Năm 2024, chỉ số CCHC tỉnh Sơn La đạt 90,02%, tăng 1,36%, cao hơn giá trị trung bình của cả nước 1,65%, tăng 01 bậc trên bảng xếp hạng so với năm 2023, thuộc nhóm A của cả nước, xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố, đứng thứ 01/7 tỉnh miền núi biên giới phía Bắc, đứng thứ 4/14 tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc.
Ngày 28/3/2025, Bộ Nội vụ ban hành Quyết định số 268/QĐ-BNV về việc phê duyệt và công bố Chỉ số Cải cách hành chính năm 2024 của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó:
1. Chỉ số chung của các tỉnh, thành phố
Kết quả Chỉ số CCHC 2024 của các tỉnh, thành phố được phân theo 02 nhóm:
+ Nhóm A, đạt kết quả Chỉ số từ 90% trở lên, gồm 13 tỉnh, thành phố.
+ Nhóm B, đạt kết quả Chỉ số từ 80% - dưới 90%, gồm 50 tỉnh, thành phố.
Chỉ số CCHC của các tỉnh, thành phố đã tiếp tục duy trì tăng trưởng tích cực, với giá trị trung bình cao nhất lịch sử đạt 88,37%, cao hơn 1,39% so với năm 2023; đây là lần thứ 2 liên tiếp có 63/63 địa phương đều đạt kết quả Chỉ số CCHC trên 80%. Theo thống kê, 53/63 địa phương có Chỉ số CCHC tăng so với năm 2023, 09/63 địa phương có Chỉ số CCHC giảm so với năm 2023.
Theo đánh giá, thành phố Hải Phòng đứng đầu bảng xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2024 với kết quả đạt 96,17%, cao hơn 4,30% và tăng 01 bậc xếp hạng so với năm 2023. Xếp vị trí thứ 2/63 là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với kết quả đạt 93,35%, tăng 3 bậc xếp hạng so với năm 2023. Một số địa phương khác cũng đã thể hiện sự tiến bộ vượt trội và đạt kết quả rất tích cực trong công tác CCHC, như: Hà Nội, xếp thứ 3/63, đạt 92,75%; Thái Nguyên, xếp thứ 5/63, đạt 91,47%. Đứng cuối bảng xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2024 là tỉnh Cao Bằng, đạt 82,95%, mặc dù vậy, kết quả này vẫn cao hơn 1,63% so với đơn vị đứng cuối bảng xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2023 (An Giang, chỉ đạt 81,32%). Ngoài ra, một số địa phương khác cũng cho kết quả Chỉ số CCHC năm 2024 khá thấp là Bắc Kạn, đạt 84.23%, xếp thứ 60/63; Gia Lai, đạt 84,01%, xếp thứ 61/63 và Lâm Đồng, đạt 83,11%, xếp thứ 62/63.
Năm 2024, 6/6 vùng kinh tế - xã hội đều có giá trị trung bình Chỉ số CCHC đạt trên 80% và đều tăng trưởng cao hơn so với năm 2023. Giá trị trung bình cao nhất là khu vực Đồng bằng sông Hồng với kết quả đạt 90,17%, cao hơn 1,85% so với năm 2023 (88,32%); tiếp theo là vùng Đông Nam Bộ, đạt 89,44%, cao hơn 1,99% so với năm 2023 (87,45%); đây cũng là vùng kinh tế - xã hội có giá trị trung bình Chỉ số CCHC tăng trưởng cao nhất so với các vùng còn lại. xếp vị trí thứ 3 là vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, đạt 88,51%, cao hơn 1,58% so với năm 2023 (87,72%). Xếp vị trí thứ 4 là vùng Trung du miền núi phía Bắc, đạt 88,20%, cao hơn 0,48% so với năm 2023 (87,72%). Xếp vị trí thứ 5 và thứ 6 lần lượt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đạt 87,37% và Tây Nguyên, đạt 85,63%.
