Định hướng phát triển các tuyến du lịch trên địa bàn tỉnh Sơn La
Lượt xem: 1454
Sơn La nằm ở vị trí trung tâm Tây Bắc của Tổ quốc, cách Thủ đô Hà Nội 300 km theo quốc lộ 6, tỉnh Sơn La có diện tích tự nhiên là 14,174 km2, với dân số trên 1 triệu người, gồm 12 dân tộc anh em: Thái, Kinh, Mông, Mường, Dao, Khơ Mú, Xinh Mun, Tày, La Ha, Lào, Kháng, Hoa cùng sinh sống. Sơn La giáp ranh với 6 tỉnh: Hoà Bình, Lai Châu, Yên Bái, Phú Thọ, Điện Biên, Thanh Hoá và có chung 250 km đường biên giới với nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào.
Sơn La là miền đất còn hoang sơ thuần khiết của núi rừng, thiên nhiên hùng vĩ và cả tấm lòng chân chất, hiếu khách của người dân nơi đây. Mùa xuân về, hoa ban, hoa đào, hoa mơ, hoa mận nở trắng khắp núi rừng Tây Bắc càng tô đẹp thêm cho quê hương giàu bản sắc văn hoá và truyền thống cách mạng.
Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của du lịch cả nước, du lịch Tây Bắc nói chung và du lịch Sơn La nói riêng có nhiều chuyển biến tích cực trên nhiều mặt, số lượt khách du lịch đến Sơn La ngày càng tăng, điểm đến, sản phẩm du lịch đang được hình thành và để lại dấu ấn cho du khách.
Năm 2017, tỉnh Sơn La đón 1.945.000 lượt khách du lịch, đạt 108% kế hoạch năm, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2016; trong đó: khách quốc tế đạt 60.000 lượt, đạt 120% kế hoạch năm; khách du lịch nội địa đạt: 1.885.000 lượt, vượt 4,7% kế hoạch, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2016. Tổng thu du lịch năm 2017 đạt 1.040 tỷ đồng, đạt 117% kế hoạch năm , tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2016; 06 đơn vị kinh doanh lữ hành; trên địa bàn tỉnh Sơn La có 162 cơ sở lưu trú du lịch đã được thẩm định xếp hạng, với 2900 buồng. Trong đó: 118 Nhà nghỉ Du lịch, 14 Homestay và 03 Khách sạn 3 sao (02 khách sạn đang chờ kết quả thẩm định của Tổng cục du lịch), 11 khách sạn 2 sao, 16 khách sạn 1 sao. Các doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư các khu vui chơi giải trí để phục vụ nhu cầu của du khách; nhiều loại hình du lịch mới được hình thành như du lịch khám phá, du lịch mạo hiểm, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng…Hoạt động du lịch dịch vụ đã góp phần làm tăng trưởng cơ cấu ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế, xã hội của toàn tỉnh.
