Với thác Dải Yếm, cầu kính tình yêu, di tích Chùa Vặt Hồng hơn 100 năm tuổi và những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái ở bản Vặt, xã Mường Sang, huyện Mộc Châu đã tạo nên điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn, thu hút khách du lịch khi đến với cao nguyên Mộc Châu.
Du khách trải nghiệm không gian văn hóa tại homestay ở bản Vặt.
Ấn tượng với chúng tôi khi đến bản Vặt là các homestay được đầu tư chuyên nghiệp, từ cách bài trí, môi trường cảnh quan sạch đẹp, trong lành, hàng rào hoa nở bốn mùa, những cánh đồng, vườn rau xanh mướt... Dừng chân tại homestay Mai Thuận ở ngay đầu bản với ngôi nhà sàn có sức chứa 35 khách cộng đồng và 4 phòng riêng. Vẫn là nếp nhà sàn cũ, nhưng được sửa sang lại, tầng trên để khách lưu trú; tầng dưới có không gian rộng gắn liền với sân vườn thoáng đãng để ngồi uống nước và giao lưu văn hóa, văn nghệ buổi tối.
Chị Đinh Thị Thuận, chủ homestay, chia sẻ: Gia đình tôi được dự án hỗ trợ kinh phí cải tạo nhà, nhưng vẫn giữ nét truyền thống của nhà sàn dân tộc Thái; hỗ trợ xây dựng nhà tắm, nhà vệ sinh, trồng hoa, làm tường rào, cải tạo khuôn viên xung quanh nhà. Chúng tôi còn được đi tham quan, học tập kinh nghiệm du lịch cộng đồng tại các tỉnh nên cách thức làm du lịch dần chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu của du khách khi đặt chân đến bản. Nhờ đó lượng khách đến với chúng tôi tăng lên đáng kể, giúp gia đình có thêm nguồn thu nhập 15 - 20 triệu đồng/tháng.
Còn tại Homestay Hoa Mộc Miên, với ngôi nhà sàn có sức chứa 30 chỗ nghỉ, có vườn dâu tây, nhà hàng ăn uống, khu vệ sinh sạch sẽ... của chị Lường Thị Hồng Tươi, Trưởng nhóm phát triển du lịch cộng đồng bản Vặt. Dẫn chúng tôi đi tham quan homestay, chị Tươi chia sẻ: Năm 2019, bản Vặt được huyện lựa chọn là nơi thí điểm triển khai mô hình du lịch cộng đồng, tôi và các hộ gia đình trong bản được tập huấn về nghiệp vụ du lịch. Các công việc như trang trí, vệ sinh nhà cửa, buồng, phòng, ẩm thực, phục vụ du khách, dịch vụ du lịch cộng đồng... đều có quy chuẩn rõ ràng. Các hộ gia đình không làm du lịch một cách tự phát như trước mà có định hướng rõ ràng. Nhờ vậy, bản Vặt đổi thay và phát triển được nhiều người biết đến hơn.
Chị Nguyễn Huyền Anh, du khách đến từ tỉnh Nghệ An, cho biết: Đến bản Vặt, chúng tôi được tham gia các hoạt động của bà con trong bản như trồng dâu tây, dệt vải, tắm suối, bắt cá suối, cá ao... và thăm quan chùa Vặt Hồng. Khi màn đêm buông xuống thì được trải nghiệm nấu những món ăn dân tộc Thái với nguyên liệu có sẵn trong vườn; cùng hòa chung với những tiết mục văn nghệ đặc sắc và tận hưởng không khí trong lành. Chúng tôi rất ấn tượng và thú vị với những trải nghiệm cùng người dân nơi đây.
Bà Đinh Thị Hường, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Mộc Châu, cho biết: Trong quá trình triển khai, hỗ trợ các hộ dân bản Vặt làm du lịch cộng đồng, Phòng phối hợp với Dự án Great do Chính phủ Úc tài trợ xây dựng kế hoạch chi tiết từ việc khôi phục, làm nhà ở theo kiến trúc của đồng bào dân tộc Thái; tổ chức các lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng về du lịch cộng đồng và hỗ trợ các hộ kinh phí trong quá trình làm du lịch. Vận động các hộ dân thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, gìn giữ và giới thiệu các bản sắc văn hóa truyền thống của người dân tộc đến du khách...
Du lịch cộng đồng ở bản Vặt ngày càng có nhiều du khách đến tham quan trải nghiệm. Hiện, cả bản có 20 hộ làm dịch vụ du lịch. Mô hình du lịch cộng đồng bản Vặt đã và đang phát huy hiệu quả kinh tế rõ rệt, làm thay đổi diện mạo làng quê. Các hộ dân bản Vặt tiếp tục đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch cộng đồng, làm phong phú thêm các điểm, tour, tuyến du lịch gắn với thiên nhiên, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch địa phương.