Sơn La đó có 10 di sản văn hóa được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Lượt xem: 9722
Tính đến nay, tỉnh Sơn La đã có 10 di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đó cũng là kết quả khích lệ, tự hào của những người làm công tác bảo vệ và phát huy di sản cũng như các địa phương, cộng đồng các dân tộc có di sản.

Thực hiện Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL ngày 30/6/2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Qui định việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, phối hợp với các địa phương tiến hành công tác kiểm kê và lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Qua quá trình kiểm kê, tỉnh Sơn La đã lựa chọn những di sản văn hóa tiêu biểu của các dân tộc để lập hồ sơ khoa học trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Tính đến nay, tỉnh Sơn La đã có 10 di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đó cũng là kết quả khích lệ, tự hào của những người làm công tác bảo vệ và phát huy di sản cũng như các địa phương, cộng đồng các dân tộc có di sản.

1. Lễ Hết Chá của người Thái bản Áng, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu

Từ xưa kia, người Thái nói chung và người Thái Mộc Châu nói riêng, mỗi khi bị bệnh, ngoài nhờ bốc thuốc nam chữa bệnh, người ta còn đến nhờ thầy mo. Thầy mo làm lễ cúng nhờ thần linh và một số người cũng biết bốc thuốc nam nên đã chữa được bệnh cho dân bản. Mang ơn thầy mo, những người được chữa khỏi bệnh thường xin được làm con nuôi. Và rồi, cứ mỗi dịp xuân về, hoa ban, hoa mạ nở, măng đắng mọc lên, con cháu lại mang lễ đến tạ ơn thầy mo. Thầy mo tổ chức Lễ Hết Chá để các con nuôi dâng lễ vật, tạ ơn thần linh, tạ ơn thầy đã cúng  chữa cho khỏi bệnh, đây cũng là dịp thầy mo làm lễ cầu mong cho các con nuôi, dân bản năm mới khỏe mạnh, cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, xúc vật sinh sôi nảy nở, người dân vui chơi sau một năm vất vả, chuẩn bị cho mùa màng mới.

Các lễ nghi, hoạt động lễ hội được diễn ra quanh cây nêu (xẳng chá) được trang trí rất cầu kỳ, đẹp mắt.

Ngoài phần lễ trang nghiêm, phần hội diễn ra các trò diễn dân gian trong nghi lễ phản ánh rõ nét tín ngưỡng liên quan đến nông nghiệp, mang tính giáo dục con người, phản ánh vai trò của thiên nhiên...; trong nền nhạc truyền thống được thể hiện bằng các loại nhạc cụ: Trống, chiêng, bẳng bu...các điệu xòe chá diễn ra rộn ràng đặc sắc và đó là các điệu xòe lễ thức chỉ có trong Lễ hội Hết Chá.

Lễ Hết Chá là dịp để các con nuôi cảm tạ thầy cúng đã chữa bệnh cứu người mang lại niềm vui hạnh phúc cho các gia đình, mang tính nhân văn, nét đẹp văn hóa góp phần thúc đẩy và làm giàu cho nền văn hóa của các dân tộc ở địa phương.

Lễ Hết Chá của người Thái xã Đông Sang, huyện Mộc Châu được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 1877/QĐ-BVHTTDL ngày 08/6/2015.

2. Nghệ thuật xòe Thái

“Không xòe, hoa không nở, cây lúa không trổ bông, cây ngô không ra bắp. Không xòe người không vui, trai gái không thành đôi”

Trước đây người Thái gọi nghệ thuật múa của mình là “xé”: “xé thăn” múa khăn, “xé cúp” múa nón, “xé vi” múa quạt, “xé má hính” múa quả nhạc… “điệu xé, bài xé” là điệu múa, bài múa. Đến giữa thế kỷ XX trong tiếng Việt, từ “xé” biến  âm thành “xòe”. Ngày nay nghệ thuật múa, tác phẩm múa được nhân dân quen dùng để gọi nghệ thuật xòe, điệu xòe, bài xòe.

Các điệu xòe có từ cổ xưa, xuất phát từ trong tín ngưỡng dân gian lao động sản xuất, đời sống hàng ngày, chiến đấu chống giặc ngoại xâm.

