Di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh tỉnh Sơn La qua công tác tổng kiểm kê theo Luật Di sản Văn hóa
Lượt xem: 882
Thực hiện Luật Di sản Văn hoá, năm 2015, Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sơn La đã tiến hành tổng kiểm kê di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn toàn tỉnh để đánh giá thực trạng về mọi mặt của các di tích, lập Danh mục di tích trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và ban hành. Đồng thời loại khỏi danh mục những di tích không phát huy được giá trị, bổ sung các di tích mới được phát hiện, đảm bảo các di tích được bảo vệ theo qui định của pháp luật, không bị xâm hại bởi thiên nhiên và con người. Từ đó để xây dựng quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị các di tích.

Qua Tổng kiểm kê đến hết năm 2015, tỉnh Sơn La có 83 di tích được phê duyệt và đưa vào Danh mục, trong đó:

Về xếp hạng: Đã có 55 di tích được xếp hạng, có 01 di tích Quốc gia đặc biệt, 13 di tích quốc gia, 41 di tích cấp tỉnh; 28 di tích chưa được xếp hạng.

Về loại hình: Lịch sử: 49 di tích; Kiến trúc nghệ thuật: 02 di tích; Khảo cổ: 11 di tích; Danh lam thắng cảnh: 21 di tích.

Về địa bàn phân bố: Thành phố Sơn La: 08 di tích; huyện Thuận Châu: 07 di tích; huyện Mộc Châu: 18 di tích; huyện Vân Hồ: 09 di tích; huyện Phù Yên: 05 di tích; huyện Mai Sơn: 08 di tích; huyện Sông Mã: 03 di tích; huyện Sốp Cộp: 01 di tích; huyện Mường La: 06 di tích; huyện Bắc Yên: 04 di tích; huyện Quỳnh Nhai: 05 di tích; huyện Yên Châu: 09 di tích.

Trong thời gian vừa qua, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, đó là:

Số di tích được lập hồ sơ, trình các cấp công nhận xếp hạng tăng lên hàng năm. Các di tích sau khi được xếp hạng đã được bàn giao về các địa phương trực tiếp quản lý, khai thác và phát huy giá trị. Một số di tích lịch sử cách mạng đã trở thành những địa chỉ đỏ, tuyên truyền giáo dục truyền thống cách mạng cho học sinh và nhân dân; một số danh lam thắng cảnh đã phát huy giá trị, góp phần quan trọng cho việc phát triển du lịch, kinh tế - xã hội của địa phương.

Hầu hết các di tích được xếp hạng đã được lập biên bản và bản đồ khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích, một số di tích đủ điều kiện đã lập hồ sơ để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đảm bảo đất đai của di tích được bảo vệ theo quy định. Các di tích đều được đặt biển chỉ dẫn và biển tóm tắt nội dung di tích để giúp khách thăm quan có thể nhận biết và tìm hiểu bước đầu về ý nghĩa, giá trị của di tích.

Ngoài các di tích cấp quốc gia được đầu tư tôn tạo từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia hàng năm, một số di tích đã được các địa phương, đơn vị trực tiếp quản lý đã đầu tư bằng nguồn kinh phí của địa phương và nguồn xã hội hóa để trùng tu, tôn tạo: Các di tích thuộc huyện Mộc Châu: Thác Dải Yếm; Nơi Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, công nhân Nông trường Mộc Châu; Di tích lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến, Hang Dơi…; Các di tích thuộc huyện Yên Châu: Nơi Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, nhân dân huyện Yên Châu, Tượng đài chiến thắng Chiềng Đông, Hang Chi Đảy…;

Một số di tích đã thành lập được Ban quản lý di tích, có nguồn thu từ bán vé tham quan, nguồn công đức, góp phần quản lý và phát huy tốt giá trị của di tích.

Một số địa phương đã rất chủ động trong công tác quy hoạch để bảo tồn và phát huy giá trị các di tích đảm bảo tính bền vững, phù hợp với quy hoạch phát triển du lịch, kinh tế - xã hội của địa phương.

Xuất bản cuốn sách “Sơn La - Di tích và Danh thắng” bằng hai thứ tiếng Việt - Anh, cùng nhiều ảnh giới thiệu về toàn bộ các di tích lịch sử - danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng của tỉnh Sơn La.

Hàng năm, phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh xây dựng chuyên mục Di sản Văn hóa nhằm giới thiệu, quảng bá rộng rãi về di sản văn hóa của tỉnh.

Tuy nhiên, do đặc điểm các di tích của tỉnh Sơn La chủ yếu là các di tích lịch sử cách mạng, phân bố ở vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại khó khăn. Hiện trạng các di tích chủ yếu chỉ còn lại dấu tích nên việc đầu tư trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích còn rất hạn chế. Ngoài ra, một số di tích tuy đã được xếp hạng nhưng không thể khoanh vùng các khu vực bảo vệ và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vì đất đang thuộc sở hữu của các hộ dân, các đơn vị khác quản lý hoặc bị lấn chiếm: Di tích thắng cảnh Thẳm Tát Toong (thành phố Sơn La); Di tích lịch sử Tập đoàn cứ điểm Nà Sản (Mai Sơn); Di tích Hang Co Noong (Mường La); Di tích lịch sử Đồn Bản Mo (Phù Yên); Di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi (Mai Sơn)…đa số các di tích chưa thành lập được Ban quản lý, phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thành phố không có biên chế cán bộ chuyên môn về công tác quản lý di sản nên việc tham mưu công tác quản lý và phát huy giá trị các di tích còn khó khăn.

Để bảo vệ, khai thác và phát huy được giá trị của các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trong thời gian tới, tỉnh Sơn La cần có một số giải pháp, đó là:

Ủy ban nhân dân tỉnh cần chỉ đạo các ngành liên quan: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc lập quy hoạch tổng thể tôn tạo và phát huy giá trị di tích, khoanh vùng các khu vực bảo vệ, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các di tích. Tiếp tục quan tâm đầu tư kinh phí để trùng tu, tôn tạo các di tích đã được xếp hạng cấp tỉnh để bảo tồn và phát huy giá trị.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần  tiếp tục quan tâm, bố trí đầu tư kinh phí để trùng tu tôn tạo các di tích đã được xếp hạng quốc gia và quốc gia đặc biệt.

Các di tích sau khi đã được xếp hạng bàn giao về các địa phương trực tiếp quản lý. Vì vậy, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có di tích cần chủ động trong công tác quản lý di tích; hàng năm bố trí nguồn kinh phí cho công tác quy hoạch tổng thể tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích; đẩy mạnh xã hội hóa công tác trùng tu di tích; Chủ động đăng ký nhu cầu sử dụng đất để các di tích được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện công tác khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các di tích để tránh việc lấn chiếm, xâm hại di tích; hướng dẫn chuyên môn cho các huyện trong công tác lập quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị của di tích; quản lý, khai thác phát huy giá trị của di tích.

Để các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh thực sự là những địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng, góp phần vào việc phát triển du lịch, kinh tế - xã hội của các địa phương, chúng ta cần có sự chung tay của cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành và đặc biệt là sự góp sức của mỗi người dân - chủ nhân của di sản văn hóa /.

HẢI YẾN - PHÒNG QUẢN LÝ DI SẢN