Trước xu thế hội nhập toàn cầu cũng như sự bùng nổ của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã và đang tích cực đổi mới, nỗ lực đưa ứng dụng công nghệ số vào hoạt động chuyên môn, góp phần gia tăng trải nghiệm cho khách tham quan, đưa di sản nghệ thuật đến gần hơn với công chúng.
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức "Không gian triển lãm mỹ thuật trực tuyến" (Virtual Art Exhibition Space - VAES).
Triển lãm số đưa nghệ thuật đến công chúng
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vừa chính thức ra mắt không gian triển lãm mỹ thuật trực tuyến (Virtual Art Exhibition Space - VAES) với mong muốn đưa các tác phẩm nghệ thuật đến với công chúng.
Không gian triển lãm mỹ thuật trực tuyến được xây dựng với hai hạng mục lớn gồm: Kiến trúc tòa hình hoa sen cách điệu từ hoa sen trong mỹ thuật cổ, mô phỏng không gian vật lý sang trọng, bề thế, giàu tính nghệ thuật và hạng mục các không gian triển lãm số bên trong, được xây dựng với lộ trình và thiết kế phù hợp với từng nội dung trưng bày. Không gian số này được dựng 3D mô phỏng không gian thực tế. Ở đó, người nghệ sỹ có thể tìm cho mình cách trưng bày các tác phẩm phù hợp với nhu cầu, tính sáng tạo. Du khách tiếp cận với các triển lãm và tác phẩm nghệ thuật ở mọi lúc, mọi nơi trên thế giới chỉ với thiết bị kết nối internet.
Theo Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh, việc xây dựng nội dung, vận hành thử nghiệm không gian triển lãm mỹ thuật trực tuyến là bước đi đầu tiên, mạnh mẽ, sáng tạo của Bảo tàng, để giới thiệu và phát huy giá trị di sản mỹ thuật, sức sống mới của nền mỹ thuật nước nhà đến với đông đảo công chúng trên toàn cầu. Với mong muốn xóa đi giới hạn về khoảng cách, kết nối không gian, triển lãm mỹ thuật trực tuyến còn chia sẻ thông tin về các tác phẩm nghệ thuật giá trị của Việt Nam đang được lưu giữ tại các bảo tàng mỹ thuật và sức sáng tạo không ngừng nghỉ của đội ngũ họa sỹ đương đại.
Hoạ sỹ Trần Thanh Bình,Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc tổ chức triển lãm trực tuyến của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam có ý nghĩa lớn trong tiếp cận hoạt động mới trong thời đại 4.0. Triển lãm số cho phép bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tiếp cận một lượng lớn người xem trên khắp thế giới. Điều này giúp tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận và khám phá nghệ thuật, văn hóa của Việt Nam, giúp mọi người hiểu rõ hơn về di sản Việt Nam.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Nghĩa Phương, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ, phát triển hình thức bảo tàng trưng bày các tác phẩm nghệ thuật trực tuyến mang lại giá trị về mặt quảng bá truyền thông, trong đó khán giả và nhà nghiên cứu ở khắp thế giới có thể tiếp cận tác phẩm, xem xét, nghiên cứu tìm hiểu về mỹ thuật của một đất nước.
Họa sỹ Đặng Việt Cường bày tỏ, đây là cách làm sáng tạo, kịp thời, thiết thực giúp cho họa sỹ, tác phẩm nghệ thuật có thêm không gian mới, đời sống mới nhằm lưu giữ, quảng bá các giá trị nghệ thuật đến với công chúng yêu nghệ thuật trong nước và quốc tế.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lauren Meeker, Đại học bang New York SUNY (Hoa Kỳ) cho rằng, không gian triển lãm trực tuyến mới của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tạo thêm cơ hội cho công chúng quốc tế tìm hiểu nghệ thuật, văn hóa Việt Nam. Bởi nền tảng triển lãm trực tuyến này cung cấp sẵn và lâu dài các thông tin hình ảnh về tác phẩm mỹ thuật, là tư liệu quý giá cho việc giảng dạy của ông. Việc sử dụng cũng khá đơn giản và dễ hiểu đối với học sinh, giáo viên và công chúng nói chung…
Không ngừng đổi mới, sáng tạo
Du khách tham quan, tìm hiểu về các tác phẩm tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam
Trước đó, tháng 4/2021, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã ra mắt ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA. Đây là ứng dụng gồm âm thanh, văn bản và hình ảnh chất lượng cao, trợ giúp du khách tham quan trực tuyến và trực tiếp tại Bảo tàng. Với 8 ngôn ngữ phổ biến gồm: Việt, Anh, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Tây Ban Nha, iMuseum VFA cung cấp những bài thuyết minh cô đọng về 165 hiện vật tiêu biểu, giúp công chúng trong nước và quốc tế tiếp cận thông tin tương đối đầy đủ về các tác phẩm mỹ thuật Việt. Đặc biệt, ứng dụng hỗ trợ trên cả hai hệ điều hành Android và iOS. Do đó, mọi người ở bất kỳ đâu cũng đều dễ dàng sử dụng. Công nghệ định vị iBeacon của ứng dụng giúp du khách khi tham quan trực tiếp có thể biết được những khu vực trưng bày đã, đang và chưa đi qua, tìm kiếm vị trí của hiện vật muốn xem trên tổng thể sơ đồ tham quan.
