Lễ mừng cơm mới của người Khơ Mú ở Sốp Cộp
Lượt xem: 1058
Ở huyện Sốp Cộp, người Khơ Mú cư trú tại 15 bản, thuộc các xã: Sốp Cộp, Mường Lạn, Mường Và, Mường Lèo, Dồm Cang, Nậm Lạnh. Người Khơ Mú ở đây vẫn gìn giữ và tổ chức đều đặn các nghi lễ của dân tộc, trong đó có Lễ mừng cơm mới.

Hàng năm, cứ đến tháng 8 - 9 dương lịch, người Khơ Mú tổ chức Lễ Mừng cơm mới (tiếng Khơ Mú là Mạ mà qua). Là nghi lễ của mỗi gia đình để cúng ông bà, cảm ơn ông bà đã trong coi mùa màng, nương rẫy suốt một năm qua, cầu mong ông bà phù hộ cho gia đình con cháu năm tới tiếp tục được mùa, gom hồn con cháu trong gia đình về ăn cơm mới để ông bà phù hộ cho khỏe mạnh. Cứ đến thời gian tổ chức, các gia đình chuẩn bị các điều kiện, chọn ngày. Họ chọn ngày đẹp (chỉ trừ những ngày mất của bố, mẹ), còn lại các ngày trong tháng đều được. Người Khơ Mú tính theo lịch riêng, giống lịch của người Thái, chênh lên 02 tháng so với dương lịch.

Lễ mừng cơm mới chỉ được tổ chức tại các gia đình đã có bàn thờ bố mẹ (tức là bố mẹ đã mất). Vì vậy, Lễ mừng cơm mới cũng chính là lễ đoàn viên, hội tụ con cháu về. Mỗi hôm vài gia đình trong bản tổ chức Lễ mừng cơm mới cho đến khi hết số gia đình trong bản. Lễ vật để mừng cơm mới khá đơn giản, chỉ bao gồm các loại hoa quả, rau, măng ở trên nương, dưới ruộng vào mùa này có gì thì sẽ lấy về, chế biến để dâng lên tổ tiên. Ngoài ra, nhà nào có điều kiện thì mổ lợn, gà, vịt, nhà nào không có điều kiện thì cũng phải có ít nhất 1 con gà, 1 con vịt để dâng lên tổ tiên, ông bà và để con cháu ăn mừng cơm mới. Mỗi gia đình thường chuẩn bị vài hũ rượu cần để dâng lên tổ tiên và uống trong ngày lễ.

Từ buổi chiều hôm trước, các con, cháu đã đi lên nương, ruộng để lấy các loại rau: rau cải, tầm bóp, lá đu đủ, các loại rau thơm; các loại quả: mướp, bầu, bí, chuối, dưa, hoa chuối, ổi, cà...nhốt gà, lợn, vịt để sáng hôm sau mổ. Tối đến chị em ngâm gạo nếp để đồ xôi,  bà chủ nhà chuẩn bị gạo cốm mới để làm cơm cúng.         Sáng hôm sau, đàn ông thì mổ lợn, gà, vịt và chế biến; đàn bà thì đồ xôi, đồ các loại rau củ quả vừa để làm mâm cúng, vừa để mọi người liên hoan.

Trong thời gian mọi người chuẩn bị đồ lễ thì ông chủ nhà thực hiện nghi lễ thứ nhất là mời các dụng cụ sản xuất ăn cơm mới. Ông đặt khoảng 5-6 dụng cụ (tượng trưng) lên một cái mẹt rải một lớp cám gạo, bên cạnh đặt một chiếc mẹt khác đựng một bó lúa mới. Ông chủ khấn mấy câu mời linh hồn của các dụng cụ ăn cơm mới, cảm ơn các công cụ sản xuất đã giúp gia chủ làm nương, làm ruộng.

Khoảng 11h trưa thì các món ăn, đồ lễ đã chuẩn bị xong. Mọi người đặt mâm, dọn các món ăn lên, mỗi mâm đều đầy đủ các món ăn đã chế biến. Dọn một mâm đầy đủ nhất để ông chủ nhà mời những người thân nội, ngoại, bề trên của gia chủ. Bà chủ chuẩn bị sẵn một mâm lễ để cúng tổ tiên. Ông chủ nhà mời mọi người vào mâm, những người quan trọng ngồi vào mâm chính giữa nhà. Khi mọi người đã ngồi vào mâm, ông chủ nhà đem từ bếp lên một phên tre nhỏ, trên đó đặt một ít rau nộm, 2 chiếc mỏ hàm con vịt, một vỏ quả chuối chín, một lá thuốc lào, đó là đồ lễ cúng ma đói, ma khát. Ông chủ nhà đặt lên mâm chính, trước mặt mọi người trong mâm, ông cúng khấn mời ma đói, ma khát ăn đồ lễ, rồi đốt lá thuốc là mời ma hút thuốc. Cúng xong, ông cầm mâm lễ đó đi xuống bếp tiếp tục mời ma đói, ma khát trú ngụ ở bếp ăn đồ lễ. Sau đó ra ngã ba đường vứt đi, ngụ ý là tống tiễn ma đói, ma khát, đem điều không may, rủi ro đi khỏi. Thực hiện xong nghi lễ, ông chủ quay vào mâm bắt đầu mời mọi người ăn cơm mới. Trước bữa ăn, một người thân thuộc bề trên của gia chủ nói lời cảm ơn gia chủ, cảm ơn tổ tiên, cầu chúc cho gia chủ một năm mới khỏe mạnh, mùa màng bội thu…mọi người trong mâm đáp lễ rồi bắt đầu ăn.

