Lò Văn Giá - Người con ưu tú của quê hương Sơn La
Lượt xem: 635
Sơn La là tỉnh miền núi phía Tây Bắc tổ quốc, có vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng. Vì vậy, ngay sau khi xâm chiếm Tây Bắc, thực dân Pháp đã tập trung xây dựng Sơn La trở thành một cứ điểm phòng thủ. Đồng thời, chúng ra sức củng cố bộ máy cai trị phản động địa phương, thực hiện các chính sách ngu dân, khuyến khích các phong tục tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan để chúng dễ bề cai trị. Tại đây, sau gần 30 năm thống trị, thực dân Pháp chỉ cho mở một trường tiểu học, một bệnh viện và nhà hộ sinh ở tỉnh lỵ, chủ yếu để phục vụ thực dân và tay sai, nền kinh tế trì trệ, lạc hậu, đời sống của nhân dân tối tăm, khổ cực, với 99% nhân dân mù chữ.

Những năm 1930, dưới ngọn cờ của Đảng phong trào cách mạng trong nước mạnh như vũ bão. Thực dân Pháp dùng mọi thủ đoạn để đàn áp các phong trào, chúng ráo riết thiết lập hệ thống đồn, bốt, xây dựng nhà tù nhiều hơn trường học. Nhà tù Sơn La từ một nhà tù hàng tỉnh chỉ để giam giữ tù thường phạm đã trở thành địa ngục trần gian để giam cầm và đày ải, giết dần, giết mòn những chiến sỹ cộng sản và những người Việt Nam yêu nước. Nhưng trong ngục tù tối tăm, chi bộ Nhà tù Sơn La đã ra đời, lãnh đạo toàn diện hoạt động của tù nhân chính trị, biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng, là nơi đào tạo, bồi dưỡng cho Đảng nhiều cốt cán lãnh đạo cách mạng.

Một trong 5 công tác lớn của chi bộ Nhà tù Sơn La đó là xây dựng và phát triển các tổ chức quần chúng cách mạng bên trong và bên ngoài nhà tù. Đối với công tác binh vận, tranh thủ tiếp xúc với binh lính, cai đội, anh em tù chính trị để tuyên truyền, vạch trần bản chất của lũ đế quốc tay sai, những thủ đoạn vơ vét bóc lột nhân dân; thái độ khinh miệt người bản xứ, đối xử bất công với binh lính, hành hạ, đàn áp dã man tù chính trị. Vì vậy, nhiều binh lính, cai, đội, đội quản đã giác ngộ và bỏ hàng ngũ địch về với cách mạng như: Quản Mười, đội Thát, đội Thê, cai Chinh, cai Piệng…

Để làm tốt công tác dân vận, chi bộ Nhà tù Sơn La còn thành lập ra các tổ: Tổ vận động công nhân viên chức; tổ vận động thanh niên, học sinh; tổ vận động người Kinh ở phố Chiềng Lề; tổ vận động người Thái ở trong bản. Với những biện pháp tuyên truyền khôn khéo, bền bỉ, Chi bộ đã có ảnh hưởng sâu sắc đến nhận thức cách mạng của quần chúng nhân dân. Năm 1943 Chi bộ Nhà tù Sơn La đã giác ngộ được 2 tổ thanh niên cứu quốc " Mú nóm chất mương" ở tại tỉnh lỵ và châu Mường La. Ngay từ khi mới ra đời tổ "thanh niên cứu quốc" đã tổ chức và lãnh đạo nông dân đấu tranh đòi giảm thuế và bớt ruộng chức ở xã Chiềng Xôm (Mường La), tuyên truyền, vận động, phân tích để quần chúng đưa đơn kiện lên Chánh sứ Sơn La yêu cầu phìa tạo địa phương sung nộp ruộng công, yêu cầu chia lại ruộng cho dân cày, giảm thuế khóa. Những thành công trong hoạt động của tổ chức "Thanh niên cứu quốc" có sự đóng góp rất lớn của các đồng chí Chu Văn Thịnh, Cầm Văn Thinh, Lô Xuân… và đặc biệt là công lao của anh Lò Văn Giá, là người sớm được các tù nhân chính trị tại Nhà tù Sơn La nhen nhóm lên ngọn lửa cách mạng và có công lớn trong việc dẫn 4 đồng chí Trần Đăng Ninh, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Văn Trân và Lưu Đức Hiểu vượt ngục Sơn La.

