Ký sự vùng cao Bắc Yên: Kỳ 2: Khám phá Đồi Pơ mu
Lượt xem: 433
Rời bản Háng Ba La, mất chừng 20 phút vừa đi vừa ngắm cảnh, tôi đã có mặt ở bản Chống Tra, xã Háng Đồng (tiếng phổ thông dịch là Đồi Pơ mu). Đây chính là địa danh du lịch khám phá, thu hút hàng nghìn khách du lịch mỗi năm; nổi tiếng trong thời kỳ chống Pháp cùng nhiều câu chuyện đầy tính huyễn hoặc gắn với sự hình thành và phát triển của Chống Tra... Để khám phá Đồi Pơ mu, hôm sau, tôi được anh Mùa Nhè Di, một trong những người con Háng Đồng nhận lời làm “hoa tiêu”.


Thung lũng khu vực bản Chống Tra được tô điểm bằng biển mây trong ánh bình minh.

Tối hôm đó, tá túc nhà anh Mùa Nhè Di, được thưởng thức cơm nấu từ gạo tẻ dâu, một loại lúa nương khi nấu cơm vừa dẻo vừa thơm, hạt bóng dài như hình con nhộng. Tuy nhiên, loại gạo này giờ rất hiếm, vì năng suất thấp nên đa phần bà con chuyển sang làm lúa nước với giống mới, năng suất cao. Đây là tín hiệu mừng trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở vùng cao, nhưng nếu có sự đầu tư nghiên cứu của các kỹ sư nông nghiệp trong việc lai tạo giống mới, mà vẫn giữ được độ dẻo cùng hương vị của tẻ dâu thì thật quý... Trong mâm cơm của người vùng cao, có một món không bao giờ thiếu đó là măng ớt (tiếng Mông gọi là “Dua Hó Cho”). Đây là loại măng chỉ mọc trên vùng cao, mùa thu hoạch từ cuối tháng 9 đến hết tháng 10, măng to nhất chỉ bằng ngón tay cái. Đây là món ăn quanh năm của đồng bào, gia vị không thể thiếu để làm nên món ăn vừa cay vừa mặn này là ớt và muối trắng..., Món ăn này giúp kích thích vị giác, khi ăn vào làm cơ thể nóng bừng lên, chống được cái lạnh. Chả thế mà, nhà nào trên vùng cao này cũng có vài thùng nhựa loại 50 lít ngâm măng ớt...

6 giờ 10 phút, khi còn đang ngon giấc, tiếng trống thể dục buổi sáng của giáo viên và học sinh nơi đây đã đánh thức tôi. Đẩy cửa bước ra ngoài, cảm nhận rõ cái lạnh với những đợt gió ùa vào. Trước mặt, ánh bình minh phía Đông, giáp với huyện Trạm Tấu (Yên Bái) ửng hồng trong làn mây dày đặc. Nhưng, theo kinh nghiệm của đồng bào nơi đây, thì phải 2 tiếng nữa mới thấy mặt trời. Đúng lúc này, “hoa tiêu” của tôi có mặt để chuẩn bị hành trình khám phá Đồi Pơ mu. Chỉ tay về phía ánh bình minh đang cố thoát ra khỏi những đám mây kéo dài một góc trời, anh Mùa Nhè Di khẳng định: Mây như vậy thì hôm nay không có cảnh đẹp, sẽ có mưa. Mây phải ở dưới lưng chừng núi và giờ này đã thấy mặt trời thì mới hình thành được “biển mây”... Nói là vậy, nhưng chúng tôi vẫn chuẩn bị một số thứ cần thiết cho hành trình khám phá Đồi Pơ mu.

Đến bản Chống Tra, mới khám phá được 1/2 chặng đường Đồi Pơ mu thì đúng như lời anh Di, trời đổ mưa. Chúng tôi vội vã quay xe vì nếu chậm chễ thì sẽ không thể ra được bởi đường trơn... Sau một hồi khó khăn và thoát đoạn đường trơn, chúng tôi ghé thăm ông Thào A Nhìa, một trong những người được coi là “cây cổ thụ” của bản. Khá bất ngờ khi gặp ông, một người 84 tuổi nhưng vẫn rất tráng kiệt, giọng nói sang sảng và nghe kể, hằng ngày ông vẫn lên nương. Và người đầu tiên đặt chân, khai phá vùng Chống Tra này, không ai khác là ông nội của ông Nhìa...

Bên bếp lửa hồng được nhóm lên để xua cái lạnh, với sự trợ giúp của “phiên dịch viên” Mùa Nhè Di, ông Thào A Nhìa, kể: Ngày xưa vùng đất này bạt ngàn pơ mu, trong đó, có một quả đồi rất nhiều pơ mu cổ thụ cao 20m trở lên, chu vi mỗi gốc to 3 đến 4 người ôm. Quả đồi này có hình con rồng, được coi như linh hồn của những cánh rừng pơ mu trong vùng. Những lúc mệt, người qua đường thường dừng chân nghỉ dưới những cây pơ mu sù sì hàng trăm năm tuổi. Người vùng cao thường dùng loại gỗ này làm nhà và hình ảnh rất đặc trưng nơi đây là những ngôi nhà với 100% chất liệu từ pơ mu. Đồi Pơ mu cũng từng là chỗ trú ngụ của nhiều loài thú rừng, trong đó nhiều nhất là những đàn trâu rừng... Qua câu chuyện với ông Nhìa, được biết: Hiện, bản Chống Tra có 64 hộ, với 444 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Mông; bản không còn đói giáp hạt, không tái trồng cây thuốc phiện, di dịch cư tự do và phá rừng làm nương... Thay vào đó, là những mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm và khai hoang ruộng nước do tỉnh đầu tư, giúp đồng bào dần ổn định cuộc sống.

