Một lần nào đó, bước chân đến
vùng đồng bào Thái ở Sơn La, hẳn bạn sẽ khó lòng dứt ra khỏi niềm mê say khi
nghe câu khắp “hà ôi...” ngọt ngào quyện trong tiếng khèn bè, pí, tiếng tính
đêm trăng. Nhưng bạn sẽ còn xao xuyến, mê đắm hơn nữa nếu được đắm mình trong
tiếng tính ngọt ngào, rộn ràng ôm ấp điệu Then cất lên từ chính đôi tay, trái
tim các nghệ nhân của bản làng Quỳnh Nhai, làm nên một vùng nhớ xốn xang, êm đềm
và bất tận.
Quỳnh Nhai, mảnh đất cư trú lâu đời
của người Thái trắng ở Sơn La, nơi còn lưu giữ nhiều phong tục tập quán đậm đà
bản sắc văn hóa tộc người. Cư dân nơi đây sinh sống bằng nghề nông, trong cuộc
sống sinh hoạt và lao động sản xuất đời thường vất vả gian khó, nhưng chính từ
đó, cộng với đức tính chăm chỉ, hồn hậu, yêu cuộc sống, đồng bào lại sáng tạo
ra các hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian vô cùng phong phú và độc đáo, thuộc
đủ các loại hình: nghệ thuật trình diễn dân gian, Tri thức dân gian, Tập quán
xã hội và tín ngưỡng, Ngữ văn dân gian, Lễ hội truyền thống, Tiếng nói chữ viết.
Hòa quyện trong bản sắc văn hóa đậm đà đó, không thể thiếu hát Then. Then là cầu
nối giữa con người - thế giới thần linh và đất trời, là món ăn tinh thần không
thể thiếu, gắn chặt với đời sống văn hóa, tâm linh của đồng bào.
Tự bao đời, hát Then đã trở thành
một loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống. Với người dân nơi đây, Then như
hơi thở, như lẽ sống của cuộc đời, Then chính là tiếng lòng, là sự kết hợp của
các yếu tố nghệ thuật như nhạc, múa, hát và các giá trị văn hóa, lịch sử của
dân tộc được thổi hồn trong đó, là sự hấp dẫn từ sự phong phú và đa dạng của ca
từ mà người nghệ nhân chính là chủ nhân nắm giữ.
Hỏi đến những người đang say sưa
“giữ hồn Then” cho đồng bào Thái trắng ở Quỳnh Nhai, ai cũng biết và âu yếm kể
tên các nghệ nhân, trong đó nghệ nhân ưu tú Điêu Văn Minh ở bản Nghe Toỏng, xã
Mường Giàng được nhắc tới rất nhiều. Bằng lòng đam mê, yêu mến nghề mà ông đã
vô tình hoặc hữu ý sáng tạo, khai thác, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản
văn hóa phi vật thể đậm đà bản sắc của dân tộc mình. Ngồi trò chuyện, chúng tôi
đã được cảm nhận sâu hơn về làn điệu Then qua giọng hát trầm ấm, truyền cảm và
tình yêu, sự say mê giữ gìn nghệ thuật hát Then của ông.
Ông Minh cho biết: Chỉ có người
Thái trắng mới hát Then. Khi còn nhỏ, ông đã được nghe các ông bà trong bản hát
Then nên những làn điệu ấy đã ngấm vào ông như một duyên nợ. Từ khi còn đang ngồi
trên ghế nhà trường, ông đã đam mê học chữ Thái, đến năm 20 tuổi, được ông ngoại
dạy cho chữ Thái cổ và truyền dạy lại lời hát Then. Ông không nhớ được Then có
từ bao giờ, chỉ biết rằng từ lúc sinh ra đã nghe các cụ hát Then rồi, Then có
nghĩa là trời, được coi là điệu hát của thần tiên truyền lại. Chính vì thế, hát
then được biểu diễn trong những sự kiện trọng đại như cầu mát nhà cửa những
ngày đầu năm mới, sinh con đầu lòng, giải trừ tà ma, chữa bệnh hay lễ lên nhà mới,
lễ cưới, lễ gọi hồn, lễ Kin Pang Then. Đặc biệt trong lễ “Kin Pang Then”, hát
Then bao giờ cũng có múa phụ họa để chỉ đường và tả lại cảnh vật trên đường
Then xuống trần gian dự lễ. Ông
Minh cho biết: Hát then có nhiều loại như: hát xao siên, hát loong té, hát
cúng, hát giao duyên, cáo sứ, hát trong các lễ nghi của người Thái trắng. Hiện
nay, ông Minh đang nắm giữ 3 điệu then là: Hát then, hát xao siên, hát loong
té. Hát then là điệu hát dùng trong các nghi thức cúng tế, mừng xuân mới, mừng
tuổi, mừng nhà mới, hát trong lễ Kin Pang Then cầu khấn cho con người những điều
tốt lành, cho đất nước bình yên (hát điệu này và hát điệu loong té không cần phải
có đàn tính tẩu). Hát loong té là hát về tình yêu lao động, tăng gia sản xuất,
yêu quê hương, đất nước, dạy bảo con cháu điều hay lẽ phải, biết làm ăn, đoàn kết,
chống tệ nạn xã hội... còn hát “xao siên” là hát mừng tuổi, mừng nhà mới, cầu
khấn các đấng thần linh phù hộ cho con người, bản mường đất nước phát triển (điệu
này bắt buộc phải có đàn tính tẩu). Điệu hát then có 6 loại giọng cổ, tùy theo
từng điệu mà có âm điệu giọng khác nhau, lúc thì giọng đều, lúc thì lên xuống
trầm bổng, nhẹ nhàng tình cảm.
