Kinh nghiệm du lịch phượt Sơn La
Lượt xem: 731
Tỉnh Sơn La nằm ở phía Tây Bắc, cách Hà Nội hơn 300km theo quốc lộ 6 với đường đi đã được nâng cấp rất thuận tiện. Đến với Sơn La, du khách sẽ được ngắm nhìn cảnh núi non hùng vĩ, khám phá về giá trị văn hoá đặc sắc của các dân tộc vùng Tây Bắc, cuốn hút trong vòng xoè, ngây ngất trong men rượu cần...
1.Giới thiệu chung về Sơn La
Sơn La nằm ở Trung tâm của vùng Tây Bắc Việt Nam có tọa độ địa lý 20039' vĩ độ Bắc; 103011'-105002' kinh độ Đông; phía Bắc giáp với các tỉnh Lai Châu, Yên Bái; phía Đông giáp với các tỉnh Phú Thọ, Hòa Bình; phía Tây giáp tỉnh Điện Biên; phía Nam giáp với CHDCND Lào và Thanh Hóa.

Nằm cách thủ đô Hà Nội hơn 300km với diện tích 14.125km². Dân số hơn 1 triệu người, cộng đồng các dân tộc sinh sống tại Sơn La bao gồm 12 dân tộc anh em, trong đó dân tộc thái chiếm đa số, tiếp đến là Kinh, Mông, Mường, Xinh Mun, Khơ Mú, Kháng, La Ha, Dao, Hoa, Lào, Tày.

2. Thời gian thích hợp để du lịch Sơn La
  • Nếu đi Mộc Châu các bạn có thể lựa chọn một số khoảng thời gian như sau : Tháng 11 thời điểm hoa cải nở, ngay trước Tết Nguyên Đán là thời điểm hoa đào, mận nở
  • Tháng 9 có Tết Độc Lập của người Mông
  • Tháng tuyến đường Quốc lộ 6 cũ nổi tiếng với sắc vàng của hoa dã quỳ
  • Đi vào mùa Đông để trải nghiệm văn hóa tắm suối nước nóng của người Thái
3. Phương tiện đi tới Sơn La
(Ảnh : Nam Ngan)
Từ Hà Nội bạn có thể di chuyển tới Sơn La bằng phương tiện xe buýt, các tuyến xe xuất phát hàng ngày tại Bến xe Mỹ Đình hoặc Bến xe phía sau nhà khách Sơn La (378 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân). Các xe giường nằm xuất phát tại Mỹ Đình vào khoảng 19-20h hàng ngày, thời gian lên tới Sơn La khoảng 7-8h (tùy điều kiện thời tiết và tốc độ của mỗi nhà xe. Hệ thống xe buýt vận chuyển hành khách nội tỉnh Sơn La còn chưa phát triển, toàn tỉnh mới có 3 tuyến buýt hoạt động
4. Khách sạn nhà nghỉ tại Sơn La
Mùa hoa đào Mộc Châu (Ảnh : hachi8)
Trên toàn bộ hầu hết các huyện của tỉnh Sơn La, hệ thống khách sạn nhà nghỉ đều đã được đầu tư khá tốt phục vụ cho việc phát triển du lịch. Đối với một số vùng còn phát triển hình thức du lịch cộng đồng kết hợp với nghỉ ngơi bằng hình thức home stay.
5. Các địa điểm du lịch tại Sơn La
Cụm du lịch Sông Đà
Hồ thủy điện Hòa Bình (Ảnh - hachi8)
Du lịch Sông Đà là đến với các công trình thế kỷ, khám phá thời kỳ tiền sử của con người qua các di chỉ khảo cổ, đến với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, cảnh núi cao, sông rộng, rừng xanh ngút ngàn, thác đổ, khung cảnh hoang sơ, đến với những con người thật thà, mến khách, nền văn hóa đặc sắc. Sông Đà chảy qua tỉnh Sơn La dài 280 km với 32 phụ lưu lớn nhỏ. Từ ngàn xưa sông Đà là con đường thông thương giữa nhân dân các dân tộc Sơn La nói riêng, nhân dân dân tộc Tây Bắc nói chung với miền xuôi.
 
