Nghệ nhân ưu tú đam mê cây đàn tính
Lượt xem: 795
Bằng tình yêu với nhạc cụ dân tộc, ở tuổi ngoài 60, nghệ nhân ưu tú Hoàng Văn Chiêm, bản Phiêng Nèn, xã Mường Giàng (Quỳnh Nhai) vẫn giữ được niềm say mê, nhiệt huyết, tích cực tham gia biểu diễn, chế tác và truyền dạy đàn tính, với mong muốn bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Thái tại địa phương.

Nghệ nhân ưu tú Hoàng Văn Chiêm (bên trái) biểu diễn đàn tính tại Hội nghị liên kết
và phát triển du lịch giữa thành phố Hồ Chí Minh và 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng.

Trong khuôn khổ Hội nghị liên kết và phát triển du lịch giữa thành phố Hồ Chí Minh và 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, diễn ra tại thành phố Việt Trì (Phú Thọ) vừa qua đã thu hút đông đảo du khách tham quan trưng bày các sản phẩm du lịch của tỉnh Sơn La, bởi âm thanh từ cây đàn tính do nghệ nhân Hoàng Văn Chiêm biểu diễn. Chờ ông Chiêm biểu diễn xong, chúng tôi tranh thủ trò chuyện với ông và được biết: Ông là người dân tộc Thái, ngay từ nhỏ đã được đắm mình trong những câu hát then, đàn tính của mẹ, tiếng đàn tính cứ thế thấm dần vào tâm hồn và con người ông từ lúc nào không hay; ông được mẹ truyền dạy, lại có sẵn năng khiếu, nên 14 tuổi, ông đã đánh thành thạo đàn tính, thường xuyên tham gia đệm đàn cho nhiều nghệ nhân trong bản biểu diễn văn nghệ. Đến nay, ông Chiêm thường xuyên được mời tham gia biểu diễn đàn tính và đệm đàn cho nhiều nghệ nhân hát then trong các ngày lễ lớn, hội thi, hội diễn văn nghệ ở huyện và tỉnh; ông còn được tỉnh cử đi dự các liên hoan, hội thi hát then, đàn tính ở tỉnh và toàn quốc, đạt được nhiều thành tích, giải thưởng. Nổi bật tại Liên hoan nghệ thuật hát then, đàn tính các dân tộc Tày - Nùng - Thái toàn quốc lần thứ VI, năm 2018 diễn ra tại tỉnh Hà Giang, ông Chiêm đã đoạt giải Nhất tiết mục biểu diễn tổ hợp (kết hợp múa, đàn tính).

Để giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống này, ông Chiêm đã truyền dạy đánh đàn tính cho nhiều người trong bản yêu thích loại nhạc cụ này. Cùng với đó, ông còn tham gia lớp truyền dạy đánh đàn tính miễn phí cho 70 học viên do huyện tổ chức. Giờ đây nhiều học trò của ông đã đánh đàn tính thành thạo, trở thành hạt nhân văn nghệ đóng góp tích cực cho phong trào văn hóa, văn nghệ ở cơ sở. Luôn đau đáu trong lòng về việc bảo tồn nhạc cụ dân tộc cho thế hệ trẻ, ông Chiêm còn mày mò, tìm hiểu cách chế tác đàn tính. Theo ông Chiêm, để có được cây đàn tính hay, quan trọng nhất phải tìm được bầu đàn tốt. Bầu đàn làm bằng nửa quả bầu khô, chọn quả bầu già, tròn đều, vỏ không bị nám hoặc lồi lõm thì đàn mới có âm vang chuẩn. Vì vậy, để có bầu đàn ưng ý, ông còn tự tay trồng và chăm sóc cây bầu. Mỗi ngày ông có thể làm được một cây đàn tính; đến nay, ông đã làm và bán ra thị trường trên 1.000 cây đàn tính với giá trung bình 500.000 đồng/1 chiếc, nhất là vào kỳ hội thi, hội diễn quần chúng, ông không kịp làm để bán cho các đội văn nghệ của xã, huyện và cả người yêu thích đàn tính ở các tỉnh: Lai Châu, Cao Bằng, Hà Giang...

Bà Điêu Thị Nhất, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Quỳnh Nhai cho biết: Nghệ nhân ưu tú Hoàng Văn Chiêm là nhân tố tích cực trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ của địa phương. Bằng tâm huyết, trách nhiệm của mình, ông đã và đang là người “truyền lửa” cho thế hệ trẻ, đưa loại hình âm nhạc này gần gũi và phát triển hơn trong cộng đồng dân tộc Thái, góp phần không nhỏ trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Thái tại địa phương nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung.

Ghi nhận cống hiến của ông trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể, ông Chiêm được tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen của tỉnh, huyện và ngành văn hóa. Năm 2019, ông Hoàng Văn Chiêm vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú vì đã có cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.