15 năm - Một chặng đường gìn giữ di sản văn hóa
Lượt xem: 515
Ngay sau khi nước nhà giành được độc lập, ngày 23 tháng 11 năm 1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: “Xét rằng: Việc bảo tồn cổ tích là việc rất cần trong công cuộc kiến thiết nước Việt Nam và Xét rằng: Đông Dương Bác Cổ học viện có nhiệm vụ bảo tồn tất cả cổ tích trong toàn cõi Việt Nam”, đã ký ban hành sắc lệnh số 65, Sắc lệnh đầu tiên của một nước Việt Nam độc lập về bảo tồn di sản văn hóa.

Sau đó, các văn bản của Nhà nước quy định về việc bảo tồn di sản văn hóa lần lượt được ban hành:  Ngày 04 tháng 4 năm 1984, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước ban hành Pháp lệnh số 14-LCT/HĐNN7 về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hóa, danh lam và thắng cảnh; Ngày 29 tháng 6 năm 2001 Luật Di sản văn hóa đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa X, kỳ họp thứ 9 thông qua. Luật Di sản văn hóa năm 2001 đã điều chỉnh cả di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể; Ngày 18 tháng 6 năm Luật Di sản văn hóa sửa đổi, bổ sung đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 5 thông qua và đặc biệt ngày 24 tháng 02 năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 36/QĐ-TTg  về Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (hàng năm lấy ngày 23/11 làm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam). Các văn bản của Nhà nước đã định hướng, quy định về việc bảo tồn di sản văn hóa của Việt Nam và hợp tác với quốc tế trong lĩnh vực này, đặc biệt tôn vinh các nghệ nhân nắm giữ những hồn cốt của dân tộc, những người nỗ lực bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trên khắp đất nước.

Với tỉnh Sơn La, từ năm 1962, trong đợt xếp hạng di tích đầu tiên, di tích lịch sử Nhà tù Sơn La đã được công nhận xếp hạng quốc gia. Từ đó đến nay, thực hiện các quy định của pháp luật về Di sản văn hóa, được sự quan tâm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lãnh đạo tỉnh Sơn La, các nguồn lực của trung ương và địa phương, cùng với sự nỗ lực, cố gắng của cán bộ ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa tại địa phương đã đạt được những thành tích đáng ghi nhận:

Bảo tàng tỉnh đang lưu giữ hơn 20 ngàn tài liệu, hiện vật. Trong đó có các sưu tập hiện vật quý như: Sưu tập đồ đồng, Trống đồng; Sưu tập sách chữ Thái cổ, Dao cổ; Sưu tập đặc trưng văn hóa các dân tộc thiểu số...hàng năm sưu tầm thêm từ 150-250 tài liệu, hiện vật bổ sung cho kho cơ sở và phục vụ cho việc trưng bày Bảo tàng tỉnh trong tương lai. Bảo tàng tỉnh Sơn La đang quản lý Nhà trưng bày "Di sản văn hóa vùng lòng hồ Thủy điện Sơn La”, trong đó có hệ thống kho bảo quản với hơn 6.000 hiện vật được sưu tầm và khai quật các di tích, dân tộc trong vùng ngập của Nhà máy Thủy điện Sơn La và hệ thống trưng bày các hiện vật được khai quật từ các di chỉ khảo cổ học, quá trình xây dựng nhà máy thủy điện Sơn La, văn hóa các dân tộc trong vùng ngập của lòng hồ Thủy điện Sơn La. Năm 2020, thực hiện Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 05 tháng 5 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi, phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La, thành phố Sơn la, tỉnh Sơn La, tỉnh Sơn La đã giao toàn bộ Khu trụ sở HĐND, UBND và một số sở ngành (cũ) trên đồi Khau Cả cho Bảo tàng tỉnh quản lý và cho phép Bảo tàng tỉnh phối hợp với các chuyên gia xây dựng Đề án "Đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Bảo tàng tỉnh Sơn La gắn với phát triển Du lịch, giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030”, Đề án đã hoàn thiện và đang được trình các cấp xem xét, phê duyệt. Đề án được phê duyệt và triển khai sẽ tạo cho Bảo tàng tỉnh Sơn La, một thiết chế văn hóa quan trọng có một diện mạo mới, thực hiện được việc trưng bày về quá trình lịch sử, các lĩnh vực, văn hóa, con người...Sơn La, tạo sản phẩm để phát triển du lịch.

