Trải nghiệm vùng cao Hang Chú
Lượt xem: 435
Hình ảnh những chàng trai, cô gái Mông xã Hang Chú (Bắc Yên) say trong điệu múa khèn cùng với âm thanh đặc biệt - khèn Mông lúc vi vu, dạt dào như tiếng gió, khi lại ngọt ngào, nồng say, ấm áp, mang đến một trải nghiệm thật khó quên về vùng cao Hang Chú.

Biểu diễn văn nghệ trong ngày hội văn hóa - thể thao xã Hang Chú.

Từ trụ sở xã Hang Chú, chúng tôi được cán bộ văn hóa Mùa A Tu chở lên bản Pa Cư Sáng thăm nghệ nhân dân gian Giàng A Tông. Ngồi sau xe máy của anh A Tu ngược dốc, tôi ngỡ mình đang ngồi trên lưng con ngựa bất kham chỉ chực hất người ra khỏi yên. Hôm nay, gia đình nghệ nhân Giàng A Tông tổ chức lễ cúng mừng cơm mới nên chúng tôi được gặp cả “hội múa khèn” ở nhà ông. Với đồng bào Mông, nhất là nam giới, cây khèn như một người bạn tâm giao, tri kỷ, sẻ chia những ngọt bùi, đắng cay trong cuộc sống, gắn bó với họ từ thuở lọt lòng cho đến khi về với tổ tiên. Mỗi khi có chuyện vui hay buồn, những lúc gia đình, dòng họ có việc cưới hỏi, ma chay hay trong những ngày tết, lễ hội, họ lại đem khèn ra thổi và cùng nhau múa những điệu múa truyền thống của dân tộc mình. Chính vì thế, hôm nay con cháu, anh em họ hàng tề tựu đông đủ là dịp để tổ chức “hội múa khèn”.

Cây khèn của người Mông được cấu tạo bởi 2 bộ phận chính là thân khèn và ống khèn. Thân khèn làm bằng gỗ pơmu, dài khoảng 70 cm, bên trong có lưỡi gà bằng đồng để tạo ra âm thanh. Ống khèn là bộ phận điều chỉnh và trực tiếp phát ra âm thanh, gồm 6 ống tre dài ngắn khác nhau, mỗi ống có một lỗ điều chỉnh âm điệu. Để làm được cây khèn vừa đẹp về hình thức vừa hay, chuẩn về âm thanh đòi hỏi kỹ thuật chế tác cầu kỳ và lựa chọn vật liệu kỹ càng.

Chia tay gia đình nghệ nhân Giàng A Tông khi tiếng khèn da diết cùng những điệu múa quay, vờn, lăn, nhảy vẫn đang nhộn nhịp, rộn ràng trong nắng xuân, chúng tôi tiếp tục đến thăm Bãi đá cổ Khe Hổ nằm giữa một thung lũng rộng khoảng 50 ha, thuộc bản Hang Chú. Xung quanh là những vạt rừng xanh tốt, có dòng suối Hang Chú chảy theo hướng Bắc Nam. Xen lẫn giữa những thửa ruộng bậc thang của đồng bào dân tộc Mông là 9 khối đá granit (đá cẩm thạch), phân thành 6 cụm nằm cách nhau từ 50 - 200m, với nhiều hình thù lạ mắt. Những khối đá vẫn giữ được nguyên trạng phong hóa tự nhiên; mặt đá có những vết khắc trau chuốt, tỷ mỉ, rộng chừng 2cm, sâu 2,5cm. Các hình khắc phong phú, đa dạng, mang vẻ đẹp riêng trong phong cách tạo hình của nghệ thuật cổ, miêu tả cảnh thiên nhiên, núi đồi, sông suối, ruộng bậc thang... thông qua những hoa văn hình học ô vuông lồng vào nhau, hình xoáy trôn ốc, các đường tròn đồng tâm tập trung thành những cụm nhỏ từ 3 đến 5 vòng; hình khắc mặt người, các hoạt động nhảy múa, những hình khắc chạm trổ trên mặt đá tạo nên những bức tranh bí ẩn, lạ lùng... Các hình vẽ trên các phiến đá chứa đựng những điều bí ẩn, thách thức các nhà nghiên cứu tìm hiểu, giải mã. Theo các nhà khảo cổ, “bức tranh đá” ra đời vào thời kỳ kim khí, bởi để có những vết khắc, người xưa đã dùng những dụng cụ phải có độ cứng, sắc, nhọn tác động trực tiếp; chứng tỏ kỹ thuật luyện kim thời bấy giờ đã phát triển đến trình độ nhất định; năng suất lao động tăng, cuộc sống con người không còn phụ thuộc vào tự nhiên. Còn với đồng bào dân tộc Mông ở Hang Chú thì bãi đá cổ là nơi cư ngụ của các vị thần linh, để che chở, bảo vệ mùa màng, chống lại ma qủy quấy nhiễu đời sống hằng ngày của họ.

Ông Mùa Páo Tủa, Bí thư Đảng ủy xã, cho biết: Nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, hằng năm, xã đều tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao trong dịp tết của dân tộc Mông, gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Những năm gần đây, có nhiều du khách đến tham quan bãi đá cổ. Xã đã cử cán bộ hướng dẫn, giới thiệu về bãi đá cổ và nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông. Để bảo vệ di tích, xã tuyên truyền, vận động nhân dân giữ nguyên hiện trạng, không leo trèo, chạm khắc lên di tích; vận động những gia đình có vườn và ruộng trong khu vực cùng tham gia bảo vệ.

Cùng với những nét văn hóa truyền thống, còn có hương vị ngọt ngào trong những món ăn truyền thống của đồng bào Mông, vị dẻo thơm của bánh dày quyện với vị ngọt đậm của mật ong rừng; những chiếc bánh thịt cuốn mỡ chài béo ngậy, vị cay nồng, thơm dịu của rượu ngô, rượu thóc Hang Chú, rượu sơn tra... Âm thanh trầm bổng của khèn, véo von của sáo, hòa cùng âm thanh từ những chiếc chuông đồng bạc trên vai áo những thiếu nữ Mông say trong điệu múa dân tộc. Núi rừng Hang Chú vào xuân phủ trắng hoa mận, hoa sơn tra, xen lẫn hoa cải vàng, đang hấp dẫn du khách trải nghiệm, khám phá.

Tác giả: Theo Báo Sơn La