Triển lãm “Nghĩa tình Việt - Lào” tại Bảo tàng Kayson Phomvihan - Nước CHDCND Lào
Lượt xem: 470
Nhân dân hai nước Việt Nam, Lào vốn có mối quan hệ truyền thống thủy chung gắn bó lâu đời, đặc biệt từ khi có sự ra đời và lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, mối quan hệ đó được minh chứng trong giai đoạn cam go nhất của lịch sử cùng chung kẻ thù xâm lược, hai dân tộc luôn kề vai sát cánh bên nhau, đồng cam cộng khổ, chia ngọt, sẻ bùi, xây đắp nên mối tình hữu nghị vĩ đại và ngày càng mở rộng, phát triển. Nhân dịp kỷ niệm 57 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam - Lào (05/9/1962 - 05/9/2017) và 74 năm Chính phủ Lào tuyên bố độc lập (ngày 12/10/1945- 12/10/2019) Bảo tàng tỉnh Sơn La đã phối hợp với Bảo tàng Kayson Phomvihan tổ chức Triển lãm  “Nghĩa tình Việt - Lào”. 


Triển lãm “Nghĩa tình Việt - Lào” là một câu chuyện lịch sử đầy nhân văn về nghĩa tình gắn bó keo sơn của hai nước láng giềng Việt Nam - Lào cùng sát cánh bên nhau trong hai cuộc đấu tranh gian khổ chống thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ; Triển lãm gợi nhớ những câu chuyện tình cảm vô cùng thiêng liêng, xúc động về tình đồng chí, tình mẹ con và tình yêu đôi lứa của những người con hai nước Việt Nam - Lào.


Với trên 80 bức ảnh và tư liệu cùng nhiều câu chuyện cảm động về tình quân dân hai nước, triển lãm gồm ba phần: Phần 1 - Chung một chiến hào, Phần 2 - Chia ngọt sẻ bùi, Phần 3 - Nghĩa tình vượt biên giới. Triển lãm đã giúp người xem có cái nhìn toàn diện ở một cách tiếp cận mới về mối tình gắn bó keo sơn của quân dân hai nước trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng chống thực dân Pháp, Đế quốc Mỹ và những câu chuyện xúc động của quân dân hai nước sau này.

Cuối thế kỷ XIX, khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, Lào, Campuchia với ý đồ cưỡng bức ba nước, sáp nhập thành một “Xứ Đông Dương thuộc Pháp”. Cho đến năm 1930, Đảng cộng sản Đông Dương ra đời đã lãnh đạo, thúc đẩy phong trào đấu tranh yêu nước của nhân dân ba nước Đông Dương. Tháng 9/1945, nước Việt Nam DCCH ra đời sau khi cách mạng tháng Tám thành công. Sau đó không lâu, ngày 12/10/1945 Chính phủ cách mạng Lào tuyên bố độc lập và ra mắt nhân dân. Đến năm 1951, phong trào cách mạng của ba nước Đông Đương phát triển mạnh mẽ, Đảng cộng sản Đông Dương đã tuyên bố tự giải tán, mỗi nước thành lập một đảng riêng: Cùng với việc thành lập Đảng Lao động Việt Nam; Đảng Nhân dân Lào và Đảng Nhân dân cách mạng Khơ me. Đồng thời, Mặt trận Liên minh ba nước được thành lập đã giành nhiều thắng lợi trên các mặt trận như: Chiến dịch Biên giới 1950, chiến dịch Thượng Lào 1953, chiến dịch Điện Biên Phủ 1954; buộc địch phải ngồi vào bàn hội nghị ký Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Đương.

Những chiến công oanh liệt của cuộc kháng chiến chống Pháp đã tô đậm thêm tình hữu nghị đặc biệt của quân và dân hai nước. Và những tình cảm cao cả, mối quan hệ gắn bó bền chặt đó một lần nữa lại được minh chứng rõ nét hơn sau khi Việt Nam và Lào chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 05/9/1962 và trong những năm tháng gian khổ nhưng đầy vinh quang của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Những nội dung này, được thể hiện rất rõ nét trong chủ đề 2 của triển lãm “Chia ngọt sẻ bùi”. 

Những hình ảnh đồng cam cộng khổ, chia sẻ với nhau từng nắm rau ớt, từng nắm gạo… cho đến nhà cửa, đất đai… của nhân dân Việt Nam - Lào trong cuộc kháng chiến chống Đế quốc Mỹ, liên quân Lào - Việt đã phối hợp giành thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Thắng lợi thứ Nhất, Liên quân Lào - Việt đã phối hợp tác chiến, đập tan âm mưu tiêu diệt lực lượng Pa thét Lào và giải cứu thành công các lãnh tụ Neo Lào Hắc Xạt bị bắt giam tại nhà lao Phôn Khênh (Viêng Chăn).

Thắng lợi thứ Hai, Liên quân Lào - Việt đã xây dựng thành công con đường chiến lược Trường Sơn. Năm 1959, nhận thấy cần tăng cường chi viện cho chiến trường miền Nam, Chính phủ Việt Nam đã đề nghị Chính phủ Lào cho mở đường tiếp tế trên lãnh thổ Lào. Được sự nhất trí của Chính phủ Lào, nhân dân Việt Nam và Lào đã xung phong tham gia mở đường từ Bắc Việt Nam đi qua lãnh thổ Lào, Căm Phu Chia ở phía Tây Trường Sơn đến Nam Việt Nam. Nhân dân các bộ tộc Lào còn tự nguyện rút vào rừng sâu, để bộ đội, du kích bám làng, bám đường hòng đập tan cuộc tập kích của không quân Mỹ vào đường Trường Sơn và vùng giải phóng Lào. Đây là tài sản vô giá của Liên minh Việt - Lào, khi nói đến đường Trường Sơn, các chuyên gia quân sự Mỹ đều nói rằng đây là “một trong những thành tựu vĩ đại nhất của nền khoa học kĩ thuật quân sự thế kỷ XX”.

Sau khi chính thức ký kết hợp tác ngoại giao vào ngày 05/9/1962. Cuối năm 1963, Chính phủ Việt Nam cử các chuyên gia quân sự sang Lào thực hiện nhiệm vụ quốc tế. Đến năm 1975, khi thời cơ chín muồi, Liên quân Lào - Việt đã kết hợp “ba đòn phản công” cùng mũi “đấu tranh pháp lý” lần lượt giành chính quyền vào 30/4/1975 (Việt Nam) và 02/12/1975 (Lào).

Suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ, quân đội và nhân dân hai nước đã cùng nhau trải qua biết bao khó khăn, gian khổ. Cùng với những thắng lợi vẻ vang được ghi dấu ở khắp các chiến trường Việt - Lào, sự mất mát, hy sinh anh dũng quả cảm của quân và dân hai nước, có những bài thơ, bài hát, những câu chuyện mà ca từ, ngôn ngữ được viết lên từ  những mối tình thật cảm động của những bà mẹ Lào, những cô gái Lào với quân tình nguyện Việt Nam và cả tình yêu đôi lứa kết trái đơm hoa của những người con Lào - Việt.

Câu chuyện thứ nhất mang tên “Mối tình định mệnh”.

Năm 1937, vị Hoàng thân trẻ Xu pha nu vông đến Nha Trang nhận công tác, đã gặp cô Nguyễn Thị Kỳ Nam - Hoa khôi Trung Kỳ đẹp nức tiếng gần xa. Sáu tháng sau cuộc gặp mặt đầu tiên ấy, cặp trai tài gái sắc nên duyên vợ chồng, đúng như lời tiên tri của nhà chiêm tinh ở cung điện Xu xa van na đã phán khi Hoàng thân còn nhỏ: “Lớn lên, Xu pha nu vông sẽ trở thành một danh nhân và sẽ lấy vợ là người nước ngoài, trong cuộc gặp mặt đầu tiên, người con gái ấy sẽ mặc áo màu hồng”. Sau khi kết hôn, Hoàng thân đã đặt cho vợ yêu của mình một tên tiếng Lào: Viêng Khăm Xu pha nu vông (Nghĩa là: bức thành vàng quý giá của dòng họ Xu pha nu vông), để biểu đạt tình cảm và sự trân quý của mình với bà Kỳ Nam.

Cuộc hôn nhân kéo dài 58 năm của họ đã trải qua bao biến cố, bà Viêng Khăm Kỳ Nam vẫn một lòng thủy chung, chịu thương chịu khó, hy sinh để chồng bước tiếp con đường “của đấu tranh giành lại đất nước thực sự độc lập cho con người Lào”. Khi Hoàng thân Xu pha nu vông và các lãnh tụ cách mạng Lào bị giam tại nhà lao Phôn Khênh, bà Viêng Khăm đã bí mật giấu tài liệu vào tã lót người con trai út rồi đưa cho chồng. Thấy chồng bị tra tấn dã man, bà lại tất tả đưa đàn con về Việt Nam nhờ Bác Hồ cứu giúp.

