2024.
Tháng 02/2025, Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh và của ngành văn hóa Thể thao và Du lịch, Bảo tàng tỉnh đã và đang chuẩn bị các điều kiện tiến tới hợp nhất giữa Bảo tàng và Thư viện tỉnh với tên gọi mới là Bảo tàng và Thư viện tỉnh Sơn La.
- Về hoạt động của tổ chức Đảng, Đoàn thể:
Chi bộ Đảng: trước đây do thiếu đảng viên nên sinh hoạt ghép với đơn vị Thư viện tỉnh, từ năm 2002 chi bộ Bảo tàng mới chính thức được thành lập, hiện nay chi bộ có 20 đảng viên. Trong quá trình hoạt động chi bộ luôn thể hiện vai trò là hạt nhân lãnh đạo của đơn vị, hàng năm luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, được Đảng ủy cấp trên tặng thưởng nhiều giấy khen, bằng khen cho các tập thế, cá nhân có thành tích xuất sắc. Tiêu biểu như các đồng chí Vũ Thị Linh, Ngô Thị Hải Yến, Phạm Duy Khương, …
Tổ chức Công đoàn quy tụ và tập hợp đông đảo nhất số lượng cán bộ viên chức và lao động hợp đồng trong đơn vị. Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ, Công đoàn đã phát huy vai trò là tổ chức chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. tích cực tổ chức các phong trào thi đua động viên đoàn viên hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch nhà nước và mọi nhiệm vụ cấp trên giao, hàng năm công đoàn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Vinh dự hơn cả, năm 2024 đồng chí Phạm Văn Tuấn - Phó Giám đốc, Chủ tịch CĐCS được Công đoàn viên chức Việt Nam tuyên dương cán bộ công đoàn “Tham mưu giỏi, phục vụ tốt” giai đoạn 2019-2024; CĐCS Bảo tàng tỉnh được Công đoàn viên chức Việt Nam tặng Bằng khen do có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”.
Tổ chức Chi đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh: qua nhiều giai đoạn biến động, năm 2010 Chi đoàn được tái thành lập trực thuộc Đoàn Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đến nay, chi đoàn có 18 đoàn viên luôn hoạt động sôi nổi, tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa như: chăm sóc thiếu niên nhi đồng, tích cực phối hợp với các cơ sở Đoàn trong Đoàn Khối, các đơn vị kết nghĩa: Đoàn cơ sở Tiểu đoàn Huấn luyện Cơ động - Bộ đội Biên phòng Trung đoàn 754 - Bộ CHQS tỉnh và các trường học trên địa bàn thành phố Sơn La để tổ chức tốt các hoạt động giáo dục truyền thống, đền ơn, đáp nghĩa….
Nhiều năm liền Chi đoàn được phân loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được tặng Bằng khen của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, tỉnh đoàn và Đoàn Khối.
Ngoài ra các tổ chức khác như: Ban vì sự tiến bộ phụ nữ, Ban nữ công, luôn hoạt động có hiệu quả và đạt được nhiều thành tích hàng năm, góp phần xây dựng đơn vị ngày càng vững mạnh.
II. THÀNH TÍCH ĐẠT ĐƯỢC
Với những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp phát triển văn hoá, Bảo tàng tỉnh Sơn La đã được tặng nhiều phần thưởng cao quý:
- 02 Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước;
- 05 Cờ thi đua xuất sắc dẫn đầu Ngành VHTTDL của UBND tỉnh Sơn La;
- 03 Cờ Thi đua xuất sắc dẫn đầu ngành BT-BT của Cục Di sản;
- 8 Danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc của UBND tỉnh Sơn La;
- 02 Bằng khen của Thủ Tướng Chính phủ;
- 15 Bằng khen của UBND tỉnh Sơn La và cơ quan Trung ương.
Và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Qua 40 năm xây dựng và trưởng thành, Bảo tàng Sơn La đã thắp sáng ngọn lửa đam mê, yêu ngành, yêu nghề, luôn “gìn giữ cho muôn đời sau” của nhiều thế hệ cán bộ, viên chức, lao động của Bảo tàng trong hoạt động di sản, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình với vai trò là 1 thiết chế văn hóa độc lập, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh nhà.
Kết thúc một chặng đường 40, hợp nhất với Thư viện tỉnh, chúng tôi tin tưởng rằng: Công tác bảo tồn và phát huy di sản sẽ tiếp tục được phát huy mạnh mẽ.