Nghệ thuật Xòe Thái chia thành hệ thống: Xòe trong các lễ hội dân gian truyền thống (xòe lễ thức); Xòe điệu gắn với các đạo cụ: Xòe nón, xòe khăn, xòe quả nhạc…và xòe vòng. Nền nhạc của Xòe được sử dụng các nhạc cụ dân tộc: Trống, chiêng, chũm chọe, bẳng bu…và hát Thái (khắp).

Nghệ thuật Xòe đã trở thành phong tục của người Thái và cuốn hút mọi người rộn ràng trong tiếng trống, tiếng chiêng mỗi dịp tết đến, xuân về hay trong các cuộc vui. Nghệ thuật Xòe đã trở thành biểu tượng của tình đoàn kết, là sự kết tinh những kinh nghiệm sống và lối tư duy sáng tạo trong đời sống sinh hoạt thường ngày của người Thái. Nghệ thuật Xòe Thái đã cho chúng ta cảm nhận được nhịp sống và hơi thở của con người Tây Bắc và thực sự trở thành nét đẹp văn hóa đại diện của một nền văn hóa nước Việt.

Nghệ thuật Xòe Thái được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 1877/QĐ-BVHTTDL ngày 08/6/2015. Hiện nay, tỉnh Sơn La đang phối hợp với các tỉnh Tây Bắc lập Hồ sơ khoa học Nghệ thuật Xòe Thái trình UNESCO vình danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

3. Chữ viết cổ của người Thái

Người Thái ở Việt Nam nói chung và Sơn La nói riêng là một trong rất ít dân tộc sớm có chữ viết. Theo “Quãm tỗ mưỡng” (Kể chuyện bản mường), từ thời Tạo Xuông, Tạo Ngờn, dân Thái từ Mường Ôm, Mường Ai vào khai khẩn đất Mường Lò đã có “Một mường", "Mo mường” mang theo sách sử và có sách xem ngày lành tháng tốt. Khi đi mở mang bờ cõi, Lạng Chương đã mang theo cả ông Mo, ông Nghè để ghi chép và sáng tạo nên “Táy pú xớc” (Theo bước đường chinh chiến của cha ông) và khởi thảo “Quãm tỗ mưỡng” (Kể chuyện bản mường) - hai tác phẩm bất hủ của lịch sử Thái, truyền lại cho tới ngày nay. Như vậy, chữ Thái đã có trên nghìn năm và người Thái đã sớm có ý thức về ghi chép lịch sử dân tộc từ ngàn năm nay...

Tiếng Thái giàu thanh điệu, số thanh ở các vùng phát triển cao nhất là 6 thanh thường và 2 thanh tắc. Trong số các thanh có thể phân thành hai nhóm cao và thấp hoặc có thể gọi là nhẹ và nặng, từ đó sáng tạo ra 2 tổ phụ âm cao và phụ âm thấp. Theo các nhà Thái học Việt Nam thì chữ Thái có tới 8 bộ kí tự: 2 bộ của ngành Thái đen; 4 bộ thuộc ngành Thái trắng; 1 bộ chữ Thái Quỳ Châu (Nghệ An) và 1 bộ mang tên Lai Pao ở Tương Dương (Nghệ An). Tuy nhiên, người Thái ở 7 tỉnh có người Thái đều công nhận người Thái chỉ có một bộ chữ duy nhất, có khác nhau chỉ là một vài ký hiệu riêng của từng địa phương, xa cách nhau hàng ngàn năm nay, ghi theo âm của địa phương mình.

Chữ Thái là niềm tự hào của của cộng đồng Thái ở Sơn La nói riêng và cộng đồng người Thái nói chung. Với bộ chữ của mình, người Thái đã ghi lại toàn bộ lịch sử dân tộc mình, các áng thơ văn, tục ngữ, thành ngữ, ca ngợi con người, tình yêu quê hương đất nước, những luật tục để điều chỉnh xã hội...

Chữ cổ của người Thái ở Sơn La được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 829/QĐ-BVHTTDL ngày 10/3/2016.

