Nhiều năm qua, phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng trên địa bàn Thành phố diễn ra sôi nổi, trở thành “món ăn” tinh thần bổ ích, lành mạnh của nhân dân, góp phần thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Các đội văn nghệ quần chúng xã Chiềng Cọ thường xuyên luyện tập, giao lưu.
Bà Lù Thị Đoàn, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin Thành phố, cho biết: Thành phố hiện có 185 đội văn nghệ quần chúng tại các xã, phường, đoàn thể và cơ quan, đơn vị. Mỗi tổ, đội có từ 10 - 40 người. Các đội hoạt động theo phương thức xã hội hóa, tự đóng góp kinh phí sinh hoạt, thuê trang phục biểu diễn. Đây là lực lượng nòng cốt trong tổ chức các hoạt động văn nghệ tại cơ sở, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, khơi dậy bản sắc văn hóa, niềm đam mê văn hóa, nghệ thuật trong quần chúng nhân dân.
Hoạt động văn nghệ quần chúng đa dạng về nội dung lẫn hình thức, thể loại như: Ca múa nhạc, sân khấu, thơ ca, các câu lạc bộ nghệ thuật, các nhóm sở thích yêu văn học nghệ thuật của nhiều lứa tuổi, thành phần tham gia... Các đội tổ chức chương trình ca múa nhạc tổng hợp; chương trình biểu diễn sân khấu, tuyên truyền vận động, tham gia hội thi hoặc biểu diễn vào các dịp kỷ niệm lớn của đất nước, địa phương.
Sau thời gian bị gián đoạn do dịch bệnh Covid-19, Thành phố đang chú trọng đến hoạt động văn hóa, văn nghệ cơ sở. Tháng 4/2022, Thành phố tổ chức Hội diễn nghệ thuật quần chúng thành phố Sơn La năm 2022, với sự tham gia của 12 đoàn nghệ thuật quần chúng, 420 diễn viên, nghệ nhân thuộc các tổ, bản 12 xã, phường của Thành phố, đã để lại ấn tượng sâu sắc với khán giả. Những tiết mục ca múa, nhạc mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc, do các diễn viên là “cây nhà lá vườn” biểu diễn, mang đến cho người xem nhiều cảm xúc. Hay sự kiện Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân, Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam tại Sơn La, Thành phố đã huy động 1.000 diễn viên quần chúng tham gia trình diễn màn múa xòe, tạo ấn tượng sâu sắc đối với du khách thập phương.
Chiềng Cọ là xã có tiềm năng lớn để phát triển loại hình du lịch cộng đồng với những hoạt động trải nghiệm đời sống văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Xã đang xây dựng các hoạt động du lịch và xây dựng các sản phẩm địa phương phục vụ khách du lịch, trong đó, có việc phát triển các đội văn nghệ. Bà Quàng Thị Tuân, cán bộ văn hóa xã, cho hay: Xã có trên 40 đội văn nghệ, mỗi bản có từ 3-5 đội văn nghệ, như: đội người cao tuổi, đội thanh niên, phụ nữ, thiếu nhi... Đặc biệt, xã có câu lạc bộ văn hóa Thái với 40 thành viên tham gia là những nghệ nhân, hạt nhân văn nghệ quần chúng có năng khiếu sáng tác, dàn dựng, biểu diễn các chương trình nghệ thuật. Khi du khách đến địa phương, ngoài trải nghiệm ẩm thực, văn hóa dân tộc và cuộc sống của người dân bản địa, còn hòa mình vào những điệu xòe Thái, đan lát, thêu khăn piêu, các trò chơi dân gian... thu hút du khách và là giải pháp góp phần giữ gìn, quảng bá văn hóa truyền thống dân tộc Thái.
Nổi bật trong hoạt động văn hóa văn nghệ quần chúng, phải kể đến đội văn nghệ tổ 3, phường Chiềng An, thành phố Sơn La, đây là đơn vị đầu tiên xây dựng đội văn nghệ mẫu. Ông Lò Văn Bình, tổ 3, phường Chiềng An, cho biết: Đội văn nghệ của tổ thành lập từ năm 1976, duy trì và phát triển qua nhiều thế hệ, hiện tại, đội có gần 30 thành viên tham gia, thường xuyên luyện tập, vừa lưu giữ các làn điệu dân ca truyền thống vừa phát huy sáng tạo dàn dựng các tiết mục ca, múa, nhạc, kịch. Hàng năm, đội biểu diễn trên 50 buổi văn nghệ phục vụ các chương trình, sự kiện của các sở, ban, ngành, đoàn thể...
Phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng trên địa bàn Thành phố đã góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh; cổ vũ, động viên nhân dân hăng hái thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.