Theo ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, iMuseum VFA thực sự sở hữu những tính năng vượt trội, đáp ứng nhu cầu thực tế của du khách. Chính vì vậy, lượng bán vé của iMuseum VFA đều đặn duy trì tương ứng 10% trên tổng số vé tham quan. Đơn vị vinh dự được trao giải thưởng "Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc" của Bộ Thông tin, Truyền thông năm 2021.
Khi dịch COVID-19 bùng phát, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam có sáng kiến tổ chức triển lãm trực tuyến với hai hình thức là không gian triển lãm 3D của hệ thống trưng bày thường xuyên và triển lãm ảo về "Tranh sơn mài Việt Nam". Việc này đã cung cấp một phương thức trải nghiệm, tham quan mới ngay tại nhà, góp phần tạo thêm hoạt động giải trí, học tập cho người dân, giúp duy trì liên tục sự gắn kết với công chúng, lan tỏa hình ảnh của Bảo tàng tới rộng khắp công chúng trong và ngoài nước. Những nền tảng triển lãm số này còn là kho lưu trữ, nguồn tư liệu mỹ thuật quý phục vụ cho công tác nghiên cứu trong tương lai. Chính vì thế, lượng truy cập các triển lãm trực tuyến trên vẫn duy trì đều đặn từ khi ra mắt đến nay. Như triển lãm ảo "Tranh sơn mài Việt Nam" hiện đã đạt hơn 45.000 lượt truy cập và vẫn còn tiếp tục tăng…
Bên cạnh đó, Bảo tàng mạnh dạn đổi mới cách thức truyền thông quảng bá thông qua việc tích cực tận dụng các nền tảng mạng xã hội như sử dụng trang web tại địa chỉ vnfam.vn, fanpage của Bảo tàng… Nhờ đó, giai đoạn 2021-2023 đã có sự thay đổi rõ rệt về khách tham quan, lượng người trẻ đến đây ngày càng đông, chiếm khoảng 40% tổng lượng khách tham quan. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã và đang tích cực đổi mới, chuyển mình, thể hiện rõ nét qua việc ứng dụng công nghệ trong các hoạt động chuyên môn.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Minh cho rằng, bài toán đổi mới trong bối cảnh hiện nay không thể chỉ do các đơn vị văn hóa nhà nước thực hiện đơn độc mà cần sự tham gia của toàn xã hội. Đó là những chính sách ban hành cập nhật kịp thời với sự phát triển của công nghệ và nhu cầu hợp tác, sự hỗ trợ công nghệ, nhân lực kỹ thuật cũng như tài chính từ các đối tác công nghệ, song song với đó là tính tích cực và chủ động của các đơn vị bảo tàng trong nỗ lực chuyển đổi số để chuyển mình. Trong đó, cơ chế phối hợp các bên cần đảm bảo tuân thủ pháp luật, hài hòa cả về mặt lợi ích lẫn trách nhiệm.
Ông Nguyễn Anh Minh chia sẻ kinh nghiệm, trong giai đoạn đầu đặt nền móng cho ứng dụng iMuseum VFA, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam gặp không ít khó khăn, vướng mắc trong việc lựa chọn đối tác phù hợp, gắn bó lâu dài, cũng như xác định cơ chế hợp tác, bởi thời điểm đó chưa có quy định cụ thể về hợp tác công - tư, cũng như cơ chế khuyến khích các cá nhân, đơn vị phối hợp đầu tư với bảo tàng thực hiện nhiệm vụ ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực di sản văn hóa. Mô hình hợp tác “win - win” giữa Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam với Công ty Cổ phần phần mềm ứng dụng di động Việt Nam VINMAS là chưa từng có tiền lệ, được xây dựng hoàn toàn trên cơ sở bình đẳng đôi bên cùng có lợi. Trong đó, Bảo tàng và đối tác cùng đồng hành thực hiện dự án từ những bước đi đầu tiên, từ xây dựng đề án, phê duyệt đến triển khai thực hiện. Với nguồn kinh phí đầu tư của đối tác, Bảo tàng xây dựng nội dung, đối tác xây dựng nền tảng công nghệ; Bảo tàng cung cấp địa điểm, đối tác lo nhân sự thực hiện dịch vụ; Bảo tàng và đối tác cùng truyền thông, quảng bá cho sản phẩm… Điều quan trọng là đôi bên cùng chia sẻ lợi ích thu được.
“Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sẽ tiếp tục cải thiện chất lượng và nghiên cứu để tạo ra nhiều sản phẩm mới, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của công chúng cũng như phát huy tối đa giá trị di sản nghệ thuật mà Bảo tàng đang nắm giữ”, ông Nguyễn Anh Minh khẳng định.