ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH ĐẾN NĂM 2020 TẦM NHÌN 2030
Lượt xem: 503
Sơn La nằm ở vị trí trung tâm Tây Bắc của Tổ quốc, cách Thủ đô Hà Nội 300 km theo quốc lộ 6, tỉnh Sơn La có diện tích tự nhiên là 14,174 km2, với dân số trên 1 triệu người, gồm 12 dân tộc anh em: Thái, Kinh, Mông, Mường, Dao, Khơ Mú, Xinh Mun, Tày, La Ha, Lào, Kháng, Hoa cùng sinh sống. Sơn La giáp ranh với 6 tỉnh: Hoà Bình, Lai Châu, Yên Bái, Phú Thọ, Điện Biên, Thanh Hoá và có chung 250 km đường biên giới với nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào.

Sơn La là miền đất còn hoang sơ thuần khiết của núi rừng, thiên nhiên hùng vĩ và cả tấm lòng chân chất, hiếu khách của người dân nơi đây. Mùa xuân về, hoa ban, hoa đào, hoa mơ, hoa mận nở trắng khắp núi rừng Tây Bắc càng tô đẹp thêm cho quê hương giàu bản sắc văn hoá và truyền thống cách mạng.

 Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của du lịch cả nước, du lịch Tây Bắc nói chung và du lịch Sơn La đã có bước chuyển biến đáng kể, tính đến 9 tháng năm 2016, toàn tỉnh đón 1.415.000 lượt khách du lịch, trong đó khách đi về trong ngày 727.000 lượt; khách tại các cơ sở lưu trú 688.000 lượt, trong đó: Khách quốc tế: 33.000 lượt; Tổng doanh thu du lịch xã hội ước đạt 619,3 tỷ đồng; 05 đơn vị kinh doanh lữ hành; 150 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có gần 30 khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 1 đến 3 sao; nhiều loại hình du lịch mới được hình thành như du lịch khám phá, du lịch mạo hiểm, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng…Hoạt động du lịch dịch vụ đã góp phần làm tăng trưởng cơ cấu ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế, xã hội của toàn tỉnh.

Bên cạnh kết quả đã đạt được, du lịch Sơn La vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như: Các cơ chế chính sách của tỉnh nhằm thu hút đầu tư chưa rõ ràng, thủ tục hành chính còn rườm rà, chưa tạo được sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Du lịch Sơn La chưa xây dựng được thương hiệu du lịch riêng, đặc trưng. Sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, chất lượng dịch vụ thấp; Kết cấu hạ tầng còn không đồng bộ, cơ sở vật chất phục vụ phát triển du lịch còn mang tính tự phát. Kết quả hoạt động du lịch chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh của tỉnh, hiệu quả kinh doanh, phục vụ đạt thấp; Cộng đồng dân cư tham gia hoạt động dịch vụ du lịch không nhiều; Các điểm đến hình thành chưa rõ nét;  Nguồn nhân lực còn nhiều bất cập, vừa thiếu, vừa yếu, hầu hết chưa được đào tạo về nghiệp vụ; Một bộ phận nhân dân không chủ động phát huy nội lực, còn có tư tưởng trông chờ vào hỗ trợ của nhà nước…

Nhận định được các thế mạnh để phát triển du lịch và những tồn tại hạn chế trên tỉnh đã chú trọng trong công tác xây dựng và quản lý quy hoạch phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn 2030.  Ngày 30/12/2014 UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3586/QĐ-UBND về điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Sơn La và Quyết định số 3674 ngày 31/12/2014 phê duyệt tổng thể phát triển du lịch vùng lòng hồ thủy điện Sơn La, với những định hướng phát triển về sản phẩm du lịch, định hướng phát triển dịch vụ du lịch cụ thể:

* Nhóm các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng,chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí và cuối tuần ở các vùng cảnh quan: Du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh tại cao nguyên Mộc Châu, Vân Hồ (Khu du lịch quốc gia Mộc Châu); Hồ thủy điện Sơn La, Huổi Quảng, Nậm Chiến, Suối Sập); Suối khoáng nóng bản Moòng (thành phố Sơn La); Hua Ít thị trấn Ít Ong (huyện Mường La); bản Lướt, xã Ngọc Chiến (huyện Mường La); xã Chiềng Sại (huyện Mộc Châu), Bản Bon (Quỳnh Nhai)...

* Nhóm các sản phẩm tham quan danh lam thắng cảnh: Thác nước bản Phụ Mẫu 2, xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ; vùng núi cao Mường La, Thuận Châu, Quỳnh Nhai; hồ thuỷ điện Sơn La, hồ thuỷ điện Hoà Bình, sông Mã, công trình thủy điện Sơn La; cảnh quan Miếu Nàng Han, Cầu Pá Uôn (huyện Quỳnh Nhai), Hang Thẳm Pó, Hang Co Nong; thác Dải Yếm…