2. Kết quả Chỉ số CCHC tỉnh Sơn La năm 2024
a) Kết quả chung
Chỉ số CCHC tỉnh Sơn La năm 2024 đạt 90,02%, tăng 1,36%, cao hơn giá trị trung bình của cả nước 1,65%, tăng 01 bậc trên bảng xếp hạng so với năm 2023, thuộc nhóm A của cả nước, xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố, đứng thứ 01/7 tỉnh miền núi biên giới phía Bắc, đứng thứ 4/14 tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc (năm 2023 đạt 88,66%, thuộc nhóm B của cả nước, xếp thứ 13/63 tỉnh, thành phố, đứng thứ 6/14 tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc).
Kết quả cho thấy, chỉ số CCHC của tỉnh Sơn La trong những năm qua tiếp tục duy trì tăng trưởng tích cực, với giá trị trung bình cao đạt 90,02%. Chỉ số CCHC tăng dần qua các năm.
Năm 2024 là năm thứ ba Bộ Nội vụ triển khai điều tra xã hội học các nhóm đối tượng được được khảo sát thực hiện trực tuyến trên phần mềm giúp nâng cao tính khách quan, chính xác, phản ánh ngày càng đầy đủ, toàn diện hơn các khía cạnh, nội dung phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước tỉnh, kết quả khảo sát nhóm lãnh đạo quản lý tại các địa phương. Điểm khảo sát lãnh đạo, quản lý của tỉnh Sơn La năm 2024 đạt 20,21/22 điểm, đạt chỉ số 91,86%, xếp thứ 02/63 tỉnh, thành phố, thuộc nhóm dẫn đầu cả nước; giảm 01 bậc so với năm 2023 (năm 2023 đạt 20,23/22 điểm, tỉ lệ điểm đạt 91,97%).
Kết quả khảo sát này cho thấy nhận thức và đánh giá tích cực của đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp về hiệu quả công tác CCHC của tỉnh, phản ánh niềm tin và sự ghi nhận của đội ngũ cán bộ lãnh đạo đối với những nỗ lực và kết quả CCHC đã đạt được. Mặc dù khảo sát lãnh đạo, quản lý vẫn chỉ ra một số điểm hạn chế cần cải thiện ở các lĩnh vực, nhưng tổng thể đánh giá là rất khả quan, cho thấy sự đồng thuận và lạc quan từ nội bộ hệ thống hành chính về công tác CCHC của tỉnh. Đây là một động lực quan trọng để tiếp tục đẩy mạnh CCHC trong thời gian tới.
b) Chỉ số thành phần đánh giá kết quả CCHC theo từng lĩnh vực
(1) Chỉ số thành phần “Công tác chỉ đạo, điều hành CCHC” gồm 7 tiêu chí và 2 tiêu chí thành phần: đạt 9,43/9,5 điểm, Chỉ số thành phần đạt 99,23%, xếp thứ 26/63 tỉnh, thành phố, giảm 03 bậc so với năm 2023 (năm 2023 đạt 9,43/9,5 điểm, kết quả Chỉ số thành phần đạt 99,23%, xếp thứ 23/63 tỉnh, thành phố).
Nội dung không được điểm tối đa:
- Tiêu chí “1.6 Đối thoại của lãnh đạo tỉnh với người dân, doanh nghiệp” được 0,94/01 điểm, do: mức độ xử lý đề xuất, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp năm 2024 trên địa bàn tỉnh Sơn La đạt 28/32 đề xuất, kiến nghị (chưa đạt 100%).
- Tiêu chí “1.7 Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao” được 1,49/1,5 điểm: căn cứ Báo cáo 140/BC-VPCP ngày 06/01/2025 về tình hình thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao, năm 2024, tỉnh Sơn La có 01 nhiệm vụ hoàn thành chậm hạn (đã loại trừ các nhiệm vụ chưa hoàn thành nhưng còn trong hạn).
