Kịch bản tổng thể buổi sinh hoạt Câu lạc bộ Phòng chống bạo lực gia đình Chủ đề: “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”
Góp phần nâng cao ý thức xây dựng gia đình hạnh phúc, gìn giữ và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình. Truyền thông những ý nghĩa tốt đẹp, những nội dung và kỹ năng bổ ích về việc sắp xếp và duy trì những bữa cơm ấm áp yêu thương bên người thân và gia đình.
I. Mục đích, yêu cầu của buổi sinh hoạt:
1. Mục đích:
- Góp phần nâng cao ý thức xây dựng gia đình hạnh phúc, gìn giữ và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình.
- Truyền thông những ý nghĩa tốt đẹp, những nội dung và kỹ năng bổ ích về việc sắp xếp và duy trì những bữa cơm ấm áp yêu thương bên người thân và gia đình.
2. Yêu cầu:
- Ngắn gọn, hình thức phong phú, không khí chan hòa, thoải mái.
- Thu hút được sự quan tâm của các thành viên CLB cũng như người dân.
- Đảm bảo trật tự, an toàn, vui vẻ và đoàn kết các dân tộc.
II. Thời gian tổ chức buổi sinh hoạt:
1. Thời gian: 20h ngày …. tháng 6 năm 2015
2. Thời lượng: Từ 20h00’ đến 21h30’
III. Địa điểm tổ chức buổi sinh hoạt:
1. Địa điểm: Nhà văn hóa
2. Thành phần tham dự:
Thành viên CLB PCBLGĐ và nhóm Phòng chống BLGĐ. Bà con nhân dân.
IV. Nội dung và trình tự buổi sinh hoạt:
- 20h00’: Các đại biểu tập trung tại nhà văn hóa, ổn định chỗ ngồi (mở đĩa ca nhạc về Sơn La).
- 20h10’/20h30’: Chương trình văn nghệ do thành viên CLB trình diễn (03 tiết mục).
- 20h30’- 21h30’: Thực hiện nội dung sinh hoạt chính (Do các thành viên CLB thực hiện).
1. Người hướng dẫn sinh hoạt Giới thiệu chủ đề sinh hoạt “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”
LỜI ĐỀ DẪN
Kính thưa…………………………………………………….
“Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” là chủ đề được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lựa chọn làm chủ đề truyền thông nhân ngày Gia đình Việt Nam 28/6/2015.
Như chúng ta đã biết, con người chúng ta phải ăn để duy trì sự sống, trong mỗi gia đình không thể thiếu những bữa cơm. Bữa cơm gia đình là sinh hoạt vào một thời điểm nhất định trong ngày mà mọi thành viên cùng ngồi ăn với nhau ở một khoảng không gian nào đó theo lệ thường. Đó là khoảng thời gian mà mọi thành viên trong gia đình cùng sum vầy, quây quần bên nhau.
Quả thực, bữa cơm gia đình mang một ý nghĩa rất lớn trong đời sống gia đình. Bữa cơm gia đình không chỉ đơn giản là một bữa ăn để cung cấp năng lượng cho cơ thể con người nữa, mà nó trở thành nơi gắn kết các thành viên trong mỗi gia đình, nó là nơi hiện diện những nét văn hóa truyền thống của một gia đình, của một đất nước. Là nơi kết nối giữa thế hệ này với thế hệ khác trong một gia đình. Là nơi thể hiện tình yêu thương giữa ông bà, cha mẹ với con, cháu.
Trong xã hội hiện đại ngày nay, không phải gia đình nào cũng duy trì được những bữa cơm gia đình như vậy, có rất nhiều lý do vì con người, vì công việc cũng như là hoàn cảnh xã hội… Bởi vậy, việc hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng và biện pháp duy trì những bữa cơm gia đình trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Hôm nay chúng ta cùng đi tìm hiểu chủ đề “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” để cùng nhau giữ gìn và phát huy nét văn hóa truyền thống tốt đẹp này.
2. Nội dung sinh hoạt:
Người hướng dẫn sinh hoạt nêu câu hỏi và yêu cầu các thành viên suy nghĩ để bày tỏ ý kiến của mình.