Thực hiện Luật Di sản Văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiến hành tổng kiểm kê di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn toàn tỉnh 5 năm/lần nhằm đánh giá thực trạng về công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích đã được xếp hạng, phát hiện các di tích mới để đưa vào danh mục đồng thời loại ra khỏi danh mục các di tích xuống cấp nghiêm trọng, không có khả năng phục hồi và phát huy; Hàng năm, điều tra, khảo sát, nghiên cứu lập hồ sơ khoa học đề nghị các cấp xếp hạng các di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh trên địa bàn toàn tỉnh. Tính tháng 11 năm 2020, tỉnh Sơn La có 96 di tích được đưa vào danh mục, trong đó có 63 di tích được xếp hạng (01 di tích quốc gia đặc biệt, 16 di tích quốc gia, 46 di tích cấp tỉnh), 33 di tích chưa được xếp hạng; có 28/63 di tích được tu bổ, tôn tạo. Một số di tích đang được bảo tồn và khai thác hiệu quả, hàng năm thu hút được hàng nghìn lượt người tham quan, học tập góp phần vào việc giáo dục truyền thống, ý thức phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Một số di tích đã tạo được nguồn thu từ bán vé tham quan, đã đầu tư trở lại cho di tích, góp phần bảo tồn, chống xuống cấp các di tích.

Thực hiện Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quy định việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tỉnh Sơn La đã tiến hành công tác kiểm kê di sản văn hóa của các dân tộc trên địa bàn tỉnh để nhận diện đầy đủ đặc trưng văn hóa của các dân tộc, các ngành và các nhóm địa phương với 9 dân tộc bao gồm: Thái, Mông, Dao, Mường, Xinh Mun, Khơ Mú, La Ha, Lào, Kháng và nghiên cứu lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Qua kiểm kê đã đánh giá một cách tổng thể thực trạng di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc tỉnh Sơn La (gồm 07 loại hình), tìm hiểu nguyện vọng về việc gìn giữ di sản văn hóa của người dân và đề ra biện pháp bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể; Nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận và đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia 12 di sản văn hóa tiêu biểu, đó là: Chữ viết cổ dân tộc Thái, Lễ Hết Chá dân tộc Thái (nhóm Thái trắng Mộc Châu), Nghệ thuật Xòe Thái, Lễ cúng dòng họ dân tộc Mông, Lễ Pang A (Cầu an) của dân tộc La Ha, Nghi lễ Cấp sắc của dân tộc Dao, Nghệ thuật Khèn của người Mông huyện Mộc Châu, Nghi lễ truyền thống trong đám cưới của người Dao tiền, Lễ Gội đầu của người Thái trắng huyện Quỳnh Nhai, Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục của người Mông hoa huyện Mộc Châu, Nghi lễ Mạng Ma (cầu sức khỏe) của người Xinh Mun dạ, xã Chiềng On, huyện Yên Châu; Nghi lễ Kin Pang Then của người Thái trắng. Năm 2020, đang triển khai lập hồ sơ khoa học văn hóa phi vật thể Nghi lễ Pang Á (Cầu an) của người Kháng. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 2459/QĐ-UBND ngày 02 tháng 10 năm 2019 về việc ban hành Kế hoạch bảo vệ và phát huy di sản văn hóa trong Danh mục quốc gia trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2020-2023, năm 2020 đang phối hợp với các địa phương thực hiện công tác bảo tồn và phát huy di sản Nghi lễ cấp sắc của dân tộc dao, với các nội dung: Truyền dạy nghi lễ, tổ chức ngoại khóa cho học sinh các trường dân tộc nội trú, tổ chức trải nghiệm nghi lễ tại Bảo tàng tỉnh, phát hành các tờ rơi, tập gấp giới thiệu về di sản.

Thầy cúng mời con nuôi uống rượu (trong Nghi lễ Pang Á của người Kháng)

Phối hợp với Viện Văn hóa - Nghệ thuật quốc gia Việt Nam và các tỉnh: Điện Biên, Lai Châu và Yên Bái xây dựng hồ sơ Nghệ thuật Xòe Thái trình UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Hồ sơ đã được nộp vào ngày 31 tháng 3 năm 2019, sẽ được Hội đồng của UNESCO xét và công nhận năm 2021. Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh xin chủ trương xây dựng hồ sơ Mo Mường trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; phối hợp với tỉnh Hòa Bình và các tỉnh có đông người Mường sinh sống xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại.

Lễ dâng đèn (trong Nghi lễ Pang Á của người Kháng)

Thực hiện công tác nghiên cứu các đề tài khoa học cấp tỉnh: "Giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc Thái ở Sơn La trong quá trình hội nhập quốc tế”; "Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa thời kỳ Tiền - sơ sử vùng lòng hồ Thủy điện Sơn La”; Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa thời kỳ Tiền - sơ sử vùng lòng hồ Thủy điện Hòa Bình (địa bàn tỉnh Sơn La)”.

Tham mưu triển khai thực hiện Quyết định số 1270/QĐ-TTg năm 2011 của Chính phủ phê duyệt Đề án "Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số giai đoạn 2011-2020”, tỉnh Sơn La đã ban hành kế hoạch, tiến hành thực hiện công tác nghiên cứu, sưu tầm, chế tác, thể hiện, truyền dạy và tư liệu hóa loại hình văn hóa truyền thống của các dân tộc gồm: Nhạc cụ của người Mông, Thái, Dao, Khơ Mú; các làn điệu dân ca của người Dao, Thái, Mường, Mông; nghề làm giấy và nghệ thuật vẽ tranh thờ trên giấy Dó của người Dao; Nghi lễ cúng vía trâu của người Thái; Lễ cúng bản của người La Ha; Lễ mừng cơm mới của người Lào; Nghề thêu và in hoa văn bằng sáp ong trên vải của dân tộc Mông; Tổ chức  lớp tập huấn, truyền dạy cách chế tác và sử dụng nhạc cụ dân tộc Khơ Mú; Dao...