Giống như người Thái đen hát dân
ca cùng với nhạc cụ khèn bè hoặc pí, người Thái trắng cũng đưa làn điệu Then đi
vào lòng người cùng sự song hành gắn bó mật thiết của cây đàn tính tẩu và chùm
quả nhạc “mắk hính”. Tiếng đàn rộn ràng như suối chảy, lời hát êm như rêu mượt,
thiết tha và ngọt ngào, làm nên những điệu Then mê hoặc lòng người. Then đã như
người bạn tâm giao cùng ông chia sẻ niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống.
Hát Then phải có đàn tính tẩu đệm
theo điệu Then. Cây đàn tính đã theo ông Minh tham gia rất nhiều hội diễn. Mỗi
lần tham gia liên hoan, hội thi, hội diễn là cơ hội để ông hiểu thêm về những
nét đẹp văn hóa của các dân tộc và giới thiệu bản sắc văn hóa dân tộc mình đến
bạn bè trong và ngoài nước. Đó còn là dịp để ông sưu tầm thêm các làn điệu mới,
từ đó làm phong phú bộ sưu tập trong làn điệu Then của mình.
Không chỉ để lại dấu ấn trong sưu
tầm, sáng tác và biểu diễn, ông Minh còn như một “bảo tàng sống” về hát Then
trong nét văn hóa của người Thái trắng vùng Tây Bắc. Năm nay, dù đã ngoài 60 tuổi
nhưng hàng ngày ông vẫn miệt mài tìm tòi, sưu tầm, nghiên cứu và truyền dạy những
làn điệu Then cổ. Từ năm 1976 đến nay ông sáng tác các lời ca phỏng theo các
làn điệu dân gian, làn điệu cổ, làn điệu mới với chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ, mừng
xuân mới, tiễn đưa bộ đội lên đường nhập ngũ, kể chuyện xưa, hát đưa hồn về nơi
an nghỉ, tuyên truyền di dân tái định cư và được mời hát trong các ngày lễ,
ngày tết, ngày kỷ niệm truyền thống… nhiều bài được in trên tạp chí Suối Reo của
tỉnh. Các tác phẩm tự sáng tác và biểu diễn của ông được đông đảo bà con trong
tỉnh đón chờ thưởng thức.
Nặng lòng với làn điệu Then, ông
đã truyền dạy cho các con cháu và những người yêu thích về cách hát, điệu múa
trong Then. Ông Minh tâm sự, chứng kiến nhiều làn điệu dân ca truyền thống của
các dân tộc bị mai một, rồi mất dần bởi làn sóng kinh tế thị trường, sự tác động
của quá trình giao thoa văn hóa, khiến ông không khỏi trăn trở cho số phận của
làn điệu Then và những giá trị văn hóa của cha ông. Ông mong muốn giúp những
người đến với hát Then hiểu thêm và yêu nét đẹp văn hóa dân tộc cũng như sẽ gìn
giữ, phát huy được làn điệu Then trong tương lai.
Ông là hội viên của Hội Liên hiệp
văn học nghệ thuật tỉnh, cộng tác viên của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh,
Đài VOV Tây Bắc. Cũng vì am hiểu và nắm giữ được nhiều điệu Then, ông Minh được
tham gia rất nhiều hội thi, hội diễn, liên hoan do Trung ương tổ chức và đã nhận
được rất nhiều giải thưởng như: Giải nhì tại Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn
tính toàn quốc lần thứ III năm 2009; giải A tập thể tại Liên hoan nghệ thuật
hát Then, đàn tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái Việt Nam lần thứ V tại Tuyên
Quang năm 2015; Giấy khen của Viện âm nhạc vì đã có những đóng góp tích cực cho
công tác bảo tồn và phát huy vốn âm nhạc dân gian truyền thống của dân tộc Thái
trắng ở Quỳnh Nhai; Bằng công nhận của Ban Chỉ đạo cuộc vận động sáng tác quảng
bá tác phẩm với chủ đề "Học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí
Minh"; Bằng khen của UBND tỉnh vì thành tích trong công tác xây dựng đội
văn nghệ quần chúng tỉnh Sơn La (1992 - 2012), cùng nhiều giấy khen và giải thưởng
khác.
