Sơn La - 10 năm thực hiện Thông tư số 04/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về thực hiện công tác kiểm kê, xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Lượt xem: 779
Thực hiện Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL ngày 30/6/2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quy định về việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia được ban hành, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện nghiêm túc các nội dung của Thông tư và đã đạt một số kết quả đáng ghi nhận sau 10 năm:

Thứ nhất, về công tác chỉ đạo: Ngay sau khi Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL, ngày 30/6/2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quy định việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia được ban hành. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập Ban kiểm kê và tổ giúp việc của tỉnh, trong đó phân công rõ nhiệm vụ chủ trì và là cơ quan thường trực của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; nhiệm vụ của các sở ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố phối hợp thực hiện; Ban hành Kế hoạch kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia ngắn hạn, dài hạn, Kế hoạch bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục Quốc gia và tổ chức thực hiện. Đặc biệt tham mưu phối hợp với Viện Văn hóa - Nghệ thuật quốc gia Việt Nam và các tỉnh: Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái lập hồ sơ khoa học di sản Nghệ thuật Xòe Thái đệ trình UNESCO vinh danh là dia sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại;

Thứ hai, kết quả đạt được:

Về công tác kiểm kê: Tỉnh Sơn La tiến hành kiểm kê di sản văn hóa của 09 dân tộc thiểu số bao gồm: Thái, Mông, Dao, Mường, Xinh Mun, Khơ Mú, La Ha, Lào, Kháng. Kiểm kê theo hình thức cuốn chiếu từng dân tộc tại tất cả các địa phương có cộng đồng dân tộc cư trú (lựa chọn mỗi xã từ 2-4 bản), kiểm kê toàn bộ di sản văn hóa phi vật thể của 09 dân tộc (07 loại hình theo Thông tư số 04), yêu cầu nhận diện đầy đủ đặc trưng của các ngành và các nhóm địa phương. Đồng thời tiến hành lập hồ sơ khoa học một số di sản văn hóa tiêu biểu của các dân tộc đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hàng năm thực hiện công tác báo cáo kết quả về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước ngày 31/11 theo quy định. Đã hoàn tất công công tác kiểm kê di sản văn hóa phi với 1.517 di sản văn hóa phi vật thể. Công tác kiểm kê nhận diện xác định giá trị, phân loại, lập danh mục theo 7 loại hình di sản văn hóa phi vật thể của từng dân tộc đã kiểm kê được quy định trong Thông tư, với 143 bản.

Về công tác lập hồ sơ khoa học: Tỉnh Sơn La đã tiến hành khảo sát, lựa chọn và nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học 12 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể và đã đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận và đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia 10 di sản văn hóa tiêu biểu. Phối hợp với Viện Văn hóa - Nghệ thuật quốc gia Việt Nam và các tỉnh: Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái xây dựng hồ sơ Nghệ thuật Xòe Thái trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hồ sơ đã hoàn thành và được nộp vào ngày 31/3/2020, sẽ được xét vào năm 2021.

Về việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục Quốc gia: Đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục Quốc gia trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2023, với các nội dung chủ yếu: Trưng bày di sản; giáo dục trải nghiệm; truyền dạy; phát hành ấn phẩm.

Kinh phí thực hiện: Căn cứ vào tình hình thực tế về nguồn lực và thực trạng di sản văn hóa phi vật thể, hàng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch dự toán kinh phí cho công tác Kiểm kê di sản; lập Hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể đưa vào Danh mục Quốc gia; trình UNESCO; bảo tồn và phát huy di sản trong Danh mục Quốc gia, từ năm 2011-2020: tổng kinh phí tỉnh Sơn La cấp thực hiện các nội dung trên là hơn 4 tỷ đồng. Mặc dù số kinh phí trên là không lớn, nhưng đối với một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, thì đây cũng thể hiện sự quan tâm, cố gắng rất lớn của tỉnh.

Thứ ba, một số thuận lợi và khó khăn

Thuận lợi

Tỉnh Sơn La đã quan tâm, chỉ đạo cụ thể hóa chủ trương của Đảng để ban hành một số cơ chế, chính sách và nguồn kinh phí cho các hoạt động bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa của các dân tộc thiểu số; chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh.

Hệ thống văn bản quy định và hướng dẫn của Nhà nước về di sản văn hóa khá hoàn chỉnh và đầy đủ, chi tiết; các văn bản liên quan tới công tác kiểm kê và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể được triển khai đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở.

