Nghi lễ cúng dòng họ của người Thái trắng ở Sơn La
Lượt xem: 3067
Ở Sơn La, người Thái có hai ngành là Thái trắng và Thái đen, trong đó người Thái đen chiếm đa số. Người Thái trắng trước đây cư trú chủ yếu ở huyện Quỳnh Nhai, ngoài ra còn có các nhóm Thái trắng địa phương cư trú tại các huyện: Mộc Châu, Phù Yên và Mường La. Người Thái trắng đa số cư trú thành từng bản riêng, chỉ trừ các hộ cư trú tại các thị trấn, thành phố mới sống đan xen với các thành phần dân tộc khác.
Gian thờ dòng họ Điêu Chính ở bản Mứn - Đoàn Kết, xã Mường Bon, huyện Mai Sơn
Từ năm 2005, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc xây dựng Công trình Thủy điện Sơn La nên đã có trên 13 ngàn hộ dân phải di cư đến nơi ở mới nhường đất cho công trình, trong đó có các hộ dân người Thái trắng. Người Thái trắng ở Quỳnh Nhai đã thực hiện di dân tái định cư với các hình thức: Một số bản di vén tại chỗ, một số bản tái định cư nội huyện và một số bản tái định cư trên địa bàn ngoại huyện như: Thuận Châu, Mai Sơn, Yên Châu và thành phố Sơn La.

Sau khi thực hiện công cuộc di dân tái định cư, chuyển đến nơi ở mới, đồng bào Thái trắng dần ổn định cuộc sống, họ vẫn giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc với các phong tục tập quán, trang phục, ẩm thực, các làn điệu dân ca, dân vũ, đặc biệt là các nghi lễ, trong đó có nghi lễ cúng dòng họ.

Thung tạy - Vật chứng sinh của người Thái trắng

Nghi lễ cúng dòng họ chỉ có ở người Thái trắng, người Thái đen không có nghi lễ này. Nghi lễ được tổ chức hàng năm theo từng dòng họ và chỉ có những người đàn ông trong dòng họ được tham gia.

Người Thái trắng có nhiều dòng họ: Lò, Vì, Quàng, Điêu, Nùng, Cầm, Bạc…theo quan niệm của đồng bào từ xa xưa thì dòng họ Điêu Chính được coi là họ quan (Lò Căm). Mỗi dòng họ chỉ có một trưởng họ, không có các chi nhánh, vì vậy ông trưởng họ cư trú ở bản nào thì khi tổ chức nghi lễ cúng dòng họ và họp họ thì tất cả những thành viên của dòng họ ở xa hay gần, trong bản hay các bản khác đều tập trung về nhà ông trưởng họ. Tuy nhiên, sau khi thực hiện công cuộc di dân tái định cư, đã có dòng họ tách thành chi nhánh lập trưởng họ ở nơi ở mới để việc tổ chức nghi lễ và họp họ được thuận tiện (trường hợp chi nhánh dòng họ Điêu Chính ở bản Mứn - Đoàn Kết, xã Mường Bon, huyện Mai Sơn, di dân từ bản Mứn, xã Pha Khinh, huyện Quỳnh Nhai đến).

Trưởng họ được duy trì theo thứ bậc, bậc trưởng (con cả) trong gia đình sẽ làm trưởng họ trước, sau khi trưởng họ mất, thì ông chú (em của trưởng họ sẽ nối tiếp). Sau khi ông chú mất, nếu còn ông chú tiếp theo thì người đó sẽ tiếp tục đảm nhận vai trò trưởng họ, nếu không còn bậc trên thì sẽ quay lại cử con của ông cả đảm nhiệm. Cứ như vậy, Trưởng họ được truyền từ đời này sang đời khác.

Khi bắt đầu vào họ, mỗi người đàn ông trong dòng họ sẽ mang đến nhà trưởng họ 02 vật chứng sinh (tiếng Thái gọi là Thung tạy). Đó là hai chiếc túi nhỏ được làm bằng vải, một túi màu trắng, một túi màu đỏ. Bên trong mỗi túi đựng một tờ giấy viết tên, ngày sinh của người đàn ông đó (hiện nay, họ có thể viết tên ở bên ngoài túi luôn), có người bỏ thêm vào đó một đồng tiền bạc hoặc tiền giấy. Mỗi túi có kèm thêm một chiếc quạt nhỏ đan bằng tre, được treo ở gian thờ của nhà trưởng họ. Những chiếc Thung tạy này được để ở nhà trưởng họ, chỉ đến khi túi đó bị hỏng, rách mới làm túi khác thay thế. Khi gia đình nào có thành viên mới sẽ làm Thung tạy mới báo cáo với tổ tiên để gia nhập dòng họ.

Hàng năm, vào những ngày trước Tết Nguyên đán, khoảng từ 25-27 tháng Chạp, các dòng họ tổ chức Lễ cúng dòng họ mình. Các thành viên trong dòng họ đều tham gia đóng góp lễ vật và lương thực, thực phẩm để làm cỗ liên hoan. Tùy theo từng dòng họ mà quy định sự đóng góp khác nhau, thường thì các gia đình đóng góp tiền để đủ mua một con lợn và các đồ lễ cúng, mua lương thực, thực phẩm để tổ chức ăn cơm chung. Có dòng họ khá giả, đông người thì có thể mua dê hoặc bò để tổ chức liên hoan.

Ngày tổ chức nghi lễ, từ buổi sáng, các thành viên nam của dòng họ tập trung ở nhà trưởng họ để chuẩn bị mâm lễ cúng. Mâm lễ cúng gồm: một con lợn luộc, 2 con gà, các loại hoa, quả, bánh kẹo, chè thuốc. Sau khi chuẩn bị mâm lễ xong, ông trưởng họ tiến hành lễ cúng: Ông cầu xin tổ tiên của dòng họ, các vị thần linh cho mọi người trong dòng họ được khỏe mạnh, bình an, mọi người đoàn kết tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, cầu cho mùa màng tươi tốt, bội thu, gia súc, gia cầm sinh sôi, không bị dịch bệnh, mưa thuận, gió hòa.

Trong khi ông trưởng họ cúng thì mọi người cùng nhau chuẩn bị cỗ bàn để ăn cơm chung. Đến trưa, khi các mâm cơm được dọn lên, mọi người ngồi vào mâm, trước khi ăn, ông trưởng họ sẽ có bài phát biểu về tình hình dòng họ năm vừa qua, kêu gọi mọi người đoàn kết, vui vẻ, chăm chỉ làm ăn... Ông trưởng họ phát biểu xong, mọi người ăn cơm cùng ăn bữa cơm đoàn kết, vừa ăn, vừa uống rượu và đánh chiêng trống để múa xòe.

Sau nghi lễ và họp họ, mọi người về nhà, ai cũng mang về một gói quà cho gia đình. Hiện nay, ngoài phần đóng góp chung (thường là 100.000đ/người), mỗi gia đình góp thêm một con gà để dâng lễ, sau đó mang con gà đó về làm quà cho gia đình ở nhà.

Nghi lễ cúng dòng họ là một nét văn hóa đẹp trong phong tục tập quán của người Thái trắng. Trong nghi lễ các thành viên trong dòng họ thành kính dâng lễ lên tổ tiên, mọi người được gặp gỡ, trò chuyện, chia sẻ, trưởng họ nhắc nhở các thành viên nhớ về cội nguồn, biết ơn tổ tiên, xây dựng mối đoàn kết giữa các thành viên trong dòng họ. Đây là một nghi lễ của người Thái trắng ở Sơn La cần được bảo tồn và phát huy./.

Tác giả: Ngô Thị Hải Yến