Đặc biệt, năm 2015, Sở Văn hóa,
Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La đã lập hồ sơ đề nghị Nhà nước xét tặng ông Danh
hiệu Nghệ nhân ưu tú. Trong hồ sơ có ghi rõ, ông Điêu Văn Minh đã nghiên cứu,
sưu tầm, lưu giữ, thực hành và truyền dạy các làn điệu dân ca, hát trong tín
ngưỡng của dân tộc Thái (ngành Thái trắng); Nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ, biên
soạn, thực hành và truyền dạy đàn tính tẩu dân tộc Thái; phổ biến, truyền dạy
các bài hát dân ca dân tộc Thái. Ông đã nghiên cứu, lưu giữ, truyền dạy cho hơn
80 người là anh em, bạn bè, con cháu, những người mong muốn gìn giữ bản sắc của
dân tộc.
Ông Trần Tân Phong, Phó Giám đốc
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Ông
Điêu Văn Minh là 1 trong 17 nghệ nhân đầu tiên của tỉnh Sơn La vinh dự
được Chủ tịch nước tặng Danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú, loại hình nghệ thuật trình
diễn dân gian. Đây là sự tôn vinh xứng đáng đối với những báu vật nhân văn sống,
là niềm vinh dự, tự hào không chỉ của Nghệ nhân ưu tú Điêu Văn Minh và các Nghệ
nhân khác mà còn là của cả các địa phương có di sản văn hóa phi vật thể được
vinh danh.
Đây cũng là một việc rất thiết thực
để khuyến khích nghệ nhân phát huy thế mạnh phát triển vốn văn hoá truyền thống,
tiếp tục đầu tư sáng tạo để nâng cao và làm phong phú thêm, nhằm xây dựng nên
những giá trị mới, diện mạo văn hoá mới, phù hợp với xu thế vận động và phát
triển trong mạch chảy liên tục của văn hoá nước nhà.
Sở VHTT&DL đề nghị địa phương
tiếp tục quan tâm hơn nữa đến đời sống nghệ nhân, hỗ trợ, tạo điều kiện để nghệ
nhân sáng tạo, sưu tầm, thực hành và bảo tồn, truyền dạy các di sản cho thế hệ
sau. Có chính sách cụ thể để bảo tồn, trao truyền các giá trị di sản văn hóa mà
các nghệ nhân đang nắm giữ trước nguy cơ mai một, đồng thời có giải pháp hữu hiệu
phát huy các giá trị di sản văn hóa để phát triển những sản phẩm du lịch đặc
thù có tính cạnh tranh cao, thu hút du khách, góp phần vào sự phát triển kinh tế
- xã hội tại địa phương”.
Ghi nhận những cống hiến xuất sắc
cả cuộc đời của nghệ nhân đối với sự nghiệp gìn giữ và phát huy di sản văn hóa
dân tộc, góp phần và sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc, Chủ tịch nước
đã phong tặng ông Danh hiệu vinh dự Nhà nước: "Nghệ nhân ưu tú".
“Trời trong mới thấy sao Hôm/ Ngày lành mới thấy sao Mai chiếu sáng/ Hiếm
khi mới thấy bạn đến thăm/ Mùa hoa bưởi nở còn ngóng mong/ Mùa hoa vông nở vẫn
trông đợi/ Hôm nay trời đẹp bạn đến thăm rất mừng…”. Chia tay chúng tôi bằng
một điệu Then ngọt ngào. Càng nghe càng thấm. Giọng hát của ông ấm áp, truyền cảm
hòa quyện trong tiếng tính ngân reo, dường như men say trong từng câu Then đã
chất chứa nghĩa tình non nước và khát khao vươn tới chân, thiện, mỹ.
Tạm biệt một vùng nhớ xốn xang,
êm đềm và bất tận. Bóng dáng người đàn ông Thái gẩy đàn tính tẩu hát Then dần
xa mà từng câu từng chữ, từng nốt lẩy luyến láy, niềm đam mê chất chứa trong tiếng
rung vang ngân ấy vẫn mãi trầm bổng, xốn xang, da diết theo bước chân như một lời
mời chào, làm người nghe khó có thể quên được một nghệ nhân hát Then - một nghệ
nhân ưu tú điển hình trong giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Thái trắng ở Quỳnh
Nhai nói riêng và các dân tộc Thái trắng vùng Tây Bắc nói chung./.