* Anh/ chị nghĩ như thế nào là một bữa cơm gia đình?
Người hướng dẫn ghi ý kiến của các thành viên, tổng hợp và phân tích các ý kiến để thống nhất cách hiểu:
Gợi ý:
- Có mâm cơm
- Có người nấu cơm, người ăn cơm
- Có đầy đủ mọi người trong gia đình
- Thời gian diễn ra: Bữa sáng, trưa, tối
- Không gian diễn ra: Phòng khách hoặc gian bếp
Bữa cơm gia đình là sinh hoạt vào một thời điểm nhất định trong ngày mà mọi thành viên cùng ngồi ăn với nhau ở một khoảng không gian nào đó theo lệ thường. Đó là khoảng thời gian mà mọi thành viên trong gia đình cùng sum vầy, quây quần bên nhau.
* Bữa cơm gia đình có giá trị như thế nào?
Hoạt động dưới dạng trò chơi (20 phút)
Người hướng dẫn sinh hoạt nêu câu hỏi và chia các thành viên của CLB thành 2 nhóm và yêu cầu hai nhóm thi viết lên bảng những giá trị của bữa cơm gia đình. Kết quả nhóm nào đưa ra được những đặc trưng tâm sinh lý của người cao tuổi nhiều hơn thì nhóm đó thắng và có thể được thưởng quà hoặc được thưởng bằng cách được phép phạt các thành viên nhóm bị thua (ví dụ nhóm bị thua phải cử thành viên hát một bài).
Gợi ý:
- Là nơi thể hiện sự quan tâm, tình yêu, chia sẻ
- Là nơi dạy dỗ con cái
- Là nơi gắn kết giữa thế hệ này với thế hệ khác
- Là nơi gìn giữ hạnh phúc gia đình…
Người hướng dẫn tổng hợp ý kiến và nêu các giá trị cơ bản của mâm cơm gia đình:
a) Bữa cơm gia đình là nơi thể hiện sự quan tâm, tình yêu thương và chia sẻ:
Sau một ngày làm việc vất vả, căng thẳng, mệt mỏi; trở về với gia đình, bên mâm cơm, đó chính là những phút giây để các thành viên trong gia đình thể hiện sự quan tâm, yêu thương lẫn nhau. Có những bữa ăn tuy đơn sơ, đạm bạc nhưng rất đầm ấm và đầy nghĩa tình. Trong gia đình, mỗi người đều có thể hiểu được sở thích, khẩu vị của từng người trong gia đình, do vậy, khi nấu ăn, người nấu luôn nghĩ đến giá trị dinh dưỡng của bữa ăn giúp cho mọi thành viên luôn khỏe mạnh. Trong quá trình nấu nướng, các thành viên có thể cùng giúp đỡ, chia sẻ công việc cho nhau... Trong bữa ăn, các thành viên quan tâm đến nhau như xới bát cơm cho nhau, gắp thức ăn cho nhau… khuyến khích động viên nhau ăn uống để bảo đảm sức khỏe.
Bữa cơm gia đình giúp mọi thành viên hiểu nhau hơn: Bữa cơm là thời gian quý báu nhất trong ngày mà các thành viên trong gia đình có thể gần gũi trò chuyện. Trong bữa cơm, những tâm sự sẽ được bộc bạch, những câu chuyện sẽ được đưa ra bình luận, thậm chí mỗi thành viên có thể thể hiện quan điểm, những suy nghĩ của mình về nhiều vấn đề trong ngày. Hơn nữa, đây cũng là lúc thích hợp nhất để ba mẹ tìm hiểu về việc học hành của con cái, về các mối quan hệ bạn bè cũng như mong ước của con trẻ, có thể thấy con lớn lên từng ngày qua cách con ăn và ứng xử trong bữa ăn.
