5 năm có lẻ chưa trở lại các xã vùng cao Bắc Yên - nơi quanh năm được ủ trong sương giá, sở hữu trong mình bao điều kỳ thú về con người và thiên nhiên. Nghe các đồng nghiệp bảo: Vùng cao Bắc Yên đổi thay nhiều lắm... Để cảm nhận một vùng cao Bắc Yên “... có đường lên chồn chân vó ngựa.
Đây Bắc Yên, sông Đà mới, núi rừng ơi điện sáng như sao...”, tôi đã chọn hành trình lên với xã Háng Đồng, một trong 5 xã vùng cao Bắc Yên - nơi được coi là “gần trời” nhất, với những bản người dân tộc Mông sinh sống chon von trên những dãy núi mờ sương.
Đường lên các xã vùng cao Bắc Yên.
Thị trấn Bắc Yên 6 giờ sáng, trong cái lạnh cắt da, cắt thịt, từng lớp sương trắng bạc vẫn giăng đầy trên những đỉnh núi, mái nhà hay lảng bảng lưng chừng núi. Lạnh là thế, nhưng khung cảnh vẫn thật sôi động, người qua lại tất bật, thi thoảng lại bắt gặp từng tốp phụ nữ dân tộc Mông đeo lù cở (gùi) đầy những sản vật vùng cao, súng sính trong bộ váy sặc sỡ, xuống chợ cùng bạn hay chồng. Tuy nhiên, không phải như trước kia là đi bộ hay ngồi trên lưng ngựa mà bây giờ, các cô gái Mông xuống chợ bằng xe máy - một hình ảnh ai cũng thấy ngỡ ngàng sau nhiều năm trở lại Bắc Yên. Sự đổi thay đó cũng bắt đầu từ khi tỉnh đầu tư, nhựa hóa các tuyến đường từng một thời “chồn chân vó ngựa”, chỉ đi được một mùa, khiến cho bao người qua đường phải sờn lòng. Từ ngày tỉnh lộ 112 ngược lên các xã, bản vùng cao Bắc Yên trải nhựa, bê tông hóa, thì cũng là lúc cuộc sống của đồng bào nơi đây thay đổi: Đi lại thuận tiện, hàng hóa thông thương tốt hơn, không còn nỗi lo đầu ra cho các sản vật vùng cao. Thế rồi, người vùng cao bao thế hệ ngày trước chỉ quen cưỡi ngựa, đi bộ, ngược núi thì nay họ đã sắm ô tô, xe máy phục vụ việc đi lại, buôn bán - điều mà nhiều năm trước ít người nghĩ tới...
Sau khi được thưởng thức món thắng cố, một món ăn đặc trưng của vùng cao, nhưng được chế biến nơi phố huyện, nhâm nhi mấy chén rượu thóc nổi tiếng là nặng, có xuất xứ từ các bản thuộc xã Hang Chú, tôi được chủ quán mời thưởng thức hương chè Tà Xùa. Đưa chén chè tỏa khói thơm ngào ngạt vào tay tôi, chủ quán nói: Uống đi cho ấm người, chè bản Chung Chinh chính gốc đấy ! Thời tiết này lên vùng cao sẽ lạnh lắm. Mấy năm nay, đường lên vùng cao thuận tiện rồi. Giờ dưới phố huyện có gì, vùng cao đều có cả...
Rời thị trấn Bắc Yên khi sương bắt đầu rơi, khung cảnh nhộn nhịp hơn và thời tiết bớt lạnh hơn. Con đường đất khó đi ngày nào từ thị trấn lên 5 xã vùng cao đã trải nhựa, đủ cho 2 ô tô tránh nhau. Hai bên đường nhiều nhà xây, hàng quán dịch vụ phát triển. Thi thoảng bắt gặp một số đoạn đường bị hỏng do mưa lũ đang được các nhà thầu khẩn trương tu sửa với mục tiêu xong trước Tết Nguyên đán. Đến gần trung tâm xã Tà Xùa, những làn sương trắng dày đặc giăng kín lối đi, có đoạn cách nhau vài mét không tỏ rõ mặt. Trong làn sương lúc ẩn lúc hiện đó, một khung cảnh sôi động không kém dưới phố huyện: Các hàng quán người ra, người vào; những chiếc ô tô tải chở nông sản tỏa ra từ các bản hay những đoàn khách du lịch bằng xe máy từ các nơi đến khám phá vẻ đẹp vùng cao nối đuôi nhau ngược xuôi...
