KẾT NỐI DU LỊCH SƠN LA - TÂY BẮC
Lượt xem: 503
Sơn La thuộc vùng du lịch Trung du, miền núi Bắc Bộ, là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch. Nằm ở vị trí trung chuyển của hành lang du lịch qua miền Tây Bắc và trong không gian du lịch GMS vì vậy Sơn La rất thuận lợi trong liên kết vùng phát triển du lịch. Với diện tích tự nhiên rộng lớn có nguồn tài nguyên du lịch dồi dào về địa hình, cảnh quan, khí hậu, hệ thống di tích lịch sử, di sản văn hóa đa dạng và thủy điện lớn nhất Đông Nam Á cùng với bản sắc văn hóa đặc trưng của 12 dân tộc, Sơn La có đầy đủ tiềm năng để phát triển du lịch, đem tới cho du khách những lựa chọn đa dạng; từ du lịch văn hóa tới các làng nghề truyền thống, từ lễ hội đến tham quan, khám phá dã ngoại đến ẩm thực, vui chơi giải trí; đáp ứng nhu cầu nghỉ cuối tuần, du lịch lòng hồ thủy điện…gắn với tham quan thắng cảnh, nghỉ dưỡng …tạo cho Sơn La nhiều khả năng phát triển các sản phẩm du lịch hấp dẫn, mang bản sắc riêng.

Trên cơ sở định hướng phát triển các cụm du lịch, trung tâm du lịch, không gian du lịch; hệ thống các khu, điểm du lịch định; căn cứ sự phát triển mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh, định hướng phát triển hệ thống tuyến du lịch tỉnh Sơn La đến năm 2020, tầm nhìn 2030 gồm:

Các tuyến du lịch nội tỉnh: Định hướng bao gồm hệ thống tuyến du lịch chính và tuyến du lịch phụ trợ.

* Các tuyến du lịch chính: Được định hướng là các tuyến du lịch nối các cụm, các trung tâm du lịch và các khu điểm du lịch quan trọng.

Tuyến du lịch đường bộ:

- Tuyến du lịch dọc quốc lộ 6: Vân Hồ- Mộc Châu - TP Sơn La - Điện Biên: đây là một phần của tuyến du lịch quốc gia quan trọng, kết nối Tây Bắc với Hà Nội.

- Tuyến du lịch quốc lộ 37: TP Sơn La - Mai Sơn - Yên Châu - Bắc Yên - Phù Yên - Phú Thọ - Yên Bái.

- Tuyến du lịch quốc lộ 279: TP Sơn La - Thuận Châu - Quỳnh Nhai - Lai Châu - Lào Cai.

- Hệ thống đường giao thông từ tỉnh lộ 103 đến chân núi hang Chi Đảy, Yên Sơn, Yên Châu.

- Tuyến du lịch quốc lộ 4G: TP Sơn La - Mai Sơn - Sông Mã - Sốp Cộp - hoặc đi Điện Biên.

- Tuyến du lịch theo đường tỉnh 109: Thị trấn Ít Ong – Nghĩa Lộ (Yên Bái) kết nối với quốc lộ 32.

Tuyến du lịch đường thủy:

- Hòa Bình - Vạn Yên (Phù Yên) - Tà Hộc (Mai Sơn) - Thủy điện Sơn La (Mường La) - huyện  Quỳnh Nhai - thị xã Mường Lay (tỉnh Điện Biên).

- Tuyến du lịch Mường La - Quỳnh Nhai.

- Tuyến du lịch Quỳnh Nhai - Thị xã Mường Lay (Điện Biên)

- Tuyến du lịch cảng bản Két (thị trấn Ít Ong) - cảng bản Áng (xã Chiềng Lao)

* Các tuyến du lịch phụ trợ: Là hệ thống tuyến du lịch từ các trung tâm đến các điểm du lịch phụ cận, gồm:

- Tuyến từ thành phố Sơn La đến các điểm du lịch thuộc cụm du lịch thành phố Sơn La và phụ cận.

- Tuyến từ thị trấn Mộc Châu đến các điểm du lịch thuộc cụm du lịch thị trấn Mộc Châu và phụ cận.