4. Lễ cúng dòng họ của người Mông

Người Mông quan niệm: vạn vật hữu hình, đa thần giáo. Họ cho rằng có lực lượng siêu nhiên, thế giới vạn vật đều có linh hồn, vì vậy, con người phải biết thờ cúng, kiêng kỵ, biết làm các nghi lễ để cầu ma lành phù hộ, bảo vệ.

Từ quan niệm đó, người Mông đã hình thành một lễ thức tôn giáo và các điều kiêng kỵ trong phạm vi một bản, một dòng họ, trong gia đình… Các nghi lễ tôn giáo chung của một cộng đồng trong bản hay trong dòng họ được tổ chức thành các nghi lễ của người Mông. Trong đó, nổi bật là Lễ cúng dòng họ với nhiều tên gọi khác nhau ở từng ngành Mông như: Tu Su, Ùa Su, Dù Su, Dù Tàu…

Lễ  cúng dòng họ được chia làm hai phần: Phần đầu (Tu, Dù, Sầu...): Nghĩa là cầu, làm lễ cầu cúng thần linh về phù hộ cho con người khỏe mạnh, mùa màng tươi tốt, chăn nuôi phát triển; Phần hai (Su, tàu): Nghĩa là nạn, là phần thầy cúng nhờ sức mạnh của thần linh thu hết những tai nạn, rủi ro, bệnh tật, khó khăn... làm phép để bảo vệ con người khỏi bệnh tật, rủi ro, khó khăn...

Với các lễ vật, nghi lễ đơn giản nhưng mang yếu tố tâm linh, tín ngưỡng sâu sắc, mang tính gắn kết cộng đồng cao, Lễ cúng dòng họ vẫn đang được người Mông ở Sơn La giữ gìn và phát huy tốt.

Lễ cúng dòng họ của người Mông ở Sơn La được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 4036/QĐ-BVHTTDL ngày 21/11/2016.

5. Nghi lễ cấp sắc của người Dao

Cấp sắc là một nghi thức tôn giáo tín ngưỡng đặc trưng của người Dao ở Sơn La. Dù ở bất cứ ngành Dao nào, người đàn ông Dao đều trải qua lễ cấp sắc, một nghi lễ đánh dấu sự trưởng thành cũng như sự thừa nhận của cộng đồng về người được cấp sắc. Trong lễ cấp sắc, người thụ lễ được đổi tên (đặt pháp danh - tên âm), được học những giáo lý về đạo đức, về nhân sinh quan. Sau khi trải qua lễ này, người đàn ông Dao được công nhận là con cháu Bàn Vương, được cấp âm binh, được trao quyền làm thầy và được thờ cúng tổ tiên.

Thông qua nghi lễ cấp sắc, cộng đồng dân tộc Dao đề cao tính giáo dục luân thường đạo lý truyền thống đối với nam thanh niên Dao. Lễ cấp sắc được coi là một hoạt động tôn giáo mang nét văn hóa truyền thống, có vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh cân bằng các mối quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với xã hội trong cộng đồng các ngành Dao ở Sơn La.

Nghi lễ cấp sắc của người Dao được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 4036/QĐ-BVHTTDL ngày 21/11/2016.

6. Nghệ thuật Khèn của người Mông, huyện Mộc Châu

Người Mông ở Sơn La nói chung, ở Mộc Châu nói riêng có nét văn hóa truyền thống đặc sắc. Cây Khèn là nhạc cụ độc đáo thể hiện tâm linh, tín ngưỡng truyền thống và là vật linh thiêng trong các nghi lễ, lễ hội của người Mông.

Khèn giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong tín ngưỡng của người Mông, điều này thể hiện qua đám tang của họ. Khèn là đạo cụ không thể thiếu trong đám tang của người Mông. Khi trong bản có người qua đời, chủ nhà thường mời hai hoặc bốn thầy khèn đến giúp. Các nghệ nhân thổi khèn đóng vai trò như thầy cúng và các nghi lễ đều được thực hành thông qua tiếng khèn. Trong đám tang có 33 bài khèn thể hiện các nội dung và ý nghĩa khác nhau như: chỉ đường cho người chết về với tổ tiên, giao gia sản cho người chết, mời người chết ăn cơm, chia buồn với gia chủ, đuổi giặc…

Ngoài ra, Khèn là công cụ chính để người con trai Mông thể hiện sự tài năng và tình yêu của mình. Trong những dịp lễ hội, đón năm mới của người Mông cũng không thể thiếu tiếng khèn. Các bài biểu diễn múa khèn tại lễ hội bao giờ cũng có nội dung vui nhộn, mang ý nghĩa chúc tụng và mời bạn bè cùng tụ họp, vui chơi.

