Người say mê chế tác đàn tính tẩu
Lượt xem: 453
Một ngày đầu tháng 9, chúng tôi tìm đến nhà ông Lường Văn Binh, người chế tạo đàn tính tẩu có tiếng ở bản Pán, xã Chiềng Ly (Thuận Châu). Năm nay, ông Binh đã ngoài 70 tuổi, nhưng vẫn say mê chế tác nhạc cụ truyền thống của đồng bào dân tộc Thái.

Vợ chồng ông Lường Văn Binh hát then và chơi đàn tính.

Vừa trò chuyện, ông Binh vừa dẫn tôi đi tham quan nơi ông trưng bày đàn tính, với hơn chục cây đàn. Những chiếc đàn tính do ông chế tác có đủ loại kích cỡ, cho cả người lớn và trẻ em; có chiếc đã nhuốm màu thời gian và cũng có những chiếc lớp sơn còn mới, màu sơn bóng loáng.

Trước đây, ông Binh là thợ cơ khí, từng công tác tại Xí nghiệp Cơ khí Thuận Châu. Dù bận rộn với công việc, nhưng ông vẫn say mê chế tác đàn tính tẩu, chịu khó mày mò cải tiến để nâng cao chất lượng. Ông Binh cho biết: Đàn Tính có hai loại, đàn hai dây của nam và ba dây của nữ. Mỗi dây có tên gọi riêng, tùy theo vị trí được mắc trên đàn. Dây tiền, dây hậu dùng để đánh giai điệu; dây trung làm nền cho giai điệu bằng bè trầm. Để làm được một cây đàn tính trải qua nhiều công đoạn, như: Chọn bầu, làm cần, mặt đàn và chọn dây đàn. Tất cả các công đoạn đều đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo đến từng chi tiết để đàn có độ thẩm mỹ cao và âm sắc chuẩn. Trước đây, làm bằng thủ công, phải 2 tuần hoặc 1 tháng tôi mới làm xong 1 chiếc đàn. Sau này, có máy hàn tiện chỉ mất 1 tuần là hoàn chỉnh 1 chiếc đàn, tùy loại gỗ bán với giá giao động từ 300.000 đến 500.000 đồng/chiếc. Đàn được nhiều người trong tỉnh và các tỉnh Hà Nội, Điện Biên, Lạng Sơn... đặt mua.

Để giữ gìn làn điệu then, năm 2006, ông Binh và các cụ cao niên trong bản đã thành lập Câu lạc bộ hát then bản Pán. Ông đã sáng tác những làn điệu then mới nói về tình yêu quê hương, đất nước nhưng vẫn mang âm hưởng đặc trưng của núi rừng Tây Bắc. Câu lạc bộ hát then bản Pán đã nhiều lần tham gia Hội diễn văn nghệ quần chúng do huyện, tỉnh tổ chức.

Ôn lại cuộc đời gắn bó với cây đàn tính, ông Binh bảo: Từ năm 1966, tôi và một số thanh niên các xã lân cận có cùng đam mê đã thành lập câu lạc bộ văn nghệ, hoạt động rất sôi nổi, nhiệt tình, biểu diễn ở các xã trong huyện. Có lần, sau khi biểu diễn tại xã Nậm Lầu, chúng tôi vượt 20 km đường rừng trong đêm để tới xã Púng Tra tiếp tục biểu diễn; đường xa, vất vả nhưng anh êm vẫn say sưa đàn hát phục vụ bà con và các chiến sỹ. Năm 1968, đội văn nghệ biểu diễn tại xã Tông Cọ, bất ngờ máy bay Mỹ ném bom, khiến tôi bị thương. Sau đó, dù vết thương điều trị chưa lành hẳn, nhưng tôi vẫn cùng đội đi biểu diễn phục vụ các chiến sỹ đang chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Với mong muốn gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc, ông Binh đã truyền dạy cách chế tác nhạc cụ đàn tính tẩu cho con, cho cháu và những người muốn học. Ông còn tặng những chiếc đàn lâu năm và đàn được làm bằng các loại gỗ quý cho Bảo tàng Văn học Việt Nam để trưng bày. Tạm biệt ông Binh cùng làn điệu then ông dành tặng trước khi ra về, chúng tôi sẽ nhớ mãi về người luôn nặng lòng với cây đàn tính, góp sức bảo vệ nét văn hóa truyền thống của dân tộc.