Một số vấn đề cơ bản trong công tác lập kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch hoạt động văn hoá, thể thao ở cơ sở
Lượt xem: 2089
Hoạt động Văn hoá, Thể thao và Du lịch là hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực. Việc xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch chính vì vậy cũng hết sức phức tạp và cần thiết để tạo nên sự thành công trong tổ chức thực hiện, góp phần to lớn trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi khu vực, mỗi địa phương. Trong khuôn khổ thời gian của lớp tập huấn này, chúng tôi không mong muốn đưa đến được với các đồng chí những kiến thức cao về xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch mà chỉ mong muốn chúng ta cùng trao đổi những nét cơ bản nhất về xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch ở địa phương, cơ sở.

Mục đích yêu cầu:

          - Giúp cán bộ văn hoá ở cơ sở ( xã, phường, thị trấn) nhận thức đúng tầm quan trọng của việc lập kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch.

          - Biết lập một kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch ở cơ sở.

Phương pháp trình bày:

          - Giới thiệu lí luận chung.

          - Hướng dẫn thực hành.

          - Trao đổi thảo luận.

NỘI DUNG

          I. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH CÔNG TÁC VĂN HOÁ, THỂ THAO Ở CƠ SỞ.

          Khái niệm về kế hoạch hoạt động văn hoá, thể thao ( Kế hoạch hoạt động văn hoá, thể thao là gì?)

          Theo Từ điển Tiếng Việt: " Kế hoạch là toàn thể những việc dự định làm gồm nhiều công việc săp xếp có hệ thống, hướng vào một mục đích nhất định và thực hiện trong một thời gian đã định trước."

          Theo nghĩa đó: Kế hoạch hoạt động văn hoá, thể thao ở cơ sở là toàn bộ những việc về hoạt động văn hoá, thể thao ở cơ sở dự định làm, được sắp xếp có hệ thống nhằm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về văn hoá, thể thao ở địa phương do Đảng uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn đề ra.

          Kế hoạch hoạt động văn hoá là một bộ phận trong kế hoạch tổng thể của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn.

          Các loại kế hoạch hoạt động văn hoá, thể thao thường gặp ở cơ sở:

          Kế hoạch rất đa dạng. Phân loại kế hoạch có thể dựa vào thời gian, vào mục đích, nhiệm vụ, các chương trình, hoạt động.

          Theo thời gian có kế hoạch ngắn hạn, kế hoạch dài hạn

           + Kế hoạch ngắn hạn là kế hoạch của một tuần, 1 tháng hay một đợt công tác cụ thể phục vụ mục tiêu trước mắt.

          + Kế hoạch dài hạn có thể  là kế hoạch của 1 quý, 6 tháng, 1 năm hoặc một nhiệm kì Hội đồng nhân dân cấp xã, phường.

          Chương trình hành động có nhiều cách hiểu và sử dụng khác nhau. Ở đây chương trình được coi là việc cụ thể hoá kế hoạch theo các bước đi, tiến trình nhằm thực hiện từng nhiệm vụ, từng mục tiêu cụ thể của kế hoạch chung.

          Theo lĩnh vực hoạt động cụ thể có: Kế hoạch tổ chức Câu lạc bộ, Kế hoạch hoạt động thể dục thể thao, Kế hoạch hoạt động Văn nghệ quần chúng...

           Theo mục đích, nhiệm vụ có: Kế hoạch xây dựng Gia đình văn hoá, Làng văn hoá; Kế hoạch hoạt động thử nghiệm nhà văn hoá...

          Sự cần thiết phải xây dựng kế hoạch( tại sao phải xây dựng kế hoạch?)

          Xây dựng kế hoạch là chức năng cơ bản nhất trong các chức năng của nhà quản lý vì mục tiêu của việc lập kế hoạch nhằm hoàn thành mục đích và mục tiêu của cá nhân hay đơn vị.

