Hoàn thành công tác kiểm kê Di sản văn hoá phi vật thể trên địa bàn tỉnh Sơn La năm 2015
Lượt xem: 385
Thực hiện thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL ngày 30/6/2010 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Kế hoạch số 96/KH-UBND ngày 19/11/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La về kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Sơn La năm 2015.

Với phương châm nhận diện đầy đủ văn hóa phi vật thể của 02 dân tộc Xinh Mun, Khơ Mú. Năm 2015 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể tại 24 bản trên địa bàn 4 huyện: Huyện Sốp Cộp: Bản Huổi Nó, bản Lọng Phát xã Dồm Cang; Bản Tà Cọ xã Sốp Cộp; Bản Nà Cang, bản Co Đứa xã Mường Và. Huyện Yên Châu: Bản Thàn xã Chiềng Pằn; Bản Trạm Hốc, bản Nà Đít, bản Nà Dạ xã Chiềng On; Bản Con Khằn, bản Na Nhươi, bản Tà Ẻn xã Phiêng Khoài. Huyện Sông Mã: Bản Huổi Han xã Chiềng En; Bản Huổi Nhương, bản Puông xã Chiềng Khương; Bản Nậm Pù A xã Huổi Một; Bản Huổi Co, xã Mường Cai; Bản Huổi Cát, xã Chiềng Sơ, Bản Tin Tốc, xã Mường Sại; Bản Huổi Cuống, xã Chiềng Cang; Bản Nà Pàn, xã Nà Nghịu; Bản Pá Bông, xã Chiềng Khoong. Huyện Thuận Châu: Bản Phiên Phớ và bản Cụng Nhuông xã Nong Lay.

Theo số liệu thống kê hiện Sơn La có 48 bản người Khơ Mú sinh sống với 1.760 hộ; 9.727 người, chiếm 1,2 % dân số của tỉnh, cư trú ở huyện Yên Châu, Mai Sơn, Mường La, Quỳnh Nhai, Thuận Châu, Sông Mã. Trước kia sống chủ yếu dựa vào nương rẫy, săn bắt và hái lượm, các họ thường mang tên một loài thú, một loài chim hay một thứ cây, mỗi dòng họ coi thú, chim, cây cối là tổ tiên ban đầu của mình (tô tem). Họ kiêng giết thịt và ăn thịt các loại động, thực vật này; Mỗi dòng họ có huyền thoại kể về lai lịch của tổ tiên chung, người cùng dòng họ coi nhau là anh em ruột thịt. Có 65 bản người Xinh Mun với 4.200 hộ; 15.653 người, chiếm 2 % dân số của tỉnh; Dân tộc Xinh Mun ở tỉnh Sơn La có 2 ngành: Xinh Mun nghẹt và Xinh Mun dạ, cư trú chủ yếu ở vùng biên giới Việt - Lào thuộc huyện Yên Châu. Ngoài ra, còn có một số sống rải rác ở các huyện Mai Sơn, Thuận Châu, Mường La. Người Xinh Mun còn có tên khác gọi là Puộc, Pụa.

Việc tiến hành điền dã, kiểm kê nhận diện, xác định giá trị, phân loại, lập danh mục bao gồm: Phong tục, tập quán, âm nhạc, diễn xướng dân gian, nghề thủ công truyền thống, lễ hội, tri thức dân gian…. Đã được xác định khá rõ đối với  hai dân tộc Xinh Mun, Khơ Mú trên địa bàn tỉnh; Trước mắt Ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch tập chung chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung triển khai một số nội dung sau: Tiếp tục tổ chức tập huấn hạt nhân văn hoá, văn nghệ nòng cốt, xây dựng  phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao sâu rộng, làm phong phú đời sống văn hoá ở cơ sở, tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh, ổn định cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, phục vụ đắc lực công cuộc đổi mới đất nước, thực hiện có hiệu quả công tác “Phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số miền núi”. Chỉ đạo đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng bản văn hóa, gia đình văn hóa; Vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới, góp phần thực hiện tốt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9, khoá XI về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Phối hợp với Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh triển khai, chọn điểm xây dựng điểm sáng văn hóa trên tuyến biên giới gắn với công tác bảo vệ chủ quyền an ninh tuyến biên giới. Biên soạn tài liệu tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, vận động từ bỏ thói quen lạc hậu, hủ tục, luật tục không còn phù hợp như: Sinh hoạt, ăn uống chưa hợp vệ sinh, bình đẳng giới, sinh con thứ 3, tảo hôn, chữa bệnh bằng cách mời thầy cúng ….

Những năm qua Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã tham mưu cho Uỷ ban nhân dân, Hội đồng nhân dân ban hành Nghị quyết số 23/2012/NQ-HĐND ngày 19/9/2012 về Quy định chế độ quản lý đặc thù đối với đội tuyên truyền lưu động; Nghị quyết số 37/2012/NQ-HĐND ngày 12/12/2012 về sửa đổi mức chi đối với một số nội dung của Nghị quyết số 366/2011/NQ-HĐND ngày 18/3/2011 của HĐND tỉnh về Quy định mức chi đặc thù đối với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật quần chúng, nhằm phát triển đời sống kinh tế xã hội, nâng cao nhận thức đối với các dân tộc ít người trên địa bàn tỉnh.

Trong thời gian tới Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện Quyết định số 1270/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hoá các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020. Từ đó tham mưu cho UBND, HĐND tỉnh đưa ra giải pháp bảo tồn các giá trị văn hoá tốt đẹp có nguy cơ bị mai một của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu đề nghị Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Một số hình ảnh:

01. Nhà “gong than” trong Lễ hội teng cung của người Khơ Mú, tại bản Huổi Nhương, xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã

02. Nghệ nhân dân tộc Khơ Mú chế tác nhạc cụ, bản Nậm Pù A, xã Huổi Một, huyện Sông Mã

03. Quà cưới của họ nhà gái tặng cô dâu dân tộc Khơ Mú ở bản Huổi Co, xã Mường Cai, huyện Sông Mã

04. Sản phẩm nghề đan lát mây tre của dân tộc Khơ Mú, bản Huổi Han, xã Chiềng En, huyện Sông Mã

05. Thịt nướng, món ăn đặc trưng của dân tộc Xinh Mun, bản Tin Tốc, xã Mường Sai, huyện Sông Mã

06. Mâm cơm mời khách  của dân tộc Xinh Mun, bản Huổi Cát, xã Chiềng Sơ, huyện Sông Mã

07. Chiêng nhạc cụ chính dùng trong Lễ hội của dân tộc Xinh Mun, bản Huổi Cuống, xã Chiềng Cang, huyện Sông Mã

08. Sản phẩm nghề dệt, dân tộc Khơ Mú, bản Pá Bông, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã

09. Trang phục nữ dân tộc Khơ Mú, bản Lụng Muông, xã Noong Lay, huyện Thuận Châu

10. Hoa văn trang trí nhà ở của dân tộc Xinh Mun, bản Nà Pàn, xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã