Giải pháp để Khu du lịch quốc gia Mộc Châu trở thành động lực phát triển kinh tế địa phương
Lượt xem: 1573
Khu du lịch quốc gia Mộc Châu có độ cao trung bình hơn 1.000m, nằm trên địa phận 2 huyện Mộc Châu và Vân Hồ, cách Thủ đô Hà Nội khoảng 200 km về phía Tây Bắc, cách thành phố Sơn La 120 km về phía Đông Nam theo quốc lộ 6.

Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Quy hoạch tổng thể Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 tại Quyết định số 2050/QĐ-TTg ngày 12/11/2014. Đến năm 2019, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 128/QĐ-TTg ngày 25/01/2019 về việc phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La đến năm 2030.

Khu du lịch quốc gia Mộc Châu từ lâu đã được biết đến như một điểm đến nổi bật ở khu vực miền núi Tây Bắc với những đặc trưng độc đáo về tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hoá, với những chính sách thu hút đầu tư của tỉnh, thời gian qua Khu du lịch quốc gia Mộc Châu đã có bước chuyển biến mạnh mẽ, đạt được một số kết quả đáng kể, với những điểm đến nổi tiếng như: Thác Dải Yếm, Cầu kính Tình Yêu, Đồi chè Trái tim, động Sơn Mộc Hương, Happy land Mộc Châu, Cầu kính Bạch Long, rừng thông bản Áng, đỉnh núi Pha Luông... Bên cạnh đó còn có các điểm du lịch cộng đồng bản Dọi (Mộc Châu), bản Phụ Mẫu, Nà Bai, Hua Tạt (Vân Hồ); du lịch sinh thái, nông nghiệp tại cánh đồng chè Ô Long của Mộc Sương, chè shan tuyết của Công ty Chè Mộc Châu; du lịch nghỉ dưỡng tại Công ty Hoa cảnh Cao Nguyên, Làng Bắc Âu, Vân Hồ Ecolodge... Hệ thống cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch được đầu tư phát triển, từng bước hoàn thiện, có thể đáp ứng nhu cầu đi lại, thông tin liên lạc, lưu trú, hội họp, ẩm thực, mua sắm, chăm sóc sức khỏe... của khách du lịch. Đến năm 2021, Khu du lịch Mộc Châu có 298 cơ sở lưu trú (huyện Mộc Châu có 271 cơ sở gồm 92 cơ sở homestay, 179 cơ sở khách sạn và nhà nghỉ; huyện Vân Hồ có 27 cơ sở lưu trú, trong đó có 16 cơ sở homestay, 11 cơ sở là khách sạn và nhà nghỉ), trong đó có 01 resot 4 sao, 01 khách sạn 4 sao, 02 khách sạn 3 sao, 03 khách sạn 2 sao, 05 khách sạn 1 sao; 342 cơ sở kinh doanh ăn uống và nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm, thể thao, chăm sóc sức khỏe.

Tuy nhiên, mục tiêu lớn nhất phát triển Mộc Châu trở thành khu du lịch quốc gia, tạo động lực phát triển du lịch của tỉnh Sơn La và vùng trung du miền núi Bắc Bộ là còn chưa đạt được. Trong bối cảnh đó, Nghị quyết số 15-NQ/ĐH ngày 24/9/2020 của Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đưa ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 xây dựng và phát triển Khu du lịch Mộc Châu đủ điều kiện để được công nhận là khu du lịch quốc gia. Để đạt được mục tiêu đó, từ nay đến năm 2025, ngành Du lịch tỉnh Sơn La cần đề xuất được các định hướng và giải pháp phát triển Khu du lịch phù hợp và mang tính đột phá; xây dựng được chương trình, kế hoạch hành động, bước đi cụ thể, thiết thực về quản lý phát triển Khu du lịch cho từng năm, các nhóm giải pháp cụ thể như sau:

Tiếp tục hoàn thiện chính sách, cơ chế phát triển khu du lịch, đặc biệt là các chính sách ưu đãi đầu tư cho khu du lịch quốc gia; đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng đơn giản hóa; tăng cường hợp tác công - tư để huy động các nguồn lực, khuyến khích thực hiện xã hội hóa đầu tư, bảo vệ, tôn tạo di tích, thắng cảnh, bảo tồn và phục dựng các lễ hội, hoạt động văn hóa dân gian, các làng nghề phục vụ phát triển du lịch.