Ngược dòng sông Đà, theo con đường của các đoàn thuyền buôn từ Chợ Bờ du khách sẽ đến bến Vạn Yên, bến Tà Hộc, và bến Tạ Bú - điểm khởi công công trình thủy điện Sơn La. Dọc theo chợ Bờ đến Tạ Bú là vùng hồ thủy điện Hòa Bình, là nơi có nhiều hang động đá có giá trị khảo cổ học, bởi trong hang người ta đã phát hiện những mảnh tước đá, rìu đá, hòn kê, hòn mài (hang Tắng, bản Bông Lan, xã Đá Đỏ, huyện Phù Yên). Dọc bờ sông Đà du khách sẽ được khám phá đời sống văn hóa các dân tộc Thái, Mường, Khơ Mú, La Ha, Xinh Mun, Dao. Mỗi dân tộc đều có những bản sắc văn hóa, phong tục tập quán riêng nhưng họ cũng có đặc điểm chung của người dân tộc đó là tính cách thật thà và mến khách, sống hòa thuận, dễ dàng bắt gặp họ tụ họp trong những phiên chợ nổi trên sông Đà làm cho vùng sông nước thêm náo nhiệt hấp dẫn. Vào chính phiên chợ, các chàng trai, cô gái trong những trang phục mới đầy màu sắc nườm nượp trên bến, dưới thuyền làm sống động phiên chợ. Lưu lại qua đêm dưới mái nhà sàn ấm cúng của các dân tộc nơi đây, du khách sẽ được thưởng thức những đặc sản dân tộc, ngây ngất trong men ngọt rượu cần, hòa đồng trong vòng xòe, nghe người già kể những truyền thuyết, huyền thoại Sông Đà. Vùng hồ sông Đà là điểm dừng chân lý tưởng trong hành trình du lịch Tây Bắc của du khách.
 
Mộc Châu
Mộc Châu là cao nguyên rộng lớn và xinh đẹp nhất vùng núi phía Bắc thuộc tỉnh Sơn La. Nằm trên cung đường Tây bắc nổi tiếng với những cảnh quan kỳ vĩ, những ngôi làng xinh xắn ven đường với những mùa hoa cải, hoa đào, hoa mận ngút trời.
 
Tạo hóa thiên nhiên đã ban cho mảnh đất này đặc ân, đó là những dải đất bazan màu mỡ cùng với khí hậu cũng rất hài hòa. Thế nên bốn mùa ở Mộc Châu thường gắn liền với những loài hoa khác nhau, có lẽ bởi vậy mà du khách đi du lịch Mộc Châu không căn cứ theo mùa trong năm mà dựa theo mùa hoa nở. Vẻ đẹp của hoa cỏ thiên nhiên nơi đây luôn tươi mới, lạ lẫm.
Thành phố Sơn La
Bảo tàng tỉnh Sơn La
Bảo tàng Sơn La nằm trong khuôn viên di tích lịch sử Bảo tàng và Nhà tù Sơn La được thực dân Pháp xây dựng năm 1908. Bảo tàng chủ yếu trưng bày nội dung về dân tộc, là nơi lưu giữ và trưng bày hàng ngàn di vật từ thời tiền sử, sơ sử, những hiện vật phản ảnh nét văn hóa đặc sắc của 12 dân tộc anh em sống ở Sơn La. Đặc biệt, tại đây còn lưu giữ được bộ sưu tập sách chữ Thái cổ, Dao cổ với gần 1000 cuốn thuộc các thể loại như sử thi, trường ca, truyện thơ dân gian...
 
Nhà tù Sơn La
Nhà tù Sơn La do thực dân Pháp xây dựng năm 1908 với diện tích ban đầu là 500 m2. Nhà tù xây dựng khá kiên cố: tường được xây dựng bằng đá lẫn gạch, mái lợp tôn, không có trần, giường nằm cho tù nhân cũng được xây bằng đá, mặt láng xi măng, mép ngoài được gắn hệ thống cùm chân dọc theo chiều dài của sàn. Trong mỗi phòng giam đều có hố xí nổi được xây cao hơn sàn nằm, không có nắp đậy, không có nước dội, không được vệ sinh thường xuyên. Với lối thiết kế như vậy, mùa hè những đợt gió Lào của vùng Tây Bắc gây nên cái nóng như thiêu như đốt, những đợt sương muối tạo ra cái lạnh giá, rét thấu xương thịt vào mùa đông cộng với môi trường ô nhiễm ở mỗi phòng giam đã làm bệnh tật phát sinh và lây lan rất nhanh chóng trong tù nhân. Năm 1930, Đảng cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo nhân dân vùng lên đấu tranh chống lại chế độ tàn bạo của thực dân phong kiến. Phong trào đấu tranh đã làm kẻ địch bất ngờ, chúng lồng lộn tìm đủ mọi cách đàn áp, bắt bớ những người Việt Nam yêu nước hòng dập tắt phong trào cách mạng. Mặt khác tăng cường xây dựng và mở rộng thêm hệ thống nhà tù trong cả nước trong đó chúng đặc biệt chú ý đến nhà tù Sơn La. Năm 1940, Nhà tù Sơn La được mở rộng thêm một trại giam lớn để giam thêm tù nhân và đưa một số tù nhân nữ lên Sơn La nhưng âm mưu đó đã không thực hiện được.
Nhà máy Thủy điện Sơn La là nhà máy thủy điện nằm tại tại xã Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La, Việt Nam. Nhà máy được khởi công xây dựng ngày 2 tháng 12 năm 2005,. Sau 7 năm xây dựng, Thủy điện Sơn La được khánh thành vào ngày 23 tháng 12 năm 2012, sớm hơn kế hoạch 3 năm, trở thành nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam và cả khu vực Đông Nam Á.
Thông số kỹ thuật
Diện tích hồ chứa: 224km2. Dung tích toàn bộ hồ chứa: 9,26 tỉ mét khối nước.
Công suất lắp máy: 2.400 MW, gồm 6 tổ máy.
Điện lượng bình quân hằng năm: 10,2 tỉ KW
 
