Tháng ba hằng năm, khi hoa ban nở
trắng rừng, cũng là thời điểm diễn ra Lễ hội “Mùa hoa ban” thành phố Sơn La.
Đông đảo du khách thập phương và đồng bào các dân tộc từ khắp nơi tấp nập đổ về
trung tâm Thành phố tham dự Lễ hội.
Tiết mục văn nghệ tại Lễ hội
“Mùa hoa ban” năm 2019.
Hoa ban trắng tượng trưng cho
tình yêu thủy chung của nàng Ban với chàng Khum (theo sự tích dân tộc Thái vùng
Tây Bắc). Ban là một loài hoa của núi rừng Tây Bắc, mang sắc xuân của đất trời,
trở thành biểu tượng văn hóa của nhân dân các dân tộc vùng Tây Bắc nói chung và
nhân dân các dân tộc Sơn La nói riêng. Ai đã đến Sơn La vào mùa hoa ban nở, sẽ
hết sức ấn tượng trước cảnh đẹp quyến rũ của núi rừng. Tiếng trống, tiếng
chiêng, những chàng trai, cô gái áo cóm, khăn piêu đi Lễ hội; những vòng xòe
xoay tròn bên chum rượu cần say men hương đất trời nghiêng ngả... chẳng ở đâu
có được.
Đêm khai hội năm nay diễn ra
chương trình nghệ thuật đặc sắc với sự tham gia của hàng trăm nam, nữ diễn viên
chuyên và không chuyên. Tiếp theo đó là Hội diễn nghệ thuật quần chúng khối xã,
phường với 12 đội dự thi, trình diễn nhiều tiết mục với đủ thể loại ca, múa, nhạc
mang chủ đề ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ kính yêu, quê hương, đất nước đổi mới,
truyền thống lịch sử, văn hóa đặc sắc của quê hương Sơn La. Có mặt trong đêm
khai mạc Lễ hội, du khách Đặng Quang Bình, đến từ Hà Nội phấn khích: Đến Sơn La
lần này, đúng dịp Lễ hội "Mùa hoa ban", cả đoàn chúng tôi vui lắm,
háo hức đến khai hội từ sớm. Được xem Hội diễn nghệ thuật quần chúng, tôi nhận
ra đời sống văn hóa các dân tộc Sơn La vô cùng phong phú, đa dạng, đặc sắc. Các
đội thi đã khai thác và giới thiệu những điệu hát dân gian, âm nhạc truyền thống,
các tiết mục được dàn dựng công phu với những dụng cụ, đạo cụ, trang phục đặc sắc,
xây dựng chương trình với nhiều ý tưởng hay và độc đáo, phong cách biểu diễn tự
tin. Sơn La cần quảng bá rộng rãi Lễ hội này, để du khách trong và ngoài nước
có dịp ghé thăm, thưởng thức.

Lãnh đạo Thành phố trao Cờ lưu niệm cho các
xã, phường tham dự Lễ hội.
Đây là năm thứ 6 thành phố Sơn La
tổ chức Lễ hội “Mùa hoa ban”. Lần nào cũng có thêm những nét văn hóa độc đáo với
chuỗi các hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc, với
các trò chơi dân gian: Ném còn, bắn nỏ, tó mák lẹ, kéo co, đẩy gậy, chọi chim,
chọi gà... 12 đội đến từ các xã, phường đã cống hiến cho khán giả những cuộc
thi đấu đẹp mắt, kịch tính, tạo nên không khí sôi động, vui tươi. Vận động viên
Lò Minh Phương, Đội phường Chiềng Cơi (Thành phố) hào hứng: Thi đấu môn đẩy gậy,
tôi hết sức phấn khích và đã thi đấu hết sức mình. Cá nhân tôi rất mong Thành
phố năm nào cũng tổ chức Lễ hội để có thêm nhiều người được tham gia, trải nghiệm.
Ban tổ chức chấm phần thi ẩm
thực.