Dừng chân tại ngã ba Tà Xùa, rẽ phải đi xã Háng Đồng, rẽ trái lên các xã Làng Chếu, Xím Vàng, Hang Chú, phóng tầm mắt ngắm khu vực trung tâm xã Tà Xùa, thấy đúng là vùng cao Bắc Yên đổi thay nhiều quá. Cùng với khu chợ được tỉnh quan tâm đầu tư phục vụ các phiên chợ vùng cao thì trường học, trạm y tế, trụ sở xã cũng được đầu tư xây dựng khang trang; đường đến các bản đã được bê tông hóa sau khi có chương trình, dự án của tỉnh. Thậm chí, cùng với những hàng quán phục vụ các mặt hàng thiết yếu, cửa hàng sửa chữa xe ô tô, xe máy... nơi đây còn xuất hiện thêm những khu nhà nghỉ cộng đồng với những cái tên rất vùng cao, như: Tà Xùa Mây A Tài, A Thông và A Bá... do chính người dân làm chủ, chuyên để phục vụ nhu cầu ăn nghỉ của khách du lịch. Giá cả cũng rất “vùng cao”: Ngủ qua đêm 40.000 đồng/người và ăn uống cũng 40.000 đồng/người, bình quân mỗi nhà nghỉ cộng đồng thu hút 20 lượt khách du lịch/ngày và ngày nghỉ cuối tuần thì chật kín... Chả thế mà trong buổi làm việc với lãnh đạo xã nơi đây, đồng chí Mùa A Chinh, Chủ tịch UBND xã Tà Xùa, phấn khởi khoe: Các xã vùng cao nói chung, xã Tà Xùa nói riêng đổi thay như ngày hôm nay là nhờ sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước. Trong đó, việc tỉnh đầu tư đường nhựa lên các xã vùng cao, hỗ trợ bà con khai hoang ruộng nước... là một trong những động lực thúc đẩy KT-XH vùng cao phát triển. Như Tà Xùa, từ ngày có đường, ngoài đi lại thuận tiện, xã đã phát triển thêm nhiều dịch vụ, việc tiêu thụ nông sản vùng cao hay thông thương hàng hóa đạt được hiệu suất cao nhất. Đến nay, xã đã bê tông hóa 13 tuyến đường tới các bản, góp phần hoàn thành 7 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, trong đó nhân dân đóng góp trên 750 triệu đồng. Nhiều năm qua, xã không còn tình trạng tái trồng cây thuốc phiện, khai thác lâm sản trái phép, di dịch cư tự do, bà con tại các bản đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả; có người còn tự đầu tư vốn trồng 4 ha rừng pơ mu, cây đã to bằng cột điện. Cùng với tăng đàn gia súc, gia cầm các loại lên gần 14.000 con, duy trì trên 140 ha chè Tà Xùa, bà con trong xã đã chuyển đổi lúa nương sang thâm canh gần 200 ha lúa nước; mua ô tô chuyên chở hàng hóa, xây dựng cơ sở chế biến nông sản và phát triển kinh doanh dịch vụ du lịch... Đây cũng là một trong những đổi mới về tư duy cũng như cách thức làm ăn kinh tế của người vùng cao chúng tôi.
Sau hơn nửa ngày “lang thang” vãn cảnh khu vực trung tâm xã Tà Xùa, tôi tiếp tục men theo tỉnh lộ 112 hướng về xã Háng Đồng, nơi nhìn từ xa chỉ thấy những dãy núi lúc ẩn lúc hiện trong lớp sương trắng bạc dày đặc. Nhìn đồng hồ lúc này đã gần 15 giờ, những tia nắng chiều cũng đang chìm dần vào trong làn sương trắng. Suốt từ đoạn rẽ để lên Háng Đồng, qua bản Chung Chinh (xã Tà Xùa) rồi đến bản Háng Ba La (xã Háng Đồng), tiếp tục bắt gặp những chuyến xe tải đang bốc hàng hay đang hối hả ngược ra ngoài huyện. Thời điểm này, là mùa thu hoạch dong giềng, nên khá nhiều những đống dong giềng chất đầy dưới chân núi, chờ xe tải vào vận chuyển. Dừng xe bên vệ đường, đoạn thuộc bản Háng Ba La, tôi vội ghi lại hình ảnh xe tải đang chất dong riềng được chuyển từ nương của vợ chồng anh Mùa A Câu và chị Sồng Thị Tông. Cầm cuốn sổ ghi chép số lượng bao dong riềng được chất lên chiếc xe tải hiệu Chiến Thắng của anh Mùa A Tráng, bản Tà Xùa A (xã Tà Xùa), anh Câu khoe: Mấy năm nay, ngô, sắn, dong riềng của bà con trồng ra không sợ ế, không lo bị ép giá hay phải dùng xe máy chở từng bao ra ngoài Tà Xùa để bán như trước. Có đường nhựa, xe tải vào chở hàng tận nương, thậm chí đi nương cũng bằng xe máy. Hiện tại, mới thu một nửa diện tích dong riềng mà đã được hơn 60 bao rồi. Với giá bán 3.600 đồng/kg, sẽ thu gần 22 triệu đồng, đó là chưa tính đã bán ngô, sắn trước đó...
Chia tay những người nông dân với niềm vui được mùa dong giềng, tiếp tục trên con đường nhựa rộng thênh thang dài gần 20km, được đưa vào sử dụng từ năm 2014, tôi và chiếc xe máy chẳng mấy chốc đã đến bản Chống Tra một cách thuận tiện, không như trước, phải mất 1 ngày đường đi bộ... Đây cũng là bản vùng cao có 100% số hộ là đồng bào dân tộc Mông với dãy núi hùng vĩ cùng những cảnh đẹp mê hồn, địa danh và những câu chuyện đầy tính huyễn hoặc, gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của bản mà không nơi nào có được...!
(Còn nữa)
Theo Báo Sơn La