Để xòe dân gian thành điệu xòe truyền thống
Lượt xem: 864
Dân tộc Thái ở Sơn La hiện chiếm 54,8% dân số, định cư ở hầu hết các huyện, thành phố trong tỉnh; là dân tộc có nét văn hóa truyền thống lâu đời, trong đó có các điệu xòe đến nay vẫn được duy trì và phát triển, mãi là món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào các dân tộc Sơn La - Tây Bắc nói chung và dân tộc Thái nói riêng.


Điệu xòe bổ bốn trong lễ hội Hoa Ban 2015

“…Không xòe thì như mây không bay/ không xòe thì như nước suối ngừng chảy/ không xòe không tốt lúa/ không xoè thóc cạn bồ/ không xoè trai gái không thành đôi…” (Dân ca Thái). Chính vì thế, xòe đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong các lễ hội của người Thái; xòe đã góp phần nuôi dưỡng và chắp cánh những tâm hồn, làm cho con người gần gũi, gắn bó chan hoà với nhau hơn, thêm tin yêu vào cuộc sống và quê hương đất nước mà chính họ thêm phần góp sức dựng nên.

Theo NSUT-TS Nguyễn Như Bình, Hội nghệ sỹ múa Hà Nội - Trưởng Ban giám khảo Hội thi “Điệu xòe cộng đồng Sơn La lần thứ nhất 2015” thì: “Sơn La hiện có tới hơn 3.000 điệu xòe lưu truyền trong các bản làng. Chính vì thế mà ngân sách nhà nước hằng năm đã tài trợ cho mỗi đội xòe trên 2 triệu đồng (tương đương 7 tỷ đồng/năm) để đầu tư cho luyện tập, mua sắm trang phục, đạo cụ, dàn nhạc phục vụ cho hội xòe. Tháng 5/2015 vừa qua, Sơn La tổ chức “Điệu xòe cộng đồng” lần thứ nhất là một sáng kiến, một tiêu chí để định hướng cho điệu xòe phát triển theo tinh thần của Nghi quyết TW5 khóa VIII về “tiếp tục xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” là hành động thiết thực. Đây là món ăn tinh thần, là vũ khí, phương tiện tập hợp cộng đồng không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp để hòa chung khát vọng yêu thương về một cuộc sống chứa chan hạnh phúc. Các điệu xòe cổ ở Sơn La hầu như đều “có lửa”, không gò bó cứng nhắc, ẩn chứa nội sinh và sự biến hóa vô cùng tinh tế, dân dã mà không kém phần hiện đại. Thật là ấn tượng, hiếm nơi nào trên đất nước này có đời sống văn hóa tinh thần sôi động ấn tượng như Sơn La”.


Điệu xòe tiến lùi, do đội VNQC xã Hua La, TP Sơn La thể hiện

Trong các điệu xòe cổ, trước tiên, phải kể đến điệu “xé vóng” (xòe vòng). Đây là điệu xòe cổ nhất, không phân biệt độ tuổi và giới tính, họ cùng nắm tay nhau tiến lùi theo nhịp trống, chiêng, nhẹ nhàng uyển chuyển, xếp thành nhiều vòng tròn đồng tâm. Điệu xòe thể hiện sự gắn kết bền vững của cộng đồng, chuyên chở khát vọng một cuộc sống ấm no, hạnh phúc trong sự vận động không ngừng của đất trời, vạn vật. Từ điệu xòe vòng, dần dần phát triển thành các điệu xòe cổ khác ẩn chứa những ý nghĩa nhân sinh lớn lao, như: điệu xòe “khắm khăn mơi lảu” (Điệu nâng khăn mời rượu); điệu “phá xí” (Điệu bổ bốn); điệu “đổn hôn” (Điệu tiến lùi); điệu “nho khăn” (Điệu tung khăn); điệu “ỏm lọm tốp mứ” (điệu vòng tròn vỗ tay) và điệu xòe bá vai v.v… Ngoài ra, đồng bào còn sáng tạo, phát triển thêm nhiều điệu xòe mới nhưng vẫn giữ được giá trị văn hóa đích thực của nó thông qua lao động, sản xuất và cuộc sống muôn màu...