Sinh năm 1919 trong một gia đình nông dân nghèo ở Bản Cọ - Châu Mường La ( nay là bản Cọ, phường Chiềng An, thành phố Sơn La). Anh Lò Văn Giá mồ côi cha mẹ, được chú thím đưa về nuôi, thấy Giá thông minh, nhanh nhẹn nên chú thím cho đi học ở tỉnh lỵ và trở thành hương sư. Những ngày tháng đi học tiểu học trên đồi Khau Cả, được tiếp xúc với các tù nhân cộng sản tại Nhà tù Sơn La đi lao động khổ sai xe nước, được nghe các đồng chí nói chuyện về tình cảnh đất nước và nhân dân ta dưới ách đô hộ của thực dân tay sai và chủ nghĩa cộng sản ở nước Nga xa xôi không có tây đô hộ, không có phìa tạo áp bức, nhân dân được tự do lao động, trẻ em được đến trường,…. đã dần nhen nhóm trong anh ngọn lửa cách mạng. Anh Giá là một trong những thanh niên tiên phong trong phong trào tuyên truyền, vận động nhân dân địa phương đứng lên đấu tranh chống lại chế độ bóc lột của thực dân và bộ máy cai trị. Với tinh thần giác ngộ và ý chí kiên định, anh được chi bộ Nhà tù Sơn La tuyệt đối tin tưởng và giao trọng trách dẫn đường cho đoàn tù nhân chính trị vượt ngục năm 1943.

 Đây là cuộc vượt ngục duy nhất do chi bộ Nhà tù Sơn La tổ chức, đã chuẩn bị gần 2 năm để đưa 4 cốt cán cách mạng về dưới xuôi lãnh đạo phong trào cách mạng đang lên cao. Cuộc vượt ngục trải qua 9 ngày đêm gian khổ. Thực dân Pháp chỉ đạo phản động địa phương truy lùng gắt gao với giá treo thưởng một đầu tù nhân chính trị là 20 đồng bạc trắng hoặc 5 tạ muối, tên chánh thanh tra an ninh Bắc Kỳ còn phát công lệnh truy nã khắp Đông Dương đối với 4 tù nhân cộng sản vượt ngục. Có thời điểm, đoàn vượt ngục sa vào tay phản động địa phương, nhưng các đồng chí bình tĩnh xử lý tình huống, khôn khéo đối đáp, anh Lò Văn Giá mưu trí, dũng cảm, thuộc địa hình Sơn La nên đoàn vượt ngục về Hòa Bình an toàn. Cuộc vượt ngục thành công có sự đóng góp rất lớn của người thanh niên Thái Sơn La dẫn đường. Khi quay trở về Sơn La, anh Giá đã bị thực dân Pháp bắt được và tra tấn tàn bạo để khai thác thông tin về cuộc vượt ngục, nhưng anh một lòng kiên trung với sự tin tưởng của chi bộ Nhà tù Sơn La, không khai nhận bất cứ thông tin gì liên quan đến tù nhân cộng sản nhà tù Sơn La. Thực dân Pháp không đủ chứng cứ kết tội anh, chúng hèn hạ đem anh vào rừng và thủ tiêu bí mật. Sau khi anh Giá bị bọn thống trị giết hại, tổ chức thanh niên cứu quốc Mường La đã bí mật rải truyền đơn viết tay bằng chữ Thái để tố cáo tội ác dã man của thực dân và tay sai; ca ngợi tấm gương hi sinh của anh Giá; kêu gọi nhân dân theo gương anh đứng lên làm cách mạng. Từ tổ chức thanh niên cứu quốc đầu tiên ở Sơn La đã phát triển các hội thanh niên cứu quốc ở huyện Mai Sơn, Phù Yên, Yên Châu, Thuận Châu…Tấm gương hy sinh của anh Lò Văn Giá đã phơi bày sự bất lực, run sợ của kẻ thù trước ý chí kiên cường của người thanh niên Thái, tiêu biểu cho tấm lòng nhân dân các dân tộc Sơn La hướng về cách mạng. Sự hy sinh ấy đã thức tỉnh nhận thức cách mạng cho những lớp thanh niên của Sơn La đứng lên gánh vác trọng trách với quê hương, đất nước, càng khắc sâu mối căm thù thực dân cướp nước và cổ vũ tinh thần đấu tranh của nhân dân.

Với những đóng góp trong công cuộc đấu tranh giải phóng đất nước, ngày 20 tháng 12 năm 1994, liệt sỹ Lò Văn Giá được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Nhân dân các dân tộc Sơn La rất tự hào có người con ưu tú đã dũng cảm chiến đấu, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng. Tinh thần cách mạng Tháng Tám lan tỏa khắp cả nước, nhân dân các dân tộc Sơn La đã đoàn kết, dương cao ngọn cờ đấu tranh đánh đổ chế độ Thực dân, giành độc lập cho dân tộc. Trong đó có phần đóng góp quan trọng của những hạt giống đỏ của cách mạng trên núi rừng Tây Bắc, tiêu biểu là tinh thần Lò Văn Giá.

Để tri ân đối với Anh hùng Lò Văn Giá, nhân dân các dân tộc thành phố Sơn La đã xây dựng nhà bia tưởng niệm trên mảnh đất nơi anh sinh ra và nuôi dưỡng tinh thần cách mạng cho anh tại Bản Cọ, phường Chiềng An, Tp Sơn La. Đây cũng là địa chỉ có ý nghĩa giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Anh xứng đáng là biểu tượng  cho ngọn lửa đỏ thắp sáng trên quê hương Sơn La.

Nguyễn Ngọc Tú - Bảo tàng tỉnh