          Thực tế luôn có những biến động, kế hoạch giúp người quản lý thực hiện được mục tiêu. Trong quá trình thực hiện kế hoạch, gặp những vấn đề trở ngại, đôi khi phải xem xét, thậm chí điều chỉnh kế hoạch để đạt được mục tiêu. Kế hoạch giúp ta tập trung chú ý vào các mục tiêu, tạo điều kiện cho việc thực hiện nhiệm vụ một cách khoa học, hiệu quả, tránh tuỳ tiện, bị động. Kế hoạch còn làm cơ sở cho công tác kiểm tra.

          II. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

          ( Nhiệm vụ của cán bộ văn hoá xã, phường, thị trấn trong việc xây dựng kế hoạch)

          1. Các bước tiến hành xây dựng kế hoạch:

          Bước 1: Nghiên cứu khảo sát tình hình

          Để xây dựng được kế hoạch đảm bảo việc triển khai có hiệu quả, trước khi lập kế hoạch cán bộ văn hoá cần phải:

          Nghiên cứu các chủ trương đường lối chủa Đảng, chính sách của Nhà Nước, các văn bản của Bộ, nghành về Văn hoá Thông tin, Thể dục thể thao.

          Nghiên cứu nghị quyết của Đảng uỷ xã, Hội đồng nhân dân xã và kế hoạch của Uỷ ban nhân dân xã về văn hoá, thể thao nói riêng và về công tác của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nói chung.

          Nghiên cứu các văn bản hướng dẫn về công tác văn hoá, thể thao của Phòng Văn hoá và Thông tin.

          Khảo sát để nắm vững tình hình của địa phương như: đời sống kinh tế, trình độ dân trí, đời sống văn hoá, phong trào văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao phương tiện vật chất như ti vi, đài; các thiết chế văn hoá, thể thao như Nhà văn hoá, Bưu điện văn hoá, Sân vận động, Nhà thi đấu ...

          Tất cả những việc làm trên giúp người thực hiện kế hoạch tìm ra điểm mạnh, điểm yếu( những khó khăn, thuận lợi) để đề ra kế hoạch thiết thực và hiệu quả.

          Bước 2: Lập bản kế hoạch

          Xác định tên gọi của bản kế hoạch: Tên gọi của bản kế hoạch thể hiện mục tiêu chính, chủ yếu và hình thức của kế hoạch.

Ví dụ:

          + Kế hoạch công tác VHTT xã...( phường..., thị trấn...) năm...

          + Kế hoạch tổ chức hoạt động thể nghiệm Nhà văn hoá...

          + Kế hoạch tổ chức Hội thi dân ca, dân vũ các bản, làng năm...

          + Kế hoạch thi đấu Cầu lông thanh – thiếu niên năm....

          2. Nội dung bản kế hoạch.

          2.1 Các căn cứ:

          - Căn cứ vào đường lối quan điểm chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về Văn hoá Thông tin; vào các văn bản pháp quy của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch;

          Là tỉnh miền núi, cần quán triệt các văn bản chỉ đạo, đường lối công tác Văn hoá , Thể thao ở vùng dân tộc thiểu số ở miền núi;

          - Căn cứ vào Nghị quyết công tác của Đảng uỷ xã, Hội đồng nhân dân xã và kế hoạch của Uỷ ban nhân dân xã về Văn hoá, Thể thao nói riêng và công tác Uỷ ban nhân dân, Hội đồng nhân dân xã nói chung.

          - Căn cứ vào các văn bản hướng dẫn về công tác của Phòng Văn hoá và Thông tin.

          - Căn cứ vào tình hình của địa phương như: đời sống kinh tế, trình độ dân trí, đời sống văn hoá, phong trào văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao, phương tiện vật chất ...........

Lưu ý:

          Trong bước này nên căn cứ thêm một số nội dung sau:

          + Căn cứ Kế hoạch hoạt động đề ra của năm.

          + Căn cứ số liệu thống kê tổ chức các hoạt động: Lưu ý số liệu thống kê phải chính xác, trung thực, không thổi phồng thành tích, không che dấu yếu kém.