Bữa cơm gia đình giúp mọi thành viên được thư giãn, gạt hết những phiền muộn, những áp lực, về bên nhau là mọi người tìm thấy được tình yêu thương, sự chia sẻ. Bữa ăn giúp mọi người nạp thêm năng lượng cả về thể chất lẫn tinh thần. Vì lẽ đó, bữa cơm là thời gian con người có tất cả: Tình cảm, sự thư thái, đầm ấm, sự bao bọc, chở che và tiếp thêm năng lượng. Bởi vậy dễ hiểu vì sao mỗi bữa cơm gia đình đều tràn ngập tiếng cười, những câu chuyện vui, những chia sẻ không bao giờ muốn kết thúc…
Bữa cơm không chỉ đơn thuần là sum vầy gia đình mà còn thể hiện tấm lòng hiếu khách. Mỗi khi có dịp tổ chức ăn uống, gia đình nào cũng làm những món thật ngon để mời mọi người. Sự chăm chút bữa ăn làm cho các thành viên trong gia đình có cái nhìn đầy yêu thương đối với người biết tạo nên bữa ăn ngon; thiện cảm và yêu thương, đó là nền tảng của hạnh phúc gia đình.
b) Bữa cơm giáo dục con người:
Qua bữa cơm. Tính giáo dục có thể phát triển bền vững và có hiệu quả rất cao cho mỗi thành viên trong gia đình, đặc biệt là đối với trẻ em bằng những đức tính: Biết nhường nhịn, biết dành miếng ngon cho người khác, biết vì người khác, biết tập những thói quen tốt trong khi ăn. Ngay từ khi còn nhỏ, những người con trong gia đình đã được cha mẹ rèn thói quen để biết “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, biết lễ giáo quanh mâm cơm. Bố mẹ có thể dạy cho con cái biết giá trị dinh dưỡng của mỗi món ăn, cách nấu mỗi món ăn.
Đối với người lớn, nó là lúc mọi người chia sẻ với nhau những khó khăn, vướng mắc sau 1 ngày làm việc; đóng góp cho nhau để cùng nhau ngày một hoàn thiện hơn; chia sẻ cho nhau những thông tin mới, thành tựu mới của cộng đồng, của đất nước; giới thiệu cho nhau để khắc phục những gì không nên làm và khuyến khích gợi mở cho những suy nghĩ và hành động cho ngày mai, cho tương lai của từng thành viên trong gia đình, tạo điều kiện cho nhau thực hiện những điều cống hiến cho gia đình, cho cộng đồng và cho quê hương đất nước. Đây là cách giáo dục cụ thể, thiết thực giữa các thành viên trong gia đình.
c) Bữa cơm giữ gìn hạnh phúc gia đình:
Hơn hết nữa nó chính là chìa khóa, là ngọn lửa giữ gìn hạnh phúc gia đình. Chúng ta cũng thấy rõ rằng bữa cơm gia đình ăn tại gia đình khác hẳn ăn tại quán ăn, nhà hàng. Ở nhà, nơi đó có các thành viên trong gia đình thân quen, hương vị của các món ăn luôn gần gũi và đậm ân tình của người thân. Bữa cơm ở nhà sẽ tạo nên sự ấm cúng rất đặc biệt không nơi nào sánh được.
Những giá trị vật chất và tinh thần hình thành sau những bữa cơm gia đình không khác gì những viên gạch cùng những chất keo vô hình tạo nên lâu đài hạnh phúc vĩnh cửu cho mỗi gia đình mà mỗi người chúng ta ai ai cũng cần, ai ai cũng muốn vươn tới và ai ai cũng cần có nó. Tạm gác mọi chuyện xã hội lại để vui cùng gia đình bên mâm cơm thường nhật, ta sẽ thấy được gia đình là chốn bình yên nhất đón ta trở về sau mỗi ngày vất vả của cuộc sống mưu sinh. Một bữa cơm gia đình đôi khi không cần quá cầu kỳ, cao lương mỹ vị, mà cảm giác bữa cơm ngon miệng chỉ cần những món ăn đơn giản, hợp khẩu vị, dinh dưỡng và quan trọng nhất là cả gia đình quây quần đông đủ.
* Bữa cơm gia đình xưa và nay có gì khác nhau?