Công tác kiểm kê, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể nhận được sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành và có sự tham gia, hưởng ứng tích cực của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Khó khăn, hạn chế

Khách quan:

Nguồn lực của tỉnh còn khó khăn nên kinh phí được cấp cho công tác kiểm kê, lập hồ sơ khoa học còn  hạn hẹp so với yêu cầu thực tế.

Với đặc điểm tỉnh Sơn La có địa bàn rộng, các dân tộc sinh sống rải rác ở nhiều địa phương trong tỉnh, giao thông đi lại khó khăn dẫn đến công tác kiểm kê, lập hồ sơ khoa học có nhiều hạn chế;

Phần lớn các chủ thể văn hóa là đại diện của cộng đồng trong quá trình cung cấp thông tin không thể diễn đạt bằng tiếng phổ thông một cách thành thạo nên nhiều ý nghĩa, giá trị của di sản chưa được kiểm kê, làm rõ.

Di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc tỉnh Sơn La bị mai một tương đối nhiều dẫn đến công tác lập hồ sơ khoa học đề nghị đưa vào Danh mục và bảo tồn sau khi được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gặp khó khăn.

Chưa có định mức kinh tế - kỹ thuật trong việc kiểm kê và lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể dẫn đến chưa động viên được cán bộ thực hiện công tác bảo tồn di sản văn hóa cũng như các nghệ nhân, người dân nắm giữ di sản trong quá trình thực hiện; khó khăn trong vấn đề thanh quyết toán sau khi thực hiện.

Chủ quan:

Lực lượng cán bộ làm công tác bảo tồn di sản rất mỏng; các cán bộ được trưng tập tham gia công tác kiểm kê không có kinh nghiệm, nghiệp vụ chuyên sâu nên kết quả kiểm kê còn nhiều hạn chế;

 Một số cán bộ văn hóa - xã hội tại các cơ sở xã, phường, thị trấn còn thiếu kinh nghiệm và trình độ chuyên môn; việc am hiểu di sản văn hóa dân tộc trên địa bàn phụ trách còn hạn chế.

Còn lúng túng trong công tác tham mưu về việc đề xuất nhiệm vụ, nội dung cụ thể để bảo vệ, phát huy di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục di sản Quốc gia.

Thứ tư, một số bài học kinh nghiệm

Qua quá trình thực hiện công tác kiểm kê, lập hồ sơ và bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Sơn La, chúng tôi rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

Một là, Phải có sự đồng thuận, nhiệt tình tham gia của các chủ thể văn hóa, của cộng đồng cũng như sự hỗ trợ của của các già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, thầy cúng và những người có uy tín trong cộng đồng.

Hai là, Cần xây dựng mẫu phiếu kiểm kê chi tiết phù hợp với địa phương, tạo thuận lợi cho việc khai thác và cung cấp thông tin; tổ chức tập huấn thường xuyên các kỹ năng điền dã, kiểm kê di sản cho cán bộ tham gia công tác kiểm kê.

Ba là, Phân công rõ ràng trách nhiệm của các lực lượng tham gia thực hiện nhiệm vụ; tăng cường kiểm tra giám sát để kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai.

Bốn là, Chuẩn bị các trang thiết bị cần thiết để phục vụ cho quá trình thực hiện như: máy ảnh, máy ghi âm, ghi hình.

Năm là,  Kết quả kiểm kê là tiền đề, là cơ sở để lựa chọn các di sản văn hóa tiêu biểu cho việc lập hồ sơ khoa học đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nói chung, thực hiện Thông tư số 04/2010/BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành đầy đủ các văn bản chỉ đạo, các kế hoạch và tổ chức thực hiện. Tỉnh Sơn La cũng đã quan tâm bố trí nguồn kinh phí để thực hiện các nội dung nhiệm vụ. Với những nỗ lực của những người làm công tác bảo tồn, phát huy di sản, cộng đồng các dân tộc, các địa phương và sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, công tác kiểm kê và lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh Sơn La đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, tỉnh Sơn La cũng có nhiều hạn chế, khó khăn, thiếu kinh nghiệm và lúng túng trong công tác kiểm kê, lập hồ sơ và bảo tồn, phát huy di sản trong Danh mục Quốc gia. Trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện tốt sự chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, học tập kinh nghiệm của các địa phương để có giải pháp thực hiện công tác kiểm kê, lập hồ sơ khoa học và phát huy tốt hơn các di sản văn hóa của tỉnh.

Nghi lễ cấp sắc của người Dao đỏ tại bản Khe Lành, xã Mường Thải, huyện Phù Yên

Hoa văn được thêu rất tinh sảo trên chiếc váy của phụ nữ Mông hoa ở Mộc Châu

  Cúng cho các con nuôi trong Nghi lễ Kin Pang Then của người Thái trắng

Tác giả: Ngô Hải Yến