Người Khơ Mú không cúng tổ tiên, ông bà trước mà tổ chức ăn tết trước, đến khoảng 2h chiều, thì ông chủ nhà làm lễ gom hồn con cháu, mời về ăn cơm mới, mời tổ tiên ăn cơm mới. Mâm lễ gồm các đồ lễ đã được bà chủ nhà chuẩn bị sẵn gồm: Một đĩa rau, măng nộm; một bát củ quả luộc; một bát muối ớt, đặt 4 thìa, 4 đôi đũa ở 4 góc mâm, một ép xôi cốm mới. Mâm lễ được đặt ở chính giữa của gian đầu tiên, gần bàn thờ tổ tiên. Ông bà chủ nhà tập chung tất cả con, cháu lại, từ đứa còn ẵm ngửa đến người trưởng thành, ngồi xung quanh mâm lễ. Ông chủ nhà bắt đầu làm lễ, ông mặc trang phục bình thường nhưng phải vắt lên vai một chiếc khăn mặt để tỏ lòng kính trọng đối với tổ tiên. Ông mở ép xôi cốm, vê xôi thành từng miếng nhỏ bằng đầu ngón tay, chấm chấm vào các đồ lễ, rồi dính lên tóc của con, cháu, theo thứ tự từ người bé nhất đến người lớn nhất, đều được dính mỗi người 2 miếng xôi (người nào đội khăn thì có thể dính lên trán), vừa dính, ông chủ vừa cúng khấn mời hết các loại hồn của con cháu về ăn cơm mới, không được sót hồn nào. Khấn mời hết hồn con, cháu xong, ông chủ dính xôi gọi hồn cho vợ, rồi các con cháu giải tán, bà vợ lại khấn, dính xôi và gọi hồn cho chồng. Sau đó, ông chủ nhà tiếp tục vê xôi chấm vào các đồ lễ rồi dính xuống mặt mâm, mời tổ tiên, ông bà về ăn cơm mới, phù hộ cho con cháu khỏe mạnh, làm ăn phát đạt, mùa màng tươi tốt, ông chủ chỉ mời khoảng 4 lần, vê 4 miếng xôi là xong lễ này. Xong nghi lễ, ông chủ nhà ăn vài miếng xôi cốm, nắm mời bà chủ nhà một nắm, rồi nắm mời mọi người ăn cơm mới, mỗi người một nắm nhỏ, ai cũng được mời để cùng hưởng lộc, cùng hưởng may mắn với gia chủ, sau đó người nhà dọn mâm đi. Con cháu đặt một chum rượu cần vào đó, cắm 1 thanh gỗ nối từ sàn lên đến xà ngang nhà (nối âm dương), buộc trên thanh gỗ một bó lúa mới, buộc chum rượu cần vào thanh gỗ, bà chủ nhà ngồi tiếp nước vào chum rượu. Ông chủ nhà một tay vít cần rượu, một tay cầm đôi đũa cả gắp bã rượu cần từ trong chum ra, bón qua một cái lỗ của sàn nhà, ngụ ý mời bố mẹ về uống rượu cần, vừa bón ông vừa khấn mời bố mẹ uống rượu cần, vui lễ cơm mới với con cháu, cảm ơn bố mẹ đã trông nương ruộng, để cho con cháu được mùa...Nghi lễ kết thúc, ông chủ nhà mời những người bề trên, khách uống rượu cần trước, sau đó tất cả mọi người đều vui uống rượu cần, sau đó múa xòe cho đến tối.

Nghi lễ mừng cơm mới của người Khơ Mú được tổ chức để nhắc nhở con cháu nhớ về tổ tiên, ông bà, cảm ơn người đã khuất, cầu mong con cháu khỏe mạnh, là dịp con cháu đoàn tụ, vui vẻ, cầu mong một mùa vụ bội thu. Là một nghi lễ đơn giản nhưng mang tín ngưỡng tâm linh sâu sắc, tính đoàn kết cộng đồng, gia đình, dòng họ, là nghi lễ quan trọng đối với người Khơ Mú.

Một số hình ảnh


Ông chủ nhà cúng mời các hồn ma đói, khát ăn cơm mới

Ông chủ nhà mời tổ tiên uống rượu cần

Ông chủ nhà cúng mời tổ tiên về ăn cơm mới

Ông chủ nhà gom hồn các con, cháu về ăn cơm mới

Tác giả: Ngô Thị Hải Yến