Nhớ câu khắp giao duyên
Lượt xem: 884
Đã từng có một thời, hát giao duyên được coi là một phần không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày của đồng bào Thái. Những câu hát dưới đêm trăng trở thành lời ướm ngỏ, tỏ tình của các chàng trai, cô gái, gắn kết tình yêu giữa hai người để đôi lứa nên vợ, thành chồng.

Người Thái ở mỗi vùng lại có cách hát giao duyên khác nhau, từ lời ca, giai điệu đều mang đặc trưng riêng của vùng miền. Nhưng tựu chung lại, người Thái ở đâu cũng đều sống thành bản, bên cánh đồng, con suối, cánh rừng, đều ở nhà sàn, con gái Thái mặc áo cóm. Thế nên, hoạt cảnh để hát giao duyên đều giống nhau. Ấy là những đêm trăng sáng, khi người già, trẻ em đều đã đi ngủ, chàng trai đến chân cầu thang nhà cô gái, dùng một loại nhạc cụ tấu lên bài "Gọi bạn gái dậy". Tiếng chàng trai cất lên

"Em ơi, đêm nay trăng sáng

Tiếng pí anh gọi em tha thiết

Dậy đi em, nói chuyện cùng anh!"

Cô gái đang ngủ trong nhà nghe thấy tiếng nhạc liền trở dậy, ra hiên nhà ngồi trò chuyện và hát giao duyên cùng chàng trai. Họ có thể là những người đã phải lòng nhau từ trước, họ hẹn nhau gặp gỡ từ lúc chiều sau một ngày đi rừng, đi nương về.

Mỗi đêm hát giao duyên là một lần hai người hò hẹn, tâm sự, thể hiện nỗi lòng mình, đặc biệt là để chàng trai ngỏ lời tỏ tình với người anh thương mến. Lời bài hát có thể là những bài ca giao duyên có sẵn nhưng đa số là hai người tự sáng tác lời, thể hiện đúng với lòng mình để hát. Ban đầu, cô gái còn e thẹn:

"Anh ơi, đây là tháng lúa rau đang nảy mầm

Tằm vào ổ vẫn còn non đấy anh ơi".

Chàng trai cũng dùng hình ảnh bóng gió để nói với cô gái, mong muốn cô hiểu được lòng mình:

"Em ơi, hoa bưởi nở tỏa hương thơm ngát

Anh đây muốn ngắt nhưng lại sợ gai đâm".

Sau một hồi trò chuyện, hai người tâm đầu ý hợp thì lời hát lúc này không còn sự bóng gió, xa xôi mà chân thật, giản dị như lời thủ thỉ tâm sự của hai người yêu nhau:

"Anh yêu ơi, đôi ta tuy xa xôi cách trở

Vẫn một lòng hướng về bên nhau".

Lúc này, chàng trai không tiếc những lời hoa mỹ để nói với người anh yêu:

"Nước cuốn, anh mới thấy dòng

Nước cạn anh mới thấy cát

Phận anh may mắn mới được gặp em"

Và mạnh dạn vẽ một tương lai tươi sáng cho cả hai người: "Em yêu ơi, về với anh, ta cùng làm nhà, làm cửa, nên duyên vợ chồng"… Những câu hát mộc mạc, chân chất ấy giúp hai người xích lại gần nhau hơn, tình yêu của họ lớn dần theo năm tháng để rồi cùng nhau xây dựng hạnh phúc trăm năm.

Hát giao duyên không đơn thuần là lời tâm sự, trò chuyện giữa hai người yêu nhau mà trong dịp tết, các đêm chơi hạn khuống, những ngày hội đầu xuân của bản làng, các chàng trai, cô gái thường chia thành hai đội để hát đối đáp. Lời hát lúc này mang âm hưởng tập thể, giai điệu tươi vui và thường là những câu đố - đáp giữa hai bên. Các cô gái khéo léo dùng những lời thách đố mang tính ước lệ, hiểm hóc để thử lòng chàng trai: "Bố mẹ em muốn ăn quả dưa hấu mọc trên lưng trâu, quả dưa bở mọc trên lưng voi lớn…" Trước thử thách của cô gái, chàng trai vẫn bình tĩnh, dùng tài trí của mình để đối đáp lại:

"Anh đi rủ 30 người con ông chú

Cùng 20 người con họ nội

Đi rủ thêm anh em bên ngoại

Chuyển đất lên lưng voi

Anh lấy hạt dưa hấu gieo lên lưng voi lớn

Lấy hạt dưa bở gieo lên lưng voi lớn

Anh mới lấy được dưa hấu, dưa bở nộp cho bố mẹ phấn khởi, vui rể thảo hiền"…

Trong những đêm hát đối đáp, họ còn cất lên những lời ca ngợi ca quê hương, bản làng, lời ca mang tinh thần đoàn kết tập thể:

"Ơ, đôi ta tuy khác bản nhưng chung một mường

Khác mường nhưng chung một vùng đấy anh em ơi, mọi người ơi!"

Cứ thế, bài hát này nối tiếp bài hát kia, hai bên đối đáp đến khuya, có sự chứng kiến của người dân trong bản. Sau khi tan hội, chàng trai nào tìm được cô gái mình thích sẽ còn nán lại hoặc tìm đến nhà cô gái để hát giao duyên tỏ tình. Từ những đêm hát giao duyên, nhiều đôi trai gái mến thương nhau thật lòng rồi thành chồng vợ. Những đêm hát còn là dịp để trai gái, người dân trong và ngoài bản hiểu nhau hơn, thắt chặt thêm mối tình đoàn kết giữa họ hàng, làng xóm trong cả cộng đồng.

Ngày nay, khắp giao duyên không còn phổ biến như trước, trai gái người Thái có nhiều cách để tìm hiểu nhau không qua hát đối đáp, giao duyên nhưng không phải vậy mà thể loại hát này không còn chỗ đứng trong đời sống tinh thần đồng bào Thái. Trong sàn chơi Hạn Khuống, lễ hội Hoa ban được Thành phố phục dựng không thể thiếu làn điệu khắp giao duyên. Các phần biểu diễn mang hơi hướng mới, hiện đại mà không làm mất đi giá trị truyền thống vốn có đã thổi vào lòng người xem, nhất là thế hệ trẻ niềm tự hào về văn hóa dân tộc. Vẫn có những người già trong các bản, đặc biệt là các nghệ nhân văn hóa dân gian luôn nặng lòng với văn hóa Thái, trong đó có khắp giao duyên như ông Lò Văn È (Thuận Châu), một người chuyên viết các thể loại ca, nhạc, kịch của dân tộc Thái; bà Bạc Thị Hoàn (Quỳnh Nhai), một người am hiểu sâu sắc văn hóa dân tộc Thái Trắng, đàn hay, hát giỏi, là một giọng dân ca Thái quen thuộc của Sơn La và Đài Tiếng nói Việt Nam; ông Hà Văn Lai (Phù Yên), một nghệ nhân dân gian dân tộc Thái, am hiểu và thành thạo các loại nhạc cụ dân tộc… Họ là những người góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị tốt đẹp của văn hóa Thái ở Sơn La.

Đâu đó, giữa những nhộn nhịp, bề bộn của cuộc sống đổi mới, hiện đại, vẫn vẳng nghe trên loa phát thanh khúc hát dân ca trữ tình, sâu lắng. Ca từ ấy mộc mạc mà thấm thía, nghe sao tha thiết và thêm yêu con người, quê hương, đất nước ta.

Tặng Đào