          ( Thực tế đây là việc cụ thể hoá bước 1 trong các bước xây dựng kế hoạch).

          Nội dung bản kế hoạch

          a. Đặc điểm tình hình

          - Những khó khăn, thuận lợi của cơ sở trong việc thực hiện kế hoạch.

          - Đánh giá kết quả đạt được, bám sát chỉ tiêu đã đặt ra và phân tích kỹ những thành tựu đã đạt được tên từng lĩnh vực.

          b. Mục tiêu nhiệm vụ

          - Mục tiêu :  Ghi rõ những mục tiêu cần đạt được.

          Ví dụ: Mục tiêu của kế hoạch tổ chức hoạt động thể nghiệm nhà văn hoá xã Hát Lót, huyện Mai Sơn năm 2015 là nhằm tổ chức hoạt động điển hình nhà văn hoá trong toàn tỉnh.

          Nhiệm vụ: Ghi rõ các nhiệm vụ cụ thể

          Ví dụ: Kế hoạch tổ chức hoạt động thể nghiệm nhà văn hoá xã có thể có các nhiệm vụ sau:

          * Mở các lớp năng khiếu cho thanh thiếu niên:

          Lớp múa

          Lớp hội hoạ

          Lớp học hát

          Lớp Cầu lông

Lớp Bóng đá

          Lớp khiêu vũ......

          *  Tổ chức các hoạt động Câu lạc bộ sở thích:

          Tổ chức Câu lạc bộ mẫu

          Duy trì Câu lạc bộ sinh đẻ có kế hoạch, lồng ghép khuyến nông, khuyến lâm, Pháp luật.

          Thành lập Câu lạc bộ thơ, nhạc.

          Câu lạc bộ cồng chiêng

          Câu lạc bộ những gia đình trẻ

          Tổ chức liên hoan, hội thi.

          Câu lạc bộ Xe đạp

          Tổ chức giao lưu, hội diễn..........

Lưu ý: Đối với cơ sở xã, phường, thị trấn là đơn vị hành chính ở địa phương cần tập trung vào các lĩnh vực sau:

          - Kế hoạch tổ chức các hoạt động Văn hoá, Thể thao, Du lịch phục vụ nhiệm vụ chính trị ở địa phương.

          + Nâng cao mức hưởng thụ văn hoá, tinh thần cho nhân dân thông qua các hoạt động thực tế, phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương.

          + Đẩy mạnh các hình thức xã hội hoá trong tổ chức các hoạt động.

          + Tăng cường công tác phong trào " Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" và gắn kết chặt chẽ với Cuộc vận động " Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại".

          + Kế hoạch gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá dân tộc. Ví dụ như: Lễ hội truyền thống, nghề truyền thống, trang phục truyền thống, các điệu hát dân gian, nhạc cụ truyền thống.....

          c. Thời gian thực hiện kế hoạch:

          ( Ghi cụ thể thời gian thực hiện, từng nội dung cụ thể)

          d. Tài chính đảm bảo:

          - Dự trù kinh phí: Ghi rõ mỗi nội dung cần bao nhiêu kinh phí. Trong đó lưu ý: Căn cứ để dự trù kinh phí.

          - Nguồn kinh phí:

          + Xin được cấp từ Phòng Văn hoá và Thông tin.

          + Từ ngân sách xã

          + Từ sự đóng góp, hỗ trợ của các tổ chức xã hội, của nhân dân.

          e. Kế hoạch tổ chức thực hiện:

          Ghi rõ thời gian đối tượng thực hiện, phương pháp triển khai.

          Bước 3: Trình Uỷ ban nhân dân bản dự thảo kế hoạch đã hoàn thành để xin ý kiến.

          Sau khi kế hoạch dự thảo được phê duyệt thì được coi là kế hoạch chính thức và tiến hành tổ chức thực hiện

          Lưu ý: Kế họach mang tính quản lý Nhà nước phải do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã ký tên và đóng dấu theo  thẩm quyền.