Người hướng dẫn sinh hoạt nêu câu hỏi và tổng hợp ý kiến của các thành viên:
Gợi ý:
- Gia đình xưa nhiều thế hệ, gia đình nay ít thế hệ
- Gia đình xưa quan trọng gia phong, nề nếp; gia đình nay suy nghĩ phóng khoáng, rộng mở hơn.
- Gia đình xưa không bận quá nhiều việc như gia đình ngày nay, gia đình ngày nay sống trong môi trường đô thị, thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nên công việc có phần bận bịu hơn…
Người hướng dẫn tổng hợp ý kiến và nêu các giá trị cơ bản của bữa cơm gia đình:
a) Bữa cơm gia đình xưa:
Ngày trước bữa cơm gia đình luôn được chú trọng. Nó như là một sinh hoạt chung của tất cả các thành viên trong gia đình. Những gia đình sống chung với ông bà thường rất chú trọng nề nếp ăn uống, sinh hoạt, bữa cơm gia đình là điều hết sức quan trọng. Ngày xưa điều kiện kinh tế khó khăn, việc “thoát ly” ra khỏi tổ ấm là rất ít, con cái lớn lên, cưới vợ gả chồng rồi sinh con vẫn cố gắng ở bên, phụng dưỡng cha mẹ. Ngược lại, việc sống chung với người già giúp các cặp vợ chồng trẻ giữ được nề nếp, thói quen, gia phong của gia đình, đồng thời biết kính trên nhường dưới. Chính vì điều đó nên bữa ăn gia đình trở thành một thới quen sinh hoạt chung cho các thành viên trong gia đình không bao giờ có thể bỏ qua được. Đúng giờ thì mọi người lại có mặt đông đủ.
b) Bữa cơm gia đình ngày nay:
Ngày nay do tính chất công việc, nhịp sống công nghiệp phát triển nhanh, điều kiện sống trong gia đình có nhiều thay đổi, nhất là gia đình ở thành thị, đô thị lớn. Có được bữa cơm sum họp, đầy đủ mọi thành viên không phải là chuyện dễ. Do vậy, những bữa cơm gia đình đầy đủ, đông vui thường là những bữa cơm cuối tuần. Với nhiều lý do như: Con cái phải đi học thêm, tham gia hoạt động ngoại khóa, họp nhóm, bố mẹ thì bận tiếp khách hay xã giao bạn bè hay làm thêm giờ nên không sum họp được đầy đủ trong bữa cơm gia đình, hay việc không thống nhất quan điểm giữa thế hệ trẻ và thế hệ trước trong gia đình... Những lý do đó khiến nhiều người quyết định sống riêng, gây dựng một gia đình nhỏ chỉ có hai thế hệ. Chính vì thế bữa cơm gia đình chung, đầm ấm, thân mật trong gia đình Việt một thời còn những thiếu thốn giờ đang dần biến mất vì thừa kinh tế nhưng thiếu thời gian. Trong những ngôi nhà rộng rãi, xây dựng theo kiểu hiện đại, không ít gia đình mỗi người một tô, ngồi một góc, kẻ ăn trước, người ăn sau.
Tuy nhiên, nhìn chung, đó vẫn còn là số ít, đa số các gia đình vẫn còn duy trì được truyền thống ăn cơm chung tốt đẹp.
* Giải pháp giữ gìn bữa cơm gia đình là gì?
Người ta thường nói bữa cơm gia đình chính là ngọn lửa duy trì hạnh phúc gia đình, mất dần bữa cơm gia đình cũng đồng nghĩa với việc mất dần hạnh phúc gia đình. Do đó việc duy trì, giữ gìn bữa cơm gia đình vô cùng quan trọng. Vậy chúng ta phải làm gì?
Khi ta thấy không còn thời gian dùng cơm với gia đình, ít nhất là bữa tối, có nghĩa là chúng ta quá bận. Sự “quá bận” đó dù muốn dù không cũng có thể làm ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Chính vì vậy, ngoài việc dành thời gian cho công việc, học hành, tạo lập các mối quan hệ thì gia đình và bữa cơm gia đình cũng nên được ta dành sự quan tâm một cách hợp lý:
- Chúng ta nên đa dạng hóa bữa cơm, tránh lặp đi lặp lại nhàm chán vài món ăn và đặc biệt chỉ trò chuyện với nhau về những chủ đề “trung lập” nhẹ nhàng, không nên khơi gợi hay bàn luận những gì có thể đưa đến mâu thuẫn, tranh cãi trong các thành viên. Trên cơ sở đó, bữa cơm gia đình sẽ mang một không khí ấm cúng, hạnh phúc.
