Chung tay xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái
Lượt xem: 1201
Thuật ngữ “bạo lực trên cơ sở giới” được sử dụng để phân biệt bạo lực thông thường với bạo lực nhằm vào các cá nhân hoặc nhóm cá nhân trên cơ sở sự phân cấp quyền lực do những khác biệt giới gây nên và ngoài phụ nữ thì nam giới và trẻ em trai cũng có thể trở thành nạn nhân.

Cao uỷ Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR 2003) sử dụng thuật ngữ bạo lực trên cơ sở giới dựa trên Điều 1 và 2 của Tuyên bố của Đại hội đồng Liên hợp quốc về Xoá bỏ Bạo lực đối với Phụ nữ năm 1993 và Đề xuất thứ 19, đoạn 6 của Kỳ họp thứ 11 Hội đồng CEDAW. Theo đó, bạo lực trên cơ sở giới là bạo lực nhằm vào một người dựa trên cơ sở giới tính của người đó. Nó bao gồm các hành động gây ra những tổn hại về thể chất, tâm lý và tình dục, những đe doạ dẫn đến những hành động nói trên, sự ép buộc và những hình thức khác nhằm tước bỏ tự do của người đó...

Bạo lực trên cơ sở giới được hiểu là bao gồm nhưng không giới hạn ở những hình thức sau:

a) Bạo lực thể chất, tình dục và tâm lý xảy ra trong gia đình bao gồm đánh đập, bóc lột tình dục, lạm dụng tình dục trẻ em trong gia đình, bạo lực liên quan đến của hồi môn, cưỡng hiếp trong hôn nhân, làm tổn thương bộ phận sinh dục phụ nữ, và những phong tục truyền thống khác tổn hại đến người phụ nữ, bạo lực ngoài mối quan hệ vợ chồng và bạo lực liên quan đến sự bóc lột.

b) Bạo lực thể chất, tình dục và tâm lý xảy ra trong cộng đồng bao gồm cưỡng hiếp, lạm dụng tình dục, đe doạ và quấy rối tình dục tại nơi làm việc, tại các cơ sở giáo dục, và bất kỳ đâu, buôn bán phụ nữ và ép buộc hoạt động mại dâm.

c) Bạo lực thể chất, tình dục và tâm lý gây ra bởi hoặc được bỏ qua bởi nhà nước và các tổ chức nơi bạo lực xảy ra, ví dụ như ngăn cản phụ nữ đi bỏ phiếu, lái xe hoặc tham gia làm việc trên thị trường lao động.

Mặc dù, nam giới và trẻ em trai cũng là nạn nhân, song chủ yếu phụ nữ và trẻ em gái là nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới. Những thiệt hại do bạo lực giới gây ra trong nhiều trường hợp là rất lớn, gồm cả thiệt hại vật chất và tinh thần như chi phí chăm sóc sức khỏe, thiệt hại tài sản của hộ gia đình, mất thu nhập.

Có 4 yếu tố dẫn đến khả năng xuất hiện bạo lực trên cơ sở giới. Đó là: (1) Bất bình đẳng kinh tế; (2) Tồn tại hình thức sử dụng bạo lực thể chất để giải quyết xung đột; (3) Sự thống trị và kiểm soát của nam giới trong quá trình ra quyết định; (4) Hạn chế khả năng tham gia công việc ngoài xã hội của phụ nữ .

Chính phủ Việt Nam được đánh giá là chính phủ đi tiên phong trong khu vực về việc xây dựng chính sách và luật pháp nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và chấm dứt nạn bạo lực đối với phụ nữ. Chính phủ đã phê chuẩn Công ước CEDAW năm 1982 và ký kết nhiều Hiệp ước và Công ước quốc tế khác về quyền con người có liên quan đến bạo lực giới. Nỗ lực của Việt Nam trong thực hiện và báo cáo về việc thực hiện Công ước CEDAW cũng như các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ đã góp phần tạo ra một khuôn khổ luật pháp và chính sách để giải quyết tình trạng bạo lực giới ở Việt Nam. Trong thời gian qua, nhiều văn bản pháp lý quan trọng liên quan đến bạo lực giới đã được thông qua, như Chương trình quốc gia phòng, chống buôn bán phụ nữ và trẻ em 2004; Luật Bình đẳng giới 2006; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007; Kế hoạch hành động về phòng, chống bạo lực gia đình của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (BVHTTDL) giai đoạn 2008-2015;... Các văn bản quy phạm pháp luật này đã cải thiện đáng kể khung pháp lý và chính sách liên quan tới bạo lực trên cơ sở giới ở Việt Nam.