          Cần phân biệt kế hoạch quản lý Nhà nước và kế hoạch triển khai hoạt động của các cá nhân, các bộ phận là loại kế hoạch cụ thể hoá kế hoạch quản lý Nhà nước thì không nhất thiết phải trình duyệt và đóng dấu Uỷ ban nhân dân xã.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN KẾ HOẠCH

          Thực hiện kế hoạch:

          Cán bộ văn hoá xã tham mưu với cấp uỷ, chính quyền đề ra cơ chế phối hợp giữa cán bộ văn hoá xã với các tổ chức như Mặt trận tổ quốc, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội nông dân, Hội cựu chiến binh, trưởng thôn, già làng, trưởng bản làm tốt công tác tuyên truyền và triển khai kế hoạch.

          Nội dung phối hợp

          -  Phối hợp với các tổ chức đoàn thể ( Mặt trận tổ quốc xã, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội nông dân, Hội cựu chiến binh, trưởng thôn, già làng, trưởng bản) thực hiện phong trào" Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá"; " Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại".

          Ban chỉ đạo ở cấp xã do đồng chí đại diện Lãnh đạo Uỷ ban nhân dân xã ( Thường là Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã) làm trưởng ban, đại diện Ban văn hoá xã hội làm phó trưởng ban thường trực, đại diện Mặt trận tổ quốc làm phó ban, đại diện các ngành, đoàn thể làm uỷ viên. Mục tiêu phối hợp là để xây dựng gia đình văn hoá, làng, bản, thôn văn hoá, cơ quan, trường học, đơn vị văn hoá, thực hiện nếp sống văn hoá trong việc cưới, việc tang, lễ hội...

          Phối hợp ngành Tư pháp để tổ chức và phát huy tủ sách giáo dục pháp luật, phối hợp với các ngành Bưu điện để phát huy các điểm Bưu điện văn hoá xã; phối hợp với các ngành phát thanh- truyền hình để phá huy tác dụng của các trạm đài phát thanh cơ sở, các địa bàn phủ sóng để làm tốt công tác tuyên truyền cổ động.      Phối hợp với các lực luợng vũ trang đóng trên địa bàn như quân đội, bộ đội biên phòng... trong lĩnh vực văn hoá, thể thao giúp đỡ, phối hợp về an ninh, quốc phòng...

          Những gợi ý về nội dung hoạt động

          Trong tháng 1, 2 hàng năm cần phối hợp với tất cả các lực lưọng sẵn có trên địa bàn để tổ chức các hoạt động Mừng Đảng - Mừng xuân.

          Trong tháng 3 cần phối hợp với các đoàn thể phụ nữ, thanh niên để tổ chức các hoạt động kỷ nỉệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8- 3 và ngày thành lâp Đoàn 26-3; phối hợp với bộ đội biên phòng tổ chức các hoạt động văn hoá thông tin và kỷ niệm Ngày biên phòng toàn dân 3-3 hàng năm.

          Trong tháng 4,5 cần phối hợp với Hội cựu chiến binh, cơ quan quân sự địa phương tổ chức các hoạt động kỷ niệm Giải phóng miền Nam 30-4, chiến thắng Điện Biên Phủ 7-5,  kỷ niệm ngày sinh nhật Bác 19-5...

          Trong tháng 6, 7 phối hợp với các Đoàn thanh niên, Ban dân số gia đình trẻ em, ngành Giáo dục đào tạo tổ chức các hoạt động hè, Quốc tế thiếu nhi 1-6, phòng chống ma tuý 26-6, ngày Gia đình Việt Nam 28/6...

          Trong tháng 8, 9 phối hợp các lực lượng tổ chức các hoạt động chào mừng Cách mạng Tháng 8, Quốc khánh 2-9, Ngày hội đưa con em đến trường.

          Tháng 11, 12 phối hợp với ngành Giáo dục đào tạo tổ chức hoạt động chào mừng Ngày nhà giáo Việt Nam. Phối hợp với Hội cựu chiến binh và xã đội tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Ngày quốc phòng toàn dân 22-12.

