Tà Xùa là xã vùng 3 của huyện Bắc
Yên, nằm cách trung tâm huyện 14 km, với 99% là đồng bào dân tộc Mông. 5 năm trở
lại đây, người dân nơi đây đã biết phát huy thế mạnh của địa phương với khí hậu
quanh năm mát mẻ, cùng cảnh sắc thiên nhiên hùng vỹ để đầu tư phát triển kinh tế
theo hướng dịch vụ du lịch nhằm tăng thu nhập, nâng cao đời sống.
Nhân viên homestay Tà Xùa Hills
giới thiệu với du khách về các dịch vụ nghỉ dưỡng.
Đến với Tà Xùa, du khách sẽ được
đắm mình trong cảnh sắc đẹp tựa chốn bồng lai với thiên đường mây và trập trùng
đồi núi; được thăm những vườn chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi, cùng trải nghiệm
hái chè, sao chè bằng tay và thưởng thức loại trà đặc biệt từ những cây chè hầu
như quanh năm mây mù bao phủ... được hòa mình vào cuộc sống giản dị, dân dã, độc
đáo của đồng bào Mông, say mê tiếng khèn, tiếng sáo. Không những vậy, còn được
thưởng thức những món ăn đặc sản của núi rừng, như: Thịt gà đen, bánh dày, cá
nướng... khiến du khách không thể nào quên được những nét đặc biệt riêng có ở
Tà Xùa.
Là một trong những người tiên
phong trong việc đầu tư vào dịch vụ lưu trú tại xã Tà Xùa, anh Mùa A Bình, bản
Tà Xùa, xã Tà Xùa, cho hay: Ngoài thế mạnh về cây chè, nhận thấy du lịch cũng
là một trong những sức hút từ du lịch nơi đây, tôi đã mạnh dạn đi học tập kinh
nghiệm từ những homestay có tiếng của huyện Mộc Châu; tìm hiểu về nhu cầu của
khách du lịch khi đến với vùng cao Tây Bắc và đã đầu tư gần 900 triệu đồng để
xây dựng khu nhà nghỉ cộng đồng với 10 phòng ngủ có sức chứa từ 55 đến 60 người.
Với hướng đi đúng, đến nay, nhà nghỉ cộng đồng tạo thu nhập trung bình từ 10 đến
15 triệu đồng/tháng. Đồng thời, giải quyết việc làm thường xuyên cho 4 lao động
địa phương với mức lương 4 triệu đồng/ người/ tháng.
Tới thăm homestay Tà Xùa Hills của
chị Nguyễn Hồng Xuyến, tại bản Tà Xùa, xã Tà Xùa, được biết: Nhận thấy tiềm
năng lợi thế của du lịch nơi đây, gia đình chị đã đầu tư và cải tạo khu đất với
gần 1000 m2 để xây dựng khu nghỉ dưỡng phục vụ khách du lịch tới tham quan, trải
nghiệm với 1 nhà sàn, có sức chứa trên 30 người, dành cho đoàn khách có nhu cầu
ăn, ngủ nghỉ cộng đồng, 5 nhà mái vòm riêng biệt, mỗi nhà dành cho khách du lịch
từ 1-2 người. Đầu tháng 5 vừa rồi, gia đình đã đầu tư xây dựng thêm 4 căn nhà gỗ,
với diện tích 10 m² có sức chứa 2-4 người/nhà. Khu nghỉ dưỡng đã thu hút rất
đông khách du lịch, vào những tháng cao điểm từ tháng 12 năm trước đến tháng 3
năm sau là mùa “săn mây” thì khách du lịch phải đặt phòng trước mới có chỗ nghỉ.
Để phát triển du lịch, xã Tà Xùa
được huyện đầu tư nhiều công trình hạ tầng theo quy hoạch, như: Chỉnh trang
hành lang khu trung tâm xã, xây dựng, lắp đặt các điểm cho khách du lịch chụp ảnh
và nghỉ ngơi... Đồng thời, tổ chức đưa 14 hộ dân tiêu biểu trên địa bàn xã đi học
tập các mô hình du lịch cộng đồng tại Mai Châu (Hòa Bình), Vân Hồ, Mộc Châu...
Vừa qua, Câu lạc bộ tiếng Anh huyện Bắc Yên còn tổ chức lớp học tiếng Anh miễn
phí cho một số hộ làm du lịch để dễ giao tiếp, phục vụ đón tiếp khách du lịch
quốc tế chu đáo hơn.
Chị Giàng Dang Dở, nhân viên tại
homestay Tà Xùa Hills, chia sẻ: Được tham gia các buổi tập huấn về du lịch, đã
giúp bản thân tôi có thêm nhiều kiến thức và kinh nghiệm trong việc quảng bá,
hướng dẫn du khách tới tham quan và trải nghiệm những điểm du lịch tại xã. Đồng
thời, cũng giúp tôi có thêm khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ để có thể quảng
bá hình ảnh du lịch và địa điểm lưu trú đến với du khách quốc tế.
Từ năm 2009 cho đến nay, số hộ
dân kinh doanh theo hướng dịch vụ du lịch của xã Tà Xùa đã tăng lên 12 hộ, toàn
xã hiện có 15 nhà nghỉ lưu trú, nghỉ cộng đồng; 32 quán phục vụ ăn uống, mua sắm
sản vật của địa phương phục vụ khách du lịch. Tính trong 6 tháng đầu năm 2019,
xã Tà Xùa đã đón hàng ngàn lượt khách tới trải nghiệm, trong đó, trên 2.000 lượt
khách tới lưu trú, nghỉ dưỡng.
Đồng chí Mùa A Chinh, Chủ tịch
UBND xã Tà Xùa, cho biết: Để giúp nhân dân hiểu rõ việc làm du lịch là một
trong những hướng đi mới và hiệu quả, thời gian qua, xã đã vận động các hộ dân
tìm kiếm và phối hợp với các công ty lữ hành khảo sát và tổ chức đưa khách du lịch
đến trải nghiệm. Đồng thời, vận động các chủ nhà nghỉ lưu trú mở rộng, đầu tư
nâng cao chất lượng phục vụ tại các cơ sở lưu trú, ăn uống... Trong thời gian tới,
để tạo thêm những điểm thú vị trong hoạt động du lịch trên địa bàn, xã sẽ thành
lập các đội văn nghệ chuyên biểu diễn các tiết mục mang đậm bản sắc văn hóa dân
tộc; mua sắm đầu tư thêm các đồ dùng cần thiết phục vụ cho việc đón tiếp khách
du lịch; vận động các hộ làm du lịch thành lập HTX du lịch nhằm liên kết, tương
trợ, giúp đỡ nhau tạo thành dây truyền khép kín trong kinh doanh hoạt động du lịch;
tuyên truyền, vận động nhân dân tôn tạo cảnh quan, giữ gìn bản sắc của đồng bào
dân tộc, bảo tồn, phát triển các sản phẩm truyền thống, như: Chè Tà Xùa, sơn
tra, hàng thổ cẩm, dược liệu vùng cao để giới thiệu, quảng bá tới khách du lịch
khi đến với Tà Xùa...
Với những cố gắng nỗ lực của cấp ủy,
chính quyền cùng nhân dân trong việc tạo dựng môi trường du lịch gần gũi với
thiên nhiên, tin rằng du lịch Tà Xùa ngày càng hấp dẫn, thân thiện, là sự lựa
chọn của nhiều du khách.