BẢO TÀNG TỈNH SƠN LA TIẾP CẬN XU THẾ TRƯNG BÀY MỚI
Lượt xem: 571
Hiện nay, cả nước có gần 200 bảo tàng nhà nước và tư nhân đang mở cửa đón khách tham quan, nhưng số bảo tàng hoạt động thật sự có hiệu quả lại rất ít. Thực trạng này đòi hỏi sự thay đổi mạnh mẽ về cách làm bảo tàng phù hợp với cuộc sống hiện đại và nhu cầu ngày càng đa dạng của công chúng.

Bảo tàng tỉnh Sơn La hiện nay chưa có các nội dung trưng bày và cơ sở vật chất mà đang hoạt động trên khu vực của Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La, hệ thống các bộ sưu tập hiện vật vẫn đang được bảo quản trong kho cơ sở.

Thực hiện Quyết định số 1111/QĐ-UBND ngày 03/6/2020 về giao, tạm giao cơ sở cơ sở nhà, đất (trụ sở làm việc cũ) cho các cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng và tạm giao quản lý trụ sở cũ của Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La và một số cơ quan hành chính khác thuộc đồi Khau Cả, thành phố Sơn La và chủ trương cho phép xây dựng Đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả của Bảo tàng tỉnh Sơn La gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” của Ủy ban nhân dân tỉnh, Bảo tàng tỉnh Sơn La được tiếp quản và quản lí diện tích tương đối rộng. Vì vậy, để có thể thiết kế, cải tạo thành không gian trưng bày của bảo tàng cần thiết phải có sự đổi mới toàn diện và đồng bộ, tiếp cận xu thế trưng bày mới.

Trong 2 ngày (01-02/7/2020), tại thành phố Sơn La, cán bộ, viên chức của Bảo tàng tỉnh Sơn La và chuyên viên của Phòng Quản lý Văn hóa, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Sơn La đã tham gia chương trình tập huấn công tác trưng bày do Bảo tàng tỉnh Sơn La phối hợp với các Chuyên gia đến từ Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa tổ chức.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy, TS Võ Thị Hường, Ths Nguyễn Thị Kim Ngân là các chuyên gia đầu ngành về Bảo tàng đã truyền thụ, chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm trong công tác trưng bày bảo tàng, những vấn đề được đề cập đó là: Cuộc sống ở Hà Nội thời bao cấp, Làng thuốc nam Đại Yên, câu chuyện Gánh hàng rong,... Hệ thống trưng bày cố định được đặt ra với những câu hỏi: Cái gì? Tại sao? Bao lâu? Chủ đề nào? ... Hiện nay, xu thế truyền thông là đa dạng giọng nói của các chủ thể văn hóa khác nhau, bộc lộ quan điểm của họ. Trưng bày phải là tiếng nói của cộng đồng, vai trò của cộng đồng trong trưng bày, cần thoát khỏi phương pháp trưng bày cũ.

Trong khuôn khổ của lớp tập huấn, các học viên được tham gia thảo luận, phát huy tư duy sáng tạo, phát triển ý tưởng về trưng bày một chuyên đề. Đặc biệt, các chuyên gia nhấn mạnh: Cần xác định khách tham quan là đối tượng trung tâm của hoạt động trưng bày bảo tàng để tiến hành việc nghiên cứu nhu cầu của công chúng và xây dựng chương trình phù hợp để xóa bỏ cung cách tổ chức trưng bày bảo tàng theo kiểu áp đặt, cứng nhắc một chiều đang tồn tại. Những người làm bảo tàng phải thay đổi tư duy, hướng tới mục tiêu phục vụ lợi ích cộng đồng, đó là yếu tố quan trọng giúp bảo tàng chấm dứt tình trạng đìu hiu, vắng khách như hiện nay.

 

Ths .Nguyễn Thị Kim Ngân chia sẻ kinh nghiệm
trong công tác trưng bày bảo tàng, Sơn La, 7/2020.

Cán bộ Bảo tàng tỉnh Sơn La tham gia lớp tập huấn
công tác trưng bày bảo tàng, Sơn La, 7/2020