- Tuyến từ thị trấn Quỳnh Nhai đến các điểm du lịch thuộc cụm du lịch thị trấn Quỳnh Nhai và phụ cận.

- Tuyến từ thị trấn Ít Ong đến các điểm du lịch thuộc cụm du lịch thị trấn Mường La và phụ cận.

* Các tuyến du lịch chuyên đề: Các tuyến du lịch theo chuyên đề được định hướng phát triển dựa trên hệ thống các tuyến du lịch chính và bổ trợ để phát triển du lịch theo từng chủ đề, gồm:

- Tuyến du lịch tham quan, khám phá hang động trên phạm vi toàn tỉnh;

- Tuyến du lịch cộng đồng kết nối các bản văn hóa toàn tỉnh.

- Tuyến du lịch thể thao mạo hiểm, vượt ghềnh thác, khám phá thiên nhiên chủ yếu tập trung ở các khu vưc núi cao, sông suối, khu bảo tồn tự nhiên.

Các tuyến du lịch liên tỉnh: Định hướng hình thành dựa trên hệ thống tuyến du lịch quốc gia.

- Tuyến Thành phố Sơn La - Hòa Bình - Hà Nội - các tỉnh đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc: Tuyến này chủ yếu khai thác nguồn khách từ Hà Nội và các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc đến với Sơn La hoặc từ Sơn La đi các địa phương trên theo quốc lộ 6, QL 5.

- Tuyến Thành phố  Sơn La - Điện Biên - Lai Châu - các tỉnh vùng núi  phía Bắc: Là tuyến du lịch liên tỉnh trong vùng TDMNBB theo QL 6, QL 12, QL 4D kết nối du lịch với Lào Cai - Hà Giang.

- Tuyến Thành phố Sơn La - Mường La - Lào Cai - Yên Bái - Hà Nội

Ngoài ra tuyến du lịch này còn có thể khai thác kết nối mở rồng với Cao Bằng, Lạng Sơn và các tỉnh Đông Bắc.

- Tuyến Thành phố Sơn La - Hoà Bình - Ninh Bình - Thanh Hoá - các tỉnh phía Nam: tuyến này khai thác đường quốc lộ 6, quốc lộ 12A và đường cao tốc Hồ Chí Minh.

- Tuyến du lịch quốc tế: Phát triển các tuyến đường bộ qua các cửa khẩu Loóng Sập, Chiềng Khương với CHDCND Lào và các nước ASEAN trong khuôn khổ GMS.

Hiện nay, sản phẩm du lịch Sơn La gồm có 03 tour du lịch thuộc 06 sản phẩm chính (Nhóm sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí và cuối tuần ở các vùng cảnh quan; Nhóm sản phẩm tham quan danh lam thắng cảnh; Nhóm sản phẩm du lịch văn hóa; Nhóm sản phẩm du lịch sinh thái; Nhóm sản phẩm du lịch cộng đồng; Nhóm sản phẩm du lịch tâm linh) đang được đưa vào khai thác:

- Tour du lịch tham quan, thắng cảnh liên kết các tỉnh Tây Bắc: Hà Nội - Sơn La - Điện Biên: Tham quan các bản làng dân tộc xã Chiềng Yên, xã Vân Hồ huyện Vân Hồ, cao nguyên Mộc Châu và các vùng phụ cận, tham quan làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống tại Bản Thèn Luông xã Chiềng Đông, hệ thống hang động xã Yên Sơn huyện Yên Châu, các di tích lịch sử văn hóa tại thành phố Sơn La, tham quan các bản du lịch cộng đồng Bản Hụm, bản Bó, Du lịch nghỉ dưỡng suối khoáng nóng bản Mòng, xã Hua La và các vùng phụ cận.

