Chuyển đổi số theo hướng thực chất, bền vững
Lượt xem: 31
Năm 2023, là “Năm dữ liệu quốc gia” với phương châm “Khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới” và cũng là “Năm chuyển đổi số” của tỉnh Sơn La nhằm thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển chính quyền số để thúc đẩy kinh tế số, xã hội số.

Tại hội nghị “Hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2023” đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh, nhấn mạnh: Đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng mang lại kết quả thực chất, bền vững; ưu tiên nguồn lực để đạt được các chỉ tiêu quan trọng thuộc chương trình, chiến lược quốc gia về phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

anh tin bai

Trung tâm điều hành thông minh (IOC) Thành phố.

Hạ tầng số đã triển khai mạng di động 4G đến tất cả các khu vực trên địa bàn. Hoàn thành phát triển 100% xã có hạ tầng băng rộng cáp quang, phổ cập mạng thông tin di động 4G đến 100% xã; tỷ lệ bản được phủ sóng băng rộng di động 4G đạt 98,50%, tỷ lệ dân số được phủ sóng 4G đạt 94,86%; tỷ lệ số thuê bao sử dụng dịch vụ di động có điện thoại thông minh khoảng 59,64%; tỷ lệ hộ gia đình có thuê bao cáp quang đạt 39,05%; tỷ lệ người sử dụng Internet toàn tỉnh ước đạt 46,34%.

Ông Phạm Quốc Chinh, Phó Giám sốc Sở Thông tin và Truyền thông, cho biết: Đến nay, các cơ sở dữ liệu về dân cư, doanh nghiệp, tài chính, bảo hiểm xã hội, đất đai, liên thông tài nguyên và môi trường - thuế, tư pháp, văn hóa, du lịch, thông tin và truyền thông,… được kết nối, chia sẻ từ hệ thống của các Bộ, ngành với các hệ thống thông tin của tỉnh. Đồng thời, triển khai các nền tảng số dùng chung của tỉnh, gồm nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh; trung tâm giám sát điều hành thông minh IOC; hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính; CSDL quốc gia về dân cư, đất đai, đăng ký doanh nghiệp, nền tảng học trực tuyến mở đại trà...

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hiện nay, các thủ tục hành chính từ cấp tỉnh, cấp xã được kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Cổng dịch vụ công tỉnh đã kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng dịch vụ công quốc gia; liên thông, đồng bộ cả 3 cấp từ tỉnh đến huyện, xã. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 69,46%; tích hợp được 500 dịch vụ công trực tuyến của tỉnh trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Có 38 sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể của tỉnh và 3 cơ quan ngành dọc (Cục Thuế tỉnh, Cục Thống kê tỉnh, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Sơn La) tham gia xây dựng chỉ tiêu báo cáo và cung cấp dữ liệu phục vụ cho công tác quản lý điều hành của ngành và công tác tổng hợp báo cáo tình hình, công tác giám sát, điều hành kinh tế - xã hội của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh trên Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Sơn La (IOC). Đồng thời, xây dựng và triển khai các đề án thí điểm về: Đô thị thông minh tại Thành phố và huyện Mộc Châu; giáo dục và y tế thông minh. Các xã, phường, thị trấn đã được kết nối mạng internet phục vụ hệ thống hội nghị trực tuyến 3 cấp, góp phần giải quyết công việc nhanh, tiện lợi và hiệu quả.

Tại thành phố Sơn La đưa vào hoạt động Trung tâm điều hành thông minh (IOC) với 8 nhóm hệ thống dữ liệu và trên 4 trụ cột (hạ tầng số, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số); triển khai đồng bộ mô hình “Phòng họp không giấy” tại Thành ủy, HĐND và UBND Thành phố; lắp đặt hệ thống wifi công cộng miễn phí tại 23 trường học; khai thác, sử dụng hệ thống wifi công cộng tốc độ cao miễn phí tại khu vực Quảng trường Tây Bắc...

Bà Lương Thị Như Hoa, Giám đốc Sở Nội vụ, thông tin: Toàn tỉnh đã hoàn thành 100% số tài khoản của cán bộ, công chức, viên chức đã đồng bộ lên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia. Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, tỉnh Sơn La xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố về tiến độ cập nhật dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức.

Từ năm 2022, tỉnh ta đã triển khai đưa các sản phẩm của tỉnh ra thị trường quốc tế trên môi trường trực tuyến, thông qua các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm trên sàn thương mại điện tử như Alibaba.com, EC21.com, Agrimp.com. Năng lực ứng dụng về thương mại điện tử của các doanh nghiệp, hợp tác xã, người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh được nâng lên rõ rệt, góp phần đa dạng hóa các kênh kết nối tiêu thụ hàng hóa, tạo được môi trường kinh doanh trực tuyến lành mạnh, thuận lợi, từng bước đưa hoạt động thương mại điện tử của tỉnh hội nhập với trong nước và quốc tế.

Xuân mới Giáp Thìn, với quyết tâm cao, các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, xã hội số, kinh tế số, góp phần đưa tỉnh Sơn La hội nhập, phát triển xanh, nhanh và bền vững.

Tác giả: Theo Báo Sơn La