Tham luận tại Hội thảo khoa học “ Tầm quan trọng của việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu đối với sự phát triển của doanh nghiệp Sơn La”
Lượt xem: 458
Căn cứ Luật sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 ngày 29/11/2005 của Quốc hội; Luật số 36/2009//QH12 ngày 01/01/2010 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ. Trong lĩnh vực Văn hóa nói chung, Luật sở hữu trí tuệ với một số nội dung cơ bản về sở hữu trí tuệ được bảo hộ gồm: Quyền tác giả (đối với tác phẩm) và các quyền liên quan (đối với chương trình biểu diễn, ghi âm, phát thanh truyền hình); nhãn hiệu hàng hoá (gồm cả nhãn hiệu dịch vụ); chỉ dẫn đại lý hàng hoá (gồm cả tên gọi xuất xứ hàng hoá); tên thương mại…, chống cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến quyền tác giả.

Bất cứ khi nào một sản phẩm mới nào vào thị trường và thu hút khách hàng thành công, không sớm thì muộn sẽ bị đối thủ cạnh tranh sản xuất các sản phẩm giống hoặc tương tự. Trong một số trường hợp, đối thủ cạnh tranh sẽ hưởng lợi từ việc có thể sản xuất một sản phẩm tương tự hoặc giống hệt với giá thành rẻ hơn, tạo áp lực nặng nề lên nhà sáng tạo ra sản phẩm hoặc dịch vụ nguyên gốc. Đôi khi điều này sẽ đẩy nhà sáng tạo gốc ra khỏi thị trường, đặc biệt khi họ đã đầu tư đáng kể vào việc phát triển sản phẩm mới thì đối thủ cạnh tranh lại hưởng lợi từ kết quả đầu tư đó và chẳng mất một xu nào cho thành quả sáng tạo và sáng chế của nhà sáng tạo gốc.  Trong lĩnh vực Văn hóa thì nội dung này thường xuyên diễn ra, khó kiểm soát.

Đây là lý do quan trọng để các doanh nghiệp phải cân nhắc khi sử dụng hệ thống sở hữu trí tuệ để bảo vệ sản phẩm sáng tạo của mình nhằm mang lại cho mình các độc quyền sử dụng tác phẩm văn học nghệ thuật, tác phẩm âm nhạc, trong biểu diễn nghệ thuật ( Có kinh doanh và không kinh doanh)..... mang lại quyền sở hữu đối với tác phẩm của mình từ đó hạn chế phạm vi sao chép và bắt chước của người khác, gây thất thu và ảnh hưởng tới uy tín của người sáng tác ra tác phẩm.

Bảo hộ sở hữu trí tuệ có thể nâng cao giá trị thị trường cho doanh nghiệp, tạo ra những cơ hội mang lại lợi ích trong tương lai chưa được các doanh nghiệp nhận thức đúng. Do vậy, việc sử dụng sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm một cách có chiến lược sẽ nâng cao đáng kể năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần phải sẵn sàng giải quyết những thách thức và áp dụng các biện pháp bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm của mình và bảo hộ những sản phẩm đó ở đâu có thể.

Nếu các ý tưởng đổi mới, kiểu dáng sáng tạo và nhãn hiệu có sức hấp dẫn lớn của doanh nghiệp không được bảo hộ pháp lý bằng các quyền sở hữu trí tuệ thì chúng có thể bị doanh nghiệp khác sử dụng một cách hợp pháp và miễn phí. Tuy nhiên, khi được bảo hộ bởi các quyền sở hữu trí tuệ, chúng sẽ mang những giá trị cụ thể cho doanh nghiệp vì các đối tượng này đã trở thành các quyền tài sản - do đó, không thể bị thương mại hóa hoặc sử dụng mà không có sự cho phép của bạn, quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ đang khẳng định vai trò không thể thiếu trong quá trình hình thành một nền kinh tế toàn diện và phát triển bền vững, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, nên tham gia thực thi các quy định về sở hữu công nghiệp, đây cũng là một trong những vấn đề cần quan tâm.

Để tăng cường có hiệu quả của công tác thực thi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, để từ đây đáp ứng yêu cầu thực tế, tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc cho các cơ quan nhà nước trong các hoạt động thực thi quyền và nhằm đáp ứng các yêu cầu đặt ra của Luật sở hữu trí tuệ cơ bản sau đây:

Một là: Về nghĩa vụ chứng minh, Luật sở hữu trí tuệ đã quy định cụ thể hoá các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự về quyền và nghĩa vụ chứng minh, cung cấp chứng cứ của đương sự trong các vụ tranh chấp hoặc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đặc biệt, Luật sở hữu trí tuệ đã bổ sung quy định về nghĩa vụ chứng minh của bị đơn trong vụ xâm phạm quyền đối với sáng chế sản phẩm mới hoặc sáng chế quy trình.

Hai là: Về các biện pháp chế tài dân sự, Luật sở hữu trí tuệ quy định cụ thể các biện pháp dân sự để xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm các biện pháp buộc chấm dứt hành vi xâm phạm; buộc cải chính công khai; buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự; buộc bồi thường thiệt hại; buộc tiêu huỷ hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hoá, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.

Ba là: Về các biện pháp khẩn cấp tạm thời, Luật sở hữu trí tuệ quy định quyền và nghĩa vụ của người yêu cầu Toà án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và các biện pháp khẩn cấp tạm thời có thể áp dụng đối với hàng hoá bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện sản xuất, kinh doanh hàng hoá đó, bao gồm thu giữ; kê biên; niêm phong; cấm thay đổi hiện trạng; cấm di chuyển; cấm chuyển dịch quyền sở hữu; và các biện pháp khẩn cấp tạm thời khác được áp dụng theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

Đặc biệt là, Luật sở hữu trí tuệ đã bổ sung quy định về nguyên tắc xác định thiệt hại do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần, mức độ thiệt hại được xác định trên cơ sở các tổn thất thực tế mà chủ thể quyền sở hữu trí tuệ phải chịu do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây ra, đồng thời bổ sung quy định về căn cứ xác định mức bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, tạo cơ sở cho Toà án quyết định trong các vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Bốn là: Vai trò bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với các doanh nghiệp, trong thời đại phát triển của nền kinh tế tri thức và hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển chung của đất nước.   

Năm là: Nâng cao ý thức coi trọng sở hữu trí tuệ, để nhìn nhận một thực tế, không cho phép sao chép quyền tác giả, tác phẩm và hàng giả, hàng nhái, hàng sao chép, hàng lậu… đang được bày bán công khai ở mọi nơi ảnh hưởng tới doanh nghiệp và nguy cơ cho người tiêu dùng, ý thức của người tiêu dùng cũng là vấn đề đáng lo ngại.

Tóm lại có thể thấy bảo hộ sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp có vị trí không nhỏ trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, khi được chú trọng và khai thác một cách tối ưu, sẽ giúp các doanh nghiệp tăng cường sức mạnh, nâng cao vị thế, uy tín và khả năng cạnh tranh để nâng cao doanh thu và lợi nhuận, sở hữu trí tụê là một công cụ đắc lực đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, bảo hộ quyền sở hữu trí tụê  nói chúng, trong lĩnh vực văn hóa nói riêng cũng đóng một vai trò quan trọng, đặc biệt trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay./.

Trần Ngọc Quang

1 2 3 4 5  ...