Kịch bản sinh hoạt Câu lạc bộ Phòng, chống bạo lực gia đình
Lượt xem: 4372

CHỦ ĐỀ SINH HOẠT: GIÁO DỤC KỸ NĂNG GIỮ GÌN HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH

*) Giới thiệu chủ đề sinh hoạt:

Cách thức thực hiện:

- Người hướng dẫn sinh hoạt nêu đề dẫn của buổi sinh hoạt với chủ đề

          Kính thưa các anh, các chị trong Câu lạc bộ !

Hạnh phúc là một trong những nền tảng cơ bản, quan trọng của một gia đình bền vững và thịnh vượng, là một trong những mục tiêu hàng đầu mà các cặp vợ chồng hướng tới. Tuy nhiên, càng ngày, cùng với sự phát triển của xã hội, tỷ lệ đổ vỡ của các gia đình ngày càng nhiều với rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Vậy làm thế nào để duy trì, gìn giữ, bảo vệ và xây dựng hạnh phúc gia đình? 

Hôm nay chúng ta cùng nhau tìm hiểu chuyên đề GIÁO DỤC KỸ NĂNG GIỮ GÌN HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH

 Người hướng dẫn : Thưa các bác, các anh, các chị trước hết chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về khái niệm “Giáo dục kỹ năng giữ gìn hạnh phúc gia đình"

Trước hết chúng ta hãy cùng tìm hiểu về khái niệm giáo dục và kỹ năng:

Người hướng dẫn mời các thành viên cho ý kiến phát biểu. Người hướng dẫn tổng hợp các ý kiến của các thành viên và nêu ra:

Giáo dục ( theo nghĩa rộng ) là quá trình toàn vẹn hình thành nhân cách, được tổ chức một cách có mục đích và có kế hoạch, thông qua các hoạt động và quan hệ giữa người giáo dục và người được giáo dục, nhằm truyền đạt và chiếm lĩnh những kinh nghiệm xã hội của loài người.

Giáo dục ( theo nghĩa hẹp ) Là một bộ phận của quá trình giáo dục tổng thể - là quá trình hình thành niềm tin, lý tưởng, động cơ, tình cảm, thái độ, những nét tính cách, những hành vi, thói quen cư xử đúng đắn trong xã hội, thuộc các lĩnh vực đạo đức, lao động, tư tưởng chính trị, thẩm mỹ, vệ sinh… Chức năng trội của giáo dục (theo nghĩa hẹp) là hình thành phẩm chất đạo đức của con người.

Kỹ năng là năng lực (khả năng) của chủ thể thực hiện thuần thục một hay một chuỗi hành động trên cơ sở hiểu biết (kiến thức hoặc kinh nghiệm) nhằm tạo ra kết quả mong đợi.  Kỹ năng  là phản ứng có ý thức và hoàn toàn mang tính chủ động

* Người hướng dẫn:

Bây giờ Tôi sẽ chia CLB chúng ta thành 2 đội. Đội 1 ngồi ở phía tay phải của tôi, đội 2 ngồi ở phái tay trái của tôi.

 Đội 1 gồm các ông, bà:…………..

Đội 2 gồm các ông, bà:…………..

Và bây giờ tôi sẽ nêu câu hỏi và yêu cầu các thành viên trong 2 đội hãy cũng nhau suy nghĩ, bàn bạc  trong 3 phút và cử 1 thành viên đại diện đội bày tỏ ý kiến của mình. Câu hỏi chính là  “Anh chị hiểu thế nào là giáo dục kỹ năng giữ gìn hạnh phúc gia đình?

- Người hướng dẫn: Bây giờ đã hết 3 phút, đề nghị đội 1 cử thành viên đại diện trả lời: 

- Đại diện cho đội 1 trả lời

- Người hướng dẫn :   Đề nghị đại diện cho đội 2 trả lời

- Đại diện cho đội 2 trả lời

Người hướng dẫn: tổng hợp các ý kiến của các thành viên và nêu ra:

Giáo dục kỹ năng giữ gìn hạnh phúc gia đình là việc cung cấp, tiếp nhận các kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm và vận dụng chúng một cách linh hoạt trong xử lý các tình huống của người chồng và người vợ nhằm không ngừng vun đắp cho tình yêu và hạnh phúc vợ chồng.