(2) Chỉ số thành phần “Cải cách thể chế” gồm 4 tiêu chí và 8 tiêu chí thành phần; đạt 9,48/10 điểm, Chỉ số thành phần đạt 94,74%, xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố, giảm 10 bậc so với năm 2023 (năm 2023, đạt 9,74/10 điểm, Chỉ số thành phần đạt 97,37%; xếp thứ 01/63 tỉnh, thành phố).
Nội dung không được điểm tối đa:
- Tiêu chí “2.3.2 Xử lý văn bản trái pháp luật do cơ quan có thẩm quyền kiến nghị” đạt 0,75/1 điểm, do: văn bản chậm hoàn thành việc xử lý trong thời hạn từ sau 30 ngày đến 90 ngày kể từ ngày có Kết luận kiểm tra văn bản.
- Tiêu chí “2.5 Chất lượng VBQPPL do tỉnh ban hành” được 3,72/4 điểm: do các nhóm lãnh đạo quản lý đánh giá qua điều tra xã hội học chưa cao đối với các nội dung về tính đồng bộ, thống nhất; hợp lý của các VBQPPL thuộc phạm vi quản lý nhà nước của tỉnh; tính khả thi và tính kịp thời phát hiện và xử lý các bất cập, vướng mắc trong tổ chức thực hiện VBQPPL tại địa phương
(3) Chỉ số thành phần “Cải cách thủ tục hành chính (TTHC)” gồm 5 tiêu chí và 19 tiêu chí thành phần; điểm đạt được là 12,75/13 điểm, Chỉ số thành phần đạt 98,08%, xếp thứ 32/63 tỉnh, thành phố, tăng 27 bậc so với năm 2023 (năm 2023 đạt 11,24/13 điểm, Chỉ số thành phần đạt 86,49%, xếp thứ 59/63 tỉnh, thành phố).
Nội dung không được điểm tối đa: Tiêu chí “3.1.1 Tỷ lệ TTHC thực hiện việc tiếp nhận, trả kết quả tại Bộ phận Một cửa” đạt 0,75/1 do: còn xã giải quyết TTHC tại phòng chuyên môn.
(4) Chỉ số thành phần “Cải cách tổ chức bộ máy nhà nước” gồm 3 tiêu chí và 12 tiêu chí thành phần: điểm đạt được là 10,18/10,5 điểm, Chỉ số thành phần đạt 96,98%, xếp thứ 01/63 tỉnh, thành phố, cao hơn 0,02% so với năm 2023, giữ bậc so với năm 2023 (năm 2023, đạt 9,12/10,5 điểm, Chỉ số thành phần đạt 96,93%, xếp thứ 01/63 tỉnh, thành phố).
Nội dung không được điểm tối đa: Tiêu chí “4.1.4 Tính hợp lý trong sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền của tỉnh” được 0,92/1 điểm, “4.1.5 Tính hợp lý trong phân định chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan, đơn vị tại địa phương” được 0,90/1 điểm, “4.1.6 Tình hình thực hiện quy chế làm việc của UBND tỉnh” được 0,97/1 điểm; “4.3.4 Tính hợp lý trong việc phân cấp, phân quyền thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước giữa tỉnh và huyện” được 0,94/1 điểm: do kết quả khảo sát, đánh giá của các nhóm lãnh đạo quản lý trên địa bàn tỉnh đánh giá chưa cao đối với các nội dung về tính hợp lý trong sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền của tỉnh, tính hợp lý trong phân định chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan, đơn vị tại địa phương, tình hình thực hiện quy chế làm việc của UBND tỉnh; tính hợp lý trong việc phân cấp, phân quyền thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước giữa tỉnh và huyện.
(5) Chỉ số thành phần “Cải cách chế độ công vụ” gồm 7 tiêu chí và 16 tiêu chí thành phần điểm đạt được là: 14,23/15 điểm, Chỉ số thành phần đạt 94,89%, xếp thứ 02/63 tỉnh, thành phố, tăng 14 bậc so với năm 2023 (năm 2023 đạt 13/15 điểm, Chỉ số thành phần đạt 86,65%, xếp thứ 16/63 tỉnh, thành phố).
