Vân Hồ bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa copy
Lượt xem: 603
Trên địa bàn huyện Vân Hồ hiện có 4 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng. Trong đó, 1 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia là hang mộ Tạng Mè, xã Suối Bàng; 3 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh: Đền Hang Miếng (xã Quang Minh); thác Tạt Nàng (xã Chiềng Yên) và Khu căn cứ cách mạng Mộc Hạ. Những năm qua, huyện đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo tồn, tu bổ các di tích, góp phần nâng cao ý thức bảo vệ của nhân dân, quảng bá giá trị văn hóa của các di tích trên địa bàn.
\r\nDi chỉ khảo cổ cấp Quốc gia hang mộ Tạng Mè, bản Nà Lồi, xã Suối Bàng (Vân Hồ).
\r\n\r\n
Qua khảo sát, nghiên cứu, các nhà khoa học đã tiếp cận và lấy mẫu phân tích một số hang có số lượng lớn quan tài gỗ, như hang Tạng Mè, hang Nà Lồi, hang Khoang Tuống... Hang Tạng Mè là một mái đá lớn, cao khoảng 12 m, rộng 17 m, sâu 16 m, cách bản Nà Lồi khoảng 2,5 km về phía đông; bên trong có 30 quan tài bằng gỗ đinh thối - một loại gỗ tốt, không mối mọt, chịu được mưa nắng. Liền kề đó là hang Nà Lồi có 36 mộ gỗ và hang Khoang Tuống chứa 7 mộ gỗ. Các quan tài mộ gỗ đều được chế tác một cách khéo léo từ những thân gỗ to bổ đôi, bên trong khoét lòng máng, hai đầu chế tác mấu chốt hình “đầu thuyền đuôi én”. Một số quan tài trong hang còn khắc gọt tinh xảo hình răng cưa (sóng nước). Theo kết quả nghiên cứu phân tích các - bon, di cốt ở những mộ này có niên đại cách đây hơn 1.200 năm. Táng trong thân gỗ là phong tục của tộc người cổ, xuất phát từ điều kiện tự nhiên và mong muốn chết được an toàn, siêu thoát. Khu di tích hang mộ Tạng Mè có giá trị lịch sử văn hóa tín ngưỡng và tư liệu về nhân chủng học của tộc người cổ đang được tiếp tục nghiên cứu. Huyện Vân Hồ đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình các cấp có thẩm quyền xem xét và công nhận di tích. Ngày 5/3/2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 523/QĐ-BVHTTDL công nhận di tích khảo cổ hang mộ Tạng Mè, thuộc xã Suối Bàng, huyện Vân Hồ là di tích cấp quốc gia.
\r\n\r\n
Để bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, Phòng VHTT huyện đã phối hợp với Ban quản lý di tích và danh thắng (Sở VH-TT và DL) thực hiện công tác kiểm kê, đánh giá và phân loại di tích, khảo sát, lập hồ sơ khoa học xếp hạng các di tích lịch sử trên địa bàn huyện, quản lý và bảo vệ các di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng. Các xã có di tích được xếp hạng đều thành lập Ban quản lý di tích; cử cán bộ chuyên môn tham dự các lớp tập huấn Luật Di sản văn hóa, công tác tổ chức và quản lý. Đồng thời, huyện chỉ đạo các ngành chức năng, các xã đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bảo vệ, trùng tu, tôn tạo di tích. Cùng với việc bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa, hằng năm, Phòng VH-TT huyện và các địa phương đã tích cực triển khai các hoạt động bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của quê hương, thông qua việc tổ chức lễ hội gắn với các di tích; sưu tầm, phục hồi các trò chơi dân gian. Hầu hết các lễ hội được tổ chức đúng quy định; các nghi thức trong lễ hội diễn ra trang trọng, tiết kiệm, phù hợp với thuần phong mỹ tục của địa phương. Nhằm phát huy giá trị của di tích trong giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa, hằng năm, các trường học trên địa bàn xã đều tổ chức cho học sinh tham quan khu di tích trong các giờ học ngoại khóa, xây dựng kế hoạch cho học sinh tham gia các hoạt động chăm sóc cảnh quan di tích...
\r\n\r\n
Để nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa, Vân Hồ đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của toàn dân, của các cấp, ngành đối với sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị của di tích; kiên quyết xử lý các vi phạm làm tổn hại đến di tích lịch sử - văn hóa. Đồng thời, đẩy mạnh công tác xã hội hóa để nhiều tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp kinh phí cùng với sự đầu tư của Nhà nước để tu bổ di tích; khuyến khích sự tham gia của cộng đồng vào các hoạt động bảo tồn di tích, khôi phục và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống.
\r\n\r\n
Theo Báo Sơn La
08/05/2017