* Tìm hiểu kiến thức về hôn nhân và gia đình

Người hướng dẫn sinh hoạt thuyết trình những kiến thức về hôn nhân gia đình như sau:

Thưa các Bác, các anh, các chị!

- Hôn nhân là sự kiện xã hội quan trọng trong đời sống của con người. Hôn nhân là nhằm có được người bạn chung sống, giúp đỡ lẫn nhau và cùng nhau đi hết chặng đường đời. Một cuộc hôn nhân hạnh phúc là sự cộng hưởng tình cảm yêu thương, tôn trọng, thấu hiểu và chia sẻ lẫn nhau giữa vợ và chồng. Hôn nhân phải xuất phát từ tình yêu chân chính và không ép buộc. Điều này được xã hội thừa nhận thông qua tập quán dân tộc, nghi lễ tôn giáo và luật pháp của nhà nước. Hôn nhân đồng nghĩa với mang lại niềm vui cho nhau. Có nhiều cặp vợ chồng đã sống chung với nhau rồi mà vẫn khao khát tìm hiểu nhau, vẫn yêu nhau như ngày đầu vì họ luôn biết mang lại niềm vui cho nhau. Hôn nhân đồng nghĩa với sự hy sinh. Chỉ có sự hy sinh mới xoá đi được khoảng cách giữa hai người. Phải biết hy sinh những thói quen của mình vi lợi ích chung. Hôn nhân không có nghĩa là phải đồng quan điểm trong bất cứ vấn đề gì. Hôn nhân là sự bổ sung khuyết điểm cho nhau. Vì thế nếu hai vợ chồng có bất đồng thì đừng vội lấy đó làm điều đau khổ, đừng lấy đó là lý do để ly hôn.

* Một số kỹ năng ứng xử giữa vợ và chồng để giữ gìn hạnh phúc gia đình

Người hướng dẫn : Bây giờ tôi sẽ nêu tình huống và  mọi người cùng thảo luận:

Tình huống 1: Anh Nam đi làm về (muộn hơn thường ngày) thấy vợ không vui liền hỏi xem có chuyện gì xảy ra, chị vợ đang sẵn tức việc ở cơ quan, về nhà lại thấy chồng về muộn, tức quá chị sẵng giọng: làm ăn gì mà giờ này mới về? chắc lại nhậu nhẹt, đủ đởn ở đâu bây giờ mới về. Chưa hả giận, chị quát mắng tiếp các con và tiếp tục chì chiết chồng; lời qua tiếng lại, anh chồng thấy vợ lắm điều tức quá liền tát vợ một cái. Thế là vợ chồng giận nhau.

Theo anh/chị, vợ chồng anh Nam đã xử sự không đúng ở những điểm nào? Nếu là anh/chị sẽ xử lý tình huống đó ra sao để giữ được gia đinh yên ấm hạnh phúc?

Người hướng dẫn sinh hoạt tổng hợp kết quả thảo luận của các thành viên như sau:

* Người vợ xử sự không đúng:

- Đem chuyện buồn bực ở cơ quan về để ảnh hưởng đến cả nhà

- Không chịu tìm hiểu lý do chồng về muộn đã vội qui chụp là chồng đi nhậu nhẹt

- Bực tức nên đã dùng lời nói không hay

- Nói nhiều, chỉ chiết chồng

- Giận cá chém thớt, tức chồng mắng luôn cả con

*Người chồng xử sự không đúng

- Về muộn không báo cho vợ biết lý do

- Đánh vợ

* Xử lý tình huống hợp lý:

Chị vợ nên kìm nén bực tức hỏi rõ lí do tại sao chồng đi làm về muộn.

Hoặc dùng lời nói dí dỏm để đoán lí do về muộn của chồng nhằm tạo không khí đầm ấm trong gia đình và giúp cho người chồng thấy việc mình về muộn là không nên như: Hôm nay chắc anh bận nhiều việc ở cơ quan nên về muộn? Anh về muộn thế này chắc mệt lắm?.,.

