Trong những năm qua, huyện Vân Hồ
đã và đang đẩy mạnh phát triển du lịch, trong đó có mô hình du lịch cộng đồng,
nhằm phát huy những tiềm năng lợi thế của địa phương. Tuy nhiên, do mới hình
thành nên loại hình du lịch này còn gặp không ít khó khăn.
Khu nghỉ dưỡng Vân
Hồ Ecolodge ở bản Hua Tạt, xã Vân Hồ.
Trên địa bàn huyện Vân Hồ, những
năm gần đây đã hình thành nhiều loại hình du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm.
Nhiều khu du lịch cộng đồng được du khách biết đến, như: Khu du lịch cộng đồng
các bản Nà Bai, Phụ Mẫu (xã Chiềng Yên); du lịch cộng đồng bản Hua Tạt (xã Vân
Hồ), homestay A Chu, homestay Tráng A Sếnh hay Ecolodge Vân Hồ... thu hút khá
đông đảo du khách đến tham quan, tìm hiểu về vùng đất, con người, danh lam thắng
cảnh, lịch sử văn hóa truyền thống các dân tộc.
Tại xã Chiềng Yên, với nhiều cảnh
quan thiên nhiên đẹp, như: Thác Tạt Nàng, suối cá bản Bướt, suối nước nóng, Khu
du lịch cộng đồng bản Nà Bai... Khắc phục việc phát triển du lịch theo hình thức
tự phát, huyện Vân Hồ và xã Chiềng Yên đã vận động, khuyến khích người dân địa
phương làm du lịch một cách có quy mô và chuyên nghiệp. Tuy nhiên, trải qua quá
trình phát triển, Chiềng Yên đang gặp phải khá nhiều khó khăn. Anh Đinh Văn
Khuyên, Trưởng bản Nà Bai, xã Chiềng Yên, chia sẻ: Mặc dù được sự giúp đỡ của
huyện và xã, song do người dân chưa thực sự quan tâm và coi phát triển du lịch
cộng đồng là một thế mạnh nên chưa chú trọng đến hoạt động giới thiệu, quảng bá
các nét đẹp văn hóa của địa phương cũng như nâng cao chất lượng các loại hình dịch
vụ phục vụ du khách. Thực tế, lượng du khách đến với khu du lịch Nà Bai trong
vài năm trở lại đây đang thưa dần, thu nhập của bà con giảm đáng kể.
Bản Hua Tạt (xã Vân Hồ) là một
trong những bản tiêu biểu về xây dựng mô hình du lịch cộng đồng. Nằm ven quốc lộ
6, với 100% đồng bào dân tộc Mông, nét văn hóa truyền thống đặc trưng của đồng
bào vẫn còn được lưu giữ; cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp khiến Hua Tạt trở
thành điểm dừng chân thú vị của du khách. Tận dụng những lợi thế đó, các hộ dân
tại bản Hua Tạt đã chú trọng đầu tư làm du lịch cộng đồng, các nhà nghỉ homstay
với nhiều dịch vụ phụ trợ đi kèm, như: Chòi ngủ ngoài vườn, câu cá giải trí, hoạt
động du lịch trải nghiệm... nhưng làm thế nào để tạo sức hút và giữ được chân
du khách thì vẫn là câu hỏi không dễ trả lời của không chỉ người dân bản Hua Tạt
mà còn cả các cấp lãnh đạo huyện, xã và các cơ quan chức năng.
Anh Tráng A Chu, chủ nhân
homestay A Chu, không giấu diếm: Khó khăn nhất trong làm du lịch là thiếu vốn để
cải tạo, mở rộng nhà nghỉ cộng đồng, đầu tư hệ thống cảnh quan, đường đi lối lại
và các công trình phụ trợ cần thiết. Thêm nữa, do loại hình du lịch còn mới, việc
quảng bá hạn chế nên nhiều du khách vẫn chưa biết đến các địa điểm này. Lúc mới
đi vào hoạt động, cả hai vợ chồng tôi kiêm luôn đón tiếp khách, phục vụ ăn uống
và biểu diễn văn nghệ... nếu khách yêu cầu.
Ông Phạm Xuân Định, Phó Trưởng
Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Vân Hồ, nói rõ thêm: Để phát triển du lịch cộng
đồng tại địa phương, huyện đã quy hoạch các điểm du lịch cộng đồng và có định
hướng cụ thể, như: Phát triển du lịch gắn với xây dựng nông nghiệp ứng dụng
công nghệ cao, phát triển các đặc sản địa phương; phục dựng, phát triển các sản
phẩm văn hóa, nghệ thuật truyền thống, nghề thủ công truyền thống; phát triển
du lịch gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Đặc biệt là tìm giải
pháp khắc phục những khó khăn về cơ sở hạ tầng, nâng cao nhận thức của người
dân về làm du lịch, vấn đề bảo tồn, gìn giữ những những giá trị văn hóa phù hợp
để phục vụ du lịch.
Để du lịch cộng đồng khởi sắc,
cùng với việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng các cơ sở lưu trú, huyện Vân Hồ cần chú
trọng hơn nữa về việc mở rộng các loại hình du lịch và có cơ chế phù hợp, thu
hút các hộ gia đình tham gia làm du lịch cộng đồng; tổ chức mở các lớp tập huấn
về du lịch cộng đồng một cách bài bản, chuyên nghiệp hơn; đồng thời mở rộng và
nâng cấp các công trình phụ trợ thiết yếu, đáp ứng nhu cầu du khách, để họ
không chỉ đến Vân Hồ một lần.