Vợ chồng Hoàng thân sinh được 10 người con, tất cả 10 người con đều có tên Việt do Bác Hồ đặt, đều học tập ở Việt Nam rồi quay trở về phục vụ đất nước Lào và họ tự hào khi trong huyết quản mình có một nửa dòng máu Việt.

Bên cạnh những mối tình được đơm hoa kết trái vẫn còn có những mối tình dang dở. Câu chuyện thứ hai mang tên “Tìm lại” với sự trở về của anh lính tình nguyện Việt Nam (anh Thanh) sau 30 năm quay lại tìm chủ nhân của bức thư (cô Mon) có đoạn viết “Dù thế nào đi nữa em cũng xin yêu anh bằng tất cả tấm lòng, mặc dù đau khổ thế nào em cũng vui lòng khi được yêu anh” . Cô gái ấy giờ ra sao, cuộc sống như thế nào, dù muộn màng nhưng Thanh vẫn phải quay lại đất nước Lào thân yêu, để gỡ nút thắt trong lòng mình.

Trở về những ngày mùa đông Hà Nội năm 1964, khi sang thăm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hoàng thân Xu pha nu vông và đồng chí Kay sỏn Phôm vi hản chỉ mặc manh áo mỏng. Thấy vậy, Bác Hồ rất xót xa và không hiểu Người làm thế nào mà khi ra về cả Hoàng thân Xu pha nu vông và đồng chí Kay sỏn Phôm vi hản đều cảm thấy ấm lòng; câu chuyện “Chiếc khăn ấm tình Việt Lào” được Hoàng thân Su va nu vông kể lại sau đó.

Dòng sữa là thứ thiêng liêng mà bất kỳ người phụ nữ nào cũng muốn gìn giữ cho con mình. Thế nhưng, Cô Chia - Một người phụ nữ Lào quyết định dùng dòng sữa của mình để cứu một anh lính tình nguyện Việt Nam bị thương nặng, bởi lẽ “Tôi nghĩ người Việt cũng như người Lào, tôi thương đồng chí đó vì sợ nếu chết đi sẽ bỏ lại bố, mẹ, vợ, con ở quê nhà. …. Trước đó, tôi cũng chưa từng biết đất nước Việt Nam ở chỗ nào, nhưng khi thấy anh em Việt Nam sang giúp đất nước mình, tôi thương và yêu quý nên tôi quyết định vượt qua mọi ái ngại và cho sữa”.

Hay câu chuyện “Ngôi mộ giả giữa rừng Lào” với nhiều điều thần bí nằm trên đồi Xiềng Khen (Hủa Phăn) trong kháng chiến chống thực dân Pháp là minh chứng rõ nét nhất về tình quân dân, sự mưu trí của nhân dân Lào cứu giúp quân tình nguyện Việt Nam.

Trong những ngày kháng chiến gian khổ, dù nghèo khó, nhưng những nắm rau ớt của bà mẹ Lào thực sự đã giúp cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam ấm lòng khi chiến đấu. Bài thơ Rau ớt mẹ Lào chính là sự tri ân tấm lòng của các bà mẹ Lào đối với chiến sỹ Việt Nam, thể hiện sự thương nhớ sắt son của những người con Việt Nam trong cuộc kháng chiến chung của hai dân tộc.

"Quả ớt của mẹ Lào

Cho con bộ đội Việt

Nắm rau của mẹ Lào

Cho các con tình nguyện

Mùa mưa đến ớt rau đang rộ

Thương các con gian khổ tháng ngày

Rau, ớt này mang đến tận tay

Tuy bé nhỏ nhưng đầy tình nghĩa

Tình mẹ con và tình đồng chí

Nghĩa tình Việt Lào mãi sắt son"

Triển lãm "Nghĩa tình Việt - Lào" được khai mạc vào Ngày 11/10/2019, tại Bảo tàng Kay Sỏn Phôm vi hản, Thủ đô Viêng Chăn, nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào chính là một món quà mà chúng tôi, những người thực hiện triển lãm kính tặng những người đã từng tham gia cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, Đế quốc Mỹ của hai dân tộc và đặc biệt là nhân dân hai nước Việt Nam và Lào nhân kỷ niệm 57 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa 2 người Việt Nam - Lào (5/9/1962 - 5/9/2019) và 74 năm Chính phủ Lào tuyên bố độc lập (ngày 12/10/1945- 12/10/2019)./.

Tác giả: Lưu Hải Anh