Nội dung không được điểm tối đa: Tiêu chí “5.2.3 Tính công khai, minh bạch trong công tác tuyển dụng công chức, viên chức” được 0,9474/1 điểm, “5.2.4 Tình trạng tiêu cực trong công tác tuyển dụng công chức, viên chức” được 0,9453/1 điểm, “5.3.2 Tính công khai, minh bạch trong công tác bổ nhiệm công chức, viên chức” được 0,9497/1 điểm, “5.3.3 Tình trạng tiêu cực trong công tác bổ nhiệm công chức, viên chức” được 0,9466/1 điểm, “5.7 Chất lượng đội ngũ công chức, viên chức” được 3,565/4 điểm, do: các nhóm lãnh đạo quản lý được khảo sát còn đánh giá chưa cao, mong đợi nhiều hơn nữa về: tính công khai, minh bạch trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm công chức, viên chức; tình trạng tiêu cực trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm công chức, viên chức; Chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; năng lực chuyên môn của công chức trong phối hợp, xử lý công việc; tinh thần trách nhiệm của công chức trong phối hợp, xử lý công việc; tình trạng công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi cá nhân trong phối hợp, xử lý công việc; Tính hiệu quả trong việc thực thi chính sách thu hút người có tài năng vào bộ máy hành chính.
(6) Chỉ số thành phần “Cải cách tài chính công” gồm 3 tiêu chí và 14 tiêu chí thành phần, kết quả: đạt 9,85/12 điểm, Chỉ số thành phần đạt 82,05%; xếp thứ 41/63 tỉnh, thành phố, giảm 24 bậc so với năm 2023 (năm 2023, đạt 10,72/12 điểm, Chỉ số thành phần đạt 93,44%; xếp thứ 17/63 tỉnh, thành phố).
Nội dung không được điểm tối đa:
- Tiêu chí “6.1.1 Thực hiện giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước” được 0,96/1 điểm, do: theo Văn bản số 768/BTC-DT ngày 20/01/2025 về việc tình hình giải ngân vốn đầu tư nguồn NSNN 12 tháng, Ước 13 tháng kế hoạch năm 2024 (số giải ngân là số liệu ước giải ngân đến 31/01/2025) 3.827.325 triệu đồng/3.686.301 triệu đồng = 96,32%.
- Tiêu chí “6.1.2 Thực hiện quy định về việc sử dụng kinh phí nguồn từ NSNN” đạt 0/1 điểm do: Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La và các đơn vị trực thuộc có sai phạm việc quản lý và sử dụng nguồn kinh phí giai đoạn 2023-2024.
- Tiêu chí “6.1.3 Thực hiện các kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nhà nước về tài chính, ngân sách” đạt 0,99/1 điểm do: số tiền nộp vào NSNN 671.314.862.512 đồng/ 673.338.266.123 đồng = 99,695%.
- Tiêu chí “6.1.4 Tính hiệu quả của việc thực hiện cơ chế tự chủ về sử dụng kinh phí quản lý hành chính” được 0,89/1 điểm, “6.1.5 Thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng kinh phí của cơ quan, đơn vị” được 0,92/1 điểm, “6.2.4 Tính hiệu quả của việc quản lý, sử dụng tài sản công” được 0,92/1 điểm, “6.3.5 Tính hiệu quả của việc thực hiện cơ chế tự chủ tại các đơn vị SNCL” được 0,9/1 điểm; do: có nhóm lãnh đạo quản lý qua điều tra xã hội học đánh giá chưa cao đối với các nội dung về: tính hiệu quả của việc thực hiện cơ chế tự chủ về sử dụng kinh phí quản lý hành chính; thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng kinh phí của cơ quan, đơn vị; tính hiệu quả của việc quản lý, sử dụng tài sản công; Tính hiệu quả của việc thực hiện cơ chế tự chủ tại các đơn vị SNCL.
