Hang dơi - Sơn La
Lượt xem: 809
Hang Dơi Sơn La: Đúng 195km (theo cột cây số) là đoạn đường bạn đi từ Hà Nội theo quốc lộ 6 đến thị trấn Mộc Châu (huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La). Mộc Châu là vùng cao có nhiều điểm khám phá hấp dẫn, kỳ thú mà thiên nhiên hào phóng ban tặng. Trong đó, sách hướng dẫn du lịch có nhắc đến động Sơn Mộc Hương tên nôm là hang Dơi nằm ở ngay trung tâm thị trấn.

Đã đi thăm nhiều hang động, bởi thế tôi không dễ tin vào những lời quảng cáo trong sách. Nhưng quả thật hang Dơi có nhiều điểm để du khách khám phá. Để lên hang Dơi, du khách phải leo mấy chục bậc, không quá xa để mỏi chân, không quá gần để thất vọng!


Hang Dơi - "Tây Thiên Đệ Nhất Động", một trong những hang động đẹp nhất tỉnh Sơn La, là một động đá tự nhiên nằm ở dưới dãy núi đá trùng điệp về phía Đông-Bắc thị trấn Mộc Châu.
Với diện tích 6.915m2, hang Dơi xưa được người Thái gọi là hang Sa Lai (hang Nước) vì trong lòng núi có mạch nước ngầm lớn trong xanh mát lạnh chảy quanh năm không bao giờ cạn, là nguồn nước cho bà con thị trấn Mộc Châu.
Sở dĩ có tên hang Dơi vì xưa kia có những đàn dơi lớn cư ngụ trong hang, nay chúng đã di cư đi nơi khác, vì thế sau này hang Dơi trong nhiều sách du lịch mang một cái tên mỹ miều hơn là động Sơn Mộc Hương.
Về sự tích hang Dơi, theo truyền thuyết, có một con rồng, ngao du khắp bốn phương trời, đi qua vùng này thấy sơn thuỷ hữu tình, cảnh vật như tranh, khí hậu ôn hoà, làm chỗ nghỉ chân... Dãy núi có hang động, được ví là nơi thân rồng nằm, cảnh sắc trong ngày thay đổi ngoạn mục, trắng ngần lúc ban mai, xanh biếc buổi trưa, rực hồng buổi chiều, tím biếc hoàng hôn. Sau rồng trả ơn nhả 7 viên ngọc, là 7 quả núi tạo nên hang đá.
Trải qua hàng nghìn năm, quá trình xâm thực đã tạo nên hang gồm 3 động lớn rộng. Trần động là vòm đá cao rủ xuống những dải thạch nhũ lấp lánh 7 sắc cầu vồng, nhiều khối nhũ đá từ nóc động chảy xuống nền hang cao tới hơn 20m.
Chính giữa hang có một hồ cạn rộng chừng 200m2, giữa hồ có con rùa đá lớn, bên trái có hình đôi trai gái đang quấn quít bên nhau. Nhiều nhũ đá trong động đẹp mê hồn mà người giàu trí tưởng tượng có thể nghĩ tới hình con voi, con sư tử, con báo, con hổ, con kỳ đà..., thậm chí là hình những mâm lễ vật như mâm xôi gà, nậm rượu, bánh dày, quả phật...
Màu sắc của nhũ đá cũng rất đa dạng: màu đỏ, màu tím, màu vàng và cả màu xám ánh bạc cộng với những cái tên đẹp như "Miệng rồng", "Cung điện nhà trời"...Theo thông tin của ngành văn hoá Sơn La, vào tháng 9.1992, Bảo tàng Sơn La kết hợp với Viện Khảo cổ học VN, đã tổ chức thám sát tại hang Dơi.
Tại khoảng đất rộng 1,2m2, trước cửa hang, hố thám sát đã phát hiện có tầng văn hoá dày 0,5m, hiện vật thu có mảnh tước, rìu mài lưỡi, bi đá, mảnh gốm... - dấu hiệu cho thấy tại đây đã có người Việt cổ sinh sống cách nay khoảng 3000-3500 năm.
Hang Dơi đã được Bộ VH-TT và DL công nhận là Di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia ngày 24.1.1998.