          Ngoài các hoạt động có tính định kì như trên cần có các hoạt động phối hợp tổ chức ngày hội văn hoá- thể thao dân tộc địa phương, cơ sở; Hội thi nghề, làng nghề, Làng vui chơi làng ca hát; Hội khoẻ Phù Đổng, các hoạt động truyền thông, khuyến nông, khuyến lâm, kế hoạch hóa gia đình, phòng chống sốt rét, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, phồng chống tệ nạn xã hội...

          Các hoạt động văn hoá, thể thao cấp xã cần thiết phải được lồng ghép nhiều chương trình, huy động nhiều lực lượng tham gia và đóng góp từ nhiều nguồn kinh phí. Việc phối hợp với các ngành, đoàn thể là cần thiết, đồng thời phải chú trọng kết hợp với địa phương bạn để tổ chức các hoạt động cho phù hợp, có sức thu hút đồng bào tham gia hoạt động và hưởng thụ. việc phối hợp này phải xuất phát từ hiệu quả tuyên truyền đường lối, chủ trương chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước với nhiệm vụ chính trị là chủ yếu.Việc phối hợp các lực lượng để có thêm nguồn lực hoạt động văn hoá, thể thao là rất cần thiết nhưng không để các vấn đề lợi ích kinh tế lấn lướt nội dung hoạt động văn hoá, thể thao chủ yếu của cơ sở.

          Để làm tốt công tác tổ chức phối hợp các lực lượng tham gia hoạt động văn hoá, thể thao người cán bộ văn hoá ở cơ sở phải biết người biết việc, nắm vững địa bàn, có mối quan hệ rộng rãi, phải cân đối hài hoà các nội dung chương trình hoạt động cho phù hợp với yêu cầu của nhân dân, với khả năng tổ chức, huy động các nguồn lực tại chỗ.

GỢI Ý VỀ MỘT LOẠI KẾ HOẠCH

 

 

UBND HUYỆN.............         CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

UBND XÃ....................                            Độc lập- Tự do- Hạnh phúc

Số......../KH- VH                                  Địa danh, ngày..... tháng.... năm....

 

KẾ HOẠCH

Hoạt động văn hoá, thể thao năm.......

 

Khái quát tình hình

Những khó khăn, thuận lợi

Những căn cứ để xây dựng kế hoạch

Mục tiêu của kế hoạch:

Nêu mục tiêu khái quát về các hoạt động văn hoá, thể thao trong năm( trong  tổng thể kế hoạch của xã)

Nội dung kế hoạch:

1......................................................................................................................

2......................................................................................................................

3......................................................................................................................

Ghi rõ kế hoạch về các hoạt động ( ví dụ về xây dựng thiết chế văn hoá, xây dựng gia đình văn hoá, thôn văn hoá...), mục tiêu cần đạt ( chỉ tiêu, số lượng, %...)

Tổ chức thực hiện

Ghi rõ thời gian, sự phối hợp, biện pháp thực hiện

Tài chính đảm bảo

Xin hỗ trợ từ nguồn kinh phí cấp trên

Ngân sách xã

Nhân dân đóng góp

 

Nơi nhận:                                                                                      TM.UBND XÃ

- HĐND xã ( để báo cáo);                                                           CHỦ TỊCH

- Cán bộ phụ trách văn hoá xã;                                                ( Ký, ghi rõ họ tên)

- Các bản trong xã;

- Các đoàn thể trong xã;

- Lưu VT UB.

 

IV. TỔ CHỨC KIỂM TRA VIỆC THỰC HIỆN KẾ HOẠCH

 

          - Cán bộ văn hoá có trách nhiệm đôn đốc việc thực hiện kế hoạch định kỳ hoặc đột xuất báo cáo với Uỷ ban nhân dân về việc thực hiện kế hoạch, thành lập tổ kiểm tra, đề xuất khen thưởng, phê bình, tổng kết rút kinh nghiệm... Trong những trường hợp cụ thể khi hoạt động không đạt được kế hoạch vì những lí do đột xuất, cán bộ làm công tác văn hoá phải xin ý kiến và tham mưu với Uỷ ban nhân dân để có biện pháp kịp thời giúp việc tổ chức thực hiện kế hoạch đạt mục tiêu đã đề ra.

