Điệu Tha Khềnh của người Mông Vân Hồ
Lượt xem: 657
Vân Hồ – vùng đất bốn mùa hoa thơm, trái ngọt. Nơi đây có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống với những nét văn hóa đặc trưng riêng. Đặc biệt, đồng bào Mông đang lưu giữ nét văn hóa đặc sắc với điệu Tha Khềnh hay còn gọi là “Nhảy khèn” luôn rộn ràng, say đắm, mời gọi du khách gần xa.
anh tin bai

Biểu diễn nhảy khèn của đồng bào dân tộc Mông ở Vân Hồ.

Khèn là một nhạc cụ không thể thiếu và là một phần quan trọng tạo nên nét văn hóa đặc sắc trong đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc Mông. Trước đây, người Mông thường múa khèn trong đám tang, đám giỗ, tiễn đưa người đã khuất về nơi an nghỉ. Ngày nay, nhảy khèn còn được dùng biểu diễn trong những dịp lễ hội, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ ở địa phương. Âm thanh của tiếng khèn mang âm hưởng của vùng cao bao la, hùng vĩ, nét giản dị, trong sáng và khoáng đạt ngấm sâu vào tâm hồn người Mông, thân quen gắn bó với họ từ lúc sinh ra đến lúc mất đi.

Ông Tráng A Lứ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ múa khèn bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, năm nay 66 tuổi, là người có nhiều hiểu biết về khèn Mông. Ông Lứ chia sẻ: Ngày trước, những chàng trai giỏi làm khèn, thổi khèn và múa khèn đẹp sẽ có rất nhiều cô gái yêu mến. Nghệ nhân nhảy khèn đòi hỏi phải có những bước nhún, bước đảo, bước quay tạo nên vũ đạo rất đẹp. Nhảy khèn gồm nhiều động tác, như: Nhảy đưa chân, quay đổi chỗ, quay tại chỗ. Tuy nhiên, cơ bản là khom lưng, quay hất gót tại chỗ… Người nhảy khèn tốc độ quay càng nhanh càng thể hiện sự điêu luyện. Tiếng khèn làm quên đi những khó khăn, vất vả sau một năm chăm chỉ lao động mệt nhọc, góp phần gắn kết tình bạn, tình yêu, tình làng xóm với nhau.

anh tin bai

Ông Tráng A Lử (người trên bục) biểu diễn nhảy khèn.

Hòa chung với tiếng khèn vui nhộn, không thể thiếu những bước chân nhún nhảy của các chàng trai, cô gái. Người thổi khèn sẽ thổi những bài nhạc có giai điệu tươi vui, phản ánh đời sống lao động, sản xuất, ca ngợi tình yêu đôi lứa, tình bạn bè thắm thiết. Những người tham gia cùng hòa chung thành vòng trong, vòng ngoài; họ nhảy quanh những người thổi khèn, từng bước nhún nhảy, xoay vòng theo nhịp khèn. Các cô gái duyên dáng cầm chiếc khăn voan mỏng hay chiếc ô nhỏ màu sắc hòa vào điệu nhảy, váy hoa bồng bềnh theo nhịp bước...

Bà Nguyễn Thị Lư, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Vân Hồ, cho biết: Việc giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc nói chung, bảo tồn, phát triển nghệ thuật khèn Mông nói riêng luôn được huyện quan tâm. Trong đó, chú trọng phát huy vai trò của các nghệ nhân, già làng, trưởng bản trong việc truyền bá nét văn hóa cho con cháu góp phần lưu truyền những nét văn hóa truyền thống. Hằng năm, huyện duy trì tổ chức ngày hội văn hóa các dân tộc, thi nhảy khèn dân tộc Mông, mở lớp truyền dạy nghệ thuật khèn Mông cho học sinh… Qua đó, tạo sân chơi cho các thế hệ có dịp thể hiện, giao lưu, học hỏi, gìn giữ các múa điệu khèn.

anh tin bai

Biểu diễn nhảy khèn tại chợ phiên Chiềng Đi 2, xã Vân Hồ.

Càng mừng hơn khi những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mông ở Vân Hồ đang trở thành sản phẩm du lịch phục vụ du khách. Nổi bật là “A Chu Homestay” của chàng trai dân tộc Mông Tráng A Chu - người tiên phong làm du lịch cộng đồng bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, vừa mang phong cách hiện đại, độc đáo nhưng vẫn đậm nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông vùng cao Tây Bắc. Du khách thích “A Chu Homestay” bởi đến đây được đắm mình trong không gian văn hóa đậm bản sắc, được tham gia các hoạt động trải nghiệm cuộc sống thường ngày của đồng bào dân tộc Mông.

Anh Tráng A Chu chia sẻ: Để du khách hiểu hơn về cuộc sống của đồng bào dân tộc Mông ở Vân Hồ, chúng tôi tổ chức nhiều hoạt động, như: Vẽ sáp ong trên vải, giã bánh dày, giã gạo, chơi các trò chơi truyền thống... Đặc biệt, là giới thiệu, biểu diễn thổi khèn, nhảy khèn do chính người dân trong bản tổ chức, vừa giữ gìn, phát huy giá trị nghệ thuật khèn Mông, vừa tạo sản phẩm độc lạ phục vụ du khách.

Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với du lịch đang là hướng đi hiệu quả ở Vân Hồ. Cùng với đó, đồng bào dân tộc Mông, nhất là các thế hệ trẻ cần tích cực học tập, gìn giữ, phát huy giá trị đặc sắc, độc đáo của nghệ thuật khèn, để tiếng khèn Mông sống mãi với thời gian. 

Tác giả: Theo Báo Sơn La