Bản Thàn gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc
Lượt xem: 660
Là bản duy nhất của xã Chiềng Pằn (Yên Châu) có 100% người dân tộc Khơ Mú với 57 hộ, 290 nhân khẩu. Tuy cuộc sống có nhiều thay đổi nhưng người dân bản Thàn luôn tích cực giữ gìn những giá trị bản sắc văn hóa truyền thống lâu đời của dân tộc mình.

Thiếu niên bản Thàn luyện tập các điệu múa truyền thống.

Theo lời giới thiệu của Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Yên Châu, chúng tôi tìm gặp bà Lừ Thị Lan, Phó trưởng bản Thàn, Đội trưởng đội văn nghệ, người am hiểu văn hóa dân tộc Khơ Mú. Qua trò chuyện, bà Lan chia sẻ: Để gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, những năm qua, bản thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc vào các buổi họp bản để mỗi người dân trong bản hiểu và có ý thức gìn giữ bản sắc dân tộc; phát huy vai trò già làng, trưởng bản, người có uy tín truyền dạy cho thế hệ trẻ việc gìn giữ, bảo tồn nét đẹp truyền thống dân tộc thông qua trang phục, làn điệu dân ca, dân vũ, ẩm thực, tiếng nói... Vì vậy đến nay, bản vẫn còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo, trong đó phải kể đến điệu múa Vêlr Guông (tiếng Thái là Au eo), là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân tộc Khơ Mú trong các dịp lễ, tết với điệu lắc hông, uốn eo được mô phỏng theo các động tác, cử chỉ trong lao động, sản xuất của người dân. Hiện tại, điệu múa truyền thống Vêlr Guông được xem như “đặc sản” tham gia giao lưu ở xã, huyện và biểu diễn ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Các thành viên trong đội văn nghệ còn truyền dạy cho nhiều thanh thiếu niên trong bản để điệu múa không bị mai một...

Không chỉ vậy, người Khơ Mú bản Thàn còn lưu giữ nhiều nhạc cụ dân tộc, ngoài trống, sáo nhiều ống, khèn thì không thể không nhắc đến “rơ bang họa” (chiêng khỉ), một trong những loại nhạc cụ độc đáo, được chế tác từ 3 ống tre xếp ngang trên một giá đỡ, những ống tre này được tạo một khe thoát âm. Khi biểu diễn, người chơi dùng 2 thanh gỗ nhỏ dài như chiếc đũa để gõ tạo những âm thanh độc đáo để đệm cho các bài hát, điệu múa, nhất là điệu múa Vêlr Guông.

Về trang phục của người Khơ Mú ở bản Thàn khá giống trang phục của dân tộc Thái đen, một chút khác biệt trong trang phục nữ là ở phía trước thân áo có hàng cúc bạc to hình chữ nhật. Nhà nào cũng có một bộ để diện vào dịp lễ trọng. Về ẩm thực, người Khơ Mú có nhiều món ăn truyền thống gần giống người Thái, như xôi ngũ sắc, cơm lam, thịt gà nấu măng chua... Nhưng đặc biệt có món canh Đoong Uông được nấu từ thịt chim hoặc thịt trâu, bò gác bếp với các loại rau rừng, rau thơm, mắc khén; mỗi khi có khách quí đến nhà đều được thết đãi món ăn độc đáo này. Người Khơ Mú có lễ hội truyền thống Magrợ (mừng cơm mới) vẫn được người dân nơi đây tổ chức hằng năm vào tháng 9 âm lịch sau khi kết thúc vụ mùa; lễ hội có ý nghĩa tổng kết vụ mùa năm cũ và đón một vụ mùa mới; đồng thời, bày tỏ lòng biết ơn với tổ tiên, trời đất, cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, bản làng yên vui, nhà nhà no ấm. Trong dịp này, mọi người đều đến chung vui, cùng múa xòe, đắm say trong điệu Vêlr Guông, cùng nhau thưởng thức những món ăn độc đáo với men rượu nồng...

Do sống lân cận với các bản của dân tộc Thái, nên người Khơ Mú rất thành thạo ngôn ngữ của dân tộc Thái và sử dụng như tiếng phổ thông để trao đổi công việc, giao tiếp. Cũng vì thế mà tiếng Khơ Mú giờ đây đang dần bị mai một, chỉ những người già, trung niên còn sử dụng. Để bảo tồn tiếng Khơ Mú, từ cuối tháng 7 vừa rồi, một số người cao tuổi trong bản có tâm huyết, am hiểu tiếng Khơ Mú đã cùng nhau xây dựng chương trình học, soạn giáo án, chuẩn bị sách để mở lớp dạy tiếng Khơ Mú cho người dân trong bản đặc biệt là cho thế hệ trẻ, góp phần để những lớp thanh thiếu niên dân tộc Khơ Mú hiểu và tự hào hơn về bản sắc văn hóa của dân tộc mình cũng như góp phần chung tay bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống của ông cha để lại.

Bằng nhiều cách làm trong việc gìn giữ nét văn hóa truyền thống, người dân bản Thàn luôn phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Khơ Mú, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tại cơ sở.