Với tiềm năng, lợi thế và những kết quả đạt được trong hoạt động du lịch, đã khẳng định sự quan tâm của tỉnh, sự vào của các cơ quan chức năng và sự tham gia của các doanh nghiệp du lịch và việc triển khai các Quy hoạch Du lịch, nhất là trong việc bán sát định hướng để xây dựng các tuyến, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh như sau:
Các tuyến du lịch nội tỉnh: Tuyến du lịch đường bộ: Tuyến du lịch dọc quốc lộ 6: Vân Hồ- Mộc Châu - TP Sơn La - Điện Biên (đây là một phần của tuyến du lịch quốc gia quan trọng, kết nối Tây Bắc với Hà Nội); Tuyến du lịch quốc lộ 37: TP Sơn La - Mai Sơn - Yên Châu - Bắc Yên - Phù Yên - Phú Thọ - Yên Bái; Tuyến du lịch quốc lộ 279: TP Sơn La - Thuận Châu - Quỳnh Nhai - Lai Châu - Lào Cai; Hệ thống đường giao thông từ tỉnh lộ 103 đến chân núi hang Chi Đảy, Yên Sơn, Yên Châu; Tuyến du lịch quốc lộ 4G: TP Sơn La - Mai Sơn - Sông Mã - Sốp Cộp - hoặc đi Điện Biên; Tuyến du lịch theo đường tỉnh lộ 109: Thị trấn Ít Ong – Nghĩa Lộ (Yên Bái) kết nối với quốc lộ 32; Tuyến du lịch đường thủy: Hòa Bình - Vạn Yên (Phù Yên) - Tà Hộc (Mai Sơn) - Thủy điện Sơn La (Mường La) - huyện Quỳnh Nhai - thị xã Mường Lay (tỉnh Điện Biên); Tuyến du lịch Mường La - Quỳnh Nhai; Tuyến du lịch Quỳnh Nhai - Thị xã Mường Lay (Điện Biên); Tuyến du lịch cảng bản Két (thị trấn Ít Ong) - cảng bản Áng (xã Chiềng Lao);
Các tuyến du lịch phụ trợ: Tuyến từ thành phố Sơn La đến các điểm du lịch thuộc cụm du lịch thành phố Sơn La và phụ cận; Tuyến từ thị trấn Mộc Châu đến các điểm du lịch thuộc cụm du lịch thị trấn Mộc Châu và phụ cận; Tuyến từ thị trấn Quỳnh Nhai đến các điểm du lịch thuộc cụm du lịch thị trấn Quỳnh Nhai và phụ cận; Tuyến từ thị trấn Ít Ong đến các điểm du lịch thuộc cụm du lịch thị trấn Mường La và phụ cận.
Các tuyến du lịch chuyên đề: Tuyến du lịch tham quan, khám phá hang động trên phạm vi toàn tỉnh; Tuyến du lịch cộng đồng kết nối các bản văn hóa toàn tỉnh và tuyến du lịch thể thao mạo hiểm, vượt ghềnh thác, khám phá thiên nhiên chủ yếu tập trung ở các khu vưc núi cao, sông suối, khu bảo tồn tự nhiên.
Các tuyến du lịch liên tỉnh: Tuyến Thành phố Sơn La - Hòa Bình - Hà Nội - các tỉnh đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc: Tuyến này chủ yếu khai thác nguồn khách từ Hà Nội và các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc đến với Sơn La hoặc từ Sơn La đi các địa phương trên theo quốc lộ 6, QL 5; Tuyến Thành phố Sơn La - Điện Biên - Lai Châu - các tỉnh vùng núi phía Bắc: Là tuyến du lịch liên tỉnh trong vùng TDMNBB theo QL 6, QL 12, QL 4D kết nối du lịch với Lào Cai - Hà Giang; Tuyến Thành phố Sơn La - Mường La - Lào Cai - Yên Bái - Hà Nội; Ngoài ra tuyến du lịch này còn có thể khai thác kết nối mở rồng với Cao Bằng, Lạng Sơn và các tỉnh Đông Bắc; Tuyến Thành phố Sơn La - Hoà Bình - Ninh Bình - Thanh Hoá - các tỉnh phía Nam: tuyến này khai thác đường quốc lộ 6, quốc lộ 12A và đường cao tốc Hồ Chí Minh.
Tuyến du lịch quốc tế: Phát triển các tuyến đường bộ qua các cửa khẩu Loóng Sập, Chiềng Khương với CHDCND Lào và các nước ASEAN trong khuôn khổ GMS.
Định hướng xây dựng các tuyến du lịch là cơ sở để địa phương khảo sát đánh giá được các tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn nằm trên tuyến; lựa chọn sản phẩm đặc trưng của mỗi địa phương, tránh trùng lặp trên cả hành trình; nghiên cứu, xác định rõ thị trường phù hợp để có kế hoạch quảng bá, xúc tiến, đầu tư, xây dựng và bảo tồn phát huy các giá trị tại các điểm kết nối tuyến du lịch…Với định hướng cụ thể về các tuyến, điểm du lịch trên. Huy vọng, Du lịch Sơn La ngày các tạo ra nhiều sản phẩm phong phú, hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với Sơn La.
Nguyễn Thị Thanh Huyền
08/01/2018