          - Cán bộ văn hoá phải thực hiện tốt chế độ báo cáo: Đây là việc làm hết sức quan trọng và cần thiết, thực tế hiện nay công tác này thường không được quan tâm đúng mức cả về khách quan và chủ quan.

          Thông qua chế độ báo cáo chúng ta vừa chủ động nắm bắt được thực tế tổ chức hoạt động của mình, có sự điều chỉnh, bổ sung kịp thời vừa giúp các cấp có thẩm quyền theo sát được thực tế của địa phương, đánh giá đúng thực tế để nắm bắt tình hình và hỗ  trợ, chỉ đạo kịp thời, hướng dẫn cụ thể từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức thực hiện.

          Khi báo cáo cần gửi tới Lãnh đạo, các đoàn thể xã , phường, thị trấn và Phòng Văn hoá và Thông tin huyện.

          Chế độ báo cáo thực hiện theo tháng, quý, năm và đột xuất theo yêu cầu.

          Hình thức báo cáo: Trực tiếp hoặc bằng văn bản. Thực tế cho thấy hiệu quả nhất là bằng văn bản.

 

          Sau đây là một mẫu biểu về kế hoạch hoạt động và mẫu biểu báo cáo về số liệu hoạt động:

 

 

Đơn vị lập kế hoạch.......................

Thời gian lập kế hoạch..................

 

KẾ HOẠCH

HOẠT ĐỘNG VĂN HOÁ, THỂ THAO VÀ DU LỊCH NĂM ...

TT

Chỉ tiêu

ĐV tính

Thực hiện năm trước

Kế hoạch năm

Ghi chú

I

Hoạt động văn hoá cơ sở

 

 

 

 

1

Số đội VNQC

Đội

 

 

 

 

- Số buổi biểu diễn

Buổi

 

 

 

 

- Số lượt người xem

Lượt người

 

 

 

 

- Số tiết mục mới

Tiết mục

 

 

 

2

Số buổi tuyên truyền cổ động

Buổi

 

 

 

3

Số nhà văn hoá

Nhà

 

 

 

 

- Nhà văn hoá xã( phường, thị trấn)

Nhà

 

 

 

 

- Nhà văn hoá bản ( tổ, tiểu khu)

Nhà

 

 

 

 

- Số buổi hoạt động

Buổi

 

 

 

4

Số thư viện

 

 

 

 

 

- Thư viện xã( phường, thị trấn)

Thư viện

 

 

 

 

- Thư viện bản( tiểu khu)

Thư viện

 

 

 

 

- Số sách, báo, tạp chí có trong thư viện

Cuốn

 

 

 

 

- Số sách, báo, tạp chí bổ sung trong kỳ báo cáo

Cuốn

 

 

 

 

- Số lượt người đến thư viện

Lượt người

 

 

 

 

- Số thẻ bạn đọc cấp mới

Thẻ

 

 

 

5

Sổ điểm bưu điện văn hoá xã

Điểm

 

 

 

6

Số gia đình văn hoá

Gia đình

 

 

 

7

Số bản ( tổ, tiểu khu) văn hoá

Bản( tổ)

 

 

 

.....

........

.........

........

..........

........

II

Hoạt động thể thao

 

 

 

 

1

Tổ chức giải Cầu lông thanh thiếu niên

Giải

..........

..........

..........

....

....................

 

 

 

 

.....

........

.........

........

..........

........

 

  Ngưòi lập biểu                                   TM. UBND XÃ PHƯỜNG, THỊ TRẤN)

( Ký, ghi rõ họ tên)                                                     ( Ký, ghi rõ họ tên)

 

 

 

 

Đơn vị báo cáo.......................

