Để di sản văn hóa các dân tộc sống mãi với thời gian
Lượt xem: 727
Nằm trong “dòng chảy” của văn hóa Việt Nam, nhắc đến Sơn La là nói đến một vùng văn hoá đa dạng, phong phú và đậm đà bản sắc dân tộc. Vùng đất Sơn La hội tụ sinh sống của 12 dân tộc anh em, mỗi dân tộc đều có một kho tàng di sản văn hoá mang sắc thái riêng, hiện nay vẫn được giữ gìn, phát huy, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Những năm qua, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động khơi dậy, bảo tồn và phát huy vốn di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc.

Tái hiện Lễ hội rượu cần của dân tộc Kháng tại huyện Quỳnh Nhai (ảnh chụp trước thời điểm 27/4).

Đối với di sản văn hóa vật thể, hiện nay, toàn tỉnh có 96 di tích được đưa vào danh mục, trong đó: có 1 di tích Quốc gia đặc biệt, 16 di tích quốc gia, 46 di tích cấp tỉnh, 33 di tích chưa được xếp hạng. Nhiều di tích đang được bảo tồn và khai thác hiệu quả, nổi bật, như: Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La, Di tích Văn bia Quế lâm Ngự chế - Đền thờ Vua Lê Thái Tông, Di tích lịch sử Trung đoàn Tây Tiến... thu hút đông đảo du khách đến tham quan, học tập và nghiên cứu, góp phần vào việc giáo dục truyền thống, ý thức phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong các tầng lớp nhân dân.

Trong bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã được kiểm kê để nhận diện đầy đủ đặc trưng văn hóa của các dân tộc, các ngành và các nhóm địa phương với 9 dân tộc, gồm: Thái, Mông, Dao, Mường, Xinh Mun, Khơ Mú, La Ha, Lào, Kháng. Được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận và đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia 12 di sản văn hóa tiêu biểu, đó là: Chữ viết cổ dân tộc Thái; Lễ hội Hết Chá dân tộc Thái (nhóm Thái trắng Mộc Châu); nghệ thuật Xòe Thái; lễ cúng dòng họ dân tộc Mông, lễ Pang A của dân tộc La Ha; nghi lễ Cấp sắc của dân tộc Dao; nghệ thuật Khèn của người Mông huyện Mộc Châu; nghi lễ truyền thống trong đám cưới của người Dao tiền; nghi lễ Gội đầu của người Thái trắng huyện Quỳnh Nhai; nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục của người Mông hoa huyện Mộc Châu; nghi lễ Mạng Ma (cầu sức khỏe) của người Xinh Mun, xã Chiềng On (Yên Châu); lễ Kin Pang Then của người Thái trắng.

Đặc biệt, bảo tồn, phát huy giá trị các điệu xòe, nhạc xòe phục vụ sinh hoạt văn hóa cộng đồng và giao lưu văn hóa trong thời kỳ hội nhập quốc tế, UBND tỉnh ban hành kế hoạch phổ cập một số điệu xòe mang bản sắc văn hóa các dân tộc Sơn La. Đồng thời, phối hợp với Viện Văn hóa - Nghệ thuật quốc gia Việt Nam và các tỉnh: Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái xây dựng hồ sơ Nghệ thuật Xòe Thái trình UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Từ những năm 1992 tỉnh ta đã xây dựng và phát triển các đội văn nghệ quần chúng, đến nay thường xuyên duy trì trên 3.000 đội văn nghệ quần chúng tại các bản, tổ, tiểu khu, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân và tổ chức phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước.

Tại thảo nguyên Mộc Châu, vùng đất nhiều danh lam, thắng cảnh với nhiều nét văn hóa đa dạng đang được giữ gìn và xây dựng thành sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút đông đảo du khách. Bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu, cho biết: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc gắn với phát triển kinh tế du lịch được xác định là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển du lịch Mộc Châu theo hướng bền vững. Huyện hỗ trợ kinh phí để phục dựng, tái hiện một số lễ hội truyền thống, đặc sắc, như: Lễ hội Hết Chá (Đông Sang); Lễ hội cầu mưa (Mường Sang)... Đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc đến với du khách trong và ngoài nước, tạo thành sản phẩm du lịch thu hút khách.

Quỳnh Nhai, vùng đất lâu đời của cư dân vùng sông nước dọc đôi bờ sông Đà với nhiều nét văn hóa và lễ hội đặc sắc. Bà Điêu Thị Nhất, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Quỳnh Nhai, chia sẻ: Công tác bảo tồn phong tục tập quán, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc luôn được huyện quan tâm duy trì và phát triển. Từ năm 2019 đến nay, huyện Quỳnh Nhai được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận và đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia với 3 lễ hội, gồm: Lễ hội Xên Pang A của dân tộc La Ha, nghi lễ gội đầu (lung ta) của người Thái trắng Quỳnh Nhai và lễ Kin Pang Then của người Thái trắng.

Trao đổi với đồng chí Trần Tân Phong, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, được biết: Trong thời gian tới, ngành tiếp tục tham mưu với tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng về “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, qua đó khơi dậy lòng tự hào của mỗi dân tộc về di sản văn hóa tốt đẹp để chính họ tự nguyện tham gia gìn giữ, xây dựng và phát triển các di sản văn hóa của dân tộc mình.

Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác quản lý, nghiên cứu văn hóa, đặc biệt là cán bộ là người dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và khai thác, phổ biến di sản văn hoá các dân tộc trong tỉnh, góp phần làm tăng chất lượng hưởng thụ văn hóa của nhân dân; tạo sản phẩm phát triển văn hóa, du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho nhân dân.