Tiếng khèn dường như đã trở thành một phương thức để người Mông chuyển tải, thổ lộ những tâm tư nguyện vọng của mình. Thổi và múa khèn không chỉ thể hiện sự tài hoa, khéo léo của người đàn ông Mông mà qua đó còn thể hiện sức sống mạnh mẽ, ý chí vươn lên, tinh thần thượng võ. Đây được coi như là linh hồn của người Mông gửi gắm và thể hiện tiếng lòng của mình với bạn bè, với cộng đồng, với thiên nhiên, núi rừng và thể hiện giá trị văn hóa, làm nên bản sắc độc đáo riêng.

Nghệ thuật Khèn của người Mông ở Mộc Châu được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 266/QĐ-BVHTTDL ngày 30/01/2018.

7. Lễ Pang A (cầu an) của người La Ha

Người La Ha là dân tộc có dưới 10.000 người trong số 16 dân tộc trong toàn quốc cần được bảo tồn văn hóa truyền thống khẩn cấp.

Người La Ha theo tín ngưỡng thờ đa thần giáo, họ quan niệm có nhiều loại ma, ma lành giúp ích cho con người, ma dữ chuyên gieo rắc tai họa, bệnh tật, con người tồn tại được là nhờ có các hồn, nếu hồn bị lưu lạc thì con người bị ốm đau vì vậy phải nhờ các thầy mo cúng nhờ âm binh gọi hồn về để cho con người khỏe mạnh. Khi chữa khỏi bệnh, thầy cúng nhận người bệnh làm con nuôi. Hàng năm, thầy cúng tổ chức Lễ hội Pang A (hay còn gọi là Xek Pang Á, Đậu Pang Ả, Dâng hoa măng, Pang A nụn ban) để mời lực lượng âm binh về hưởng lộc, cầu mong họ phù hộ cho dân bản, các con nuôi được khỏe mạnh, không mắc bệnh tật. Trong dịp này, các con nuôi có dịp tạ ơn thầy cúng và các âm binh đã chữa khỏi bệnh cho mình, cầu mong thầy cúng khỏe mạnh, sống lâu để giúp cho dân bản chữa bệnh.

Lễ hội Pang A thường tổ chức vào mùa măng đắng cuối tháng 3, đầu tháng 4 dương lịch (riêng người La Ha ở huyện Quỳnh Nhai tổ chức Lễ Pang A vào tháng 10-11 dương lịch)

Trong phần lễ, thầy cúng thực hiện các lễ cúng: Cúng xin tổ tiên được tổ chức Lễ Pang A; cúng xin thần lin bảo vệ linh hồn của thầy cúng khi đi tìm các lực lượng âm binh; Cúng mời các lực lượng thần linh, âm binh xuống dự lễ; cúng cầu cho các con nuôi; tiễn thần linh, âm binh về trời.

Sau lễ cúng, thầy cúng diễn trò, miêu tả một số bệnh trong cuộc sống thường gặp và các hình thức sinh hoạt như giả làm người bướu cổ, người bệnh bị què chân, người ngớ ngẩn, người trông nương, làm con khỉ; cảnh cày bừa. Bà con trong bản và các con nuôi cùng nhau múa cầu mưa, múa  khăn, múa  kiếm, múa trống, múa Sừng Lừng, thi ném còn và cùng nhau gõ tăng bu, say sưa xòe thâu đêm không mệt mỏi, làm cho không khí ngày hội thêm tưng bừng, náo nhiệt.