- Tiêu chí “6.3.2 Số đơn vị SNCL tự bảo đảm một phần chi thường xuyên” được 0/0,75 điểm, do: năm 2024, tỉnh Sơn La không có phát sinh thêm đơn vị.
(7) Chỉ số thành phần “Xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số” gồm 3 tiêu chí và 14 tiêu chí thành phần, kết quả: đạt 10,97/13,5 điểm, Chỉ số thành phần đạt 81,25%, xếp thứ 49/63 tỉnh, thành phố, giảm 22 bậc so với năm 2023 (năm 2023, đạt 11,85/13,5 điểm, Chỉ số thành phần đạt 85,18%, xếp thứ 27/63 tỉnh, thành phố).
Nội dung không được điểm tối đa:
- Tiêu chí “7.1.4 Tỷ lệ số dịch vụ dữ liệu có trên Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) được đưa vào sử dụng chính thức” đạt 0,69/1 điểm, do: tỷ lệ số dịch vụ dữ liệu có trên Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) được đưa vào sử dụng chính thức chưa đạt theo số liệu trên NDXP - Bộ Thông tin và Truyền thông.
- Tiêu chí “7.3.2 Chất lượng cung cấp thông tin trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh” đạt 0,93/1 điểm, do nhóm lãnh đạo quản lý qua điều tra xã hội học còn đánh giá chưa cao đối với các nội dung về chất lượng cung cấp thông tin trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh.
- Tiêu chí “7.3.4 Triển khai số hóa hồ sơ giải quyết TTHC” được 0,5/1 điểm, do: tỷ lệ khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa dưới 25%.
- Tiêu chí “7.3.6 Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình” được 0,47/1,5 điểm, do: tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt 59.867/192.418 = 31,11%.
- Tiêu chí “7.3.7 Thực hiện thanh toán trực tuyến” được 0,88/1,5 điểm, do: tỷ lệ TTHC được triển khai thanh toán trực tuyến là 250/480 TTHC (đạt 52,08%, tương ứng 0,26 điểm); Tỷ lệ TTHC có phát sinh giao dịch thanh toán trực tuyến là 191/250 TTHC (đạt 76,4%, tương ứng 0,38 điểm); Tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến: 44.259/92.785 hồ sơ (đạt 47,7%, tương ứng 0,24 điểm).
(8) Chỉ số thành phần “Tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh” gồm 5 tiêu chí, 8 tiêu chí thành phần; điểm đạt được là 13,14/16,5 điểm, xếp thứ 04/63 tỉnh, thành phố, tăng 29 bậc so năm 2023 (năm 2023, điểm đạt được là 12,85/16,5 điểm, xếp thứ 33/63 tỉnh, thành phố).
Nội dung không được điểm tối đa:
- Tiêu chí “8.1 Mức độ hài lòng của người dân về dịch vụ hành chính công” đạt 8,4/10 điểm, nhóm lãnh đạo quản lý qua điều tra xã hội học còn đánh giá chưa cao đối với các nội dung về tiếp cận dịch vụ, về TTHC, về công chức giải quyết TTHC, về kết quả giải quyết TTHC, về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị liên quan đến TTHC.
- Tiêu chí “8.4 Thực hiện thu ngân sách hàng năm của tỉnh” đạt 0,5/2 điểm, do: thu NSNN vượt 0.9% dự toán, xếp thứ 54/63 địa phương.
- Tiêu chí “8.5 Mức độ thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội do HĐND tỉnh giao” đạt 1,23/1,5 điểm, do: năm 2024 thực hiện được 27/28 chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch.
Nguồn: Báo cáo số 227/BC-UBND ngày 09/5/2025 của UBND tỉnh Sơn La về kết quả Chỉ số cải cách hành chính tỉnh Sơn La năm 2024. Xem chi tiết Tại đây