Rà soát, điều chỉnh quy hoạch đảm bảo phù hợp với thực tế và nhu cầu phát triển hiện tại cũng như lâu dài; kiện toàn bộ máy quản lý khu du lịch, nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu quản lý liên ngành, liên vùng của hoạt động du lịch; tăng cường công tác quản lý theo quy hoạch, kiểm tra, giám sát để ngăn chặn và xử lý nghiêm minh đối với những trường hợp vi phạm xảy ra trên địa bàn; tăng cường sự phối hợp liên ngành, địa phương trong đó đặc biệt là sự phối hợp giữa Ban quản lý Khu du lịch quốc gia Mộc Châu với UBND các huyện Mộc Châu, Vân Hồ.

Tăng cường đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, vật chất kỹ thuật khu du lịch, ưu tiên bố trí từ nguồn ngân sách Nhà nước để hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho khu du lịch; thu hút nguồn lực toàn xã hội từ khu vực tư nhân, tăng cường huy động nguồn vốn ODA thông qua vay ưu đãi nước ngoài hoặc phát hành trái phiếu Chính phủ cho các công trình cơ sở hạ tầng du lịch.

Đẩy mạnh phát triển thị trường, tập trung khai thác tốt thị trường du lịch nội địa, bao gồm thị trường nội tỉnh, các tỉnh trong vùng, thị trường Hà Nội, vùng đồng bằng sông Hồng và mở rộng tới các tỉnh vùng duyên hải miền Trung, Nam Bộ; tiếp tục tập trung khai thác thị trường Trung Quốc (bao gồm cả Đài Loan); chuẩn bị tốt các điều kiện để khai thác các thị trường truyền thống gần của Việt Nam là Đông Bắc Á, Đông Nam Á…, mở rộng khai thác các thị trường tiềm năng như châu Âu, Bắc Mỹ, châu Úc

Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng chuyên môn cho các cán bộ quản lý nhà nước tại khu du lịch, thu hút cán bộ chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng và cơ cấu ngành nghề. Tăng cường, mở rộng công tác tập huấn, đào tạo chuyên ngành cho người dân làm du lịch; đa dạng hóa các hình thức đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; khuyến khích đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực địa phương.

Tăng cường công tác xúc tiến tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm du lịch của Khu du lịch quốc gia Mộc Châu trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa nghệ thuật, thể thao và du lịch trong nước và quốc tế.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển du lịch đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du lịch cũng như xứng đáng với danh hiệu Khu du lịch quốc gia; tăng cường chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch từ dữ liệu được số hóa, dựa trên những ứng dụng công nghệ mới trong công tác quản lý nhà nước về du lịch, nghiên cứu thị trường, quản lý doanh thu, tiếp thị quảng bá sản phẩm, dịch vụ.

Tăng cường liên kết hợp tác phát triển du lịch với các khu, điểm du lịch khác trong tỉnh và trong vùng, trao đổi, học tập kinh nghiệm công tác quản lý với các khu du lịch quốc gia đã được công nhận; hợp tác với các cơ quan liên quan đào tạo nhân lực, xúc tiến quảng bá, xây dựng thương hiệu khu du lịch.

Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về giá trị tài nguyên thiên nhiên, các di tích lịch sử văn hóa đối với phát triển du lịch cộng đồng; tác động của biến đổi khí hậu đối với hoạt động phát triển du lịch, tăng cường khả năng thích ứng, năng lực giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu trong lĩnh vực du lịch.

Giáo dục nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của Khu du lịch quốc gia Mộc Châu đối với phát triển kinh tế - xã hội; đổi mới tư duy cho những người làm quản lý ngành, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư về phát triển du lịch theo quy luật kinh tế thị trường; khuyến khích hỗ trợ cộng đồng tham gia hoạt động du lịch.

Khu du lịch quốc gia Mộc Châu nằm ở khu vực biên giới, vì vậy phát triển du lịch phải gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh, ổn định trật tự an toàn xã hội; tăng cường đấu tranh phòng chống tội phạm, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, giữ gìn trật tự an toàn xã hội tại các khu, điểm du lịch; phòng, chống gian lận thương mại, chống thất thu thuế, ô nhiễm môi trường; xử lý dứt điểm các tụ điểm phức tạp về trật tự xã hội trong khu du lịch, tạo môi trường lành mạnh, an toàn góp phần phát triển du lịch bền vững.

Tác giả: Vương Thị Nhị - Phòng Quản lý Du lịch