* Nhóm các sản phẩm du lịch văn hóa: Di tích lịch sử Nhà tù Sơn La, Văn bia vua Lê Thái Tông; Bảo tàng Sơn La (thành phố Sơn La), tượng đài Thanh niên xung phong (Mai Sơn), Đồn Mộc Lỵ (Mộc Châu), bãi đá cổ xã Hang Chú, huyện Bắc Yên, Hang Mộ Tạng Mè xã Suối Bàng huyện Vân Hồ; Hồ nhân tạo, nhà máy chế biến sản xuất, khu trồng rau, hoa cây cảnh, vườn cây ăn quả, trang trại, làng nghề...); Các bản làng dân tộc thuộc các xã Lóng Luông, Vân Hồ, Tân Xuân (Vân Hồ), Phiêng Luông, Tân Lập, Tân Hợp, Phiêng Cành, Tà Phình, Nậm Khao, Cà Đạc (Mộc Châu) ; bản Hài, bản Hìn, bản Cá và bản Bó (xã Chiềng An, thành phố Sơn La; Bản Suối Chiếu, xã Mường Thải (huyện Phù Yên); Các lễ hội văn hóa truyền thống...

* Nhóm các sản phẩm du lịch sinh thái: các khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Nha, Sốp Cộp, Tà Xùa; Du lịch sinh thái - nông nghiệp công nghệ cao ở Mộc Châu...

* Nhóm các sản phẩm du lịch cộng đồng: các xã Chiềng Cọ, Chiềng Xôm, Chiềng An; Chiềng Ngần (Thành phố Sơn La); Lóng Luông; Chiềng Yên; Xuân Nha; Tân Xuân (huyện Vân Hồ); Tân Lập, Đông Sang (huyện Mộc Châu); Mường Chiên (Quỳnh Nhai); Ngọc Chiến (Mường La); Xã Mường Do, Tân Phong, Quang Huy, Tường Tiến, Mường Thải huyện Phù Yên...

* Nhóm các sản phẩm du lịch thể thao mạo hiểm, khám phá:  Thể thao mạo hiểm, khám phá thiên nhiên các khu bảo tồn Xuân Nha, Sốp Cộp, Tà Xùa; Thể thao nước vùng lòng hồ thủy điện Sơn La; Du lịch Caravan; Du lịch “phượt”; Du lịch sân golf, du lịch trên sông hồ, du thuyền…

* Nhóm các sản phẩm du lịch tâm linh: Đền thờ Vua Lê Thái Tông (Thành phố Sơn La) ; Đền thờ Nàng Han, huyện Quỳnh Nhai; Di tích lịch sử nhà tù Sơn La, thành phố Sơn La; Chùa Chiền Viện (Vạt Hồng) Mộc Châu; Đình Chu (Phù Yên); Tháp Mường Và (Sốp Cộp); Đền thờ Hai Bà Trưng (Sông Mã); Đền Hang Miếng (huyện Vân Hồ); Khu trị sự phật giáo tỉnh...

Phát triển du lịch theo cụm, khu đô thị: Cụm Mộc Châu-Vân Hồ; Cụm du lịch thành phố Sơn La; Phù Yên - Bắc Yên; Mường La - Quỳnh Nhai - Thuận Châu; Sông Mã - Sốp Cộp ;

Phát triển các tuyến du lịch: Các tuyến du lịch nội tỉnh, gồm: Tuyến du lịch đường bộ (Vân Hồ- Mộc Châu - TP Sơn La - Điện Biên; TP Sơn La - Mai Sơn - Yên Châu - Bắc Yên - Phù Yên - Phú Thọ - Yên Bái; TP Sơn La - Thuận Châu - Quỳnh Nhai - Lai Châu - Lào Cai...); Tuyến du lịch đường thủy (Hòa Bình - Vạn Yên - Tà Hộc - Thủy điện Sơn La - huyện  Quỳnh Nhai - thị xã Mường Lay (tỉnh Điện Biên); Mường La - Quỳnh Nhai...; Các tuyến du lịch phụ trợ: Tuyến từ TP Sơn La; thị trấn Mộc Châu; thị trấn Quỳnh Nhai...; Các tuyến du lịch chuyên đề: Du lịch tham quan, khám phá hang động; Du lịch cộng đồng; Du lịch thể thao mạo hiểm...

Các tuyến du lịch liên tỉnh: Tuyến Thành phố Sơn La - Hòa Bình - Hà Nội - các tỉnh đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc; TP Sơn La - Điện Biên - Lai Châu - các tỉnh vùng núi phía Bắc; TP Sơn La - Mường La - Lào Cai - Yên Bái - Hà Nội; TP Sơn La - Hoà Bình - Ninh Bình - Thanh Hoá - các tỉnh phía Nam.

Tuyến du lịch quốc tế: Phát triển các tuyến đường bộ qua các cửa khẩu Loóng Sập, Chiềng Khương với CHDCND Lào và các nước ASEAN trong khuôn khổ GMS.

Định hướng phát triển dịch vụ du lịch: Phát triển cơ sở lưu trú du lịch; Các khu vui chơi, giải trí; Dịch vụ hướng dẫn du lịch; Phát triển các điểm du lịch cộng đồng; Phát triển du lịch lòng hồ sông Đà; Phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tại Mộc Châu; Phát triển du lịch văn hóa, lịch sử và các dịch vụ kèm theo.

Nguyễn Thị Thanh Huyền