Đến với hội xòe, ai cũng phấn khởi được tay trong tay, vai kề vai với những ánh mắt thân thương, nụ cười đôn hậu, hòa quyện cùng giai điệu của tiếng chiêng, tiếng khèn tôn lên sự sôi động từng bừng làm cho ai nấy đều hoan hỷ, cởi lòng mình hòa quyện niềm vui chung để rồi ngày mai hăng hái hơn trong lao động sản xuất, học tập và công tác. Tuy nhiên, nếu để tâm sẽ thấy ngoài những cuộc thi thố, liên hoan thì múa xòe còn có giai điệu, động tác, còn tại các cuộc giao lưu thì phần lớn lớp trẻ chỉ múa được một hai điệu phổ biến với động tác dễ múa như vòng tròn cầm tay, co chân, tiến lùi, còn phần lớn trai gái “phá cách” đưa các điệu nhảy tân thời lẫn vào xòe Thái khiến không gian cuộc vui múa xòe nhộn nhạo và kém hấp dẫn, biến dạng sắc thái truyền thống.

Chính vì sớm nhận thấy dấu hiệu mai một của xòe nên những năm gần đây, tỉnh Sơn La đã tích cực khôi phục và bảo tồn các điệu xòe cổ của người Thái. Cụ thể, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã giao Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức Hội thi “Điệu xòe cộng đồng”, Hội Liên hiệp VHNT tỉnh mở trại sáng tác sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến các điệu xòe truyền thống năm 2015, bước đầu thu được những kết quả nhất định; đồng thời, các trại viên đã đề xuất lựa chọn một số động tác cơ bản cuốn hút, dễ thực hiện để biên sọan, biên tập phổ biến rộng rãi; tiếp tục phát huy các nhạc cụ truyền thống làm nhạc phục vụ xòe để giữ gìn bản sắc văn hóa đặc trưng của dân tộc; lựa chọn những giai điệu, âm thanh, tiết tấu rộn ràng, phong phú về âm hình tạo cảm hứng, cuốn hút người tham gia xòe làm nền tảng để hòa thanh phối khí nhạc xòe vòng cộng đồng. Gần đây nhất, trung tuần tháng 8/2015, Trung tâm Văn hóa tỉnh đã mở lớp tập huấn “Xòe Sơn La” cho 48 hội viên là hạt nhân văn nghệ của các xã, phường của Thành phố để phổ biến, phát triển 6 điệu xòe truyền thống thành văn hóa xòe theo nguyên tắc nhất định.

Điểm thuận lợi là điều kiện bảo tồn xòe cổ không đòi hỏi phải đầu tư nhiều về tài chính do xòe là tinh hoa văn hóa và là món ăn tinh thần không thể thiếu của người Thái. Lớp người cao tuổi biết về nhạc và xòe cổ vẫn còn nhiều, không gian và điều kiện để truyền dạy, phổ biến xòe cổ không quá khắt khe do xòe có thể biểu diễn ngay trong đời sống thường nhật của cộng đồng người Thái… Vì vậy, ngành văn hóa cần có những giải pháp thiết thực cho việc bảo tồn và phát triển xòe dân gian thành điệu xòe truyền thống, trước mắt cần có chính sách khuyến khích các nghệ nhân dân gian truyền dạy xòe cổ trong sinh hoạt văn nghệ cộng đồng thôn bản, tổ chức thi múa xòe cổ trong liên hoan văn nghệ quần chúng ở cơ sở…

Cũng theo NSUT Nguyễn Như Bình - Hội nghệ sỹ múa Hà Nội thì: “Vấn đề còn lại là cần có sự chỉ đạo và xây dựng giải pháp mang tính đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở dựa theo các điệu xòe truyền thống. Đồng thời, các địa phương có người Thái sinh sống mà chưa triển khai bảo tồn xòe cổ cần được cơ quan chuyên môn giúp đỡ xây dựng đội ngũ hạt nhân văn nghệ và phương pháp xây dựng phong trào; cung cấp cho tuyến xã, thị trấn, thôn bản những tư liệu hình ảnh về các điệu xòe cổ, nhạc xòe, thậm chí là cả những tư liệu phân tích ý nghĩa của từng điệu xòe và vì sao cần phải bảo tồn xòe cổ… Làm được điều này chắc chắn không chỉ nâng cao được đời sống tinh thần của cộng đồng người Thái mà còn tạo nên hiệu ứng sâu rộng, bền vững hơn khi cả cơ chế chính sách và đông đảo người dân cùng tham gia vào bảo tồn văn hóa”.

Xòe Thái một nét đặc trưng mang đậm bản sắc dân tộc Thái với tính chất cộng đồng xã hội rộng phù hợp với nhiều lứa tuổi, nhiều dân tộc. Bởi vậy, việc bảo tồn và quảng bá điệu xòe dân gian thành điệu xòe truyền thống là việc làm cần thiết, góp phần lưu giữ, kế thừa và phát huy tinh hoa văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phục vụ văn hóa tinh thần cho đồng bào các dân tộc trong tỉnh./.

Bài, ảnh: Anh Đức