- Tour du lịch tham vùng hồ thuỷ điện Sơn La: TP Sơn La - Quỳnh Nhai - Mường La: Tham quan các di tích lịch sử nhà tù Sơn La, Đền thờ vua Lê Thái Tông các bản du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng suối khoáng nóng bản Mòng, xã Hua La và phụ cận, thăm Nhà máy thủy điện Sơn La, Du lịch hồ Thủy điện Sơn La, Huổi Quảng, du lịch cộng đồng, tắm nước nóng bản Pom Mỉn xã Ngọc Chiến huyện Mường La, tham quan Bản Bon, cầu Pá Uôn và các lễ hội dân tộc truyền thống huyện Quỳnh Nhai

- Tour du lịch tâm linh bắt đầu hình thành: Mộc Châu - Yên Châu - thành phố Sơn La - Quỳnh Nhai: Tham quan Động Sơn Mộc Hương, Chùa Chiền Viện (Vặt Hồng) huyện Mộc Châu, hệ thống hang Chi Đảy, hang Nhả Nhung huyện Yên Châu, khu trị sự phật giáo thành phố Sơn La Di tích lịch sử nhà tù Sơn La, Đền thờ vua Lê Thái Tông, đền nàng Han huyện Quỳnh Nhai.

Bên cạnh đó, Sơn La cũng chú trọng đến liên kết phát triển du lịch vùng lòng hồ thủy điện Sông Đà. Nằm trên địa phận các huyện Quỳnh Nhai, Thuận Châu, Mường La (tỉnh Sơn La); thị xã Mường Lay (tỉnh Điện Biên); huyện Sìn Hồ (tỉnh Lai Châu), lòng hồ thủy điện Sơn La có vị trí hết sức thuận lợi kết nối các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu. Tổng chiều dài đường thủy vùng hồ sông Đà: Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên Lai Châu là 430 km, trên vùng lòng hồ có hàng trăm đảo lớn nhỏ với phong cảnh sơn thuỷ hữu tình, hai bên bờ sông là những dãy núi trùng điệp, các cánh rừng ngút ngàn màu xanh, thơ mộng, hấp dẫn. Khí hậu trong lành với hệ thống cảnh quan mặt nước lớn, các đảo, bán đảo, khe vũng ngập nước, sự đa dạng bản sắc văn hóa dân tộc, các điểm tham quan nổi bật, tạo điều kiện phát triển du lịch. Với những lợi thế thiên nhiên phong phú, cảnh quan đa dạng, nhiều du khách đến đây thường ví vùng hồ sông Đà giống như một Vịnh Hạ Long trên núi.  

Giao thông đường thủy là hệ thống giao thông quan trọng trong tuyến du lịch vùng hồ sông Đà để phục vụ cho du lịch trên sông cũng như phục vụ nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của các cư dân ven hồ, nhiều cảng, bến thuyền được hình thành như cảng Thung Nai, cảng Bích Hạ, tỉnh Hòa Bình; cảng Tà Hộc tỉnh Sơn La; Định hướng đến năm 2020, tỉnh Sơn La sẽ quy hoạch 4 cảng thuỷ nội địa, nâng cấp 25 bến hàng hoá và hành khách, quy hoạch mới 104 bến khách ngang sông tại các huyện Quỳnh Nhai, Mường La và Thuận Châu.

Mục tiêu trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng lòng hồ thủy điện Sơn La là phát triển vùng lòng hồ thủy điện Sơn La trở thành động lực phát triển du lịch của tỉnh và trở thành khu du lịch quốc gia trong tương lai. Phát triển theo hướng du lịch tham quan, sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ cuối tuần; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói, giảm nghèo, giữ vững an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội...

Có thể nói vùng hồ sông Đà có tài nguyên du lịch khá phong phú và đa dạng, với nhiều cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử văn hoá và các giá trị nhân văn sẽ tạo nhiều sản phẩm du lịch phong phú. Đây sẽ là nơi có sức thu hút lớn đối với du khách trong nước và quốc tế đến tham quan du lịch và thúc đẩy du lịch vùng hồ sông Đà ngày càng phát triển.