- Tất cả các thành viên đều phải có trách nhiệm và quyền lợi tham gia vào việc chọn lựa thực đơn, chuẩn bị và nấu nướng. Đối với trẻ em, chúng ta có thể dạy chúng những bước sơ đẳng trong nấu nướng, chế biến món ăn và cách ăn uống, từ đó nâng lên thành văn hóa ứng xử trong bữa ăn như cách mời và gắp thức ăn cho người lớn tuổi... Những bài học nhẹ nhàng mang tính thực hành như thế khiến ta dễ dàng uốn nắn trẻ hơn, tạo thành thói quen tốt.
- Bên cạnh đó cũng nên tạo không gian ấm cúng, lãng mạn cho bữa ăn gia đình để những thành viên trong gia đình cảm thấy bữa ăn thật sự là một khoảng thời gian hạnh phúc không thể bỏ qua. Và như thế, khi nghĩ về bữa cơm gia đình sau một ngày mệt mỏi, mọi người sẽ mong được về nhà, đơn giản chỉ là tìm một vài phút bình yên.
- Cũng nên tạo ra những sân chơi hữu ích như các cuộc thi nấu ăn, kiến thức dinh dưỡng với sự tham gia của tất cả các thành viên trong gia đình, để từ đó định hướng suy nghĩ của giới trẻ về tầm quan trọng của bữa ăn gia đình. Định hướng cho lớp trẻ nhìn nhận về bữa cơm gia đình trong thời buổi công nghiệp hiện nay một cách thấu đáo hơn. Sự đô thị hóa đang ngày một nhanh chóng, lối sống đô thị đang cuốn giới trẻ vào công việc, vào học hành mà quên đi nhiều giá trị truyền thống đáng quý, hãy hướng giới trẻ đến một suy nghĩ mang tính dân tộc, để giá trị văn hóa dân tộc không một sớm một chiều mà mai một. Hãy tạo những bữa cơm gia đình ý nghĩa.
* Kết luận:
Với chủ đề “Bữa cơm gia đình Việt Nam ấm áp yêu thương”, từng gia đình nên duy trì những bữa cơm gia đình như là đã làm và đặc biệt quan tâm đến giá trị tinh thần của nó; những gia đình vì lý do nào đó chưa duy trì được hãy gắng phục hồi những bữa cơm gia đình hữu ích. Người người, nhà nhà chú tâm và thực hiện những bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương. Nhất định sẽ góp phần mang lại hiệu quả trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc, sẽ góp phần xây dựng xã hội chúng ta đang sống là một xã hội hạnh phúc. Hạnh phúc gia đình qua bữa cơm tuy đơn sơ, mộc mạc nhưng rất cần và rất quý. Nếu còn có những gia đình với lý do gì đó lại lãng quên, không quan tâm đến, không hiểu được giá trị cả vật chất lẫn tinh thần của bữa cơm gia đình là điều đáng tiếc vô cùng. Việc thực hiện bữa cơm gia đình đạt ý nghĩa như đã nêu trên trong điều kiện hiện nay là khó nhưng không phải là nan giải. Từng thành viên trong gia đình cần nhận thức rõ lợi ích của bữa cơm gia đình mà tranh thủ thời gian, hoàn thành công việc và trở về với gia đình của mình. Hãy giữ gìn bữa cơm gia đình, nó là chìa khóa bảo vệ hạnh phúc gia đình.
Tóm tắt toàn bộ nội dung của buổi sinh hoạt, nhắc nhở mọi người thời gian và nội dung sinh hoạt của kỳ sinh hoạt câu lạc bộ sau (chủ đề sau: BẠO LỰC TRONG GIA ĐÌNH) và cảm ơn sự tham gia của mọi người.
Vương Nhị