Ẩm thực Sơn La níu chân du khách
Lượt xem: 881
Đến với Sơn La, Du khách sẽ được ngắm nhìn một vùng núi non hùng vĩ và khám phá về giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc vùng Tây Bắc, cuốn hút trong vòng xòe, ngây ngất say trong men rượu cần, cùng thả hồn theo ánh lửa bập bùng và giọng hát ngọt ngào, vang xa trong đêm hội nhạc rừng. Không những thế, mảnh đất này còn lưu giữ nét ẩm thực rất riêng, mang hương vị của núi rừng, được chế biến bởi những bàn tay khéo léo của người dân bản địa đã trở thành các món ăn ngon khó quên như: Pa pỉnh tộp, Chéo, Nộm da trâu, Cháo mắk nhung, Thịt trâu gác bếp…

Pa pỉnh tộp

Pa pỉnh tộp hay gọi là cá gập nướng, gốc của người Thái. Cá được mổ theo dọc sống lưng, ướp gia vị: xả, mắc khén, các loại rau thơm, tỏi, ớt, ... rồi được gập đôi theo chiều ngang, nướng trên than hồng. Cách tự nhiên nhất để thưởng thức món này là gỡ cá bằng tay, ăn cùng với xôi nếp nương hay cơm lam. Cá nướng đòi hỏi sự kéo léo của người chế biến từ khâu sơ chế đến khi hoàn thiện. Đây là món ăn đặc trưng và nổi tiếng của ẩm thực Sơn La mà quý khách không thể bỏ qua.

 Đặc sản Sơn La mang hương sắc núi rừng - 2

Chéo (đồ chấm)

Trong ẩm thực, người Thái coi trọng đồ chấm, tiếng Thái gọi là chéo. Chéo được sử dụng trong các bữa ăn bình thường cũng như khi đãi khách, chéo để chấm xôi, các món luộc, đồ nướng và các món rau sống. Tùy vào loại thức ăn mà có nhiều cách chế biến Chéo để chấm cho phù hợp, cách làm đơn giản nhất là muối và ớt, muối được gói vào lá dong, vùi trong tro nóng, ớt tươi hoặc khô được kẹp vào que tre nướng trên than hồng, khi muối khô se lại, ớt có mùi thơm nồng thì đem ra giã nhuyễn với nhau tạo thành đồ chấm. Để chấm măng, ngoài muối và ớt, người ta cho thêm rau thơm: mùi, lá chanh, mák khén vào giã nhuyễn, cho thêm chút nước lọc hòa tan tạo độ ướt cho dễ chấm.


Thịt Trâu gác bếp

Thịt trâu gác bếp là đặc sản nức tiếng khắp vùng Tây Bắc. Khi thưởng thức, du khách sẽ cảm nhận được mùi vị đặc trưng của núi rừng, từng thớ thịt khô mà không xác, tước từng sợi, bỏ vào miệng còn thấy rõ vị ngọt và hương thơm của sả, gừng, ớt tiêu, hạt mắc khén...


Canh Vón vén đuôi bò

Không cầu kỳ như các món ăn khác của người Thái nhưng canh Vón vén nấu đuôi bò lại rất được ưa chuộng. Đuôi bò làm sạch và chặt thành từng miếng vừa ăn, được ninh trên bếp than cho đến khi nhừ thì cho lá Vón vén (còn được gọi là lá lồm, lá giang) được giã hoặc vò nát. Khi thưởng thức canh vón vén đuôi bò, du khách sẽ cảm nhận vị chua thanh của lá vón vén; vị thơm ngậy, giòn của đuôi bò rất thích hợp cho những ngày hè nắng nóng. Ngoài tác dụng bổ dưỡng cho sức khỏe đây còn là món giải rượu rất hiệu quả.

