Du xuân vùng cao Bắc Yên
Lượt xem: 687
Trên cung đường Tây Bắc, hình ảnh hoa mơ, hoa mận, hoa đào nở rộ khắp đất trời, đã vẽ lên bức tranh mùa xuân vùng rẻo cao tuyệt đẹp. Những ngày cuối năm, chúng tôi du xuân ở vùng cao Bắc Yên để khám phá, trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt và nét đẹp văn hóa độc đáo của bà con dân tộc, sẵn sàng cho năm mới hanh thông, tràn đầy năng lượng.


Điểm dừng chân đầu tiên là xã Tà Xùa - cửa ngõ của 5 xã vùng cao, cảm nhận rõ sự thay da đổi thịt, sức sống mới lan tỏa. Khác với trước đây, con đường lên xã đã được trải nhựa, 100% các hộ được sử dụng điện lưới quốc gia, trung tâm xã đã có mạng internet, có nhiều homestay để lựa chọn với giá cả hợp lý. Đón chúng tôi bằng nụ cười thân thiện, chị Mùa Thị Xá chủ nhà trọ homestay Chay Xá, chia sẻ: Thời điểm gần Tết, mỗi ngày gia đình tôi đón 30 - 40 lượt khách. Gia đình tôi luôn phục vụ nhiệt tình, chu đáo và  không tăng giá tiền để du khách có ấn tượng tốt và quay lại.

Để không bỏ lỡ cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, du khách có thể đón bình minh ngay tại Tà Xùa hoặc di chuyển đến “sống lưng khủng long” xã Háng Đồng, cách Tà Xùa gần 10 km. Mặt trời nhô dần, chiếu những tia nắng đầu tiên soi vào biển mây dày đặc, bảng lảng bồng bềnh ôm những ngọn núi, tạo nên bức tranh phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp. Đến Tà Xùa còn có những trải nghiệm thú vị, đó là cùng người dân đi hái chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Các bà, các chị đồng bào dân tộc Mông mang theo chiếc lu cở (gùi), trèo lên những cây chè to, thân trắng mốc, khéo léo hái từng búp chè. Sau đó, được sao bằng chảo gang trên bếp lửa và người dân dùng đôi tay của mình để đảo chè, du khách có thể thưởng thức vị chè ngay bên bếp. Màu nước chè khi pha vàng óng như mật ong, phảng phất hương thơm quyện với hương vị của khói bếp sẽ tạo cho du khách những cảm xúc thật khó tả. Nhấp ngụm chè, cảm giác đầu tiên là vị chát trong khoang miệng nhưng sau đó chuyển sang ngọt rất nhanh, thật sảng khoái.

Sau khi “lang thang” vãn cảnh ở xã Tà Xùa, chúng tôi tiếp tục theo tỉnh lộ 112 hướng về xã Háng Đồng. Mùa xuân hiện hữu hai bên đường đi với những vườn đào phai đang nở rộ. Ngay từ đầu tháng Chạp, bà con dân tộc Mông nghỉ lên nương, lên rẫy, ở nhà vui xuân đón Tết rộn ràng. Ở hầu hết các nhà văn hóa bản, người dân tổ chức múa hát, chơi những trò chơi dân gian, trẻ con hồn nhiên nô đùa, không khí náo nhiệt. Trao đổi với chúng tôi, du khách Hồ Phong đến từ thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ: Nhóm chúng tôi có 5 người. Đây là lần đầu tiên tôi đến đây và thật may mắn, sáng sớm hôm nay biển mây rất đẹp. Khi đi qua đây, chúng tôi thấy đồng bào dân tộc chơi trò chơi, thấy khá thú vị nên dừng lại. Phong cảnh nơi đây hoang sơ và khi tiếp xúc với người dân tôi cảm nhận sự thật thà, dễ mến. Tôi đã có những trải nghiệm thú vị khi đến đây, có thời gian tôi sẽ trở lại.

