Ngôi nhà chung của văn nghệ sỹ Sơn La
Lượt xem: 470
Ngày 24/5/1979, Hội Văn học nghệ thuật Sơn La được thành lập (nay là Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật Sơn La). 42 năm qua, các thế hệ hội viên đã đóng góp tích cực cho sự phát triển văn học nghệ thuật của tỉnh, góp phần gìn giữ, phát huy giá trị bản sắc văn hóa và nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn.

Hội viên Chi hội Mỹ thuật vẽ chân dung phụ nữ tại  huyện Thuận Châu (ảnh chụp trước thời điểm 27/4).

Hiện nay, Hội có gần 270 hội viên, sinh hoạt ở 12 chi hội (6 chi hội chuyên ngành và 6 chi hội văn hóa nghệ thuật các huyện), hoạt động ở các chuyên ngành: Văn học, thơ tiếng dân tộc, mỹ thuật, âm nhạc, múa, nhiếp ảnh và sưu tầm nghiên cứu dân gian. Nhiều hội viên đang công tác tại các cơ quan, ban, ngành của tỉnh, của huyện.

Hằng năm, Thường trực Hội đã tổ chức quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với Nghị quyết TW4 khóa XII về “Một số vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay” cho cán bộ, hội viên. Chú trọng phòng chống “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa; tuyên truyền quan điểm của Đảng về văn học nghệ thuật bằng nhiều hình thức: Lồng ghép tại các hội nghị, các trại sáng tác, trên Tạp chí Suối Reo... Qua đó, giúp hội viên nâng cao nhận thức chính trị, thấm nhuần quan điểm của Đảng về văn học nghệ thuật, từ đó thực hiện tốt quy tắc đạo đức nghề nghiệp, sáng tạo tác phẩm bảo đảm an ninh tư tưởng và có giá trị nhân văn sâu sắc.

Nhằm tăng cường học hỏi, giao lưu về văn học nghệ thuật, hằng năm, Hội tổ chức cho các hội viên tham gia trại sáng tác do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tổ chức tại: Nha Trang (Khánh Hòa), Vũng Tàu (Bà Rịa- Vũng Tàu), Đại Lải (Vĩnh Phúc); tham gia trại sáng tác do các hội chuyên ngành tổ chức, như: nhiếp ảnh; mỹ thuật; văn nghệ các dân tộc thiểu số; nhạc... Đồng thời, Hội còn tổ chức các trại sáng tác, các lớp bồi dưỡng, các cuộc vận động sáng tác và các đợt đi thực tế sáng tác trong và ngoài tỉnh, giúp hội viên nâng cao kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ và sáng tạo những tác phẩm sát với thực tế.

Bên cạnh đó, Hội phối hợp với các cơ quan, ban ngành trong tỉnh phát động các cuộc vận động sáng tác văn học - nghệ thuật, như: Khuyến học, khuyến tài xây dựng xã hội học tập; Lao động và tổ chức công đoàn; Vì biên giới quê hương; Sơn La quê hương em... thu hút đông đảo hội viên tham gia với hàng nghìn tác phẩm ở nhiều thể loại. Đặc biệt, Hội phát hành cuốn Tạp chí Suối Reo, với các chuyên mục: Văn, thơ tiếng dân tộc, nhạc, họa, trang thiếu nhi... Các tác phẩm bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, phản ánh toàn diện các lĩnh vực của đời sống, xã hội, góp phần chuyển tải các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, cũng như nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân.

Tại các cuộc triển lãm, liên hoan mỹ thuật, nhiếp ảnh, âm nhạc trong tỉnh, khu vực và toàn quốc đã có nhiều hội viên có tác phẩm đoạt giải cao. Trong đó, cuộc vận động sáng tác về đề tài “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2018-2020”, có nhiều tác phẩm đoạt giải nhất, nhì, ba và khuyến khích cấp tỉnh. Nhiều tác phẩm múa, chương trình nghệ thuật, tác phẩm văn học nghệ thuật đoạt Huy chương vàng, giải A, B, C của Trung ương và của tỉnh. Ghi nhận những thành tích, Hội đã được Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, các Hội chuyên ngành Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh tặng Cờ thi đua xuất sắc, Bằng khen, Huy chương, giải thưởng cho tập thể và cá nhân.

Trong thời gian tới, Hội tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức và phẩm chất đạo đức cho hội viên; phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong hội viên và trong tác phẩm văn hóa nghệ thuật. Đồng thời, củng cố, xây dựng tổ chức hội vững mạnh; quan tâm phát triển các chi hội cơ sở, chuyên ngành chưa có tổ chức chi hội. Phát hiện và bồi dưỡng tài năng trẻ, nhất là tài năng là người dân tộc thiểu số để bổ sung vào đội ngũ văn nghệ sỹ. Hằng năm, tăng cường tổ chức các lớp bồi dưỡng, trại sáng tác, nâng cao chất lượng sáng tạo tác phẩm văn hóa - nghệ thuật…