Huyện ủy Mộc Châu tổ chức Hội thảo khoa học về công tác trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử Đồn Mộc Lỵ
Lượt xem: 598
Hiện nay, trong tổng số 60 di tích của tỉnh Sơn La được xếp hạng các cấp thì huyện Mộc Châu có 3 di tích được xếp hạng quốc gia, 10 di tích được xếp hạng cấp tỉnh.

Có thể nói, huyện Mộc Châu là một trong những địa phương rất quan tâm đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn huyện. Trong thời gian vừa qua, ngoài các di tích được tu bổ bằng nguồn ngân sách của Trung ương, thì bằng nguồn ngân sách của địa phương, nguồn vốn xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân đóng góp, huyện Mộc Châu đã tu bổ, tôn tạo được khá nhiều di tích, tiểu biểu như: Địa điểm lưu niệm Trung đoàn Tây Tiến, Địa điểm Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, công nhân Nông trường Mộc Châu, Địa điểm Bác Hồ nói chuyện với cán bộ và nhân dân huyện Mộc Châu, các di tích Bia căm thù trên địa bàn huyện…Sau khi được tu bổ, tôn tạo, phân cấp quản lý, các di tích này đã trở thành những điểm đến hấp dẫn cho các tuor du lịch về nguồn, các cháu học sinh, sinh viên đến thăm quan, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa. Huyện Mộc Châu cũng đã làm tốt công tác quản lý các di tích theo nhiều mô hình sáng tạo như: giao cho cơ sở quản lý trực tiếp, giao cho doanh nghiệp đầu tư, khai thác, phát huy…các mô hình quản lý này đã phát huy rất hiệu quả.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Mộc Châu là địa bàn then chốt có vị trí hết sức quan trọng của vùng Tây Bắc và Thượng Lào. Vì vậy, huyện Mộc Châu có nhiều di tích lịch sử liên quan đến thời kỳ này trong đó có Đồn Mộc Lỵ. Năm 1951 thực dân Pháp xây dựng Đồn Mộc Lỵ trên một núi đá tai mèo nằm độc lập, địa thế hiểm trở, có nhiều vách đứng án ngữ trên ngã ba đường từ Hà Nội lên Tây Bắc, từ Việt Nam sang vùng Thượng Lào nhằm mục đích ngăn chặn quân ta tiến đánh giải phóng Tây Bắc và vùng Thượng Lào. Chúng trang bị hỏa lực dày đặc nên đồn Mộc Lỵ được mệnh danh là: "Chiếc áo giáp sắt" bất khả xâm phạm ở phân khu Sơn La.

Năm 1952, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở chiến dịch Tây Bắc. Chủ trương của Trung ương Đảng là “Tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu, tìm nơi sơ hở của địch mà đánh" và hướng tiến công là Tây Bắc. Với quyết tâm tiêu diệt sinh lực địch, tranh thủ sức mạnh của nhân dân, phá tan “Xứ Thái tự trị” giả hiệu của thực dân Pháp, giải phóng Tây Bắc, củng cố căn cứ địa Việt Bắc, giữ vững đường giao thông quốc tế Lào - Vân Nam (Trung Quốc), tạo điều kiện phát triển cách mạng Lào, cô lập, làm rối loạn hậu phương của địch. Chính vì vậy, việc đánh chiếm đồn Mộc Lỵ đối với quân và dân ta có một ý nghĩa rất quan trọng, nó quyết định việc triển khai vận chuyển hậu cần cho chiến dịch từ Hòa Bình lên Tây Bắc. Theo kế hoạch của Bộ chỉ huy chiến dịch Tây Bắc, ngày 19 tháng 11 năm 1952, quân ta xiết chặt vòng vây quanh vị trí đồn Mộc Lỵ. Sau đúng 3 giờ chiến đấu vô cùng ác liệt, trận đánh đồn Mộc Lỵ kết thúc thắng lợi.  Chiến thắng Đồn Mộc Lỵ có một ý nghĩa rất quan trọng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta. Ta đã nối thông đường giao thông từ Hòa Bình lên Sơn La, tạo thuận lợi cho việc giải phóng Tây Bắc và giải phóng Điện Biên Phủ, ngăn chặn và cắt đứt giao thông của địch đối với vùng Thượng Lào. Bên cạnh đó chiến thắng Đồn Mộc Lỵ còn có một ý nghĩa về mặt chiến lược quân sự, quân và dân ta rút ra bài học kinh nghiệm đánh đồn kiên cố phải đánh từ trên đánh xuống.

Với ý nghĩa và tầm quan trọng đó, tỉnh Sơn La đã chỉ đạo công tác lập hồ sơ khoa học trình xếp hạng và Di tích lịch sử Đồn Mộc Lỵ được Bộ Văn hoá Thông tin xếp hạng Quốc gia ngày 20/01/1998.