- Chị vợ không được sẵng giọng với chồng, nhất là trước mặt con cái

- Chị vợ không nên nói nhiều, nói dai, chì chiết chồng

- Người chồng không được đánh vợ, nhất ỉà trước mặt con cái

- Người chồng không nên về nhà muộn, nếu muộn nên báo trước cho vợ biết.

 Tình huống 2: Vợ chồng chị T lấy nhau được hai năm, anh chị sống với nhau rất hạnh phúc. Nhưng câu chuyện rắc rối xảy ra từ khi anh chồng có cô thư kí mới. Chồng T  làm giám đốc; một cơ sở kinh doanh, vì vậy thường xuyên phải tiếp khách hàng cùng với cô thư kí và hay về nhà muộn. Còn T , từ ngày lấy chồng, sinh con, T không phải đi làm chỉ ở nhà trông con và nội trợ. Vì vậy chị luôn cảm thấy buồn chán và sinh ra nghi ngờ chồng. Thế rồi mối nghi ngờ chồng không còn yêu mình như trước ngày càng lớn dần theo thời gian. Những cuộc trò chuyện giữa hai vợ chồng ngày càng thưa dần, người chồng một phần mải lảm ăn nên cũng không để ý đến những thay đổi của người vợ và thấy vợ không mặn mà trò chuyện với mình, thỉnh thoảng còn hay cáu gắt, nổi nóng nên cũng ít trò chuyện với vợ,...Và cứ thế tình yêu giữa họ ngày càng rạn nứt.

Người hướng dẫn gợi mở để trao đổi về cách xử lý và giải quyết tình huống từ vị trí của người vợ và người chồng

- Người vợ không nên nghi ngờ chồng mình vô cớ, nên chủ động trò chuyện với chồng về công việc làm ăn của chồng, về việc chăm sóc dậy dỗ con,...

- Người vợ cũng không nên chỉ quanh quẩn với việc con cái bếp núc, nội trợ.

- Người vợ nên tạo nhiều cơ hội để cùng chồng giao lưu với bạn bè, nhất là bạn hè của chồng, kể cả khách hàng của chồng nếu có thể.

- Ngưòi chồng nên dành nhiều thời gian cho gia đình hơn nữa và nên trò chuyện với vợ nhiều hơn.

- Người chồng nên quan tâm đến sự thay đổi của vợ và phải tìm hiểu được lí do để khắc phục

- Người chồng nên giúp vợ xóa tan sự nghi ngờ, đưa vợ tham gia vào những cuộc giao lưu với bạn bè, nhất là bạn bè của mình, kể cả khách hàng của mình nếu có thể,...

Người hưởng dẫn tổng hợp và rút ra một số kỹ năng ứng xử để giữ gìn hạnh phúc gia đình như sau:  

- Vợ chồng cần tạo thói quen thường xuyên trao đổi thông tin về nhau.

- Hãy chân thành nhân khuyết điểm và cố gắng không bao giờ sai phạm.

- Hãy tạo ra sự tin tưởng ở nhau. Trung thực trong tình yêu tạo ra sự tin tưởng ở  nhau và cấu tạo nên nền móng vững chắc của hôn nhân.

- Hãy luôn tươi cười vui vẻ với nhau sẽ làm cho cuộc hôn nhân của bạn hạnh phúc.

- Hãy tôn trọng lẫn nhau. Tôn trọng người khác chính là tôn trọng mình.

- Hãy yêu một cách vô điều kiện.

- Hãy biết cách dàn xếp hy sinh để có được hạnh phúc.

- Hãy biết cách tha thứ. Không bao giờ cố chấp trong tình yêu.

Những rủi ro có thể xảy ra cần chú ý đề phòng:

Người hướng dẫn thuyết trình những rủi ro gì có thể xảy ra cần chú ý đề phòng trong hôn nhân và cuộc sống gia đình

- Quá vội vàng đi đến hôn nhân. Việc quyết định kết hôn quá sớm, quá vội, quá hấp tấp chưa kịp tìm hiểu và cân nhắc kỹ có thể dẫn đến những hiểu lầm, sai lầm làm tan rã hôn nhân.