Việc hoàn thiện chính sách, pháp luật của Nhà nước cùng với sự nỗ lực của các cấp các ngành và chính bản thân phụ nữ đã mang lại những thành tựu về bình đẳng giới tại Việt Nam. Những thành tựu trong thực hiện bình đẳng giới góp phần thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao

Với chủ đề "Chung tay xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái", Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2016 diễn ra từ ngày 15-11 đến 15-12-2016. Đây là lần đầu tiên Việt Nam triển khai tháng hành động này nhằm huy động sự tham gia, vào cuộc một cách đồng bộ, mạnh mẽ của các cơ quan, tổ chức, mọi người dân trong cộng đồng, đặc biệt là nam giới trong việc thực hiện bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.  

Đối với tỉnh Sơn La, những năm qua, với sự quan tâm chỉ đạo của Tinh ủy, UBND tỉnh Sơn La và sự vào cuộc của các sở ban ngành, đoàn thể, các địa phương trong tỉnh công tác bình đẳng với và sự tiến bộ của phụ nữ ngày càng có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên,  bạo lực trong gia đình trên phạm vi  toàn tỉnh vẫn  còn những vấn đề hết sức nổi cộm. Nạn nhân bạo lực gia đình chủ yếu vẫn là phụ nữ và trẻ em gái. Năm 2013 có 424/442 nạn nhân bạo lực gia đình là phụ nữ và trẻ em chiếm 95% (trong đó có 45 trẻ em gái – dưới 16 tuổi, 365 phụ nữ từ 16-59 tuổi, 14 phụ nữ có tuổi từ 60 trở lên); Năm 2014 có 363/394 nạn nhân bạo lực gia đình là phụ nữ và trẻ em chiếm 92 % % (trong đó có 3 trẻ em gái – dưới 16 tuổi, 356 phụ nữ từ 16-59 tuổi, 4 phụ nữ có tuổi từ 60 trở lên);  Năm 2015 có 332/351 nạn nhân bạo lực gia đình là phụ nữ và trẻ em chiếm 94,6 % (trong đó có 3 trẻ em gái – dưới 16 tuổi, 319 phụ nữ từ 16-59 tuổi, 10 phụ nữ có tuổi từ 60 trở lên); 

Tuy nhiên số vụ việc thống kê được chỉ là một phần nhỏ so với thực tế, vì đa số chị em phụ nữ không tố cáo, không nói ra, thậm chí nhiều chị em phụ nữ còn nhận thức hạn chế về quyền con người của mình. Mặt khác sự thờ ơ, né tránh của cộng đồng xã hội, của chính quyền cơ sở cũng là một nguyên nhân khiến tình trạng bạo lực trên cơ sở giới vẫn tiếp diễn phức tạp.

Để giải quyết bất bình đẳng, các chính sách, chương trình, đặc biệt là vai trò của truyền thông cần làm thay đổi những quan niệm lạc hậu về giá trị, vai trò của phụ nữ, đẩy lùi bạo lực trên cơ sở giới, nhất là bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em gái. Phụ nữ cần nâng cao tính tự chủ, sự quyết đoán để tham gia tích cực hơn nữa vào các lĩnh vực của đời sống xã hội. Thực hiện bình đẳng giới là chìa khóa để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Thay lời kết: Một quốc gia khỏe mạnh, công bằng, không còn nghèo đói và "không ai bị bỏ lại phía sau" là ước nguyện chính đáng của mỗi con người. Ước vọng đó sẽ sớm trở thành hiện thực nếu mỗi người cùng chung tay vun đắp bằng đầy đủ trách nhiệm và tình yêu thương. Sẽ không có bình đẳng giới nếu không có sự chia sẻ trách nhiệm của nam giới trong công việc gia đình và chấm dứt bạo hành đối với phụ nữ, trẻ em gái. Hãy cùng hành động để thông điệp "Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương" được lan tỏa trong mỗi cá nhân, mỗi gia đình và cộng đồng. Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới sẽ không có hiệu quả nếu không có sự tham gia tích cực của nam giới, trẻ em trai. Tất cả nam giới và trẻ em trai của Việt Nam cần đứng lên để giải quyết sự bất bình đẳng, bất công và bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em gái. Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em gái là vấn đề cần được ưu tiên hàng đầu đối với cả nam giới và phụ nữ!

Lò Bích Thủy