Ở vùng cao Háng Đồng nói chung, bản Chống Tra nói riêng, khi nhắc tới Đồi Pơ mu, ai cũng biết câu chuyện về đồi thiêng Chống Tra có hình dáng một con rồng gắn với câu chuyện thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Chuyện kể rằng, khi Pháp đánh chiếm đến vùng Mông Tở - vùng cứng (là Phù Yên ngày nay) đã không vượt qua được phòng tuyến của ta. Sau nhiều lần đánh chiếm bất thành, chúng tìm hiểu nguyên nhân thì được các thầy phong thủy nói rằng: Phải lên Chống Tra để cắt đi sự liên kết giữa dãy núi thiêng với vùng Mông Tở, vì ở đó có rồng thiêng bảo vệ... Sau nhiều ngày dùng máy dò, xác định đúng vị trí, chúng đã xẻ một đường cắt ngang Đồi Pơ mu và dùng đồng đỏ chèn vào giữa... Mặc dù vậy, nhưng tinh thần đấu tranh của đồng bào vùng cao Bắc Yên chống lại sự cai trị của thực dân Pháp và tay sai vẫn rất kiên cường, không chịu khuất phục. Cũng chính tinh thần quật khởi đó đã góp phần cùng quân và dân Khu căn cứ kháng chiến 99 (thuộc các xã vùng cao Bắc Yên) đánh lui giặc Pháp, mang lại tự do cho nhân dân các dân tộc Bắc Yên và vùng Mông Tở. Hiện nay, trải qua thời gian, vết cắt đó vẫn còn với chiều rộng hơn 1m và sâu chừng 3m...!?

Trong câu chuyện kể của mình về thời điểm Chống Tra bạt ngàn Pơ mu, nhất là Pơ mu ở quả đồi thiêng luôn là “mái nhà” về đêm cho những đàn trâu rừng hàng trăm con, ông Thào A Nhìa tiếp lời: Cũng bởi ngày đó Đồi Pơ mu là nơi tụ tập của những đàn trâu rừng, nên người dân ở khu vực này thường lên đó săn trâu. Công cụ đi săn duy nhất chỉ là nỏ. Tuy nhiên, bí quyết để có thể dùng nỏ hạ những con trâu rừng nặng hàng tạ lại nằm ở đầu mũi tên cùng một số mẹo riêng của người đi săn. Không biết tiếng phổ thông gọi là gì, dân tộc tôi gọi là “Xùa Vu”, một loại cây thân gỗ, vỏ xanh, nhựa trắng. Nhựa cây này dùng để tẩm vào đầu mũi tên. Người ta còn truyền nhau một “bí quyết” đó là: khi thợ săn chặt cây mà thấy nhựa tứa ra thì phải nhẩy lên 3 lần, lần thứ 3 vờ nằm xuống gốc cây một lúc. Làm như vậy để khi trâu rừng bị dính tên chỉ đi 3 bước là ngã xuống, nếu không trâu sẽ đi xa mới chết…!?

Cùng những câu chuyện đầy kỳ thú, Đồi Pơ mu được khách du lịch đặt tên là “sống khủng long”, mặc dù theo quan điểm của đồng bào nơi đây, Đồi Pơ mu vẫn giống hình một chú rồng đang ngủ hơn... Cũng bởi nằm ở độ cao gần 2.000m so với mực nước biển, Đồi Pơ mu được coi là một trong những “nóc nhà” của Sơn La, có một lòng chảo rộng, bốn phía là những dãy núi dài trùng điệp quanh năm chìm trong biển mây. Do vậy, từ ngày con đường đất dài 20km vào xã được nhựa hóa, nơi đây đã thu hút hàng ngàn lượt khách du lịch mỗi năm đến khám phá vẻ đẹp núi rừng và được đánh giá là một “thiên đường” vùng cao đáng để đến, nơi săn mây lý tưởng và được dành cho cả những người ưa mạo hiểm khi chinh phục địa hình đa dạng trên “sống khủng long”, với hai bên là vực sâu hun hút, mọc bạt ngàn dương xỉ, cỏ tranh cùng các loài hoa dại... Đây cũng chính là tiềm năng để Bắc Yên quan tâm, khơi dậy đúng hướng và sớm được đưa vào quản lý tốt hơn, bởi với một lượng khách du lịch ngày càng đông đã phần nào ảnh hưởng tới môi trường khi một số khách du lịch có những hành động chưa đẹp với cảnh sắc nơi đây...

Rời nhà già bản Thào A Nhìa, chúng tôi ngược lại xã Háng Đồng khi mưa nặng hạt hơn. Nhìn từ xa, dãy núi thiêng “Chống Tra” thật hùng vĩ, chạy dài nhấp nhô với cảnh sắc hút hồn... Bất giác, hình ảnh về một chặng đường gian nan lên với bản Làng Sáng khiến tôi thấy sờn lòng. Bởi Làng Sáng là một trong những bản xa nhất của tỉnh nếu tính từ trung tâm xã. Muốn lên Làng Sáng chỉ có thể đi bộ... Tuy nhiên, khó khăn là vậy nhưng đồng bào nơi đây đã biết đoàn kết vươn lên trong cuộc sống và viết lên những câu chuyện “cổ tích” giữa đời thường... 

(Còn nữa)

Theo Báo Sơn La