         

Bê chao

Mộc Châu với khí hậu mát mẻ, trong lành phù hợp với việc chăn nuôi bò sữa. Với gần 10.000 con bò sữa, là đàn bò lớn nhất miền Bắc Việt Nam. Không chỉ nổi tiếng với chè, sữa, Mộc Châu còn nổi tiếng với món Bê chao”. Nguyên liệu làm bê chao ngon nhất là loại bê sữa khoảng 1 tuần tuổi, chưa từng ăn cỏ. Thịt bê được xắt thành từng miếng nhỏ, ướp gia vị rồi chao qua dầu sôi. Miếng thịt bê non mềm ngọt, vị ngậy mà không ngấy tạo hương vị khó quên.

 

 

Nộm da trâu

Da trâu được nướng qua lửa cho cháy cạnh rồi ngâm vào nước lạnh. Khi ngâm đủ độ, làm sạch, thái mỏng rồi ướp với các loại gia vị, trong đó quan trọng nhất là riềng giã nhỏ, nước măng chua. Dân gian có câu: "Da trâu nhai lâu nhớ kỹ", những thực phẩm bình thường, qua bàn tay chế biến khéo léo của nghệ nhân đã tạo nên nét văn hóa ẩm thực độc đáo.

Text Box:

Cơm Lam

Được làm từ gạo nếp ngon, cho vào từng ống, ngâm ủ qua đêm, đổ thêm nước vừa đủ và nút lại bằng lá dong, đưa lên bếp đốt cho đến khi vỏ ống tre cháy sém. Sau đó chẻ tách phần cật, chỉ còn lại lớp lụa mỏng bó chặt từng khúc cơm lam trắng nõn. Trên lớp vỏ lụa trắng mỏng ấy có thoáng chút mặn, chút hương của rừng và của khói làm cho khúc cơm lam vừa dẻo vừa thơm, có thể chấm với muối vừng, chéo hay ăn kèm thịt hun khói.

         

Xôi ngũ sắc

Xôi ngũ sắc của người Thái ở Sơn La là nét văn hóa ẩm thực độc đáo. Gạo nếp được chọn thường là gạo nếp tan Mường Chanh hoặc nếp thơm Mường Tấc,  đem ra lựa chọn bỏ hạt gãy, nhỏ... sau đó ngâm vào nước lá cây “Khảu Cắm” tạo thành các màu xôi khác nhau: trắng, tím, đỏ, vàng, xanh,  tượng trưng cho âm, dương, ngũ, hành, tình đoàn kết các dân tộc anh em. Món xôi ngũ sắc hấp dẫn du khách bởi hương vị  đặc biệt vừa thơm, dẻo cùng với màu sắc hòa quyện hấp dẫn. Xôi ngũ sắc dùng trong dịp lễ, tết hay khi nhà có khách quý.

      


Gỏi cá

Gỏi cá Sơn La đã đi vào lòng người bởi hương vị chỉ Tây Bắc mới có. Cá được ướp trong nước măng chua cùng các loại gia vị, rau thơm đã tạo nên sự khác biệt cho Gỏi cá Sơn La. Nếm miếng gỏi, mùi rau thơm, gia vị lan tỏa nơi đầu lưỡi, vị chua chua của nước măng, không còn chút mùi tanh.

 

 

Cháo quả đắng Phù Yên (Mak nhung)

Cháo quả đắng Phù Yên là một món ăn đặc sắc theo mùa vụ. Nguyên liệu gồm có: Thịt nạc băm nhỏ, bột gạo tẻ, quả đắng, rau thơm và các gia vị cần thiết. Cây quả đắng thường mọc ở vách đá, lúc chín quả có màu đỏ; Khi ăn, cháo có vị đắng thơm ngon, kèm theo đó có vị ngọt của thịt, gạo. Ăn cháo đắng có nhiều lợi ích như: kích thích sự thèm ăn, mát gan, sáng mắt, tăng cường sức đề kháng của cơ thể…Chính vì vậy, đây không chỉ là món ăn ưa thích mà còn là bài thuốc hữu hiệu cho sức khỏe của người miền núi.