Điểm mới trong Lễ hội năm nay là
phần thi Trại văn hóa du lịch và trưng bày giới thiệu các sản phẩm đặc trưng nổi
bật của 12 xã, phường trên địa bàn Thành phố. Tới đây, du khách được trải nghiệm
các sản phẩm nông sản sạch, do chính đồng bào các dân tộc sản xuất ra như: Rượu
cần, chẳm chéo, thố ố, mẳm hén, măng ớt, thịt khô gác bếp..., các sản phẩm thu
hái từ rừng, như: Quả tậu kịnh, măng đắng... Ngoài ra, chiêm ngưỡng các trang
phục dân tộc, dụng cụ sinh hoạt và nhạc cụ dân tộc độc đáo như: Khăn piêu, ép
khẩu, khung cửi, sa kéo sợi... Bên cạnh đó, trong tiếng trống, tiếng chiêng rộn
rã, du khách được hòa mình, trải nghiệm nét văn hóa đậm đà bản sắc của người
dân tộc Thái qua những bài hát, điệu múa, trò chơi. Ông Lèo Văn Hưởng, Phó Chủ
tịch UBND xã Chiềng Xôm nói: Tham gia Trại văn hóa tại Lễ hội, năm nay Chiềng
Xôm mang nhiều sản vật của địa phương đến trưng bày, giới thiệu và bán cho du
khách, như: Lạc, ngô, thịt khô, chéo, măng ớt, hoa phong lan... rất được du
khách ưa thích, nhiều du khách đã xin số điện thoại để liên lạc đặt mua các sản
vật. Qua Lễ hội, chúng tôi đã quảng bá được những sản phẩm của địa phương
mình.

Thi ném còn tại Lễ hội.
Cũng nằm trong chuỗi các hoạt động
của Lễ hội, tại sân trường tiểu học Chu Văn Thịnh, THCS Chiềng Cơi, Hội LHPN
Thành phố tổ chức Hội thi ẩm thực dân tộc, thêu khăn piêu, thể hiện được sự
khéo léo của bàn tay người phụ nữ dân tộc Thái. Các món ăn được lựa chọn từ những
nguyên liệu tươi ngon, truyền thống và chế biến trang trí công phu mang đậm
hương vị dân tộc Thái. Phần thi thêu khăn piêu là một trong những điểm nhấn đặc
sắc, tạo ấn tượng với người dân và du khách, qua đó, góp phần gìn giữ, phát huy
nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái. Ngoài ra, tại sân Công viên
văn hóa Đông Sên đã diễn ra Hội thi chọi chim, chọi gà và sinh vật cảnh... thu
hút đông đảo các nghệ nhân tham gia và du khách thưởng ngoạn. Khu vực nhà thi đấu
tổ 10, phường Chiềng Lề (Thành phố) diễn ra phần thi bắn nỏ...
Đồng chí Đào Văn Quang, Phó Chủ tịch
UBND Thành phố, Trưởng Ban tổ chức phát biểu: Lễ hội “Mùa hoa ban” năm nay nằm
trong chuỗi các hoạt động chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ và Đoàn công tác
của Trung ương lên thăm, nói chuyện với đồng bào các dân tộc Tây Bắc tại Sơn La
(7/5/1959 - 7/5/2019); chào mừng thành phố Sơn La lên đô thị loại II. Qua Lễ hội,
góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thành phố
Sơn La, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân các dân tộc; tạo
ra các hoạt động văn hóa, thể thao sôi nổi, lành mạnh, phát huy nội lực sáng tạo
trong nhân dân; cổ vũ, động viên, cán bộ, nhân dân thi đua lao động sản xuất,
công tác, học tập để xây dựng thành phố Sơn La ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Lễ hội “Mùa hoa ban” năm 2019 đã
thu hút trên 100 đơn vị, gần 1.000 diễn viên chuyên nghiệp, không chuyên, hạt
nhân văn nghệ, nghệ nhân, vận động viên thể thao tham gia các nội dung. Lễ hội
“Mùa hoa ban” thành phố Sơn La năm 2019 đã thành công tốt đẹp để lại nhiều ấn
tượng, dư âm trong lòng công chúng. Đây cũng là dịp quảng bá, giới thiệu tiềm
năng thiên nhiên, con người thành phố Sơn La trở thành điểm đến của đông đảo du
khách trong và ngoài nước để đầu tư, giao lưu, hợp tác phát triển và hội nhập.