Sơn La giữa đại ngàn Tây Bắc bao la, hùng vĩ, bên dòng Sông Đà, Sông Mã thơ mộng, khí hậu quanh năm trong lành mát mẻ; cảnh quan thiên nhiên đẹp và hấp dẫn; thác nước như dải lụa trắng mềm mại; rừng nguyên sinh phong phú; hệ thống hang động nhiều bí ẩn; mỗi độ xuân về hoa ban, hoa đào khoe sắc các sườn non tạo nên bức tranh thiên nhiên sắc màu quyến rũ, hấp dẫn.
Điểm du lịch Vịnh Uy Phong (huyện Quỳnh Nhai)
Sơn La có 12 dân tộc anh em chung sống đoàn kết gắn bó thuỷ chung, bản sắc văn hóa được trao truyền, bồi đắp qua các thế hệ; kiến trúc nhà ở các dân tộc độc đáo; ẩm thực dân tộc hấp dẫn; nghệ thuật Xòe Thái (được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại); từ thành phố đến vùng cao, biên giới có hơn 3000 đội văn nghệ quần chúng đã và đang bảo tồn, phát huy bản sắc các dân tộc tại cơ sở; miền đất có nhiều lễ hội; làng nghề truyền thống: Dệt và thêu thổ cẩm, nghề rèn công cụ sản xuất, nghề trạm trổ, nghề đan mây tre đang được phục hồi và phát huy...
Nghệ thuật Xòe Thái
Sơn La còn có các di tích lịch sử như: Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La; Văn bia Quế Lâm Ngự Chế - Đền thờ Vua Lê Thái Tông; Tháp Mường Và, Hang A phủ; Hang Dơi, di tích Lao Khô, Đền Nàng Han và Linh Sơn Thủy Từ; các danh thắng như: Công trình Thủy điện Sơn La lớn nhất Đông Nam Á, cây Cầu Pá Uôn có trụ cột cao nhất Việt Nam, Quảng trường Tây Bắc… đã và đang là điểm nhấn thu hút du khách thập phương về với Sơn La - miền đất yêu thương.
Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La
Phát huy được tiềm năng lợi thế, xác định Nhà nước - Doanh nghiệp - Nhân dân các dân tộc Sơn La đồng hành chia sẻ cùng phát triển du lịch, bước đầu đã đạt được kết quả khá ấn tượng: Năm 2013 có 133 cơ sở lưu trú du lịch, tổng lượt khách du lịch đạt 822.870 lượt khách, tổng doanh thu đạt 126,33 tỷ đồng thì đến năm 2019 đã có hơn 320 cơ sở lưu trú du lịch, tổng lượt khách du lịch đạt 2.500 nghìn lượt, trong đó khách quốc tế đạt 82.000 lượt, tổng doanh thu du lịch đạt khoảng 1.915 tỷ đồng; năm 2019, Khu Du lịch quốc gia Mộc Châu đã thu hút 15 dự án phát triển du lịch, vốn đăng ký là 2.348,9 tỷ đồng, Chính phủ đã phê duyệt đầu tư tuyến đường cao tốc Hòa Bình - Sơn La giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư 22.294 tỷ đồng...
Du lịch đồi chè Mộc Châu
Tuy nhiên, Du lịch Sơn La phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế về tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên văn hóa, sản phẩm du lịch chưa phong phú; hệ thống hạ tầng du lịch còn khó khăn; công tác quảng bá xúc tiến còn hạn chế… Để khắc phục những khó khăn vướng mắc, đưa du lịch phát triển trở thành khâu đột phá, phát triển nhanh, bền vững tỉnh Sơn La đã xác định các giải pháp cơ bản sau:
Thu hút nhà đầu tư tập trung nguồn lực phát triển sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt và chuyên nghiệp, phấn đấu đến năm 2023 có 24 sản phẩm du lịch đạt chuẩn được công nhận; xây dựng cơ chế chính sách phát triển du lịch phù hợp, có tính đột phá để thu hút các nhà đầu tư và nhân dân cùng phát triển du lịch nhanh, bền vững; xây dựng cải tạo, nâng cấp hạ tầng du lịch đồng bộ đảm bảo cho khách du lịch đi lại thuận tiện, an toàn; đổi mới công tác quảng bá xúc tiến du lịch, áp dụng công nghệ 4.0, hình thành dữ liệu để xây dựng du lịch thông minh; tổ chức các sự kiện du lịch, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và giới thiệu nông sản an toàn Sơn La; tập trung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mộc Châu đạt chuẩn Khu du lịch quốc gia vào năm 2025.
Với tiềm năng, lợi thế về tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên văn hóa, xác định được nguyên nhân, khó khăn, vướng mắc và xác định được các giải pháp phù hợp thực tế, hy vọng ngành du lịch Sơn La sẽ có bước cất cánh phát triển nhanh thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến Sơn La nhiều hơn, ở lại lâu hơn và mua sắm sản phẩm nhiều hơn.