Đơn vị nhận báo cáo..............

Thời gian báo cáo..................

BÁO CÁO THỰC HIỆN

HOẠT ĐỘNG VĂN HOÁ, THỂ THAO VÀ DU LỊCH

 

STT

Chỉ tiêu

ĐV tính

Kế hoạch năm

Thực hiện kỳ báo cáo

Đạt % so với kế hoạch

Ghi chú

I

Hoạt động văn hoá cơ sở

 

 

 

 

 

1

Số đội VNQC

Đội

 

 

 

 

 

- Số buổi biểu diễn

Buổi

 

 

 

 

 

- Số lượt người xem

Lượt người

 

 

 

 

 

- Số tiết mục mới

Tiết mục

 

 

 

 

2

Số buổi tuyên truyền cổ động

Buổi

 

 

 

 

3

Số nhà văn hoá

Nhà

 

 

 

 

 

- Nhà văn hoá xã( phường, thị trấn)

Nhà

 

 

 

 

 

- Nhà văn hoá bản ( tổ, tiểu khu)

Nhà

 

 

 

 

 

- Số buổi hoạt động

Buổi

 

 

 

 

4

Số thư viện

 

 

 

 

 

 

- Thư viện xã( phường, thị trấn)

Thư viện

 

 

 

 

 

- Thư viện bản( tiểu khu)

Thư viện

 

 

 

 

 

- Số sách, báo, tạp chí có trong thư viện

Cuốn

 

 

 

 

 

- Số sách, báo, tạp chí bổ sung trong kỳ báo cáo

Cuốn

 

 

 

 

 

- Số lượt người đến thư viện

Lượt người

 

 

 

 

 

- Số thẻ bạn đọc cấp mới

Thẻ

 

 

 

 

5

Sổ điểm bưu điện văn hoá xã

Điểm

 

 

 

 

6

Số gia đình văn hoá

Gia đình

 

 

 

 

7

Số bản ( tổ, tiểu khu) văn hoá

Bản( tổ)

 

 

 

 

.....

........

.........

........

..........

........

.......

II

Hoạt động thể thao.

 

 

 

 

 

.....

........

.........

........

..........

........

.......

  Ngưòi lập biểu                                   TM. UBND XÃ PHƯỜNG, THỊ TRẤN)

( Ký, ghi rõ họ tên)                                                     ( Ký, ghi rõ họ tên)

 

          Trên đây là một số nét khái quát về công tác lập kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch tổ chức hoạt động văn hoá, thể thao ở cơ sở. Mong các đồng chí vận dụng và phát triển, tổ chức thực hiện phù hợp ở địa phương để hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch của các đồng chí ở địa phương ngày càng được duy trì và phát triển;  nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần của nhân dân góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng ở địa phương./.

Câu hỏi thảo luận

1.Kế hoạch công tác văn hoá, thể thao ở cơ sở là gì?

  1. Tại sao cán bộ văn hoá ở cơ sở phải xây dựng kế hoạch hoạt động văn hoá, thể thao?
  2. Trình bày các bước tiến hành xây dựng kế hoạch và nội dung chủ yếu của một kế hoạch hoạt động văn hoá, thể thao cơ sở?
  3. Xây dựng một kế hoạch công tác văn hoá, thể thao của đơn vị do mình phụ trách

Tài liệu tham khảo

1.Những vấn đề cốt lõi của khoa học quản lí- NXB Khoa học và kĩ thuật, Hà Nội 1994.

  1. Một số vấn đề cốt lõi của khoa học quản lí- NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội 2000.
  2. Tập bài giảng về khoa học quản lí- Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
  3. Giáo trình quản lí Nhà nước- Tập 4- Học viện hành chính quốc gia.Hà Nội 1994.

5. Các báo cáo, kế hoạch của một số đơn vị văn hoá, thể thao cơ sở vùng miền núi phía Bắc hàng năm.

Trần Ngọc Quang

 

 

 

 

1 2 3 4 5  ...