Xã Ngọc Chiến
Mùa lúa vàng ở Ngọc Chiến
Nằm ở độ cao trung bình trên 1.800m so với mặt nước biển, khí hậu quanh năm mát mẻ, xã Ngọc Chiến (Mường La, Sơn La) là điểm được khá nhiều bạn trẻ ưa xê dịch tìm đến trong những năm gần đây. Đây là nơi sống và định cư lâu đời của 3 dân tộc Thái, Mông và La Ha với văn hóa phong phú đa dạng, giàu lòng mến khách.
 
 
Hoàng hôn trên thủy điện Ngọc Chiến
Trên đường từ Khau Phạ vào Nậm Khắt
Con gái Ngọc Chiến làm lụng vất vả quanh năm mà vẫn có nước da mịn màng, đó là nhờ dòng suối khoáng nóng đã có từ ngàn đời nay chảy qua bản Lướt để "bóc" cho làn da trắng hồng của người con gái thêm mịn màng. Với người dân bản làng ở Ngọc Chiến, người ta vẫn tin truyền thuyết về suối nước nóng ở bản Lướt rằng, đó là nơi con rồng núi bay lên mây sau khi đánh thắng bộ lạc chuyên đi cướp bóc của cải của người hiền. Các cụ già ở Ngọc Chiến kể lại, suối nước nóng là do rồng phun lửa để đuổi quân cướp bản, sau đó một người trong bản dùng nước suối làm nước sinh hoạt đã khỏe mạnh và đẹp dần theo ngày tháng. Từ đó, cả bản đã cùng sinh hoạt, tắm vào buổi sớm đi nương để như tiếp sinh lực cho ngày bắt đầu lao động và chiều về lại tắm để hồi sức sau những giờ lao động vất vả.
 
Cánh đồng Mường Chiến rộng đến 5-6km2, được bao bọc bốn phía bởi những dãy núi cao ngất, chủ yếu cấy nếp Tan đặc sản. Đây là loại nếp chỉ trồng ở Ngọc Chiến mới thơm ngon, trong dẻo. Giá nếp đắt gấp 3-4 lần nếp thường. Việc thu hái nếp Tan cũng khác với loại lúa khác, không gặt được mà chỉ hái từng bông.
 
Lợn bản ăn với cơm nếp Tan (Ảnh - Cùng Phượt)
Hồ bơi nước nóng, nếu muốn tắm riêng bạn có thể 
ở trong những bồn tắm được xây xung quanh (Ảnh - Cùng Phượt)
Đến Ngọc Chiến để ngắm nhìn vẻ đẹp của con gái Thái, thả mình trong làn nước nóng của suối khoáng Bản Lướt rồi thưởng thức hạt cơm nếp dẻo ngon từ bông nếp Tan sẽ để lại cho bạn những ấn tượng, mà chắc chắn rồi từ đó bạn sẽ trở lại Ngọc Chiến lần hai.
 
Một trong những nhà có dịch vụ homestay cho du khách (Ảnh - Cùng Phượt)
Ở Ngọc Chiến chưa có nhiều dịch vụ kinh doanh nhà nghỉ nhưng các bạn có thể dừng hỏi tại căn nhà sàn to ngay trung tâm xã (bên cạnh bể tắm công cộng người dân vẫn tắm) là nhà của bác chủ tịch xã trước đây, ở đây có thể tìm được chỗ nghỉ ngơi, ăn uống và dịch vụ tắm nước nóng.