Tính đến tháng 9 năm 2015 tổng lượt khách du lịch đến Sơn La là 1.500.000 lượt trong đó khách quốc tế 40.000 lượt, khách nội địa 1.460.000 lượt, doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 640 tỷ đồng. Đây là kết quả đáng ghi nhận đối với du lịch của tỉnh miền núi điều kiện, cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông đi lại còn khó khăn.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, tỉnh Sơn La cũng thẳng thắn đánh giá tính liên kết vùng của du lịch Sơn La vẫn còn yếu: loại hình và sản phẩm du lịch chưa phong phú, chất lượng không đồng đều, khả năng cạnh tranh thấp; Thiếu những khu du lịch, sản phẩm du lịch đặc sắc, có tầm cỡ, có sức cạnh tranh trong khu vực; Nguồn nhân lực du lịch còn thiếu và yếu, chưa được đào tạo một cách bài bản chuyên nghiệp; Do địa hình khu vực phức tạp bị chia cắt mạnh bởi các con suối và dãy núi, là thung lũng bao quanh bởi các dãy núi cao, các tuyến, điểm du lịch của tỉnh nằm rải rác, giao thông đi lại kết nối các điểm du lịch còn khó khăn. Sơn La chưa có hệ thống giao thông bằng đường hàng không, đường sắt mà chỉ có đường bộ và đường thủy phần nào ảnh hưởng lớn trong việc thu hút các nhà đầu tư lớn, các hãng, các công ty du lịch cao cấp đến Sơn La; Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cũng như đường thủy đến các tuyến, điểm du lịch chưa phát triển đồng bộ, chưa được quan tâm đầu tư.

Để kết nối phát triển du lịch Sơn La - Tây Bắc, các tỉnh khu vực Tây Bắc cần phải thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

- Thứ nhất, công tác xây dựng Quy hoạch:

Các tỉnh phải xây dựng được Quy hoạch phát triển du lịch của từng tỉnh để từ đó xây dựng sản phẩm du lịch; bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn phát huy các giá trị văn hoá truyền thống; đầu tư cơ sở vật chất và thu hút các nhà đầu tư vào phát triển du lịch của từng tỉnh nói riêng và của vùng Tây Bắc nói chung.

- Thứ hai, công tác đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch:

Các tỉnh cần quan tâm đầu tư hạ tầng du lịch như xây dựng hệ thống điện, đường, các bến cảng tại các điểm du lịch để thuận lợi cho khách đi lại và liên kết các tour, tuyến du lịch với các tỉnh; Khai thác tài nguyên xây dựng các khu du lịch nghỉ dưỡng, điểm du lịch văn hóa, sinh thái; đầu tư các dịch vụ vận chuyển khách du lịch chất lượng cao (đặc biệt là các tàu lưu trú du lịch từ hạng 1 đến 5 sao) trên vùng hồ để phục vụ khách du lịch.

- Thứ ba, công tác xây dựng sản phẩm du lịch:

Các tỉnh cần phải liên kết với nhau trong việc xây dựng sản phẩm du lịch. Do có tiềm năng du lịch tương đối giống nhau, như vậy cần phải phối hợp khảo sát để xây dựng sản phẩm du lịch mang sắc thái đặc trưng riêng của từng tỉnh tạo sự hấp dẫn, không trùng lặp tránh gây nhàm chán cho du khách. Xây dựng được các tour du lịch liên tỉnh dài ngày cả đường thủy và đường bộ để kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch.

- Thứ tư, công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực:

Hiện tại nguồn nhân lực du lịch được đào tạo tại Sơn La và các tỉnh Tây Bắc chiếm tỷ lệ rất thấp, cần phải xây dựng Kế hoạch đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực ngắn hạn và dài hạn như mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho người làm công tác quản lý tại các khu, điểm du lịch, các điểm du lịch cộng đồng cũng như các đơn vị vận chuyển khách du lịch.

- Thứ năm, công tác tuyên truyền quảng bá:

Các tỉnh cần phối hợp cùng nhau lựa chọn sản phẩm du lịch đặc sắc riêng của từng tỉnh và sản phẩm du lịch chung của khu vực để cùng đẩy mạnh công tác tuyền truyền quảng bá giới thiệu cho khách du lịch trong và ngoài nước đến với du lịch Sơn La - Tây Bắc

Để thực hiện được các nhiệm vụ trên thì phải có sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước các tỉnh trong công tác chỉ đạo, định hướng và tạo cơ chế chính sách cho các hoạt động phát triển du lịch; có sự liên kết của các tổ chức, đơn vị kinh doanh du lịch trong việc khảo sát, xây dựng sản phẩm.

Nguyễn Vũ Hoài - Phòng Quản lý Du lịch