DU LỊCH TRÊN TÀ XÙA
Lượt xem: 971
Xã Tà Xùa thuộc huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La. Cách trung tâm Thị trấn huyện Bắc Yên khoảng 11 Km, khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm, trên các sườn núi cao từ tháng 11 đến tháng 4 của năm sau, thường xuyên tập trung những đám mây trắng bồng bềnh đẹp mắt thu hút khách du lịch; Hệ thống rừng vẫn còn diện tích lớn, những nương chè cổ thụ, rừng Sơn Tra đem lại nguồn lợi về kinh tế khá lớn cho bà con nhân dân. Với điều kiện tự nhiên thiên nhiên ưu đãi, thích hợp để phát triển các loại hình du lịch như du lịch sinh thái, du lịch khám phá hang động.


Toàn cảnh Bản Tà Xùa A, xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La

Tà Xùa có dân số 3037 người, 475 hộ gia đình; với đa số là người dân tộc Mông vẫn còn gìn giữ được bản sắc dân tộc hết sức độc đáo như tiếng nói, trang phục truyền thống, nhà ở, phong tục tập quán… thích hợp phát triển loại hình du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm đời sống người dân bản địa, trải nghiệm thu hái chè, chế biến chè, Sơn Tra…


Ngôi nhà truyền thống của người Mông tại xã Tà Xùa

Tại đây, nổi tiếng với đặc sản chè “Tà Xùa”, người dân nơi đây vẫn còn duy trì được nghề trồng chè, với những cây chè cổ thụ có tuổi đời 60 đến 70 năm. Ngoài ra, còn có cây Sơn Tra (còn gọi là Táo Mèo), hàng năm cho thu hoạch quả có giá trị kinh tế cao.


Cây Sơn Tra mùa trổ hoa trên Tà Xùa


Hoa Sơn Tra nở rộ

Hiện nay, du lịch Tà Xùa đang thu hút chủ yếu là du khách “Phượt” đến săn mây tại điểm Sống lưng khủng long (điểm du lịch nằm giáp ranh giữa xã Tà Xùa và xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên), với sự phát triển của du lịch Phượt, tại trung tâm xã Tà Xùa, nhiều chủ đầu tư đã mạnh dạn đầu tư xây dựng một số công trình nhà nghỉ trọ, bước đầu cơ bản đáp ứng được nhu cầu ngủ nghỉ của một số đối tượng du khách đến tham quan, du lịch.


Mây trên Tà Xùa

          Để phát triển Du lịch tại Tà Xùa, địa phương cần  có quy hoạch phát triển du lịch cụ thể. Xây dựng hệ thống chính sách ưu đãi thu hút đầu tư phát triển du lịch, chú trọng phát triển du lịch theo hướng gìn giữ truyền thống văn hóa dân tộc, không phát triển một cách ồ ạt, đại trà, làm mất không gian văn hóa truyền thống, giảm chất lượng phục vụ khách du lịch. Đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ trên toàn huyện như hệ thông đường giao thông, hệ thống nguồn điện, nước; đầu tư phát triển các dịch vụ thu hút khách du lịch, có khả năng liên kết tuyến du lịch, thu hút du khách tham quan, tìm hiểu như bến thuyền, khu nuôi trồng thủy sản, khu vui chơi dịch vụ. Tăng cường công tác thông tin, quảng bá về du lịch trên các trang thông tin điện tử của trung ương và địa phương, các trang mạng xã hội…

          Tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng như:

          - Du lịch tham quan danh lam thắng cảnh;

          - Du lịch văn hóa: Tập trung khai thác những di tích lịch sử, các nét văn hóa, lễ hội đặc trưng của người Mông, những nghề truyền thống lâu năm của đồng bào…;

          - Du lịch sinh thái: Phát huy tối đa những lợi thế tại khu bảo tồn thiên nhiên Tà Xùa đã được quyết định công nhận để xây dựng các tour du lịch sinh thái;

          - Du lịch cộng đồng: Xây dựng các bản du lịch cộng đồng nhằm thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm đời sống, thưởng thức ẩm thực… của đồng bào Mông;

          - Du lịch thể thao mạo hiểm, khám phá: Phát huy những thế mạnh sẵn có của du lịch “Phượt”, tiếp tục khai thác và phát huy, phát triển các dịch vụ đi kèm nhằm phục vụ tốt, có chất lượng, thu hút khách tham quan, du lịch.

         
Thu hái chè trên nương chè Tà Xùa


Chiếc lò dùng để sao chè của người Mông tại xã Tà Xùa 

Bên cạnh đó, cần phải có sự liên kết phát triển du lịch với các địa phương khác trong địa bàn huyện cũng như trên toàn tỉnh:

          - Liên kết phát triển tuyến du lịch trên địa bàn tỉnh như: Vân Hồ - Mộc Châu - Bắc Yên - Tà Xùa; Du lịch tuyến đường thủy: Vân Hồ - Phù Yên - Bắc Yên - Mai Sơn - Mường La.

          - Liên kết các điểm du lịch trên địa bàn huyện như: Hồ sông Đà - Bến thuyền Tạ Khoa - Hang A Phủ - Trung tâm xã Tà Xùa - Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Xùa - Sống lưng khủng long…

Tà Xùa - Một điểm đến hội tụ đầy đủ những tiềm năng tự nhiên và nhân văn để phát triển du lịch. Trong thời gian tới, hy vọng sự quan tâm, đầu tư của các cấp ngành và nỗ lực của nhân dân địa phương, du lịch Tà Xùa sẽ từng bước phát triển, đóng góp vào sự phát triển du lịch bền vững của toàn tỉnh.

Vương Nhị