- Những khiếm khuyết không được sửa chữa. Một trong hai người hoặc cả hai vợ chồng đều có những khuyết điểm nhưng không được sửa chữa.

- Sự khác biệt quá xa về thành phần xã hội- nguồn gốc xuất thân, nghề nghiệp của hai vợ chồng, trong khi đó họ lại không có biện pháp tốt để từng bước khắc phục.

- Cặp vợ chồng hiếm muộn hoặc không sinh được con.

- Cuộc sống tình dục không còn hấp dẫn giữa vợ và chồng.

- Tổ chức cuộc sống gia đình không tốt khi người vợ sinh con.

- Không tìm được lối thoát khi công việc của người chồng gặp khó khăn.

- Tình trạng thất nghiệp thiếu việc làm thu nhập thấp của vợ chồng

Một số  kỹ năng giải quyết mâu thuẫn giữa vợ và chồng

Người hướng dẫn nêu câu hỏi và khuyến khích các thành viên thảo luận đưa ra các ý kiến (Hoạt động nhóm lớn: 20 phút ).

Khi có mâu thuẫn giữa vợ và chồng xảy ra anh/chị thường làm cách nào để giải quyết? Có thể cho những ví dụ cụ thể?

Người hướng dẫn tổng hợp các ý kiến thảo luận:

- Hãy đặt ra mục đích của buổi nói chuyện. Trước khi nói chuyện bạn hãy đặt ra trước kế hoạch cần nói những gì định nói.

- Lựa chọn thời điểm thích hợp. Thời điểm và không khí là nhân tố quan trọng tạo nên buổi nói chuyện thành công.

- Biết đặt vấn đề một cách nhẹ nhàng, “Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Cách nói của bạn sẽ quyết định sự thành công của buổi nói chuyện. Hãy làm cho người nghe không cảm thấy bị xúc phạm.

- Biết lắng nghe ý kiến của người bạn đời. Hãy khích lệ người bạn đời cởi mở nói lên những điều họ mong đợi ở bạn hoặc những điều họ không hài lòng; đồng thời sẵn lòng nghe sự góp ý của bạn.

- Không phải lúc nào mình cũng đúng. Nên nhớ rằng không phải bạn là người cần nói chuyện đồng nghĩa với việc bạn luôn đúng. Đừng bao giờ quá tự phụ, kiêu căng về bản thân.

- Biết khắc phục những yếu điểm về tâm sinh lý. Khi có mâu thuẫn người chồng thường dễ bị kích động, rất nóng nảy nên người vợ thường muốn xa lánh chồng. Cách tốt nhất là tuyên bố tạm nghỉ mỗi khi tranh luận trở nên quá căng thẳng cả hai hãy suy nghĩ hoặc để cho đầu óc thư giãn 15-20 phút rồi mới trở lại vấn đề.

Kính thưa các bác, các anh, các chị. Trong thời gian ngắn, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu: Khái niệm thế nào là giáo dục kỹ năng giữ gìn hạnh phúc gia đình? Tìm hiểu 1 số  kiến thức về hôn nhân và gia đình; Một số kỹ năng ứng xử giữa vợ và chồng để giữ gìn hạnh phúc gia đình; cũng như những rủi ro có thể xảy ra cần chú ý đề phòng và một số  kỹ năng giải quyết mâu thuẫn giữa vợ và chồng

  Do thời gian của buổi tối sinh hoạt hôm nay có hạn nên chúng ta sẽ dừng buổi sinh hoạt tại đây. Trong buổi sinh hoạt tới, dự kiến tổ chức vào đầu tháng … chúng ta sẽ cũng nhau tìm hiểu chủ đề về mối quan hệ , cách ứng xử trong gia đình. Xin trân thành cảm ơn các vị đại biểu, khách quý. Cảm ơn các Bác, các anh, các chị đã tới dự và tham gia buổi sinh hoạt. Xin chúc các vị đại biểu, khách quý,  các Bác, các anh, các chị mạnh khỏe, hạnh phúc!

Lò Thủy