Thực hiện Đề án “Kiểm kê, bảo quản, dịch thuật sách chữ Thái cổ giai đoạn 2012-2014”. Sau khi thực hiện xong đề án giai đoạn 1, đã cơ bản đạt các mục tiêu đề ra đó là: Kiểm kê tất cả các cuốn sách đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh và Thư viện tỉnh; lược dịch những cuốn sách chưa được lược dịch; lựa chọn những cuốn sách có nội dung tốt để thuê các nhà nghiên cứu dịch thuật ra tiếng phổ thông; scan, số hóa 1/3 số sách có trong Thư viện và Bảo tàng. Năm 2016, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch bảo tồn và phát huy di sản văn hóa sách chữ Thái cổ tỉnh Sơn La giai đoạn 2017-2019, nhằm tiếp tục bảo quản và phát huy tốt giá trị của sách chữ Thái cổ tại kho của Thư viện tỉnh và Bảo tàng tỉnh. Kế hoạch đã hoàn thành và cơ bản đạt được các mục tiêu đề ra, cụ thể: tiếp tục scan, số hóa sách chữ Thái cổ tại Bảo tàng và Thư viện tỉnh; nâng cấp phần mềm libol 6.0 lên 6.5 tại Thư viện tỉnh, mua sắm một số trang thiết bị bảo quản sách.

Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành đề án: "Nghiên cứu, sưu tầm và phổ cập một số điệu xòe mang bản sắc văn hóa các dân tộc Sơn La”. Đề án được thực hiện năm 2015-2016, đã cơ bản đạt được mục tiêu đề ra đó là nghiên cứu, khảo sát, sưu tầm các điệu xòe truyền thống, nhạc xòe, xây dựng đĩa DVD về các động tác xòe cơ bản và đĩa CD về nhạc xòe, tổ chức tập huấn cho hạt nhân của các đội văn nghệ quần chúng. Năm 2017, tiếp tục tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch Phổ cập một số điệu xòe mang bản sắc văn hóa các dân tộc Sơn La, giai đoạn 2017-2019, để thực hiện tiếp giai đoạn 2 của đề án, nhằm phổ biến rộng rãi các điệu xòe mang bản sắc văn hóa các dân tộc Sơn La đến các đội văn nghệ quần chúng trong toàn tỉnh. Việc nghiên cứu, sưu tầm và phổ cập các điệu xòe mang bản sắc văn hóa các dân tộc Sơn La góp phần quan trọng trong việc quảng bá, giới thiệu, ủng hộ, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân cho Hồ sơ Nghệ thuật Xòe Thái trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Hỗ trợ xây dựng, tổ chức phong trào văn hóa, văn nghệ: Tỉnh Sơn La đã xây dựng và phát triển các đội văn nghệ quần chúng từ năm 1992, đến nay thường xuyên duy trì trên 3.000 đội văn nghệ quần chúng tại các bản, tổ, tiểu khu. Hàng năm, theo Nghị quyết của HĐND tỉnh, hỗ trợ 2 triệu đồng/bản, ngoài ra, các đội văn nghệ đã kêu gọi xã hội hóa, huy động nhân dân đóng góp để duy trì hoạt động của các đội, tham gia biểu diễn giao lưu, liên hoan, hội thi, hội diễn. Phong trào hoạt động của các đội văn nghệ quần chúng góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân và tổ chức phục vụ khách du lịch.

Tỉnh Sơn La đã thực hiện tốt chủ trương của Chính phủ về việc xét tặng, công nhận và tôn vinh các nghệ nhân đang năm giữ di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc - những báu vật nhân văn sống trong cộng đồng; tôn vinh các tác giả, tác phẩm có những cống hiến trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Tính đến nay tỉnh Sơn La có 03 tác giả đạt Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật; 28 nghệ nhân lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể được Chủ tịch nước phong tặng Nghệ nhân Ưu tú. Năm 2020, tỉnh Sơn La đã đề nghị Hội đồng cấp bộ xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” gồm 13 người, trong đó có: 02 người được đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân” và 11 người được đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”; 01 tác giả đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật.

15 năm - Một chặng đường của những người làm công tác "Gìn giữ cho muôn đời sau” đã, đang và luôn luôn đồng hành cùng với cộng đồng các dân tộc để có thêm nhiều di sản được bảo tồn và phát huy, thêm nhiều nghệ nhân được tôn vinh, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Sơn La đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước./.

Tác giả: Hải Yến - Trưởng phòng Quản lý Văn hóa