Sau khi được xếp hạng, di tích đã được bàn gia về cho UBND huyện Mộc Châu quản lý và phát huy giá trị. Huyện Mộc Châu quan tâm quản lý và phát huy tương đối tốt, không để di tích bị lấn chiếm, xâm hại; thực hiện tốt chương trình “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” đã giao cho trường THCS Mộc Lỵ chăm sóc. Tổ chức các buổi ngoại khóa, trải nghiệm tìm hiểu về lịch sử địa phương tại di tích; Xây dựng bài thuyết minh tuyên truyền các giá trị của di tích, những tấm gương hy sinh dũng cảm của các chiến sỹ bộ đội cho công cuộc giải phóng đất nước; Xây dựng thành điểm đến du lịch hấp dẫn cho du khách đến với Mộc Châu.

Năm 2009 và 2010 di tích đã được quan tâm, được tu bổ, tôn tạo vào bằng nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. Tuy nhiên, công tác tu bổ, tôn tạo mới chủ yếu thực hiện công tác dọn vệ sinh sạch sẽ cho các lô cốt, rà phá bom mìn, cải tạo khuôn viên của di tích, tạo đường đi đến các điểm di tích.

Với tầm quan trọng và ý nghĩa lịch sử của di tích quốc gia cần được bảo tồn và phát huy tốt hơn nữa để phục vụ cho công tác giáo dục truyền thống cũng như phát huy về du lịch lịch sử, về nguồn. Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với UBND huyện Mộc Châu trình UBND tỉnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xin chủ trương tiếp tục tu bổ, tôn tạo di tích, huyện Mộc Châu cũng đã cân đối nguồn ngân sách của địa phương, kêu gọi nguồn xã hội hóa để bảo tồn và phát huy tổng thể giá trị của Di tích lịch sử Đồn Mộc Lỵ.

Để đảm bảo công tác trùng tu, tôn tạo hiệu quả, ngày 16/12/2018, Huyện ủy Mộc Châu đã tổ chức Hội thảo khoa học về công tác trùng tu, tôn tạo Di tích lịch sử Đồn Mộc Lỵ. Chủ trì hội thảo gồm các đồng chí: Hà Trung Chiến - Bí thư huyện ủy Mộc Châu; Đại tá, TS. Lê Thanh Bài - Trưởng phòng Lịch sử Kháng chiến chống Pháp - Viện Lịch sử Quân Sự Việt Nam; Trần Tân Phong - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Hội thảo có sự tham gia của: Viện lịch sử quân sự Việt Nam, Sư đoàn 316, Trung đoàn 174, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Các tỉnh có các liệt sỹ hy sinh trong chiến thắng Đồn Mộc Lỵ: Hải Dương, Hải Phòng, Cao Bằng; Cựu chiến binh tham gia đội hình Sư đoàn 316 trong thời điểm tấn công Đồn Mộc Lỵ; Các đồng chí trong Ban Thường vụ huyện ủy, lãnh đạo ủy ban nhân dân huyện Mộc Châu; lãnh đạo các phòng ban, các xã, thị trấn của huyện Mộc Châu; Đặc biệt Hội thảo còn được đón tiếp các thân nhân của các chiến sỹ đã hy sinh trong trận đánh Đồn Mộc Lỵ năm 1952 ở các tỉnh: Cao Bằng, Hải Dương.

Hội thảo đã được nghe Báo cáo đề dẫn của đồng chí Nguyễn Thị Nhung - Ủy viên Ban Thường vụ, Phó bí thư Thường trực huyện ủy; 06 tham luận của Viện Lịch sử Quân Sự Việt Nam, Sư đoàn 316, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cựu chiến binh Sư đoàn 316, Thân nhân của chiến sỹ hy sinh trong trận đánh Đồn Mộc Lỵ. Báo cáo của đơn vị tư vấn về phương án trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử quốc gia Đồn Mộc Lỵ. Báo cáo đề dẫn và các tham luận đã một lần nữa khẳng định về giá trị, tầm quan trọng của chiến thắng Đồn Mộc Lỵ năm 1952 đối với Chiến dịch Tây Bắc nói chung, tỉnh Sơn La nói riêng và công tác bảo tồn và phát huy Di tích tích lịch sử Đồn Mộc Lỵ hiện nay. Hội thảo cũng đã  bàn thảo về phương án trùng tu, tôn tạo Di tích đồn Mộc Lỵ; tìm kiếm, xác nhận thân nhân của một số liệt sỹ.

Cuộc hội thảo thành công đã thu được những kết quả tốt đẹp, góp phần thực hiện tốt công tác trùng tu, tôn tạo Di tích lịch sử Đồn Mộc Lỵ. Viện lịch sử Quân sự Việt Nam, Sư đoàn 316, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các địa phương có chiến sỹ hy sinh trong trận đánh Đồn Mộc Lỵ sẽ tiếp tục đồng hành cùng với huyện Mộc Châu trong công tác trùng tu, tôn tạo Di tích lịch sử quốc gia Đồn Mộc Lỵ./.

HẢI YẾN             

Phòng Quản lý Di sản