Mùa vàng Ngọc Chiến
Lượt xem: 535
Cuối tháng 8, đầu tháng 9 dương lịch, du khách trong, ngoài tỉnh lại háo hức về xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, để được đắm mình trong sắc vàng, hương thơm của những cánh đồng lúa chín và tham dự Lễ hội mừng cơm mới đặc sắc của người dân nơi đây.

Cánh đồng bản Lướt mùa lúa chín.

Ngọc Chiến hiện có hơn 560 ha trồng lúa, tập trung chủ yếu cánh đồng bản Lướt, Mường Chiến, Nà Tâu, trong đó 2/3 diện tích là thâm canh giống lúa nếp tan đặc sản, sản lượng đạt khoảng 700 tấn/năm. Năm 2020, gạo nếp tan Ngọc Chiến được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh.


Một góc cánh đồng lúa chín bản Mường Chiến.

Những ngày này, dọc trục đường chính của xã, người dân đang khẩn trương thu hoạch lúa. Tiếng máy tuốt lúa nổ giòn; tiếng nói, tiếng cười của người dân gặt lúa rộn ràng, vang vọng cánh đồng.


Người dân bản Mường Chiến thu hoạch lúa.


Lúa nếp tan Ngọc Chiến.


Người dân tuốt lúa bằng máy cơ giới.

Thời gian thu hoạch lúa cũng là thời điểm diễn ra Lễ hội mừng cơm mới. Lễ hội là tín ngưỡng thờ cúng nông nghiệp, mang đậm bản sắc, văn hóa riêng của người Thái trắng, nhằm tôn vinh, giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng tốt đẹp của cư dân lúa nước nhiều đời qua.


Nghi thức cúng cơm mới tại nhà thờ bản Nà Tâu.


Những lễ vật trong nghi thức cúng cơm mới.

Năm nay, phần lễ, với nghi thức cúng cơm mới được tổ chức tại 2 nhà thờ bản Mường Chiến và bản Nà Tâu. Ngay từ sáng sớm ngày được chọn, thầy cúng dâng lễ vật, gồm lợn, gà luộc, xôi nếp, cốm, rượu… và thực hiện các nghi lễ bày tỏ lòng biết ơn với tổ tiên, trời đất, cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu.

Sau khi làm lễ ở nhà thờ tổ, các hộ dân chuẩn bị lễ cúng cơm mới tại gia đình. Người phụ nữ làm cốm, nấu cơm từ gạo thu hoạch của vụ mới; đàn ông chế biến các món ăn từ lợn, gà, cá, bò, dê, ong rừng, thịt chuột, bí ngô... Mâm lễ cúng tổ tiên được chủ gia đình bày giữa nhà, gần bàn thờ tổ tiên, kết thúc lễ cúng, chủ nhà và khách cùng chung vui bên chum rượu cần, chén rượu nếp sữa.


Thi giã cốm

Rang thóc nếp tan để giã cốm.

Sàng sẩy để tách vỏ chấu ra khỏi cốm.


Sản phẩm cốm nếp tan Ngọc Chiến.

Cũng trong thời gian này, xã Ngọc Chiến còn tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, như: Bóng đá nam - nữ; ném pao; giã cốm; thi ẩm thực; bắt cá; bắn nỏ; hái sơn tra; bịt mắt bắt vịt; đi cầu thăng bằng; trưng bày gian hàng... đông đảo bà con trong xã và du khách tham gia, trải nghiệm.


Du khách tham quan các gian hàng tại Lễ hội.


Thi giã bánh dày.


Tạo hình bánh dày.


Một tiết mục văn nghệ tại phẩn thi hái táo sơn tra.


Phần thi hái táo sơn tra.

Nhiếp ảnh gia, Nguyễn Tuấn Thành, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội, cho biết: Năm 2019, gia đình tôi đã được dự và trải nghiệm Lễ hội ở bản Mường Chiến. Năm nay, chúng tôi chọn trải nghiệm phần thi hái sơn tra tại bản Nậm Nghiệp. Những trải nghiệm thật tuyệt vời. Tôi sẽ giới thiệu với bạn bè, đồng nghiệp về mùa lúa chín và những nét đặc sắc của Lễ hội mừng cơm mới ở Ngọc Chiến.

Ai từng đến Ngọc Chiến, chắc chắn sẽ khó quên được khung cảnh rộn ràng của mùa gặt; những ruộng lúa, những nương sơn tra chín vàng trong ánh nắng thu; cùng sự thân thiện hiếu khách của người dân miền quê cổ tích này.


Một góc bản Mường Chiến.

Tác giả: Theo báo Sơn La