Tiếp tục hành trình, chúng tôi trở lại ngã 3 Tà Xùa- Háng Đồng- Xím Vàng để đến Hang Chú. Đến đây, du khách tham quan di tích Quốc gia - Bãi đá Khắc cổ Khe hổ. Bãi đá gồm 9 khối đá granit có vết khắc, phân thành 6 cụm khác nhau. Trên mặt của các khối đá có nhiều vết khắc với hình thù độc đáo, hoa văn hình học như: Hình ô vuông lồng vào nhau, hình xoáy trôn ốc, các đường tròn đồng tâm. Những hình khắc là những ghi chép về thế giới quan, nhân sinh quan của người xưa, mô tả cuộc sống sinh hoạt, lao động, sản xuất… Bên cạnh đó, du khách sẽ được thưởng thức các món ẩm thực đặc sắc: Bánh dày, thịt lợn, cá suối cùng rượu mầm thóc có mùi thơm lạ của men lá rừng, vị đậm đà của thóc nương được chưng cất rượu cẩn thận, công phu. Loại rượu này được đồng bào dân tộc Mông cúng đất trời, tổ tiên vào những dịp quan trọng như lễ, Tết, thiết đãi khách quý. Không khí mùa xuân bao trùm lên các nếp nhà, trên bộ trang phục truyền thống, nét mặt tươi vui của những chàng trai, cô gái đi du xuân. Hằng năm, bà con nơi đây tổ chức Hội thao văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao chào mừng xuân mới. Trung tâm xã trở nên náo nhiệt bởi tiếng nhạc, tiếng cười nói của khán giả ở các độ tuổi đến xem, cổ vũ; các em nhỏ với trang phục sặc sỡ được mẹ dắt đi xem hoặc nằm trên lưng mẹ bí bô hóng chuyện. Những giai điệu nhạc, lời ca, múa sinh động, phong phú, duyên dáng qua phần thể hiện của các diễn viên không chuyên trên sân khấu, thu hút hàng nghìn khán giả vây quanh. Các trò chơi thể thao: Kéo co, tulu, đẩy gậy, bóng chuyền trở nên sôi động, đông đảo khán giả cổ vũ...

Cách xã Hang Chú chừng 23 km, chúng tôi đến xã Pắc Ngà, một địa danh thuộc Di tích lịch sử khu căn cứ kháng chiến 99 thời kỳ chống thực dân Pháp. Mùa xuân, sông Đà mang màu xanh biếc, hiền hòa, thơ mộng như mái tóc dài của cô gái tuổi đôi mươi vắt ngang đại ngàn trùng điệp; hoa ban trắng nở rộ khắp các sườn núi. Thưởng thức những món ăn đặc sản sông nước, du khách còn cảm nhận những thước phim đa sắc màu về nhịp sống thường nhật của dân tộc Thái, Mường, Dao khi tham gia chợ phiên; trải nghiệm vòng xòe quanh bếp lửa bập bùng, những làn điệu dân ca trữ tình đằm thắm của các chàng trai, cô gái. Ngoài ra, còn trải nghiệm, khám phá Hang A Phủ, xã Hồng Ngài, gắn liền với chuyện tình yêu trong tác phẩm văn học nổi tiếng Vợ chồng A Phủ của cố nhà văn Tô Hoài; hay chiều trên bãi thảo nguyên bản Pu Nhi, xã Phiêng Ban ngắm hoàng hôn…

Cứ mỗi độ xuân về, bên cạnh việc hòa mình với không gian đầy sắc hoa, du khách còn được tìm hiểu đời sống văn hóa của người dân địa phương. Không còn gì thú vị hơn việc đi bộ đến các bản làng của đồng bào các dân tộc thiểu số, hòa mình vào những sắc màu thổ cẩm, trang phục truyền thống và hàng thủ công mỹ nghệ độc đáo của các dân tộc; thả hồn vào tiếng khèn, tiếng sáo và cùng tham gia các lễ hội đa dạng bản sắc văn hóa tâm linh như: Lễ hội Cầu mùa của dân tộc Dao, Lễ hội Gầu tào của dân tộc Mông, Lễ hội Xên Mường của dân tộc Thái... Bức tranh ngày xuân càng trở nên rực rỡ, con người hòa quyện với cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng.

Phong cảnh thiên nhiên và văn hóa của các dân tộc huyện Bắc Yên đã tạo ra nét đặc sắc, không gian văn hóa - du lịch riêng. Những tiềm năng du lịch đang được đánh thức và ngày càng được nhiều người biết, tìm đến tham quan, trải nghiệm.

Tác giả: Theo Báo Sơn La