Lễ Pang A nhắc nhở con cháu ghi nhớ công ơn thầy thuốc có công cứu chữa cho mình được khỏi bệnh, nhắc nhở con cháu nhớ về nguồn cội và truyền lại cho các thế hệ kế tiếp những nét văn hoá đặc trưng của dân tộc, cần được giữ gìn, phát huy và lưu truyền cho muôn đời sau.

Lễ Pang A của người La Ha được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 266/QĐ-BVHTTDL ngày 30/01/2018.

8. Nghi lễ truyền thống trong đám cưới của người Dao tiền

Người Dao ở Sơn La còn bảo tồn nhiều phong tục, tập quán truyền thống, đặc biệt các nghi lễ đánh dấu chu kỳ đời người luôn được chú trọng, trong đó có lễ cưới. Mặc dù mỗi ngành Dao tiến hành lễ cưới theo những nghi thức riêng, nhưng vai trò của lễ cưới đều là sự kiện trong đại trong mỗi gia đình, dòng họ của cộng đồng người Dao.

Lễ cưới của người Dao tiền khởi đầu bằng việc đi xem tuổi cô dâu, chú rể và thực hiện với 3 nghi lễ chính: Lễ xin dâu, lễ cắt khẩu và lễ nhập khẩu cho cô dâu. Các thủ tục, nghi lễ chủ yếu được thực hiện ở cả nhà gái.

Chọn ngày, xem tuổi: Người Dao rất coi trọng việc xem, chọn ngày cưới và xem tuổi của cô dâu, chú rể. Nhà trai đến gặp gia đình nhà gái xin ngày tháng năm sinh của cô gái và  nhờ thầy cúng xem đôi trai, gái có hợp tuổi nhau không? Nếu hợp tuổi thì mới tiến hành các nghi lễ tiếp theo. Họ cho rằng nếu đôi nam nữ hợp tuổi thì sau này gia đình mới được hòa thuận, vui vẻ.

Lễ xin dâu: Trước khi nhà trai rước dâu thì các bà, bác, cô hoặc thím, chị của cô dâu chuẩn bị váy áo cho cháu đem về nhà chồng. Trước tiên mặc bộ trang phục do mẹ cô dâu chuẩn bị, sau đó đến bộ trang phục của nhà trai mang sang. Vào ngày này ai cũng muốn đưa cho cô dâu mặc bộ trang phục của mình để tỏ lòng yêu thương, bao bọc cô dâu. Cô dâu nào có càng nhiều họ hàng, hay được nhiều người yêu quý thì ngày rước dâu số trang phục mặc trên người sẽ càng nhiều.

Ông thầy cúng của nhà gái và ông mối của nhà trai làm lễ  “Choàng xin”, chúc phúc cho cô dâu về nhà chồng được bình an, khỏe mạnh, may mắn.

Lễ cắt khẩu cho cô dâu: Được tiến hành bên nhà gái cùng với Lễ nhận đồ dẫn cưới của nhà trai. Bên nhà gái báo cáo với tổ tiên đón nhận lễ của nhà trai và xin cắt khẩu cho cô dâu. Sau lễ cắt khẩu, họ hàng nhà gái nhận lễ vật của nhà trai theo vai vế đã được thống nhất.

Lễ nhập khẩu cho cô dâu: Ước lượng thời gian bên nhà gái cắt xong khẩu cho cô dâu (khoảng 10 - 11h đêm), nhà trai chuẩn bị mâm cúng nhập khẩu cho cô dâu. Thầy cúng khấn, báo cáo với tổ tiên xin nhập khẩu cho cô dâu về nhà chồng. Khi làm xong Lễ nhập khẩu cho cô dâu là kết thúc đám cưới tại nhà trai.

Nghi lễ truyền thống trong đám cưới của người Dao tiền thể hiện bản sắc văn hóa riêng có của người Dao trong đó, thể hiện đậm nét các phong tục tập quán, nghi lễ mang tính dòng họ, cộng đồng người Dao; luôn hướng về tổ tiên, nguồn cội, hướng con cháu về những giá trị nhân văn cần được bảo tồn và phát huy. Nghi lễ truyến thống trong đám cưới của người Dao tiền được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 2964/QĐ-BVHTTDL ngày ngày 27/8/2019.

9. Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục của người Mông hoa, huyện Mộc Châu

Người Mông cho rằng khi họ mặc bộ trang phục có những họa tiết hoa văn đẹp chứa đựng những yếu tố tâm linh sẽ có sức lôi cuốn, là vật dẫn đường giúp linh hồn tổ tiên về với cõi vĩnh hằng và ngược lại sẽ giúp tổ tiên nhận ra và đón rước về với con cháu phù hộ cho những điều tốt lành. Con người dù ở cõi trần hay khi về với tổ tiên đều phải mặc bộ trang phục truyền thống đẹp của dân tộc mình. Cô dâu khi về nhà chồng đều phải diện trang phục mới và phải tặng bố mẹ chồng bộ trang phục mới để mặc nhập quan khi qua đời. Vì vậy, việc tạo hoa văn trên các bộ trang phục được người phụ nữ Mông rất coi trọng.

Kỹ thuật tạo hoa văn trên trang phục được truyền dạy bằng phương pháp truyền khẩu, thực hành trực tiếp, qua trí nhớ của những người phụ nữ lớn tuổi, truyền dạy cho các thế hệ nối tiếp với một quy trình rất dài. Các phương pháp tạo hoa văn trên trang phục gồm: Thêu, chắp ghép vải, vẽ sáp ong, nhuộm chàm, đính hạt cườm, bạc.

Vẽ hoa văn bằng sáp ong: Người ta đun sáp ong, chia tấm vải thành nhiều ô cột bằng nhau, công việc vẽ hoa văn được làm liên tục, in đến đâu, sáp ong khô thì cuộn lại, in khổ hoa văn tiếp theo khi nào hết khổ vải mới kết thúc.

Các loại hoa văn được vẽ bằng sáp ong gồm: Các đường thẳng, hình tam giác, hình trôn ốc, hình hoa, hình đồng tiền, hình chữ thập, hình lục giác, hình chân chim, hình hoa 4 cánh, hình sóng nước, khắc vạch, hình xoáy tròn đối xứng giống con ốc sên cuộn mình, mô típ hình vuông tượng trưng cho bàn thờ tổ tiên tạo thành các cánh hoa của một bông hoa lớn, viền ngoài là hình quả núi, chữ thập.

Nhuộm vải: Tấm vải lanh sau khi vẽ hoa văn bằng sáp ong hoàn tất được đem đi nhuộm chàm. Khi đã nhuộm được màu chàm ưng ý, họ phơi khô vải rồi nhúng vào nước sôi, sáp ong tan ra sẽ hiện lên các hoa văn có màu xanh nhạt trên nền chàm truyền thống. Vải vẽ sáp ong, nhuộm chàm thường được sử dụng làm mặt địu, xếp nếp làm thân váy nối với chân váy được thêu thổ cẩm.

Kỹ thuật thêu: Người Mông thêu ở mặt trái nhưng các họa tiết lại nổi lên trên mặt phải của vải tạo nét mềm mại mang sắc thái riêng biệt, thể hiện khiếu thẩm mỹ tinh tế của tộc người. Có hai cách thêu là: thêu lát và thêu chéo mũi: Thêu lát là thêu đột các mũi kim xuyên vào vải liền khít vào nhau tạo nên những mảng màu mịn, thêu chéo mũi là thêu hình chữ X, chữ thập để tạo khung hoa văn hay các họa tiết hoa văn trên vải.

Để bắt đầu những đường thêu cơ bản trên trang phục, người nghệ nhân chia các ô trên mảnh vải theo dự kiến thêu các họa tiết hoa văn, bắt đầu từng họa tiết hoa văn, thêu từ ngoài vào trong và hoàn thiện dần từng đồ án hoa văn.

Chắp, ghép, can vải màu tạo hoa văn:Người Mông hoa có 03 cách chắp, ghép vải khác nhau: (1) Dùng vải màu hoặc hoa rực rỡ chắp ghép vải theo từng ô, nối các ô đã thêu hoa văn với nhau; (2) Chắp ghép vải màu tạo thành đường viền của cổ áo, tay áo, gấu áo, gấu quần làm cho các vị trí này rực rỡ, nổi bật trên nền chiếc áo, quần (3) Chắp ghép thành các đường vòng nhỏ, liên tục, khít nhau quấn quanh tay áo với màu sắc rực rỡ, cảm giác như người mặc đeo rất nhiều chiếc vòng.

Các loại hình hoa văn bằng cách chắp ghép vải màu gồm: Hình con ốc, hình sao tám cánh, hình hoa bầu, hoa bí, hình chữ thập cách điệu. 

Kỹ thuật ghép hạt cườm, nhựa, bạc…thường được ghép cho những chiếc áo đi hội, mũ trẻ em, đồ của thầy cúng. Tạo cho những chiếc mũ, khăn, áo có vẻ đẹp độc đáo, tính biểu tượng cao, ngăn chặn ma tà, thú dữ.

Kỹ thuật tạo hoa văn trên trang phục của người Mông là một loại hình nghệ thuật, phản ánh những tâm tư, tình cảm của con người, sự  sáng tạo của người phụ nữ Mông. Ngoài ra, hoa văn còn là một trong những tiêu chuẩn để đánh giá tài năng, sự thông minh và khéo léo của các thế hệ mẹ truyền con nối.

Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục của người Mông hoa, huyện Mộc Châu được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 259/QĐ-BVHTTDL ngày 03/02/2020.

10. Nghi lễ gội đầu của người Thái trắng, huyện Quỳnh Nhai.

Nghi lễ Gội đầu (Người Thái trắng gọi là Lúng Ta) gắn liền với câu chuyện truyền thuyết mang bóng dáng của nhân vật lịch sử tồn tại trong mỗi làng bản của người Thái trắng Quỳnh Nhai... (1) Tương truyền, Nàng Han xuất thân trong một gia đình người Thái ở Chiềng Sa (nay là xã Mường So, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu), là người con gái xinh đẹp, dũng cảm và có tài thao lược binh pháp. Khi giặc phương Bắc tràn sang xâm lược, Nàng Han đã xin cha được giả trai, luyện tập cùng quân lính và dẫn đầu đoàn quân đánh giặc. Nàng được phong làm Chủ tướng. Đoàn quân của Nàng đi đến đâu, quân xâm lược bị đánh tan tác đến đó. Dẹp xong quân giặc, Nàng cùng quân lính khải hoàn trở về đúng vào ngày 30 tết, nàng dừng chân bên suối ra lệnh cho quân sỹ nghỉ ngơi, tắm gội để ăn mừng chiến thắng và đón năm mới. Nơi nàng tắm, bầu trời bỗng tỏa ánh hào quang, xuất hiện một đám mây ngũ sắc đón Nàng về trời. Để tỏ lòng kính trọng và biết ơn công lao to lớn của Nàng, nữ tướng anh hùng dân tộc, người dân nhiều nơi của 16 Châu Thái, trong đó có Châu Chiên (Châu Quỳnh Nhai) đã lập Miếu thờ Nàng Han (tại bản Mường Chiên, xã Mường Chiên), thờ cúng vào dịp lễ, tết và tổ chức Lễ hội gội đầu vào chiều 30 tết hằng năm. Cầu mong Nàng che chở, ban phát cho con người sức khỏe, tình yêu, hạnh phúc và Bản, Mường yên vui, mùa màng bội thu...

Hiện nay, nghi lễ vẫn được người dân Thái trắng, huyện Quỳnh Nhai tổ chức thường niên vào chiều 30 Tết.

Nghi lễ Gội đầu của người Thái trắng, huyện Quỳnh Nhai được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 260/QĐ-BVHTTDL ngày 03/02/2020.

Các di sản văn hóa sau khi được công nhận đã được tổ chức trao Giấy chứng nhận cho các huyện và cộng đồng các dân tộc có di sản. Trong thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục phối hợp với các huyện, thành phố tổ chức khảo sát, lập hồ sơ khoa học những di sản văn hóa tiêu biểu của các dân tộc để trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đồng thời chỉ đạo thực hiện Kế hoạch bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia giai đoạn 2020-2023 đã được Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành./.

Tác giả: Ngô Thị Hải Yến